Giới thiệu khái quát huyện An Minh

Giới thiệu khái quát huyện An Minh - Tỉnh Kiên Giang - vansudia.net

Giới thiệu khái quát huyện An Minh

Huyện An Minh được thành lập ngày 13 tháng 01 năm 1986, theo Quyết định số 07/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tách ra từ huyện An Biên. Là huyện thuộc vùng U Minh Thượng, nằm cách xa trung tâm của tỉnh; có diện tích tự nhiên là 59.055 ha.  Dân số toàn huyện là 130.664 người, mật độ dân số 221 người/km2, có 03 dân tộc chính là: Kinh, Hoa và Khmer,… Trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số. Dân số trong độ tuổi lao động có khoảng 78.011 người.

Vị trí địa lý:

– Phía Nam giáp huyện U Minh, huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau.

– Phía Bắc giáp huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

– Phía Đông giáp huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

– Phía Tây giáp với vịnh Thái Lan.

Huyện có 11 xã, thị trấn, gồm các xã: Đông Hưng, Đông Hưng A, Đông Hưng B, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tân Thạnh, Thuận Hòa, Đông Hòa, Đông Thạnh và thị trấn Thứ 11; trong đó có 06 xã bãi ngang ven biển là: Đông Hưng A, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tân Thạnh và Thuận Hòa. Toàn huyện có 74 ấp và 04 khu phố với 854 tổ nhân dân tự quản. Trung tâm hành chính của huyện đặt tại Khu phố 3, thị trấn Thứ 11.

Về kinh tế, huyện chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao giá trị và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện. Hiện tại huyện đang thực hiện việc bố trí lại sản xuất cho phù hợp, hiệu quả hơn trên từng tiểu vùng sản xuất. Tùy vào điều kiện đất đai, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, thủy lợi…, xác định có vùng phù hợp để chuyên nuôi trồng các loài thủy sản (vùng chuyên nuôi trồng thủy sản – từ đê Quốc phòng đến kênh Chống Mỹ trên địa bàn 06 xã ven biển với diện tích 7.311 ha); có vùng phù hợp với nuôi sò huyết, hến, nghêu, lụa, vẹm xanh kết hợp với khai thác hiệu quả các loại giống thủy sản ven bờ, nhất là sò huyết giống (Vùng mặt nước bãi bồi ven biển với chiều dài 37 km); có vùng lại có thế mạnh để nuôi sò huyết xen canh với nuôi tôm, cua, ba khía, ghẹ bông, cá các loại (Khu vực rừng phòng hộ – Diện tích 2.560 ha); bên cạnh đó, huyện duy trì vận động nhân dân gieo cấy lúa lấp lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm theo mô hình tôm – lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh hoặc cua biển,… chọn các giống lúa chất lượng, bao tiêu sản phẩm, với diện tích gần 40.000 ha (Vùng tôm – lúa, từ kênh Chống Mỹ đến kênh xáng Xẻo Rô và từ kênh xáng Xẻo Rô đến kênh KT5).

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển Cụm công nghiệp Thạnh Phú (xã Đông Thạnh) cụ thể gồm các ngành nghề như: Chế biến thủy sản, nước đá và cơ khí…; đồng thời tranh thủ với tỉnh hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh trên địa bàn như cơ khí, gỗ, mộc… Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan sớm triển khai Dự án Đường KT1 với tổng chiều dài trên 25km (theo quy hoạch đường huyện) kết nối với huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau và huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các chợ như: Chợ Mười Quang (xã Đông Thạnh); Chợ Kim Quy (xã Vân Khánh); đồng thời; hỗ trợ Nhà đầu tư sớm hoàn thành Dự án Khu dân cư và Thương mại Trường Phát; Dự án Khu Dân cư – Khu hành chính tập trung huyện An Minh gắn với phát triển thương mại và dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Ngoài ra, địa bàn huyện còn có tiềm năng để phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hóa lịch sử vùng sông nước Miệt Thứ, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến….

Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo (hiện toàn huyện có 2.573 hộ nghèo, tỷ lệ 8,21%; có 1.557 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,97%). Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng. Tiếp tục đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường luôn đạt kế hoạch đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm, các dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,64% dân số. Quốc phòng an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh được tăng cường; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây