Thủ tướng: Ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch

Thủ tướng: Ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế. Đồng thời, tiếp tục chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.

Tối 19/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Đây là hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ tham dự, trực tiếp chỉ đạo các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về công tác ngoại giao kinh tế, tiếp nối cuộc làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Tham tán, Tùy viên thương mại ở nước ngoài được tổ chức cách đây đúng 1 tháng, ngày 19/8.

“Ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”; đánh giá hội nghị được tổ chức với tư duy, cách làm đổi mới để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”. Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Chúng ta cũng không bó tay, không khuất phục, không ngồi chờ mà chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình, giữ vững đoàn kết, thống nhất để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng và phát huy mọi cơ hội và thuận lợi để phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Về một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.

Đồng thời, tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.

Day la hoi nghi dau tien Thu tuong Chinh phu tham du truc tiep chi dao cac Dai su Truong Co quan dai dien Viet Nam o nuoc ngoai min - Thủ tướng: Ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịchĐây là hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ tham dự, trực tiếp chỉ đạo các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về công tác ngoại giao kinh tế – Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Trong đó tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa và xử lý các rủi ro, tranh chấp.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tiếp tục vận động các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải đóng góp cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu như các nước phát triển.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Xuân Trường

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây