Thế giới đón bé gái là công dân thứ 8 tỷ, sớm hơn dự kiến 15 năm

Thế giới đón bé gái là công dân thứ 8 tỷ, sớm hơn dự kiến 15 năm
Dân số tại các nước (màu xanh càng đậm thì càng cao) và so sánh dân số tại một số quốc gia vào năm 2012 và 2022. Trong đó, India là Ấn Độ, USA là Mỹ, UK là Vương quốc Anh, China là Trung Quốc - Đồ họa: DAILY MAIL/LIÊN HIỆP QUỐC

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam sáng 15/11 cho biết thế giới chính thức chạm mốc 8 tỷ người, sớm hơn kỳ vọng 15 năm. Dự kiến đến năm 2037, con số này sẽ lên mức 9 tỷ. Tuổi thọ trung bình cũng tăng mạnh trong nhiều năm qua.

Bé gái sinh ra ở Tondo, Manila (Philippines) được ghi nhận là người thứ 8 tỷ trên thế giới. Venice Mabansag ở Delpan, Tondo được sinh thường tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial vào sáng sớm 15/11.

“Chúng ta vừa chứng kiến em bé thứ 8 tỷ trên thế giới ở Philippines. Bé đã chào đời vào 1h29 sáng nay”, bác sĩ Romeo Bituin, Giám đốc chuyên môn y tế của bệnh viện, cho biết. 

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho biết 12 năm trước (năm 2010), dân số thế giới mới chỉ chạm mốc 7 tỉ người, chúng ta kỳ vọng đến năm 2037 con số này mới lên 8 tỉ.

Thực tế, đến năm 2022, thế giới đã đạt 8 tỷ và đến năm 2037, con số này dự kiến nâng lên mốc 9 tỷ, châu Á và châu Phi sẽ thúc đẩy sự gia tăng này.  

Báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2022 chỉ ra rằng, thế giới mất 12 năm để tăng từ 7 tỷ dân lên 8 tỷ, xấp xỉ thời gian từ 6 tỷ lên 7 tỷ. Một tỷ tiếp theo dự kiến sẽ cần 14,5 năm. Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080, duy trì mức đó đến năm 2100.

Trong 10 quốc gia đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỉ đến 8 tỉ, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria.

2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con trên một phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế).

Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng vào năm 2021, tuổi thọ của các nước kém phát triển nhất đã tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu.

Còn ở nhiều nước đang phát triển, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng.

Bà Naomi Kitahara cho rằng dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng đằng sau con số 8 tỷ người và việc chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. “Chúng ta đã giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đông thời tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi”, bà nói.

Giám đốc điều hành UNFPA toàn cầu nhấn mạnh rằng khái niệm “quá nhiều người” trên thế giới là một sai lầm. Bà nhấn mạnh rằng nếu chỉ tập trung vào qui mô dân số và tỷ lệ gia tăng dân số thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế và phản tác dụng gây ảnh hưởng tới quyền con người, chẳng hạn như phụ nữ bị gây áp lực phải có con hoặc bị ngăn cản không được sinh con.

Thế giới hiện nay có thể có nhiều người hơn, nhưng điều quan trọng không kém đó là sự đa dạng nhân khẩu học chưa từng có mà chúng ta thấy trong dân số toàn cầu.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây