Thăng Long thời Lê, thời Mạc -Lê Trung Hưng (1428 - 1788)

Thăng Long thời Lê, thời Mạc -Lê Trung Hưng (1428 – 1788)

Các vua Trần quản lý đất nước đến năm 1400 thì chính quyền vào tay nhà Hồ. Nhà Hồ định đô ở Thanh Hóa, gọi là Tây Ðô, đổi tên của Thăng Long thành Ðông Ðô. Triều Hồ tồn tại trong một thời gian ngắn thì năm 1407 quân Minh lại xâm chiếm nước ta. Từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước.

Lê Lợi lên ngôi vua vào năm 1428, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt, kế tục các vua Lý – Trần chọn Thăng Long làm kinh đô, đặt cho tên mới là Ðông Kinh. Từ năm 1428 đến năm 1788, chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Thăng Long vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Về chính trị – xã hội: Nhìn chung trong gần bốn thế kỷ, thành Thăng Long vẫn xây dựng theo cấu trúc “tam trùng thành quách” nhưng đã mở rộng về phía Ðông. Cấm thành nằm phía trong có kiến trúc hình chữ nhật, cửa chính là Ðoan Môn, điện Kính Thiên xây trên đỉnh núi Nùng cùng nhiều cung điện, lầu gác. Bên ngoài Hoàng thành là nơi nhân dân sinh sống tiếp tục được mở mang. Năm 1514, Vua Lê cho đắp thêm tường Hoàng thành, theo bản đồ Hồng Ðức vẽ năm 1490, Hoàng thành bấy giờ gồm cả khu vực Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần và tỉnh Hà Nội trong thời nhà Nguyễn sau này, nghĩa là rộng khoảng gấp đôi Hoàng thành thời Lý – Trần và rộng gấp ba tỉnh Hà Nội. Triều đình cũng ban sắc chỉ lập hai huyện Quảng Ðức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường, hoạt động sản xuất và buôn bán của các phường thợ đã không ngừng phát triển. Thời hậu Lê, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng, Thăng Long là một kinh thành không ổn định về chính trị. Các thế lực quân sự, phe phái trong triều đình không ngừng giành giật, đấu đá lẫn nhau.

Về kinh tế: Dưới thời hậu Lê, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng, Thăng Long luôn có vai trò là trung tâm kinh tế của Ðại Việt. Mặc dù triều chính nhiều năm hỗn loạn thì hoạt động sản xuất và buôn bán của các phường thợ vẫn diễn ra tấp nập, kinh tế thủ công bước đầu được chuyên nghiệp hóa, tạo nên các làng nghề tiêu biểu, như: Bát Tràng làm gốm; Nghi Tàm, Thụy Chương với nghề dệt vải; Yên Thái có nghề làm giấy; Ngũ Xã với nghề đúc đồng; phố Hàng Trống với nghề làm tranh… Kinh tế hàng hóa thương nghiệp ở Thăng Long phát triển, việc trao đổi và lưu thông tiền bạc liên tục là cơ sở cho sự ra đời của phố Hàng Bạc – phường đúc bạc nén, đổi bạc nén ở ngay kinh thành. Thăng Long như một chợ đầu mối lớn nhất cả nước, để từ đó, chợ phố huyện, chợ thị trấn là những địa chỉ trung gian phân phối một khối lượng lớn hàng hóa và sản vật tới các địa phương, hình thành nên một thị trường thống nhất liên vùng. Bên cạnh hoạt động thương nghiệp, tại ven sông Nhĩ Hà ở phía tây kinh thành, ngay từ đầu thế kỷ 15, Triều đình đã cho người đến khai phá, lập nên khu “Thập tam trại”. Sự hiện diện của vùng nông thôn giữa lòng đô thị Thăng Long sầm uất như là một bộ phận cộng sinh, cùng góp phần thúc đẩy kinh thành thêm phát triển.

Về văn hóa – giáo dục: Triều hậu Lê ban bố sắc lệnh trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tổ chức khoa thi Hội đầu tiên vào năm 1442. Những người đỗ đạt được triều đình trọng vọng, cất nhắc vào những tước vị cao, cùng giúp nhà vua quản lý, điều hành đất nước. Vào thời Vua Lê Thánh Tông, Hội Tao Ðàn ra đời, đánh dấu một bước phát triển của phong trào sáng tác văn học cung đình do chính nhà vua khởi xướng. Thời Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp, chủ yếu là trùng tu một số chùa tháp cũ. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm. Nếu như trong những năm tháng cầm quyền của triều Mạc hoạt động giáo dục ít nhiều lắng xuống thì sang đến thời Lê – Trịnh, Thăng Long trở thành nơi hội tụ nhân tài của quốc gia. Từ khắp nơi, kẻ sĩ về với kinh thành, truyền bá đạo học. Thế kỷ 16 – 18, Thăng Long là nơi ghi dấu ấn tên tuổi của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, Trạng Lường – Lương Thế Vinh, học giả Lê Quý Ðôn,… cùng nhiều nhà khoa bảng danh tiếng khác./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây