Thần Tài và việc mưu cầu tài lộc thời nay – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

1. Là một cư dân nông nghiệp cho nên đến cuối thế kỷ XIX, Thần Đất/Thổ Thần vẫn còn đảm nhận chức năng của Thần Tài. Nói cách khác, Thần Tài – vị thần chuyên trách về việc tiền bạc, của cải và sự giàu có… đến lúc bấy giờ vẫn chưa xuất hiện. Cụ thể là trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của, cắt nghĩa về Thổ Thần và Tài Thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc” (T.II, tr. 336). Sự nhập nhằng này, mãi về sau này, khi đã đề xuất ra vị Thần Tài cụ thể rồi, thì việc thờ chung Thổ Địa và Thần Tài như một cặp đôi không thể tách rời ra được vẫn được bảo lưu đến tận ngày nay. Điều này coi ra tín lý phồn thực của đất được cộng đồng cư dân nông nghiệp bảo thủ dai dẳng, thậm chí vẫn còn tồn tại trong tâm thức khi kinh tế hàng hóa đã phát triển, khi các ngành công thương, dịch vụ đã chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế xứ ta. Cơ sở thực tế của sự bảo thủ này là là vai trò của đất đai, lúa má, nông sản vẫn chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Song cũng có cách lý giải có phần sách vở hơn là dựa vào luật tương sinh tương khắc của ngũ hành, theo đó việc thờ tự cặp đôi Thổ Địa-Thần Tài được cho là bắt nguồn từ tín lý: “Thổ sinh kim”.

Than Tai va viec muu cau tai loc thoi nay min - Thần Tài và việc mưu cầu tài lộc thời nay - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2. Ở góc độ tạo hình, hình tướng Thần Tài xứ ta là phiên bản của thần “Thổ Địa/Phước Đức chính thần” của người Hoa. Thoạt đầu, Thần Tài được tích hợp với túi đựng tiền hoặc xách xâu tiền điếu ở một tay và tay kia ôm bó bông lúa trĩu hạt. Điều này chỉ ra Thần Tài là vị thần coi việc tiền bạc, song cũng còn dính líu đến thóc lúa. Rồi trong chừng vài ba thập niên gần đây, thì bó lúa đã biến mất và tượng thần tích hợp chủ yếu là các thoi vàng xuồng. Thoi vàng xuồng trở thành “trì vật” đặc biệt phổ biến không chỉ của Thần Tài mà cả Thổ Địa, một số thần linh khác kể cả Tiếu Phật Di Lặc bụng bự, bộ tam đa Phước Lộc Thọ… Đây là biểu hiện bồng bột của thời đại kinh tế thị trường đang được cổ xúy mạnh mẽ. Theo đó, tâm thức của thế nhân cũng chuyển động sôi nổi hướng về mục đích tìm kiếm lợi nhuận một cách hồ hởi chưa từng có và xu thế nổi trội trong sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng là việc đổ dồn vào sự tôn sùng chư thần tài lộc, việc cầu cúng lễ bái đền miếu, các cơ sở thờ tự tôn giáo lại chủ vào cầu xin những lợi ích thực dụng.

3. Trong diễn tiến đó, việc mở của hội nhập với khu vực và thế giới cũng tạo ra hiện tượng đa tạp do sự tích hợp chư vị Thần Tài từ nhiều nguồn khác nhau trong tín ngưỡng thờ Thần Tài.

Như chúng ta biết, Thần Tài ở xứ ta, như đã nói trên, đã cùng tồn tại với tập họp các thần tài lộc vốn do các nhóm di dân người Hoa thờ tự ở các đền miếu, hội quán và tư gia. Đó là Thần Tài võ Triệu Công Minh, Quan Vũ; Thần Tài văn bao gồm Tỷ Can, Phạm Lãi (Đào Công), Tài Bạch Tinh Quân, Văn Xương Đế Quân, Phúc Lộc Thị tam tinh cùng các Thần Tài phụ như Ngũ Lộ Tài Thần, Hắc Bạch Vô Thường và các Thần Tài không chính danh, tức các thần linh không hẳn là Thần Tài nhưng kiêm nhiệm việc tài lộc, như Lưu Hải, Hòa Hợp Nhị Tiên…

Ngoài các Thần Tài của người Hoa, trong một hai thập kỷ gần đây là tập hợp các Thần Tài Nhật Bản cũng đã có mặt trong khám thờ hay kệ tủ của tiệm quán. Phổ biến có Chiêu Tài Miêu Mannekikeno, Thần Tài Daikoku, Daruma (đầu tượng Bồ Đề Đạt Ma cách điệu tượng trưng cho sự kiên định vượt thắng trở ngại), thần bảo hộ chợ Ebisu… Một hướng khác là từ các quốc gia Phật giáo Nam truyền Đông Nam Á. Nổi bật là nữ Thần Tài Thái Lan Nangkwak cũng được một số tiệm quán thờ làm Thần Tài. Nangkwak là Thần Tài thờ tự cả ở Lào và Cambốt (người Khmer gọi là “Niêng Bật-Niêng Bột” – có nghĩa là “Nàng Ngoắc- Nàng Vẫy”). Theo đó, người Việt gọi là “Bà Ngoắc” bởi hình tướng vị Thần Tài này là một phụ nữ, một tay giữ túi tiền/vàng và tay kia co lên vẩy ngoắc mời khách. Cũng từ hướng này, du nhập vào xứ ta một đối tượng phù trợ tài lộc là thánh tăng Sivali. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của Phật giáo Mật tông, tập hợp Thần Tài Mật tông cũng trở nên đối tượng thờ tự thời thượng: Hắc Tài Thần  (Mahakala), Hoàng Tài Thần, Bạch Tài Thần, Tài Phú Thiên Vương, Thần Tài đầu voi Ganesha (Hoan Hỉ Thiên), Cát Tường Thiên Mẫu, Ngũ Lộ Tài Thần Jambhala, Tài Nguyên Thiên Mẫu, Tài Bảo Thiên Mẫu…

Ngoài tượng thờ, tranh thờ các dạng Thần Tài ngoại nhập nói trên là các linh vật/bảo vật chiêu tài cầu lợi cũng xuất hiện bề bộn. Không chỉ sư tử, tỳ hưu ồn ào như “báo chí đã ghi, ti-vi đã nói” mà vô thiên lủng các loại linh vật phong thủy, bùa chú, tượng thần, đá phong thủy, tranh vẽ treo chỗ này, đặt chỗ kia, chọn màu này tránh màu kia…v.v… với sự xác tín rằng chúng sẽ phù hộ cho gia chủ phát tài, hay thành công trong công việc làm ăn, kinh doanh buôn bán. Toàn cục việc thờ Thần Tài và các thứ hỗ trợ tài lộc thời kinh tế thị trường này trở nên đặc biệt phong phú đến mức đa tạp và đã rơi vào tình trạng “loạn thần phả”. Đây là bức tranh điển hình về tính chất hỗn dung đa tạp, thậm chí là vô nguyên tắc trong các dạng thức văn hóa đương đại. Một mặt, ở góc độ “toàn cầu hóa” thì việc cảnh báo rằng trên địa cầu không còn một rẻo đất trinh bạch đã ít nhiều hiển hiện và mỗi cộng đồng sẽ là “ngôi làng thế giới”. Rõ ràng đây là một thách thức với chủ nghĩa thuần khiết văn hóa, tức đã đòi hỏi phải có cách ứng xử mới chứ không phải chỉ phản kháng hay ngăn chặn. Mặt khác, xu hướng tìm đến một tập hợp Thần Tài đa tạp như vậy, cho thấy mức độ thái quá trong việc mong cầu tài lộc của thế nhân thời nay và, xu hướng cầu tài, từ mọi đối tượng linh thiêng cũng biểu hiện tâm thế mưu cầu tài lộc bằng một tham niệm đi quá xa quan niệm nghiêm cẩn về việc thờ tự theo tín lý truyền thống “Ăn ở có đức, không đủ sức mà xài”, đặt nền tảng trên nguyên lý nhân quả biểu hiện trong kho tàng truyện cổ tích, tiêu biểu như truyện Chum vàng bắt được, truyện Cái cân thủy ngân…hoặc quan niệm “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” mang màu sắc “trọng nghĩa khinh tài” của Nho gia.

Việc mong cầu tài lộc biểu hiện ở việc thờ cúng Thần Tài theo một cách thức nào đó cũng là sự thể hiện thái độ của mình với tiền tài. Ở thời đại hiện nay, hầu như bất kỳ giáo trình kinh tế học nào luôn có một chương đề cập đến đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nhân/doanh nghiệp. Đây không phải là vấn đề mới mà từ xưa đến nay trong việc làm ăn, buôn bán lương thiện, yêu cầu chánh nghiệp đã luôn được đặt ra. Còn xét về mặt văn hóa tình trạng “loạn thần phả” cũng là điều “Rằng hay thì thật là hay” và niềm hi vọng của chúng ta là với năng lực sáng tạo không lường trước được, trong bước đường dấn vào quá trình đối ứng không đơn giản đó, sẽ tìm ra một phương thức tổng hợp mới-cũ và tích hợp nội-ngoại dung hòa được mối liên kết giữa yếu tố tiên tiến và bản sắc văn hóa dân tộc.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây