Tết Nam Bộ xưa dưới ngòi bút các học giả – Tác giả: Đình Thương

Tết ở Nam Bộ không quá cầu kỳ với những lễ nghi, hội hè mà xoay quanh đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán gắn liền với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước… tạo nên nét ‘chấm phá’ riêng trong văn hóa Tết ở đất phương Nam.

Sử gia Trịnh Hoài Đức

Đến nay, có lẽ “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức là tư liệu xưa nhất có nói về Tết ở Nam Bộ. Sách nêu rõ phong tục, tập quán đón Tết của người miền Nam cách đây khoảng 2 thế kỷ. Theo đó, đến cuối năm thì may sắm áo quần mới, quét dọn nhà cửa, dán treo câu liễn năm mới, trang trí bàn thờ tổ tiên.

Đến giờ Dần ngày đầu năm phải thắp hương và dâng trà lễ bái tiên tổ, sau đó mừng tuổi người trưởng thượng. Ngoài ra, đặt cỗ bàn dâng lên tiên tổ mỗi ngày 2 lần sớm chiều, phụng sự như khi còn sống.

Tuc le an Tet o Nam Ky min 800x533 - Tết Nam Bộ xưa dưới ngòi bút các học giả - Tác giả: Đình ThươngBài “Tục lệ ăn Tết ở Nam Kỳ” đăng trên báo Thời thế số xuân Tân Tỵ năm 1941 của tác giả Nam Châu.

Theo Trịnh Hoài Đức, ở đất Gia Định, vào tháng cuối năm thường lo chạp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vâng theo quốc điển…“Lễ là do nghĩa mà ra, xem ở Trung Hoa có lễ Thanh minh, tảo mộ, thì nước ta làm lễ tảo mộ trong tháng Chạp cũng là phải nghĩa hơn”.

“Ngày trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng 1 cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Đến ngày mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu…”, Trịnh Hoài Đức ghi.

Gia Dinh Thanh Thong Chi min 714x800 - Tết Nam Bộ xưa dưới ngòi bút các học giả - Tác giả: Đình ThươngGia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức.

Đặc biệt, tư liệu của Trịnh Hoài Đức còn tái hiện phong tục đánh trống, gõ phách, dán bùa tiễn năm cũ rước năm mới của người xưa. Ông miêu tả: “Đêm 28 tháng Chạp, Na nhân (người dán bùa, đọc chú trừ tà – PV) đánh trống mọi, gõ phách. Một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú thì đẩy cửa ngõ vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, rồi nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy, cho đến trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà ma, tiễn cũ rước mới”.

Tác giả Nam Châu
Bai cam tuong ve tet trong Nam min - Tết Nam Bộ xưa dưới ngòi bút các học giả - Tác giả: Đình Thương
“Bài cảm tưởng về tết trong Nam” của Vương Hồng Sển in trong Tập san Sử Địa số 5 ngày 30/1/1967.

Trong bài “ Tục lệ ăn Tết ở Nam Kỳ” đăng trên báo Thời thế số xuân Tân Tỵ năm 1941, tác giả Nam Châu đã mô tả việc chuẩn bị đón Tết khoảng 100 năm trước. “Nam Kỳ thời xưa, vừa bắt đầu tháng Chạp thì mọi người đã nôn nao sắm áo, mua quần, trồng thọ (cúc vạn thọ – PV), mồng gà, chắt ao, xổ đập, mua gà vịt để dành sẵn đó… Qua 20 tháng Chạp, lớp thì đi chợ mua chút ít thịt heo về làm nem, làm bì trước, còn ai ở nhà hoặc đi làm ăn đâu xa cũng ráng về lo đi “giẩy mộ”.

Theo Nam Châu, công việc “giẩy mộ” có ý nghĩa như “săn sóc bề ngoài cho người quá vãng, tựa lúc những người ấy còn sanh tiền mà được sắm quần áo vậy”. Điểm độc đáo mà Nam Châu ghi chép khá đầy đủ là sự bình đẳng giữa con cháu, phải có trách nhiệm với ông bà, tiên tổ. “Giàu có hay sang trọng cũng xúm làm, làm nhiều không được thì làm ít, để tỏ tấm lòng “của không bằng công”.

Trong bài “ Tục lệ ăn Tết ở Nam Kỳ” đăng trên báo Thời thế số xuân Tân Tỵ năm 1941, tác giả Nam Châu đã mô tả việc chuẩn bị đón Tết khoảng 100 năm trước. “Nam Kỳ thời xưa, vừa bắt đầu tháng Chạp thì mọi người đã nôn nao sắm áo, mua quần, trồng thọ (cúc vạn thọ – PV), mồng gà, chắt ao, xổ đập, mua gà vịt để dành sẵn đó… Qua 20 tháng Chạp, lớp thì đi chợ mua chút ít thịt heo về làm nem, làm bì trước, còn ai ở nhà hoặc đi làm ăn đâu xa cũng ráng về lo đi “giẩy mộ”.

Theo Nam Châu, công việc “giẩy mộ” có ý nghĩa như “săn sóc bề ngoài cho người quá vãng, tựa lúc những người ấy còn sanh tiền mà được sắm quần áo vậy”. Điểm độc đáo mà Nam Châu ghi chép khá đầy đủ là sự bình đẳng giữa con cháu, phải có trách nhiệm với ông bà, tiên tổ. “Giàu có hay sang trọng cũng xúm làm, làm nhiều không được thì làm ít, để tỏ tấm lòng “của không bằng công”.

Học giả Vương Hồng Sển

Vương Hồng Sển là người “nặng lòng” với văn hóa Nam Bộ. Trong bài viết “Cảm tưởng về Tết trong Nam” in trong Tập san Sử Địa số 05 ngày 30/1/1967 học giả họ Vương đã hoài niệm về không khí Tết ở thập kỷ 30 của thế kỷ trước.

Theo Vương Hồng Sển, “Tết trong Nam mộc mạc sơ sài”, chỉ có mỗi lần Tết đến mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở và ra công dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo, ông Vôi…“Nhà nhà bất luận sang hèn cũng có đôi liễn mới dán đỏ cột và trên bàn thờ tổ tiên có lộc bình, quả tử (trái cây – PV), nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau chùi bóng nhoáng rất nên thơ”.

Trong ba ngày Tết, Vương Hồng Sển đặc biệt quan tâm và bàn nhiều về tục “vào khem” (bắt đầu kiêng c ử – P V ). Theo cụ Vương , “vào khem” trong Nam cũng giản dị, đơn sơ, không quá kiêng cữ nhiều như miền Trung và miền Bắc. “Vào khem” đối với dân “lục tỉnh” thâu gọn lại. “Cứ từ chạng vạng tối bắt đầu phải giữ gìn cho trong nhà bình tịnh, không nên cười lớn và khi nói phải lựa lời, cử chỉ phải thanh bai lễ giáo vì hiểu rằng“vào khem”trong nhà có rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày xuân nhựt với con cái, nên phải thủ lễ”.

“Nhà Nam Bộ học” – Sơn Nam

Theo lời kể của bạn bè, sinh thời Sơn Nam thường nói và bàn nhiều về phong tục Tết Nam Bộ. Trong quyển “Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam”, ông cho biết, miền Nam chuộng bông mai vàng. Để hoa nở đúng giao thừa phải biết xem nụ và lặt lá mai.

Dinh mieu va le hoi dan gian mien Nam min - Tết Nam Bộ xưa dưới ngòi bút các học giả - Tác giả: Đình Thương
“Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam” của Sơn Nam.

Thường lặt lá khoảng trước sau rằm tháng Chạp. Nhà nào không trồng mai cũng “ra chợ mua nhánh to nhánh nhỏ, màu hoa tươi tắn, màu vàng hài hòa với ánh nắng rực rỡ phía Nam” về chưng Tết. Mai thời trước chuộng nhất là năm cánh, lần hồi lai tạo, chiết ghép có hoa đến hơn 20 cánh. Tuy nhiên về sau người dân vẫn chuộng loại mai vàng truyền thống.

Theo Sơn Nam, thời xưa còn gì hơn là chưng bày hoa quả để ca ngợi đất nước và sự hài hòa của thời tiết. “Giới bình dân Đồng bằng Sông Cửu Long thích chưng bày“ngũ quả”,thường là bốn loại trái cây bình dân, kiểu chơi chữ như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, gợi ý “cầu vừa đủ xài”, không tìm được trái tốt thì dùng trái non, hoặc lá mà thay thế hoặc chưng trái sung (sung túc)”.

Qua ghi chép của các tác giả, học giả xưa, phần nào thấy được phong tục, tập quán Tết cách đây hàng chục năm, hàng trăm năm ở Nam kỳ lục tỉnh. Tết ở Nam Bộ đến nay đã thay đổi nhiều tuy nhiên vẫn giữ được giá trị tinh thần, nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo.

Đ.T

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây