Xuân về thung lũng ‘Mắt Trời’
Mùa xuân đến mang theo hương sắc của núi rừng và ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, sum vầy.
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xạ Phang ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên ngày nay đã ăn tết cùng với Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, họ có những phong tục đón tết rất đặc trưng, mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.
Bản Thèn Pả những ngày này rộn rã tiếng nói cười khi bà con háo hức đón xuân sang. Theo phong tục, ngày mùng 1 tết, người Xạ Phang dành riêng để tổ chức các lễ cúng và mừng tuổi những người trong gia đình. Từ ngày mùng 2 trở đi mọi người mới ra khỏi nhà đi chúc tết, mừng tuổi bà con, bạn bè làng xóm.
Chị Thàn Chấn Hóa chuẩn bị cho chồng, con những bộ trang phục đẹp nhất để đón tết.
Đón mùa xuân mới năm nay, chị Thàn Chấn Hóa ở bản Thèn Pả cũng sửa soạn cho các con và chồng bộ trang phục đẹp nhất. Con gái được mẹ mặc cho chiếc áo truyền thống với những hoa văn tinh xảo được thêu tỉ mỉ ở cổ và tay áo, tạo nên nét duyên dáng của người phụ nữ Xạ Phang. Chồng và con trai được chị chuẩn bị những đôi giày thêu hoa bắt mắt đi chơi tết. Những bộ trang phục đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà người Xạ Phang gìn giữ từ bao đời nay.
“Trong những ngày tết người Xạ Phang thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Đôi giày thêu, bộ quần áo này là những thứ tôi đã chuẩn bị cho chồng, con cái. Để làm xong trước tết tôi đã phải chuẩn bị nguyên liệu và làm từ mấy tháng trước rồi. Nhìn thấy chồng con mặc đẹp trong những ngày tết tôi rất vui và cảm thấy công sức mình bỏ ra thêu thùa, may vá trong những ngày qua cũng xứng đáng lắm”, chị Thàn Chấn Hóa chia sẻ.
Ngày tết, người dân tộc Xạ Phang thường mổ lợn sau đó ướp muối để chế biến thành thịt hun khói và ăn dần.
Cùng với trang phục truyền thống, trong mâm cơm ngày tết của người Xạ Phang không thể không có món thịt lợn hun khói. Món ăn này đã trở thành một nét ẩm thực trong ngày tết của người Xạ Phang ở thung lũng được mệnh danh là “Mắt Trời” Thèn Pả. Thịt lợn được người Xạ Phang chuẩn bị từ trước tết nhiều ngày, thậm chí cả tháng để cúng ông bà tổ tiên và mang đi chúc tết gia đình thông gia; hay dùng để chế biến thành các món ăn mời anh em, bạn bè người thân trong ngày tết.
Ông Sần Lao Ngai, Già làng bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: Việc mổ lợn ngày tết, sau đó ướp muối để chế biến thành thịt hun khói và ăn dần đã trở thành truyền thống, nét đặc trưng của người Xạ Phang ở Thèn Pả. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình nhưng ngày tết, hầu hết mọi nhà trong bản đều mổ lợn ăn tết.
“Năm nay dịch bệnh COVID-19 nên con cháu không đi làm ăn được cũng khó khăn, nhưng phong tục của dân tộc mình năm nào cũng phải mổ một con lợn tết để mời anh em đến ăn. Tùy theo từng gia đình, song việc mổ lợn để đón tết thường diễn ra vào những ngày cận tết nguyên đán, sau đó nhà nào cũng treo lên gác bếp để dùng chế biến ăn dần. Riêng đầu lợn và một chân trước, một chân sau để dành cho nghi thức cúng gia tiên ngày 30 tết. Nó đã trở thành một nét đặc trưng của dân tộc và được duy trì từ đời này sang đời khác”, ông Sần Lao Ngai nói.
Một mùa xuân mới lại về nơi thung lũng “Mắt trời” Thèn Pả.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, nhiều tục lệ trong ngày lễ, tết của người Xạ Phang ở Thèn Pả đã có nhiều thay đổi tích cực, các hủ tục đã được đẩy lùi.
Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả chia sẻ: Tết là dịp để đồng bào dân tộc Xạ Phang được diện những bộ quần áo đẹp nhất để đi thăm nhau. Trong không khí ngập tràn sắc xuân, họ gửi trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp và cùng mong một năm mới nhiều may mắn.
“Dân tộc Xạ Phang chúng tôi cũng ăn Tết trùng với Tết Nguyên đán của dân tộc Kinh. Tết thì chúng tôi có các trò chơi như làm đu gỗ để quay, đánh tù lu… Trước Tết thì dân tộc chúng tôi có chuẩn bị một con lợn mổ đến tết để mời anh em ra ăn tết cùng, xong còn chuẩn bị giày dép cho trẻ em gái, trẻ em trai thì chỉ làm giầy. Còn về việc chuẩn bị tết thì thêm phần làm bánh khẩu của dân tộc nữa”, anh Sần Seo Ngấn cho hay.
Những phong tục đẹp, nét văn hóa đặc sắc trong ngày tết vẫn được đồng bào dân tộc Xạ Phang ở Thèn Pả bảo tồn, gìn giữ. Chắc chắn, những ai từng một lần đến với thung lũng “Mắt Trời” này đều khó có thể quên những nét đẹp đặc sắc ấy, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về./.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc