Giới thiệu khái quát huyện Tây Giang

huyện Tây Giang - Tỉnh Quảng Nam

Giới thiệu khái quát huyện Tây Giang

Là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nằm trên đỉnh núi Trường Sơn hùng vĩ, vùng đất Tây Giang nơi được ví như Đà Lạt của miền Trung 

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 120km, trong đó có hơn 100km là đường đồi núi với những con dốc cao.

Huyện Tây Giang cách thành phố Tam Kỳ 190 km.

Địa giới hành chính huyện Tây Giang:

Phía tây giáp CHDCND Lào
Phía bắc giáp các huyện A Lưới và Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế
Phía đông giáp huyện Đông Giang
Phía nam giáp huyện Nam Giang
Huyện Tây Giang có tổng diện tích tự nhiên là 904,7 km². Tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 16.050 người. Thành phần dân tộc chủ yếu là người Cơ tu (95%); tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 60% vào năm 2018. Dân cư Tây Giang sống rất phân tán, phần lớn tập trung ven suối trong những khu rừng sâu.

Huyện Tây Giang được thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 2003 trên cơ sở tách huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang theo quyết định số 72/2003/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ.

Khi mới thành lập, huyện Tây Giang gồm 10 xã: A Nông, A Tiêng, A Vương, A Xan, Bha Lê, Ch’ơm, Dang, Ga Ri, Lăng, Tr’Hy. Huyện lỵ đặt tại xã A Tiêng cho đến nay.

Nét đẹp độc đáo trong ngôi nhà tộc họ của người cơ tu Tây Giang

Tộc người Cơtu ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là ở các huyện biên giới tỉnh Sê Koong nước bạn Lào nói riêng có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Trong đó nỗi bật nhất là không gian văn hóa làng, không gian văn hóa Cồng, Trống, Chiêng……, và không gian văn hóa kiến trúc độc đáo về các loại hình nhà sàn. Xin được giới thiệu đến bạn đọc, những người quan tâm và yêu quý văn hóa Cơtu một trong nhiều nét văn hóa đặc sắc về nhà sàn truyền thống của người Cơ tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

 Đông đh’rơơng k’bhú/ tô (nhà tộc họ kiểu nhà sàn): Đây là loại nhà sàn khá phổ biến trước và sau cách mạng tháng tám của người Cơtu phương/ người Cơtu ở vùng thấp. Hiện nay ở xã Lăng, những ngôi nhà tộc họ này tại thôn Pơr’ning, xã Lăng được Tỉnh và huyện hổ trợ cho làng này phục dựng lại những ngôi nhà tộc họ truyền thống như ngày xưa với mười nhà sàn (tương ứng với mười dòng tộc lớn trong làng) và một nhà Gươl của làng. Các nhà tộc họ này có đặc điểm cấu trúc giống nhau từ vật liệu đến cách dựng, ngày dựng và việc thờ cúng khi hoàn tất công trình.

plenh%2018 12 2013%201 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Giang

            Đông a’chuôr k’bhú/ tô (nhà tộc họ kiểu nhà dài): Đây là loại nhà tộc họ của người Cơtu dal/ người Cơtu ở vùng cao. Ngoài nhà ở riêng của từng hộ gia đình, nhà tộc họ theo kiểu nhà sàn còn có một loại nhà truyền thống đặc sắc khá phổ biến của cư dân người Cơtu ở vùng cao. Đây cũng là một kiểu kiến trúc nhà tộc họ rất độc đáo. Do vậy mà cấu trúc của loại nhà dài này cũng có những nét khác nhà ở riêng, nhà tộc họ kiểu nhà sàn của người Cơtu ở vùng trung và vùng thấp. Theo quan niệm xa xưa của người Cơtu ở vùng cao (bốn xã vùng cao của huyện Tây Giang), những người có quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống trong một dòng tộc lớn, nếu sống với nhau trong một ngôi nhà từ hai đến ba, bốn thế hệ thì ngôi nhà đó, người Cơtu gọi là đông A’chuôr (tức ngôi nhà dài của dòng tộc cùng một huyết thống). Đây là một kiểu nhà đặc biệt chỉ có ở miền núi Trường Sơn-Tây Nguyên. Tuy nhiên, đối với nhà dài của tộc người Cơ-tu cũng có những nét tương đồng na ná cấu trúc nhà dài của người Ê đê nhưng nếu nghiên cứu kỹ ngôi nhà dài của người Cơtu cũng rất nhiều điểm thú vị, mang đặc trưng riêng của tộc người này. Đó là gồm nhiều gian nối kết với nhau và kéo dài tới hàng chục mét. Độ dài của nhà tuỳ thuộc vào quy mô và số bếp, số người trong gia tộc. Sàn, cột, xà nhà làm bằng các loại gỗ quý như gõ, sến, dỗi, lim…Chúng được đẽo đục rất công phu và liên kết với nhau theo kỹ thuật riêng của nghệ nhân Cơtu. Ngày xưa để dựng các công trình lớn của làng như nhà Gươl, nhà tộc họ người Cơtu thường lấy lõi cây sến, lim cứng, bền chịu lực tốt, chịu nhiệt tốt để chống mối mọt.

           Về sau, các lõi gỗ khan hiếm khi dựng nhà người Cơtu lấy về gỗ tươi được bao đục rất đẹp. Khi dựng các cột nếu nhà dài nhà ở riêng lên người Cơtu thường kê các cột lên các tảng đá to và vuông góc để chống ẩm, chóng mọt, làm nền móng ngôi nhà vững chắc và bề thế hơn. Vách của nhà dài cũng giống vách của nhà ở riêng, tuy nhiên có nơi làm vách bằng tấm gỗ, xếp kín, có nơi được làm bằng tấm phên tre, nứa hoặc lồ ô…với nhiều cách đan khác nhau như đan nông đôi, nông kép làm phên vừa kín vừa tạo nên các hoa văn đường nét đều đặn và đẹp như những hoa văn trên tấm dệt thổ cẩm của người Cơtu. Đáng chú ý là lá lợp nhà, từ xa xưa người Cơtu đã biết dùng lá cây rừng như: cây ưng poongưng poo, c’ree (lá cây mây rừng), a’laanh (lá cỏ tranh) …để lợp nhà ở, nhà gươl, hay nhà dài. Loại lá vừa có độ bền cao vừa mang tính thẩm mỹ để lợp các loại nhà ở của người Cơtu đó là lá cây ưng poong.

plenh%2018 12 2013%203 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Giang
           Khi vào rừng người Cơtu chọn các phiến lá không già quá cũng không non quá, cắt lấy, bó gọn và gùi về rồi ép phẳng theo từng lớp. Khi lợp, các lá cây rừng này được nối kết với nhau bằng dây mây rừng được chẻ nhỏ, gọt sạch chuốt nhẵn có độ dẽo và bền dùng để cột các lá trên liên kết với nhau tạo thành từng tấm dài tới 5 đến 10 mét. Khi lợp lên mái nhà các tấm lợp này chắp nối chồng lên nhau tạo thành mái nhà vừa dày đều vừa chắc theo một thứ tự nhất định, rất công phu, kỹ thuật đã tạo nên các mái nhà một cách phảng phiu, đẹp mắt.

         Mái nhà cửa người Cơtu có độ nghiêng vừa phải và trải rộng về bề ngang, không cao như mái nhà Rông của người Ba na. Ở hai bên đầu hồi của nhà dài cũng như nhà gươl, nhà tộc họ hay nhà ở riêng của từng hộ ở của người Cơ-tu thường khắc biểu tượng hình con chim, hay con gà trống người Cơtu gọi là ta’coi. Biểu tượng cho cuộc sống luôn được bình an, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Và đây cũng là sự khẩn cầu biết ơn về loại chim K’lang B’bhé (chim đại bàng), loại chim mở đất theo truyền thuyết của tộc người Cơtu trước khi khai cơ, lập địa từ một vùng đất chết, loại chim này đã dẫn đường và đem hạt cây đến vùng đất mới giúp cộng đồng nười Cơtu tránh được dịch bệnh. Và về sau người Cơ-tu luôn lấy con chim đó làm vật tổ của mình. Thứ hai biểu tượng ta’coai nếu được khắc theo hình con gà trống nói lên sự gần gủi mật thiết giữa con người với những con vật nuôi như trâu, bò, gà, chó, mèo….mà trong nghệ thuật kiến trúc tạc hình của người Cơtu hình ảnh con người, con vật, chim thú luôn là chủ đề chính. Đây là biểu tượng đặc trưng dễ nhận biết trong tất cả các loại nhà ở truyền thống của người Cơtu.

         Từ những cánh dựng, cách chọn ngày giờ và bố trí cấu trúc trong các ngôi nhà truyền thống mang lối cổ truyền của tộc người Cơ tu vốn an cư, sinh sống lâu đời ở núi rừng Tây Trường Sơn huyền thoại với những kỳ tích anh hùng và huyền bí về cách đánh giặc, chống thú dữ bảo vệ núi rừng, bản làng luôn yên bình. Cộng đồng Cơ tu nơi đây còn sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa truyền thống hay đẹp rất cần được Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành và cả chủ thể văn hóa nơi đâ, nhất là lớp thế hệ trẻ quan tâm hơn nữa trong việc khôi phục, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa đó phát huy hết hiệu quả, tiềm nằm vốn có của mình trong một tương lai gần!.

Giá trị lịch sử và khoa học của cây Pơmu.

          Rừng là môi trường sống của bao sinh vật, giữ nước đầu nguồn chống lụt, giữ carbon, lá phổi tạo nguồn oxygen, nguồn nguyên liệu đa dạng sinh học phong phú cung cấp những thực vật có giá trị trong y học và bao dịch vụ có ích khác cho con người. Không những thế rừng còn chứa đựng nhiều bất ngờ khác cho ta những dữ kiện thông tin quý báu. Rừng Tây Giang, nhất là các khu rừng Lim, rừng Pơ mu ở đồi Zili êng- Tây Giang- Quảng Nam. Với hơn một ngàn cây Pơ mu trên một ngàn tuổi là báu vật, là cội nguồn sống của muôn loài, trong đó có cả con người nơi đây!
Đặc biệt hơn với ngàn cây Pơmu ở Tây Giang là cây quý nằm trong sách đỏ của quốc tế! Ngoài những giá trị về cảnh quan du lịch, giữ và điều tiết nguồn nước hài hòa quanh  năm ở các khe sông suối, hay góp phần tạo dựng một môi trường sống luôn mát mẻ trong lành. Loài cây quý thuộc họ thông này theo công trình nguyên cứu đầu năm 2009, nhà khoa học người Mỹ Brendan Buckley ở Phòng thí nghiệm Vòng cây (Tree ring Laboratory) của cơ quan nổi tiếng Lamont-Doherty Earth Observatory cùng một đồng nghiệp Việt Nam tìm được trong rừng quốc gia Bidoup – Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng, gần Đà Lạt, nhiều cây thông đã sống cách đây gần ngàn năm. Các cây thông này thuộc một loài cây thông hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng (ghi trong Sách Đỏ) gọi là Fokienia hodginsii (cây Pơ Mu).
Từ các mẫu lấy ở thân cây Pơ Mu, ông Buckley đã tái tạo lại thời tiết gió mùa ở lục địa Á châu trong quá khứ đến tận thế kỷ 14 và từ đó chứng minh là nền văn minh Khmer rực rỡ ở Angkor đã sụp đổ vì nạn hạn hán và môi trường thủy lợi. Đây là một khám phá quan trọng trong lịch sử khí hậu gió mùa và hiện tượng El Nino ở Đông Nam Á.
Sau 4 ngày làm việc cực nhọc trong vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà với tinh thần hợp tác cao độ, mục tiêu của họ đã được hoàn tất. Họ đã có được hơn 100 mẫu ruột thân cây từ một quần thể cây PơMu.Ông Buckley nói (2): “Tôi nhìn địa điểm này và nhìn lại toàn Đông Nam Á – đặc biệt là Việt Nam – tôi nhận ra rằng tôi có thể rất dễ dàng làm việc nghiên cứu tại đây cho đến khi tôi không thể làm việc được nữa. Có rất nhiều việc phải làm và thật là hết sức lý thú”.

Cây Pơ mu ngàn năm tuổi ở Tây Giang Cây Pơ mu ở vườn rừng quốc gia Núi Bà
Cộng với các kết quả nghiên cứu trước đây ở Thái Lan, nhóm nghiên cứu của Buckley đã xác định được rằng từ các vòng trên thân cây Pơ Mu đã có vài thời kỳ hạn hán lớn trên vùng đất liền ở Đông Nam Á trong các năm đầu của thế kỷ 15.

                                              Lá cây Pơ Mu

Qua các mẫu (lấy bằng máy khoan tay nhỏ vặn đục vào thân cây) từ 36 thân cây Fokienia, nhóm nghiên cứu của ông Buckley đã tái tạo lại thời tiết chính xác nhất trong quá khứ hơn 700 năm cách ngày nay cho đến tận thế kỷ 13. Kết quả cho thấy có sự liên hệ (correlation) chặc chẽ giữa hạn hán trong vùng có cây Fokienia sống ở lưu vực sông Cửu Long và mô hình thời tiết El Nino.Nghiên cứu của nhóm Buckley cho thấy có hai thời kỳ hạn hán kéo dài vào khoảng cuối thế kỷ 14 (1362-1392) và đầu thế kỷ 15 (1415-1440), thời điểm mà vương quốc giàu mạnh Khmer ở Angkor sụp đổ. Trong hai thời kỳ này thì giai đoạn hạn hán rất nặng kéo dài nhiều thập kỷ đã xảy ra vào đầu thế kỷ 15 với năm nặng nhất là năm 1417.
Tra theo sử liệu Việt Nam thì trong Đại Việt Sử Ký toàn thư (ĐVSKTT) (13) có nói là năm 1392 có hạn hán ở Đại Việt. Lúc đó Đại Việt thời Hậu Trần chủ yếu là ở vùng đồng bằng bắc bộ đến vùng đất mà Champa vừa mất là Quảng Trị và Thừa Thiên (châu Ô và châu Rí). Trong các năm đầu thế kỷ 15, ĐVSKTT chỉ tập trung nói về cuộc chiến tranh với quân Minh và khởi nghĩa Lê Lợi nên  không có chi tiết nào về tình hình kinh tế, xã hội.
Sau chiến tranh, sử liệu lại nói nhiều về tình hình xã hội kinh tế. Hạn hán nặng nề xảy ra trong các năm đầu 1430 đã được ghi trong ĐVSKTT. Năm 1434, vì hạn hán đã nhiều năm, nhà vua (Lê Thái Tông) đã phải cầu mưa: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa.”, “Thả vài chục tên tù tội nhẹ vì hạn hán đã lâu.”, “Ngày 22, đặt đàn chay ở điện Cần Chính, vì hạn hán hại lúa, sét đánh cháy thuyền”.

Từ những nghiên cứu trên cho chúng ta thấy ngàn cây thông Pơ mu ở Tây Giang không chỉ có giá trị về cảnh quan về du lịch về kinh tế và cao hơn còn mang những giá trị về khoa học về thời tiết về văn hóa về lịch sử của một dân tộc nếu chúng ta, những người con Tây Giang luôn biết nghĩ và hành động vì sự sống của ngàn cây rừng nói chung, loài cây quý Pơ mu nói riêng. Hứa hẹn trong tương lại Tây Giang khỉ chỉ là điểm đến về văn hóa, về cảnh quan sinh thái trong lành mà còn là điểm đến hấp dẫn lý thứ của những nhà nghiên cứu về “rừng” về văn hóa con người C’tu nơi đây. Từ đó góp phần phát triển quê nhà một cách khoa học nhanh và bền vững! “Hãy chung tay giữ lấy ngàn cây quý của Tây Giang vì cuộc sống và tương lai của chính con cháu của bạn”
PƠ LOONG PLÊNH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây