Giới thiệu khái quát tỉnh Bình Thuận

Giới thiệu khái quát tỉnh Bình Thuận

Giới thiệu khái quát tỉnh Bình Thuận

Diện tích tự nhiên 7.813 km2, dân số 1,207 triệu người, mật độ dân số 155 người/km2 (theo niên giám thống kê 2014). Gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Phan Thiết (Trung tâm tỉnh lỵ), thị xã Lagi và 8 huyện; trong đó có 1 huyện đảo Phú Quý.

  1. Vị trí địa lý:

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, , có toạ độ địa lý 107°24’- 108°23’ kinh độ Đông, 10°33’N – 11°33’ vĩ độ bắc , có tổng diện tích: 7.810,4 km² với bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải: 52.000 km², từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná, Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu, Bà Rịa-Vũng Tàu. Phía bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía tây bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

  1. Khí hậu:

Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa: từ tháng 5 đến tháng 10; Mùa khô: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình: 27°C, lượng mưa trung bình: 1.024 mm, độ ẩm tương đối: 79% và tổng số giờ nắng: 2.459 giờ.

  1. Đặc điểm địa hình:

Đại bộ phận lãnh thổ là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, phân hoá thành 4 dạng địa hình: đất cát và cồn cát ven biển chiếm 18,22% diện tích đất tự nhiên, đồng bằng phù sa chiếm 9,43% diện tích đất tự nhiên, vùng đồi gò chiếm 31,65% diện tích đất tự nhiên, vùng núi thấp chiếm 40,7% diện tích đất tự nhiên. Với địa hình này đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế đa dạng

  1. Dân số:

Dân số trung bình năm 2008 có 1.188,5 nghìn người, trong đó dân số đô thị chiếm 40,0%, dân số nông thôn chiếm 60% với mật độ dân số trung bình 152 người/km2

  1. Tài nguyên thiên nhiên:
  2. Tài nguyên đất

Với diện tích 785.462 ha, Bình Thuận có 10 loại đất với 20 tổ đất khác nhau: đất cát, cồn cát ven biển và đất mặn phân bố dọc theo bờ biển từ Nam Tuy Phong đến Hàm Tân, diện tích là 146,5 nghìn ha (18,3% diện tích đất toàn tỉnh), với loại đất này có thể phát triển mô hình trồng cây ăn quả và các loại hoa mùa như dưa, hạt đậu các loại…; trên đất lợ có thể làm muối hoặc nuôi tôm nước lợ; đất phù sa với diện tích 75.400 ha (9,43% đất toàn tỉnh) phân bố ở vùng đồng bằng ven biển và vùng thung lũng sông La Ngà, diện tích đất này trồng được lúa nước, hoa màu và cây ăn quả…; đất xám có diện tích là 151.000 ha (19,22% diện tích đất toàn tỉnh), phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện, thuận lợi cho việc phát triển cây điều, cao su, cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Diện tích còn lại chủ yếu là đồi núi, đất đỏ vàng, đất nâu vùng bán khô hạn… Những loại đất này sử dụng vào mục đích nông – lâm nghiệp.

Đất không có khả năng nông nghiệp 381.611 ha (chiếm 48,75% diện tích)

  1. Tài nguyên rừng

Kết quả kiểm kê hiện trạng rừng năm 1999, diện tích đất có rừng của tỉnh là 368.319 ha (năm 1992 là 391.815 ha – giảm 23.496 ha), trữ lượng gỗ 19,508 triệu m3 gỗ (giảm 4,47 triệu m3) và 95,6 triệu cây tre nứa (tăng 70 triệu cây).

Diện tích rừng tự nhiên hiện có 344.385 ha, giảm 37.084 ha so với năm 1992 (381.469 ha). Kiểu rừng gỗ lá rộng, kiểu rừng rụng lá, kiểu rừng hỗn giao lá kim chiếm ưu thế; kiểu rừng hỗn giao và tre nứa thuần loại. Điều đáng lưu ý là hiện nay đang diễn ra tình trạng giảm diện tích rừng giàu, rừng trung bình và tăng diện tích rừng hỗn giao tre, nứa và rừng trồng nguyên liệu.

  1. Tài nguyên khoáng sản

Bình Thuận có nhiều tích tụ khoáng sản đa dạng về chủng loại: vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, nước khoáng, sét, đá xây dựng có giá trị thương mại và công nghiệp.

Trữ lượng sa khoáng ilmenít là 1,08 triệu tấn, zicon 193.000 tấn, đi cùng với zicon còn có nhiều monazít và đất hiếm. Nguồn khoáng sản rất lớn của Bình Thuận là thuỷ tinh với tổng trữ lượng 496 triệu m3 cấp P2, hàm lượng SiO2. Nó có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất thuỷ tinh cao cấp và kính dân dụng hoặc sản xuất nguyên liệu. Khoáng vật liệu xây dựng có các kết vôi 3,9 triệu m3 cấp P2 phân bố ở Vĩnh Hảo và Phước Thế, đá vôi san hô (Tuy Phong), sét gạch ngói phân bố ở nhiều nơi; đá xây dựng và trang trí ở Tà Kóu trữ lượng 45 triệu m3, núi nhọn (Hàm Tân) trữ lượng cấp P là 30 triệu m3.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, có khả năng khai thác thương mại sản xuất nước giải khát, sản xuất tảo; phục vụ dịch vụ tắm chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Riêng 3 điểm nước suối Vĩnh Hảo, Văn Lâm, Hàm Cường và Đa Kai là các mỏ nước khoáng loại cácbonát – natri được dùng sản xuất nước giải khát với khả năng khai thác hàng năm khoảng 300 triệu lít.

  1. Tài nguyên nước

Bình Thuận có 7 lưu vực sông chính là: sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và sông La Ngà. Tổng diện tích lưu vực 9.880 km2 với chiều dài sông suối 663 km. Nguồn nước mặt hàng năm của tỉnh khoảng 5,4 tỉ m3 nước trong đó lượng dòng chảy bên ngoài đưa đến 1,25 tỉ m3, riêng sông La Ngà chiếm 2,1 tỉ m3. Nguồn nước phân bố mất cân đối theo không gian và thời gian. Lưu vực sông La Ngà thừa nước thường bị ngập úng nhưng vùng Tuy Phong, Bắc Bình, ven biển (lưu vực sông Phan, Sông Dinh), thiếu nước trầm trọng, có những nơi như vùng Tuy Phong, Bắc Bình, dấu hiệu báo động tình trạng hoang mạc hoá đã xuất hiện.

– Nguồn nước ngầm ít, bị nhiễm mặn, phèn; rất ít có khả năng phục vụ nhu cầu sản xuất, chỉ đáp ứng được phần nhỏ cho sinh hoạt và sản xuất trên một số vùng nhỏ thuộc Phan Thiết và đồng bằng sông La Ngà .

– Nguồn thủy năng khá lớn, tổng trữ năng lý thuyết khoảng 450.000 KW, tập trung chủ yếu trên sông La Ngà. Riêng 4 bậc thủy điện La Ngà với công suất lắp máy 417.000 KW, sản lượng điện dự kiến khai thác 1,8 tỷ KWh. Khả năng khai thác nguồn thủy năng trên các lưu vực từ sông Dinh đến sông Lòng Sông rất nhỏ, chủ yếu là các công trình thủy điện nhỏ (15 công trình) với công suất lắp máy 1.900KW.

  1. Tài nguyên biển:

Với vùng biển đang quản lý khai thác rộng 52.000 km2, biển Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn nhất của Việt Nam, trữ lượng hải sản từ 220 đến 240 ngàn tấn, phong phú về chủng loại với nhiều loại hải đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có trên 6.000 tàu thuyền có động cơ với tổng công suất 230.000 HP, sản lượng hải sản khai thác hàng năm đạt trên 130.000 tấn. Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ở phía Bắc tỉnh đã quy hoạch 3.000 ha đất nuôi tôm; vùng ven biển phía Nam tỉnh có gần 1.000 ha bãi triều phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Huyện đảo Phú Quý trên biển Đông rất gần đường hàng hải quốc tế, là tụ điểm giao lưu Bắc – Nam và ngư trường Trường Sa, Đảo Phú Quý là tụ điểm thuận lợi cho phát triển ngành khai thác, chế biến hải sản, phát triển dịch vụ hàng hải và du lịch.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây