Chu Vương Miên – chút mây chiều cũng lãng đãng bay đi – Tác giả: TS. Huỳnh Văn Hoa

Chu Vương Miên - chút mây chiều cũng lãng đãng bay đi - Tác giả: TS. Huỳnh Văn Hoa
Thế gian đang ngập tràn nước mắt. Xin cho tôi sức mạnh để có thể nuôi giữ đốm lửa cuối ngày trong trái tim này như một niềm tin.
                                                           (Độc thoại – Trương Đăng Dung)

Chu Vương Miên tên thật Nguyễn Văn Thưởng, bút hiệu khác Phương Hoa Sử, sinh năm 1941, làng Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An (cũ), nay thuộc thành phố Hải Phòng. Theo gia đình vào Nam năm 1954. Thuở nhỏ, học ờ trường dòng Saint Joseph. Theo bố mẹ, sống ở Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn), rồi vào Dốc Sỏi (Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đến Châu Ổ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), học Trung học Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi. Ra Đà Nẵng, học Trung học bán công Nguyễn Công Trứ, rồi chuyển ra học Trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị.

Chu Vương Miện gắn bó với xứ Quảng, cả thơ và đời (vợ là người quê huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam)

Có thơ đăng trên các báo, tạp chí: Thời Nay, Bách Khoa, Tiền Phong, Quần Chúng, Thái Độ, Văn Học, Văn, Khởi Hành, …

Đã in:

Đêm đen hai mươi tuổi, thơ, 1964
Tiếng hát Việt Nam, thơ, 1965
Trường ca Việt Nam, thơ, 1967
Lời phản kháng, thơ, 1967
– Phía mặt trời mọc, thơ, 1968

Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

***

Thơ Chu Vương Miện, như những dòng thơ cuối cùng của bài thơ Đá buồn đỉnh núi, ký bút hiệu Phương Hoa Sử, đăng trên tạp chí Bách Khoa, số 301, ngày 15-07-1969:

Một chút nắng hắt vào hồn tê dại
Mai anh có thành đá buồn đỉnh núi
Chút mây chiều cũng lãng đãng bay đi.

Chu Vương Miện mang một ít phù sa của sông Hồng, chất tài hoa của đồng bằng Bắc bộ, cộng với chút nắng gió của sông Trà, sông Hàn, sông Thạch Hãn, … qua năm tháng, cuộn chảy thành những khúc thức thơ ca trong văn chương Việt những năm 60, 70. Sự hòa cuộn đó, khiến Cao Thế Dung trongVăn học hiện đại – Thi ca và thi nhân, đánh giá khá cao về tài năng thi ca, đã viết:

“Tài không đợi tuổi. Có người suốt đời làm văn nghệ để cuối cùng cũng không được một chút gì sự nghiệp. Vậy thì địa vị trong văn học không tùy thuộc vào yếu tố thời gian và kinh nghiệm… Với ý nghĩa này, chúng tôi nhận định về nhà thơ Chu Vương Miện. Ông hãy còn trẻ và trẻ lắm … Nói một cách khác, ông là một nhà thơ có tài và trưởng thành từ một tuổi trẻ đã mất tuổi trẻ”.
(Cao Thế Dung, Văn học hiện đại – Thi ca và thi nhân, NXB Quần Chúng, Sài Gòn, 1969, trang 353, 354).

Nhà thơ Luân Hoán viết về Chu Vương Miện, bạn thơ của mình, như sau:

“Chu Vương Miện là dân chính cống Quảng Nam ? Không. Vậy anh từ đâu tới ? – Xin thưa, anh là con dân của đất Quỳnh Lâu, một ngôi làng nằm trong địa phận quận Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Nhưng anh lọt lòng mẹ từ cái nôi quê ngoại, thuộc làng Phục Lễ, quận Thủy Nguyên tỉnh Kiến An. Hai quê nội ngoại cách nhau khoảng 10 cây số đường chim bay. Với hệ thống đường sá và phương tiện giao thông thập niên 20, nhị vị tình nhân, theo tiếng gọi tình, đến với nhau, nên duyên giai ngẫu, quả là một kỳ tích, một mối tình đẹp. Có thể đôi nam thanh, nữ tú đã từng gặp gỡ, tình tự qua dòng sông Lục Đầu Giang ? Con sông phơi lòng qua hai làng. Hình như một trong hai người đã từng làm thơ, thả trôi theo dòng nước ? Lục Đầu Giang bao la, sâu cạn ra sao không cần biết. Chỉ cần đọc tên lên, nghe ra rất đỗi quần tụ anh hào. Sông Đuống, sông Hồng, sông Thái Bình…sáu nhánh cùng gặp nhau khó lòng không bát ngát. Trời nước hùng vĩ, hữu tình chưa đủ. Thủy Nguyên, Yên Hưng còn chia nhau đứng hai bên dãy núi vôi Tràng Kênh, cao vút với ngọn U Bò, nơi ngài Trần Quốc Tuấn một thời đứng điều binh đánh giặc Nguyên chạy dài. Không rõ ngày nay nắng trưa, nắng chiều có còn chiếu vào vách đá, tạo những tia phản xạ xuống lòng sông, ánh lên màu bạc óng ánh để còn được gọi là Bạch Đằng Giang ?”.

Nhìn vào những tác phẩm của Chu Vương Miện, có thể thấy có mấy dòng chính: thao thức về quê hương, đổ vỡ của tuổi trẻ, yêu đất và người xứ Quảng (Quảng Nam-Quảng Trị). Tên các tập thơ: Đêm đen hai mươi tuổi (1964), Lời phản kháng (1967) và tên các bài thơ đã phản ánh phần nào tâm thức này. 

Hai mươi tuổi, nhà thơ nhận ra:

Anh từ giã thành phố ra về
Cuộc sống hôm nay đã làm anh mất nhiều tin tưởng
Dù cả tương lai dù cả những lời hứa hẹn
Một chút ngôn từ thời đại hôm nay

Xã hội băng rã. Chiến tranh lan rộng. Những tin yêu về cuộc sống bị thử thách và thách thức:

… Ta về quê hương núi cười chân thật
Xứ sở ta buồn ta đứng ta chơi
Ánh sáng của tầngn sắc luân hồi
Sao tinh thể tan vào dòng suối mát
Nhìn núi, nhìn trăng ta cười ta hát
Một mình ta bơi lội giữa thời gian
Giang cánh tay ra xa như như cỏ thiên đàng
Ta khép mặt ngủ vùi mùa xuân hoa lá
                             (Mùa xuân hoa lá)

Chu Vương Miện yêu và gắn bó sâu đậm với xứ Quảng. Những tên đất, tên làng của Quảng Nam đi một cách tự nhiên vào thơ Chu Vương Miện. Những hình ảnh như Đèo Le, Trung Phước, Tiên Sa, Giao Thủy, Vu Gia, Mỹ Sơn, Tiên Phước, Trà My, Tam Kỳ, Hội An, Thu Bồn, …trở nên quen thuộc, nghĩa tình. Những địa danh xứ Quảng gắn bó, trở thành một hồn trong thơ Chu Vương Miện. Phải yêu lắm mới có những dòng thơ nghĩa tình về đất Quảng đến thế ! Những nẻo đường thân thương của quê hương Quảng Nam đi vào thơ của người con đồng bằng Bắc Bộ sao đầy yêu mến và thiết tha như vậy !

Trên Tạp chí Bách khoa, số 336, ngày 1-1-1971, có bài thơ Quê người, 38 câu, giọng da diết, dặt dìu, như mênh mang sương tỏa.

Từ miền Nam, viết thư gửi về ngoài Trung Việt, thăm gia đình vài người bạn thân quen, hỏi về cơn bão, quét qua trên bao mái nhà rơm rạ, nước từ biển tràn lên thành phố, ngập cánh đồng lúa con gái đang non.

Hình ảnh một miền quê nghèo, với Dăm mái tôn-dăm ổ bánh mì-dăm túp lều-dăm phận người. Điệp từ “dăm” lặp lại bốn lần nhấn mạnh đến cái nghèo, cái khổ của xứ Quảng, của miền Trung: 

Trọn mùa màng theo giòng nước về khơi
Mấy mươi năm cày sâu cuốc bẩm
Đất cằn khô sỏi đá ngô khoai
Từng giọt mồ hôi nhỏ xuống lưng người
Nhỏ trên buồn – bãi lúa nương dâu
Ngàn ân tình sao bỗng cuốn đi đâu
Mẹ đứng ngó, em cúi đầu, mặt nước sông lạnh giá
Rừng lá xanh bay từng ngày tơi tả
Trong lòng trời trên thành phố đồng sâu
Những con bò cũng bỏ xác theo nhau
Cùng vách ván, lúa mùa trôi đi hết
Mai này rưng rưng nhớ về Trung Phước
Buồn mênh mông

Cả đoạn thơ “buồn mênh mông” lan tỏa trong lòng người tiếp nhận. Có lẽ không có nơi nào, “đất cằn khô sỏi đá”, “từng giọt mồ hôi nhỏ xuống lưng người”, “nhỏ trên buồn – bãi mía nương dâu”, “những con bò cũng bỏ xác theo nhau, cùng vách ván, lúa mùa trôi đi hết… như dãi đất quê hương Trung Việt. Quặn lòng với dòng thơ:

Mẹ đứng ngó, em cúi đầu, mặt nước sông lạnh giá …

Thư viết cho miền Trung, vùng đất quanh năm bão lũ, cũng chẳng mong chút gì hy vọng:

Mai này bỏ thư vào nhà giây thép
Bì thư dày và nét chữ run run
Chả hy vọng gì ngoài nớ bình yên
Dăm cơn bão lại chợt về mái lá
Phố xá làng thôn một vùng biển cả
Trời chưa mưa sao lòng mắt nhạt nhòa.
                              (Quê người)

Gần đây, tình yêu đối với đất và người xứ Quảng trở lại với Chu Vương Miện. Trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 171, tháng 7-2003, có những dòng thơ trữ tình, xao xuyến:

“Gió từ đèo Le gió về Trung Phước/ mây từ Hoàng Sa mây kéo Sơn Chà/ ta từ Quảng Ninh ta vào Châu Rí/ làm rể Quảng Nam cát mịn Tiên Sa/ lỗi hẹn một lần không về Giao Thủy/ nát cả lòng nhìn dòng nước Vu Gia/ đây “đất học”, “vùng văn” làng cô giáo/ một cụm gồm năm ngọn núi đá hoa/ em bỏ ta đi làm dâu Hiếu Đức/ làng cổ Phong Nam dằng dặc hoa trà/ bãi bắc, bãi nam-vùng Suối Đá/ sáu tháng mùa mưa sáu tháng mùa khô/ ở thánh địa Mỹ Sơn dày tháp cổ/ em chê ta – chỉ một gã làm thơ/ Ngũ hành Sơn nhìn qua Bà Ná/ mối tình đầu xin gởi lại Faifoo/ trải ba mối tình ta về Tiên Phước/cả duyên trộn nợ ta gặp em/ Quế Trà My-Tam Kỳ từ kiếp trước/ dấu tích Hội An(vùng Đại Chiêm)/ đây Thuận Châu nhớ thương Trà Kiệu/ mối ân tình nàng công chúa nhà Trần/ xuôi Chiên Đàn nước mặn về Châu Ổ/ trải bao đời sáng giá một Huyền Trân/ em dòng dõi Lê Duy Cường-Duy Mật/ biết bao đời chống Trịnh Nguyễn Tây Sơn/ cả dòng họ bị đày vào Ngũ Quảng/ đem Lam Sơn thắp sáng nước non Chàm/ ta ngừng đó một đời không đi nữa/ từ thôn Nam Thọ nước Thu Bồn/ cả giải đất Nông Sơn nhiều quặng mỏ/ ngước nhìn lên sừng sững núi Cà Tang/ gió Thái Bình Dương lùa qua Non Nước/ mênh mang sương tỏa cù lao Chàm/ lỡ mai sau quá yêu đời ta chết;/ cũng một lần là rể đất Quảng Nam”.

Phải yêu lắm mới có những dòng thơ nghĩa tình về xứ Quảng đến thế ! Những địa danh quen thuộc của đất Quảng đi vào thơ của người con đồng bằng Bắc Bộ sao đầy thương mến, tha thiết như vậy !

Người bạn thơ của Chu Vương Miện là Phan Trước Viên. Một người bạn nghĩa tình, vượt qua các rào cản, các trở lực lúc bấy giờ. Khi nghe tin Phan Trước Viên bị thủ tiêu (Xem bài viết Quảng Nam ơi, vùng đất tổ kiêu hùng), Chu Vương Miện có những bài thơ khóc bạn, thật cảm động, đăng trên tạp chí Bách khoa,

Phan Trước Viên tên thật là Nguyễn Công Chinh, sinh năm 1939 tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bạn của Chu Vương Miện.Tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn là học sinh trung học. Năm 1962, bị bắt đưa vào lính và trở thành cơ sở hoạt động bí mật trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968), Phan Trước Viên bị bắt và bị thủ tiêu tại Tuần Dưỡng (tỉnh Quảng Tín lúc bấy giờ), nay là xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, khi ấy, mới 30 tuổi. Tuần Dưỡng trước 1975, nơi có một Trung đoàn quân đội Việt Nam Cộng Hòa thường xuyên đóng quân.

Bài thơ có tên Bài tưởng niệm (Tưởng niệm Phan Trước Viên),4 khổ, 16 câu, nói về tình bạn mười năm, nay Mày nằm trong đất năm 68 / Ta mãi giang hồ khắp đó đây / Núi đỏ rừng xanh đi khắp cả / Sao vẫn chưa quen kiếp đọa đày ?

Khổ thơ cuối, nghẹn ngào, đau xót: Ta ở núi này trông núi nọ / Núi nào cũng một thuở đầu xanh / Quê hương đã rách giờ thêm nát / Mày hãy nằm đây, giấc ngủ lành.

Bài Tưởng nhớ Phan Trước Viên, đăng trên tạp chí Bách khoa, số 303, ngày 15-9-1969, ký Chu Vương Miện – Lan Sơn Đài. Bài thơ có 7 khổ, 28 dòng, chân thật và cảm động. Những địa danh của xứ Quảng như Thu Bồn, Ải Vân, Đất Quảng, Trường Sơn gắn với cuộc đời của Phan Trước Viên, như :

-Anh làm thơ dải đất hiền bất hạnh
Dăm niềm tin trên ánh mắt sương mù
-Anh nằm xuống trong một ngày cuối hạ
Khung trời buồn từng lớp khói mùa khô
-Anh nằm xuống miền quê vàng lúa ngủ
Tóc mẹ già nức nở cỏ lên xanh
Vợ hiền gục bên đàn con thơ dại
Còn nói gì không nước mắt không đành
– Anh nằm đấy thắp cho đầy đốm lửa
Cùng trời sao đang lấp lánh vô cùng

Chu Vương Miện còn có nhiều bài thơ viết về khung trời Nguyễn Hoàng, những nẻo đường của Quảng Trị, về người bạn thơ Phan Phụng Thạch (1942-1973):

Phan Phụng Thạch,
Thấm thoát cũng gần 50 năm
Bạn đã thong dong một chốn nằm
Gia trang Xóm Bầu nguyên quán cũ
Đạo Đầu còn mãi nửa vầng trăng

Xa xưa nghe khúc buồn hoa phượng
Mà sao thương đồng ruộng hoa cà
Âm dương vẫn con đường ngắn ngủi
Thương cho người một đóa tài hoa.
                                     (Thạch)

Ở một bài thơ khác, bùi ngùi, thương nhớ bạn, Lưu bút mùa hạ. Nhớ bạn, nhớ những tên đất, tên làng một đời không quên:

Mùa này ve sầu khóc than trên nhánh cây
Học trò hát bài Nỗi buồn hoa phượng
Ta với người kẻ mất người còn
Lưu bút thủa này thắp một nén hương
Tình bằng hữu tình đồng môn
Cùng một mái trường Nguyễn Hoàng
Chừ đã mất tên
Phan Phụng Thạch
Sông Thạch Hãn
Chảy qua Sãi qua Bích La Đông
Mai sau ghé Đạo Đầu
Cây mận trắng vẫn còn ?
Nhà thơ đâu ?

Trên tạp chí Bách Khoa, Chu Vương Miện có nhiều bài thơ ký bút danh Phương Hoa Sử như Về khơi (Bách khoa, số 297, ngày 15-5-1969), Đá buồn đỉnh núi (Bách khoa, số 301, ngày 15-7-1969), Tình ca cuối cùng (Bách khoa, số 318, 1-4-1970), Tình ca(Bách khoa, số 320, ngày 1-05-1970, Hữu ngạn (Bách khoa, số 325, ngày 15-07-1970. Những bài thơ ký bút hiệu Phương Hoa Sử… vẫn là niềm thương nỗi nhớ về quê hương, về xứ bắc, về những chân cầu sóng vỗ trong thơ, trong đời, về:   

Mai mình xa nhau như sóng chân đèo
Lòng heo hút từng vùng mây dang dở
Trời tháng giêng sao thoáng buồn như thế !
                                   (Tình ca cuối cùng)

Trước sau, thơ Chu Vương Miện vẫn là tiếng nói trữ tình, tha thiết về tình quê, tình người, về xứ Quảngbão giông, nghèo khó, ân nghĩa:

 – Mai này rưng rưng nhớ về Trung Phước
Buồn mênh mông
Hỡi người tôi yêu còn dạy học trò ở Hiếu Nhơn, Hiếu Đức …
– Dăm cơn bão lại chợt về mái lá
Phố xá làng thôn một vùng biển cả
Trời chưa mưa sao lòng mắt nhạt nhòa.
                                          (Quê người)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây