“Then” trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam hiện nay

“Then” trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam hiện nay
Các nghệ nhân Then trình diễn tại Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội ( nguồn ảnh: Báo Nhân dân)

“Then” trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam hiện nay

Then là hình thức văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang… Là một nghi lễ trong Then, Then “cấp sắc” đã lưu giữ và phản ánh những tinh hoa văn hóa được đúc kết trao truyền với bao tâm huyết của các nghệ nhân dân gian.

Từ bao đời nay, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Then có nhiều nghi lễ, nghi thức như: Then cầu an giải hạn, thường tổ chức vào dịp đầu năm; Then nàng hang, diễn ra vào dịp Trung thu; Then cúng mụ, diễn ra vào dịp cúng đầy tháng; Then thôi tang; lẩu Then là những nghi lễ lớn nhất của nhà Then và trong đó nghi lễ Then cấp cao nhất chính là  Then “cấp sắc”.

Chính vì yếu tố đặc trưng không thể trộn lẫn này mà thực hành các nghi lễ Then đã được ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đánh dấu bước ngoặt trong thực hành văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và là một nghi thức trình diễn vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tâm linh trong đời sống các dân tộc nói trên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.

Theo tư liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Then nghĩa là Thiên hoặc SLiên – Trời, hát Then là khúc hát của Trời có tác dụng xua tà quỷ, cứu dân. Then là khúc hát, điệu múa được dùng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, mừng năm mới… của các dân tộc Tày, Nùng, Thái do những người làm nghề Then thực hiện.

Nói về Then cấp sắc, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Then cấp sắc không có tác giả cụ thể (khuyết danh). Then cấp sắc là công trình tập thể của nhiều người, nhiều thế hệ. Lúc đầu tín ngưỡng dân gian đã gắn bó với những hình thức cụ thể nào đó và những lời cầu cúng có nhịp điệu, về sau được các nghệ nhân là Then hoàn chỉnh dần. Điều đặc biệt là sau mỗi lần sao chép thì người chép lại tự ý thêm vào hoặc bớt đi theo hướng hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Do đó, trong Then cấp sắc có nhiều bản khác nhau tùy thuộc vào từng vùng,thể hiện rõ nhất là ở các chương mục, số câu trong chương, độ dài các câu…

20 min 1 - “Then” trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam hiện nayTrình diễn Lẩu Then của người Tày ở Lạng Sơn (nguồn ảnh: Báo Nhân dân)

So sánh sự khác biệt giữa Then cấp sắc với các loại hình Then khác, ông Tuân cho rằng: Về mặt thể loại Then cấp sắc dùng nhiều thể văn. Trong đó thể thất ngôn lưu thủy chiếm 78%, thể ngũ ngôn chiếm 10%, thể chín ngữ chiếm 5%, thể văn xuôi chiếm 2% và được đan xen nhau. Điều này khiến cho Then cấp sắc không nhàm chán dù được thực hiện trong khoảng thời gian dài của nghi lễ với các nội dung phong phú, đa dạng. Mặt khác, Then cấp sắc cũng khác với các dân ca giao duyên, sử dụng rất nhiều ngôi thứ ba ở các đoạn mô tả, kể chuyện, “họ” chỉ đặt mình vào ngôi thứ nhất khi trình bày các đoạn công văn, gọi vía, có đoạn còn thoát vai coi như người đứng ngoài quan sát, tường thuật cuộc hành trình, có đoạn lại như thần tiên đã nhập vào người họ để phán quyết vấn đề, lúc lại là người ngoài cuộc để bình phẩm, góp ý về số phận, lúc lại tự đặt mình như gia chủ trần tục để xin tổ tiên, thần thánh phù hộ giúp đỡ…

Có thể hiểu đơn giản nội dung văn bản của Then, nhất là Then cấp sắc chính là kể về cuộc hành trình hung tráng của đoàn quân Then vận chuyển các lễ vật vượt qua muôn trùng khó khăn để tiến dâng lên Ngọc Hoàng, xin được cấp sắc cho nhà Then đương sự. Cuộc hành trình này, tuy đoàn quân Then phải trải qua nhiều gian nan vất vả, nhưng lại được chứng kiến nhiều cảnh đẹp lạ thường mà trần gian không có. Thông qua cuộc hành trình, Then cấp sắc phản ảnh nhiều mặt của đời sống, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái các tỉnh phía Bắc ở thời kỳ phong kiến xưa.

21 min 1 - “Then” trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam hiện nayNghệ nhân các thế hệ trình diễn Then mừng năm mới (nguồn ảnh: Báo Nhân dân)

Nghi lễ Then nói chung còn là nghi thức tâm linh của con người kết nối với đấng tối cao của mình là Trời. Hiện nay, nghi lễ này chủ yếu được lưu truyền qua các thế hệ bằng hình thức khẩu truyền. Theo tài liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc điểm của Then là tính nghệ thuật gắn liền với yếu tố tâm linh. Thầy Then là người sáng tạo cả về lời ca và giai điệu, cây đàn Tính dùng trong nghi lễ không có phím cho nên thầy Then hoàn toàn có thể ngẫu hứng tạo âm trên cây đàn, nghi lễ Then cũng được cho là hoàn toàn mang tính xã hội khi gắn liền với nhiều nghi thức cúng cầu gắn liền suốt cuộc đời con người. Do vậy, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên, khi Then đã và luôn đi vào đời sống và có sức sống tương đối mạnh mẽ trong sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc như là một nét văn hóa đặc trưng không thể trộn lẫn. Để giờ đây, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái luôn có thể tự hào về Then khi được ghi danh vào danh  mục di sản văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân Then ở các lứa tuổi khác nhau từ già đến trẻ vẫn luôn âm thầm giữ lửa, khơi nguồn, lưu truyền nét đẹp văn hóa để thực hành Then có thể chảy mãi, chảy mãi đến muôn đời sau trong đời sống văn hóa đương đại hiện nay.

Phạm Vĩnh Hà

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây