Đến với bài thơ hay – Đà Nẵng mình tôi

ĐÀ NẴNG MÌNH TÔI - Nguyễn Nhã Tiên

Đến với bài thơ hay:

ĐÀ NẴNG MÌNH TÔI

Tưởng nhớ Sách thân yêu

Và tôi ở chỗ ngày qua em ở
phía Sơn Trà đỉnh núi vẫn mây bay
sông Hàn vẫn trôi
tôi thì ngồi lại
nước xa xăm câu chuyện kể ngàn ngày

Đà Nẵng bây giờ em không có mặt
biển sóng mồ côi
thơ dại lũ còng
cát vẫn trắng những chiều đầy môi mắt
thiếu một vai gầy phố xá mênh mông

Mùa xuân rồi mơ
mùa hạ rồi trông…
lối Cổ viện đường quen hoa sứ nở
tôi đang ở nơi ngày xưa em ở
chuyện ngày qua thành cổ tích ven sông

một ít công viên một ít hoàng hôn
ít ráng đỏ chiều mang về từ núi
gom góp đốt cho bài thơ lên khói
có em về Đà Nẵng bớt mình tôi.

Tác giả: Nguyễn Nhã Tiên

 

Cuộc đối thoại một mình

Bài thơ gồm 16 câu, được ngắt ra thành 19 dòng và  chia ra làm 4 đoạn. Toàn bài thơ là một cuộc “đối thoại” của tác giả với người vợ quá cố của mình – một cuộc đối thoại chỉ một người nói, còn người kia thì chỉ lặng lẽ, lặng lẽ mà thấu tỏ cùng với hương khói. Chừng như họ nói với nhau chủ yếu bằng ngôn ngữ của tâm linh, bằng tiếng nói vô thanh giữa kẻ đang sống và người đã khuất hơn là ngôn ngữ binh thường, ngôn ngữ đời thường. Cũng có thể tiếng nói của nhà thơ là tiếng nói hữu thanh, cho nên được nói ra lời và rồi lại được ghi trên giấy mà thành “Đà Nẵng mình tôi”.

Không gian của bài thơ là Đà Nẵng, với núi Sơn Trà mây bay, sông Hàn nước chảy, lối Cổ viện hoa sứ nở, biển, chiều và hoàng hôn ráng đỏ… Có không gian của kỷ niệm, có không gian hoài niệm và có không gian hiện thực của nỗi buồn, đánh thốc vào nỗi cô đơn và niềm đau của nhà thơ. Thời gian là lát cắt sâu hoắm của hiện tại, từ cái bây giờ  nhìn về cái xa xưa đã mất, chỉ còn lại trong ký ức mà thôi. Ký ức hiện lên với kỷ niệm . Kỷ niệm được nhắc thoáng qua như chỉ là sự gợi nhớ, thoáng qua thôi là đủ lắm rồi, bởi vì người đối thoại đã từng và hơn thế nữa đã cùng làm nên những kỷ niệm, làm nên “câu chuyện kể ngàn ngày”.

Bây giờ  “câu chuyện kể ngàn ngày” đã kết cục, em không còn nữa, biển mồ côi – tôi mồ côi và con cái chúng ta như lũ còng thơ dại. Tôi mất em. Các con của chúng ta mất mẹ. Cát vẫn trắng những chiều môi mắt như đã từng trắng cho tôi và em. Chuyện thường ngày giữa tôi và em phải thành cổ tích. Phố xá ngoài kia vì thế mà mênh mông. Và thăm thẳm hơn nữa là sự mênh mông trống trải của đời sống tôi, tâm hồn tôi khi em không còn ở bên đời…

Về thi pháp, tôi nghĩ, không nên chẻ dọc bổ ngang “Đà Nẵng mình tôi” của Nguyễn Nhã Tiên như ta vẫn thường làm và cần thiết phải làm với nhiều bài thơ khác; mặc dù ở đây tôi vẫn thấy rất rõ một phương pháp nghệ thuật  thường được Nguyễn Nhã Tiên sử dụng già dặn và thành công trong thơ anh, đó là phương pháp tự sự,  tự sự  bằng con đường “độc thoại” hay nói  sát nghĩa hơn là đối – thoại – một – mình. “Biển mồ côi/thơ dại lũ còng”,“Và tôi ở chỗ ngày xưa em ở”, “mùa xuân rồi mơ/mùa hạ rồi trông”,”Một ít công viên một ít hoàng hôn/Ít ráng đỏ chiều mang về từ núi”…Với lối  đẫn dắt như vậy anh dưa chúng ta vào chuyện. Quá khứ và hiện tại, thực và hư, bản ngã, thân phận… cũng qua đó mà thể hiện và gắn kết với nhau, tạo thành một xâu chuỗi không gian- thời gian- sự kiện – tâm trạng mà nhân vật trung tâm là em – đã khuất và tôi – thân  phận, bối cảnh là Đà Nẵng với “phía Sơn Trà đỉnh núi vẫn mây bay/sông Hàn vẫn trôi”, “lối Cổ viện đường quen hoa sứ nở”.

Thật cảm động sau nhiều hướng tìm: “mơ”(mùa xuân rồi mơ), “trông” (mùa hạ rồi trông)… Nguyễn Nhã Tiên đã chọn ra được cách cuối cùng  với  hy vọng đầy chất tâm linh hư ảo – vì không thể còn có  một giải pháp hiện thực nào thay thế được – đó là giải pháp: đốt cho bài thơ lên khói”.  Anh tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của thơ. Qua những câu thơ được đốt lên thành hương khói, Nguyễn Nhã Tiên tin rằng chị Sách – người vợ quá cố của anh sẽ  trở về và chia sẻ với anh nỗi cô đơn trống vắng, mà theo cách nói của anh là “có em về Đà Nẵng bớt mình tôi”.

Đọc  bài thơ “Đà Nẵng mình tôi” của Nguyễn Nhã Tiên tôi lại nhớ đến câu thơ cuối trong bài  thơ “Khép mắt” của Bùi Giáng:“Giờ ra đi em cảm thấy có quyền”. Chị Sách ơi, bây giờ thì chị có được cái quyền được thương được nhớ ấy một cách tròn đầy nhất rồi đấy. Và tôi tin cái quyền ấy của chị sẽ còn mãi mãi trong những câu thơ của Nguyễn Nhã Tiên, như trong “Đà Nẵng mình tôi”.                                                                                  

Nhà thơ Bùi Xuân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây