Giới thiệu khái quát huyện Lộc Hà

Giới thiệu khái quát huyện Lộc Hà

Giới thiệu khái quát huyện Lộc Hà

Huyện Lộc Hà được thành lập theo Nghị định số 20/NĐ-CP, ngày 07/02/2007 của Chính phủ (công bố vào ngày 08/3/2007) trên cơ sở sáp nhập 07 xã vùng Hạ Can của huyện Can Lộc và 06 xã vùng Biển Cửa của huyện Thạch Hà. 

Trải dài từ Chân Tiên (điểm cuối cùng của dãy núi Hồng Lĩnh) đến núi Nam Giới, phía Bắc giáp huyện Nghi Xuân, phía Tây và phía Nam giáp các huyện Can Lộc, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, phía Đông là biển, Lộc Hà không chỉ được biết đến là một vùng non nước hữu tình mà còn là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như đền thờ Mai Thúc Loan, đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung, đình Đỉnh Lự, núi Bằng Sơn,… mỗi tên đất, tên người đã mang trong đó niềm tự hào. Chính vì thế, việc hình thành huyện mới Lộc Hà là cơ sở để phát huy tiềm năng của vùng đất này.

Đi lên từ bao bộn bề khó khăn của ngày đầu mới thành lập, đặc biệt là xuất phát điểm về kinh tế – xã hội còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm, kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì… Thực tế đó đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nhất là trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh, huyện Lộc Hà đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, quy hoạch giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, thủy sản…

Đến nay, diện mạo về một khu đô thị sầm uất ven biển Cửa Sót đang dần hiện lên. Trụ sở các cơ quan, đơn vị, các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội từng bước được xây dựng khang trang, đồng bộ. Mạng lưới giao thông gồm nhiều tuyến đường quan trọng như Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 9, đường Thiên An, đường 22/12… và một số tuyến đường được quy hoạch mới như đường nối Quốc lộ 1A đi mỏ sắt Thạch khê, đường 70m nối tuyến Kim – Bằng qua Trung tâm hành chính huyện ra biển… được đầu tư, nâng cấp, góp phần tạo nên thế và lực của Lộc Hà trên bước đường hội nhập, phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của bình quân giai đoạn 2010 – 2015 đạt gần 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, chế biến. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất đạt 3.130 tỷ đồng, trong đó ngành nông – ngư – diêm – lâm nghiệp chiếm 28,9%,  công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 45,9%, thương mại – dịch vụ chiếm 25,2% (trong khi năm 2007 tỷ lệ lần lượt là 58,78%, 22,67%  và 18,55%); thu ngân sách đạt 109,4 tỷ đồng, bằng 109,5 % kế hoạch tỉnh giao, tăng gấp 12 lần so với năm 2007; sản lượng lương thực đạt gần 28.000 tấn (năm 2007 đạt hơn 17.000 tấn); các loại hoa màu, sản xuất hàng hóa phát triển đa dạng hơn, đem lại thu nhập khá cho người sản xuất; thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 26 triệu đồng (năm 2007 là 5,22 triệu đồng).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Hà lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định chiến lược phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch – dịch vụ kinh tế biển. Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, gần đây, Lộc Hà đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn SunGroup và nhiều doanh nghiệp có uy tín là con em Lộc Hà hiện đang sinh sống và làm ăn xa về đầu tư, góp phần tạo công ăn việc làm, đóng góp xây dựng quê hương. Tính riêng năm 2016, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.330 tỷ đồng; đã thu hút, quyết định chủ trương đầu tư 24 dự án trong lĩnh lực sản xuất nông nghiệp, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó, các dự án có quy mô lớn hiện đang được chủ đầu tư triển khai tích cực như: Dự án Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí Vinperl Cửa Sót (xã Thịnh Lộc) có vốn đăng ký 500 tỷ đồng; Dự án xây dựng Đền thờ, quảng trường và Tượng đài Mai Hắc Đế vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo và xây dựng chùa Triều Sơn (xã Mai Phụ) vốn đầu tư trên 70 tỉ đồng; Dự án Trung tâm dịch vụ tiệc cưới nhà hàng Lý Ngân (xã Hộ Độ) vốn đầu tư trên 40 tỉ đồng… cùng với nhiều công trình khác được huyện và các địa phương tích cực triển khai, kịp thời đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV tại các xã Thạch Kim, Thạch Bằng được chú trọng. Toàn huyện hiện có trên 330 chiếc tàu lắp máy, hoạt động khai thác trên biển với tổng công suất trên 21.000 CV. Triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngành, địa phương đã hỗ trợ đóng mới và bàn giao 02 tàu vỏ sắt có công suất trên 800 CV đưa vào hoạt động đầu năm 2017.

Năm 2016, huyện Lộc Hà bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nhưng cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo ổn định đời sống nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất, tiến hành các thủ tục bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại theo quy định của Trung ương, của Tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2016, huyện Lộc Hà có 04 xã (Thạch Châu, Thạch Bằng, Ích Hậu, Hộ Độ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên. Toàn huyện đang nỗ lực phấn đấu năm 2017 có 01 xã đạt chuẩn, 02 xã đạt trên 15 tiêu chí, không còn xã dưới 11 tiêu chí.

Từ vùng quê nghèo khó, đến nay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%, hộ cận nghèo còn 10,4%. Chất lượng giáo dục, chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được nâng lên. Công tác dạy nghề, việc làm, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đồng bộ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được chú trọng. Toàn huyện có trên 73% làng văn hóa, 83% gia đình văn hóa, 34% gia đình thể thao, 72% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% thôn, xóm xây dựng hương ước văn hóa. Chương trình quảng bá, tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch tâm linh – dịch vụ biển hằng năm được tích cực triển khai.

Kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, quốc phòng – an ninh được giữ vững, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cũng như uy tín của tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, tăng cường. Đến nay, toàn huyện có 32 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 4.300 đảng viên. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở nhìn chung đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, ý thức tổ chức kỉ luật, tâm huyết và trách nhiệm. Tỉ lệ cán bộ trẻ được nâng lên, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng thường xuyên được chú trọng. Đặc biệt, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn đảng toàn dân đã tạo nên động lực mới trong từng việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện luôn luôn đạt Trong sạch vững mạnh; chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2012, 2013 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, 2014 được Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2015 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen; Mặt trận Tổ quốc huyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Chính phủ tặng Bằng khen…

Niềm tin về tương lai đã tạo động lực, sức lan tỏa sâu rộng trong toàn đảng bộ và mọi tầng lớp nhân dân nơi vùng quê biển Cửa. Sự “thay da, đổi thịt” của huyện Lộc Hà sau 10 năm thành lập là minh chứng cụ thể khẳng định nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân Lộc Hà. Khi ý Đảng hợp lòng dân thì dẫu khó khăn mấy cũng thành công. Nhìn lại những gì đã qua, hướng về tương lai phía trước, tin tưởng rằng, bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo, đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Lộc Hà sẽ nắm bắt được thời cơ, vận hội để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh, tạo nên bước đột phá mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả tỉnh.

Phát triển du lịch Lộc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Huyện Lộc Hà là huyện ven biển nhưng có điều kiện tự nhiên mang đầy đủ những nét đặc trưng của địa hình đất nước bao gồm đồi núi, đồng bằng và biển cả. Với 56 di tích, danh thắng đã được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh) và hàng chục lễ hội lớn nhỏ gắn với các loại hình du lịch biển phong phú và đa dạng. Bắt đầu từ chùa Phổ Độ đến đền thờ vua Mai, qua chùa Trúc lâm Thanh Lương đến Đình Đỉnh Lự, sang chùa Chân Tiên với Hồ Tiên đầy thơ mộng, xuôi về Kim Dung trên núi Bằng Sơn tọa lạc ven biển Cửa Sót, xuống quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế, ghé Đền Lê Khôi trên đỉnh Long Ngâm núi Nam Giới… đều là những tiềm năng lợi thế cho ngành du lịch Lộc Hà phát triển đặc biệt là du lịch biển.

Trong những năm qua, du lịch Lộc Hà đã bắt đầu có những bước đột phá khởi sắc với nhiều công trình, hạ tầng du lịch được đầu tư, thu hút khách du lịch nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện nay hạ tầng du lịch trên địa bàn có 01 khu tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, Công viên nước Vinpearl, 04 cơ sở lưu trú, 19 nhà hàng, 43 hộ kinh doanh trên bờ biển, hệ thống đường giao thông và đường điện từ tỉnh lộ 9 đến khu du lịch biển được hoàn thiện, các điểm kinh doanh du lịch sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh và nhà tắm công cộng được đầu tư đưa vào sử dụng. Hạ tầng quảng trường du lịch và tượng đài vua Mai đang được triển khai gấp rút hoàn thiện. Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm, hàng năm tổ chức từ 2-3 cuộc tập huấn, đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch biển của các nhà hàng, khách sạn. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ được quan tâm, đảm bảo, các hộ kinh doanh phục vụ du lịch trên địa bàn đã được cấp phép kinh doanh, có sự quản lý, kiểm tra về ATVS thực phẩm, giá cả…

Dự báo xu hướng du lịch trong những năm tới khách du lịch sẽ hướng đến du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, lượng khách du lịch tới Lộc Hà sẽ ngày càng tăng do các hạ tầng được đầu tư, an ninh, an toàn biển được đảm bảo, sản phẩm du lịch tắm biển, hải sản hấp dẫn, đặc biệt là thu hút khách du lịch từ Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót và các dự án khách sạn, nhà hàng đang được triển khai. Hiện nay hạ tầng du lịch mới triển khai tại phân khu phía Nam (xã Thạch Bằng), còn phân khu du lịch phía  Bắc (giáp chùa Chân Tiên, xã Thịnh Lộc) đang từng bước triển khai thực hiện.

Du lịch được xác định có vai trò là ngành kinh tế quan trọng của huyện trong thời gian tới, vì vậy cùng với sự phát triển, đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch biển là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý về lĩnh vực du lịch, dịch vụ.  Huyện Lộc Hà đã  ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 28/6/2017 của Huyện ủy Lộc Hà về việc phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/7/2017 của Hội đồng nhân dân huyện Lộc Hà về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ Lộc Hà giai đoạn 2017 – 2025 tầm nhìn 2030; Kế hoạch quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn huyện; Kế hoạch tổ chức các hoạt động khai trương mùa du lịch biển hàng năm… Để từ đó có sự đầu tư và chỉ đạo, quản lý bài bản, đúng định hướng, đúng trọng điểm cho  ngành du lịch.

bien%20L%C3%B4%CC%A3c%20Ha%CC%80 - Giới thiệu khái quát huyện Lộc Hà

Lộc Hà có tiềm năng lớn về du lịch biển

Mặc dù những năm gần đây du lịch Lộc Hà đã từng bước phát triển, thu hút đông đảo du khách tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn: Các khách sạn, nhà nghỉ tại khu du lịch hiện vẫn còn ít so với nhu cầu; kết nối các tour tuyến du lịch liên kết trong tỉnh còn hạn chế; Nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Lộc Hà, đặc biệt là các loại hải sản và sản phẩm chế biến từ thủy hải sản chưa định hình được những  phong cách, thương hiệu để thu hút khách du lịch.

Để phát triển du lịch dịch vụ bền vững và đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực và hình thành, thử nghiệm các loại hình kinh doanh dịch vụ, cụ thể là:

– Tập trung đầu tư công tác quy hoạch và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt là trong kêu gọi các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch như giao thông, hệ thống điện, các cơ sở dịch vụ nghỉ dưỡng… để từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế hạ tầng du lịch đạt chuẩn. Thu hút và phát triển một số loại hình kinh doanh du lịch dịch vụ mới, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.

– Đào tạo có địa chỉ và nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác du lịch, từng bước xây dựng môi trường du lịch văn minh – sạch đẹp.

– Từng bước tuyên truyền, vận động nhằm chuyển đổi tư tưởng người dân về xây dựng một môi trường văn hóa du lịch văn minh, xác định mục đích làm du lịch là một nghề chính tập trung toàn thời gian, không phải làm thời vụ. Đồng thời thay đổi phong cách, ứng xử văn hóa du lịch trong cộng đồng dân cư.

– Tập trung tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu o địa phương như các sản phẩm từ biển: các nguồn thủy hải sản, nước mắm Thạch Kim, hàu vẹm Hộ Độ,… và các sản phẩm từ nông nghiệp… Bên cạnh đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu cảnh quan du lịch và những đặc trưng về lễ hội, sản vật của huyện Lộc Hà. Đặc biệt là giữ nguyên hoạt động tuần lễ văn hóa – du lịch hàng năm gắn với các hoạt động khai trương mùa du lịch và các lễ hội truyền thống.

– Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành trong xây dựng môi trường du lịch văn minh lịch sự, đảm bảo an toàn trật tự xã hội. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi ứng xử thiếu văn minh trong kinh doanh… Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường để phát triển du lịch.

Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, trong thời gian tới Lộc Hà phấn đấu sẽ là điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là du lịch biển./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây