Trương Hán Siêu – Nhà văn lớn thời Trần, niềm tự hào của quê hương Ninh Bình

Trương Hán Siêu - Nhà văn lớn thời Trần, niềm tự hào của quê hương Ninh Bình

Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: P.V

Trương Hán Siêu (?-1354) tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu (ông già trốn đời), người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, sau là thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, ngày nay thuộc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Ông là người có tài, thông minh, học giỏi. Khi Trần Hưng Đạo lui quân về Trường Yên đã nhận ông làm môn khách. Ông tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (năm 1285) và lần thứ ba (1287-1288) với cương vị là “Thư nhi” – như chức thư ký riêng của Trần Hưng Đạo, soạn thảo các đạo sắc chuyển đến những đoàn quân.

Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ ba thắng lợi (năm 1288), Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương đã tiến cử ông vào triều đình (trước năm Trần Hưng Đạo mất (1300).

Từ năm 1308, vua Trần Anh Tông (1293-1314) cho ông giữ chức Hàn lâm học sĩ, soạn thảo chiếu, cáo để ban bố và các văn từ ngoại giao của triều đình.

Đến đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), năm 1326, ông giữ chức Hành Khiển (tương đương chức Thượng Thư).

Mười ba năm sau, năm 1339, đời vua Trần Hiến Tông (1329-1341), ông làm Môn hạ hữu ty lang trung.

Sang triều vua Trần Dụ Tông (1341-1369), ông giữ chức Tả ty lang trung, kiêm kinh lược sứ Lạng Giang (Lạng Sơn). Đến năm 1345, ông làm Tả gián nghị đại phu (chức quan chuyên việc can gián nhà vua). Sáu năm sau, năm 1351, ông được thăng chức Tham tri chính sự (tương đương chức Thượng thư). Có thể ông giữ chức này trong một thời gian rồi xin nghỉ về quê, làm nhà ở bên núi Dục Thúy. Trương Hán Siêu đã làm quan qua năm đời vua: Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông. Khi làm quan văn ở trong triều, nhà vua chỉ gọi ông là “thầy” chứ không gọi tên. Cho nên sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá ông là ông quan văn học vượt hẳn mọi người. Ông là một nhà nho chân chính – một cột trụ học vấn lớn của triều đình nhà Trần nhưng cũng là người văn võ song toàn.

Tháng 9 năm 1353, quân Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu (vùng Thừa Thiên – Huế ngày nay), khi đó là biên giới phía Nam của đất nước, quan quân triều đình đánh đuổi chúng rất khó khăn. Vua Trần Dụ Tông bèn sai ông đem các quân Thần sách đi trấn giữ Hóa Châu. Mặc dù tuổi đã ngoài 80, Hóa Châu lại cách kinh đô khoảng 700 cây số, nhưng vâng lệnh vua, ông đã đem quân đi trấn giữ vùng này và ở đây 14 tháng. Đến tháng 11 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1354), khi biên thùy yên ổn, ông xin triều đình trở về và được vua y cho, nhưng chưa về tới kinh sư thì mất. Thi hài ông được đưa về an táng ở quê nhà.

Trương Hán Siêu là người uyên bác, am hiểu nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, pháp chế, du lịch, tôn giáo, môi trường sinh thái…, một số lĩnh vực lại là người khởi đầu, đề xướng. Đóng góp lớn nhất của Trương Hán Siêu là lĩnh vực văn học. Ông là nhà văn Việt Nam thời Trần, cao hơn nữa là nhà văn lớn hàng đầu, tiêu biểu cho giai đoạn Thịnh Trần cả về số lượng và chất lượng.

Đầu tiên phải kể đến số lượng tác phẩm của ông hiện còn: 2 bài ký, 1 bài phú, một chùm thơ 4 bài. Số lượng tác phẩm của ông như thế không ít. Bởi vì, văn thơ Lý – Trần là văn học thời kỳ đầu của nền văn học viết Việt Nam, số lượng nhà văn, nhà thơ và tác phẩm không có nhiều. Không Lộ Thiền Sư chỉ còn lại hai bài thơ Ngôn hoài (Tỏ lòng) và Ngư nhàn (Cảnh nhàn của ông ngư) vẫn được coi là nhà thơ. Chỉ một Hịch tướng sĩ văn (Bài hịch tướng sĩ) mà Trần Hưng Đạo được liệt vào hàng các nhà văn lớn thời Trần.

Tác phẩm của Trương Hán Siêu còn phong phú về thể loại, gồm: thơ, ký và phú.

Không những thế, điều đặc biệt là những tác phẩm của Trương Hán Siêu hầu như khái quát được toàn bộ những tư tưởng nghệ thuật lớn nhất của thời đại Lý – Trần, với sự kết hợp khéo léo giữa trữ tình và triết lý. Nghĩa là thơ văn Trương Hán Siêu không chỉ nói đến cái chung, ca ngợi triều đình, xã tắc, những chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt, mà còn biểu đạt được sắc thái cá nhân – cái “tôi” trữ tình, tức là có cảm xúc hướng ngoại và cảm xúc hướng nội.

Thơ văn Trương Hán Siêu viết cách ngày nay 670 năm, nhưng những điều mà ông đã viết, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị hiện đại lớn lao của tác phẩm đã và sẽ còn có ý nghĩa và tác dụng đối với cuộc sống của chúng ta trong thời đại ngày nay.

Phong cách nghệ thuật trong thơ văn Trương Hán Siêu là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, mang tư tưởng hoài cổ, nhưng biểu hiện bằng thế “động” và “tĩnh”. Phong cách này thể hiện rất rõ trong bài Bạch Đằng giang phú. Đây là bài phú nổi tiếng nhất trong 13 bài phú ở đời Trần – Một áng văn hay “vô tiền khoáng hậu”.

Đời Trần có 13 bài phú, 8 bài lấy đề tài Trung Quốc, một bài đề tài vũ trụ, hai bài đề tài con vật và hai bài viết về đề tài Việt Nam, thì Bạch Đằng giang phú là tia hồi quang phản chiếu những trang lịch sử sáng chói bừng bừng khí thế của chiến trận, làm sống dậy chiến công chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt. Chỉ nói riêng điều này, Bạch Đằng giang phú đã có giá trị lớn lao.

Bạch Đằng giang phú là tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam, vì nó còn chứa đựng một tư tưởng hoài cổ, có thế “động” và “tĩnh” xuyên suốt bài phú. Đây cũng là đặc trưng của văn học Lý – Trần và văn học cổ điển, nhưng lại là những gì rất riêng biệt của Trương Hán Siêu, chỉ có ông mới viết được như thế.

Đọc Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là nhớ lại một thời oanh liệt của dân tộc, có buồn tiếc quá khứ nhưng tràn ngập niềm tự hào, xuất phát từ cảm hứng yêu nước sâu sắc. Sau các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đất nước trở lại bình yên, thời gian càng lùi xa con người ta dễ quên đi quá khứ oanh liệt đã qua, Bạch Đằng giang phú như một lời cảnh tỉnh của Trương Hán Siêu đối với mọi người không được lãng quên quá khứ hào hùng để vươn lên lẽ sống chân chính.

Chủ đề xuyên suốt trong Bạch Đằng giang phú là tâm trạng yêu nước và tấm lòng xót thương con người của Trương Hán Siêu. Đó là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân văn được thể hiện ở thế “động” và thế “tĩnh”. “Động” ở đây là Trương Hán Siêu ca ngợi chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng – một khung cảnh của thế trận đối nhau, đội ngũ chỉnh tề, khí giới đầy đủ, tinh kỳ phấp phới, âm thanh náo động bởi tiếng reo hò của ba quân và gươm giáo va chạm vào nhau:

Đương khi ấy

Thuyền bè muôn đội,

Tinh kỳ phấp phới,

Tì hổ ba quân,

Giáo gươm sáng chói,

Trận đánh thư hùng chửa phân,

Chiến lũy Bắc Nam chống đối,

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

Bầu trời đất chừ sắp đổi.

“Động” là quá khứ như thế, nhưng cũng là hiện tại của cảnh thiên nhiên hùng vỹ, ngoạn mục trên sông Bạch Đằng, những con thuyền trôi trên sông, có “Khách” nói chuyện với bô lão – một dòng sông mênh mông chảy dài theo lịch sử giữa sắc trời mây nước bao la:

Đến sông Bạch Đằng bồng bềnh mái chèo

Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời: một sắc

Phong cảnh: ba thu.

Còn “tĩnh” ở đây là tấm lòng – cái “Tôi” trữ tình của Trương Hán Siêu có thú “tiêu diêu” đồng điệu với tâm hồn Tử Trường, yêu thiên nhiên, muốn con người và thiên nhiên hòa nhập để vui với cảnh sông nước Bạch Đằng như trên, còn là niềm tự hào với dòng sông bất khuất mang chiến công của dân tộc:

Khác nào:

Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay

Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi

Đến nay sông nước tuy chảy hoài

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi

Tái tạo công lao

Nghìn đời ca ngợi.

Đó cũng là nỗi buồn thương xót của Trương Hán Siêu mang tính nhân bản, nhân văn khi nghĩ đến bao người anh hùng đã hy sinh vì nước và cả những sinh linh kẻ thù xâm lược bỏ mạng ở nơi đây – một thứ tình thương nhân loại đã có trong Trương Hán Siêu rất sớm. Ông còn như tĩnh lặng để suy tư, triết lý về vai trò con người làm nên chiến thắng, nhất là con người có “đức cao” được nhân dân kính phục.

“Đức cao” ấy chính là đạo lý truyền thống, lòng yêu nước, yêu hòa bình, chính nghĩa – cội nguồn của sức mạnh Việt Nam. Thế “tĩnh” trường tồn cùng bài phú là như vậy.

Bạch Đằng giang phú đan xen hòa quyện giữa hiện tại và quá khứ để khẳng định sức sống hiện tại và mai sau, mà điều cốt lõi làm nên mọi chiến thắng là yếu tố con người. Tất cả thể hiện ý nghĩa triết học sâu sắc trong văn thơ Trương Hán Siêu.

Hai bài: “Văn bia chùa “Khai Nghiêm” và “Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy” của Trương Hán Siêu đều ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, ca ngợi cảnh chùa, ca ngợi công đức Phật và các nhà sư, đồng thời phê phán những mặt tiêu cực tha hóa, đặc biệt còn chứa đựng một tầm nhìn về văn hóa, du lịch, lên tiếng bảo vệ, tôn tạo các công trình kiến trúc, di tích lịch sử của dân tộc và ẩn chứa vẫn là cái “tôi” trong sáng, cao đẹp, muốn về sống với quê hương, vui thú với cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những bài thơ còn lại của Trương Hán Siêu là cảm xúc hướng nội – hoài cổ – một cái “tôi” trữ tình có cá tính rõ nét: yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, hoài luyến cố hương, mong mỏi được về, nhưng cũng u hoài, băn khăn trước thời cuộc.

Truong Han Sieu Nha van lon thoi Tran 2 min - Trương Hán Siêu - Nhà văn lớn thời Trần, niềm tự hào của quê hương Ninh BìnhĐền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu dưới chân núi Thúy (Thành phố Ninh Bình). Ảnh: P.V

Với tài năng và công lao cống hiến cho đất nước, sau khi ông qua đời, vua Trần Dụ Tông truy tặng ông chức Thái Bảo. Chín năm sau (1363), nhà vua lại truy tặng ông chức Thái Phó. Chín năm sau nữa (1372), đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372), vua ban tặng cho ông được tòng tự ở Văn Miếu (Hà Nội), sánh ngang với Chu Văn An và các bậc tiên nho xuất chúng. Đến nay, tổng kết lại triều nhà Trần chỉ có Chu Văn An (1292-1370) và Trương Hán Siêu (?-1354) được thờ ở Văn Miếu.

Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), Trương Hán Siêu được phụ thờ ở miếu “Lịch Đại Đế Vương” (Miếu chỉ thờ đế vương các đời, trong đó có phụ thờ những bậc khai quốc công thần có công với nước). Miếu “Lịch Đại Đế Vương” ở địa phận xã Dương Xuân (cũ), nay thuộc địa bàn xã Thủy Xuân, nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km.

Nhân kỷ niệm 670 năm năm mất của danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (1354-2024), xin nhắc lại những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp bảo vệ đất nước và phát triển văn hóa dân tộc, để mỗi người dân Ninh Bình mãi tự hào về ông, tiếp tục kế thừa và phát huy di sản của cha ông, nỗ lực góp sức hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Lã Đăng Bật

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây