Giới thiệu khái quát huyện Tiểu Cần

huyện Tiểu Cần - Tỉnh Trà Vinh

Giới thiệu khái quát huyện Tiểu Cần

Huyện Tiểu Cần thuộc cụm đô thị phía Tây của tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ 24 km theo Quốc lộ 60, thuộc tả ngạn sông Hậu.

 – Phía Đông giáp huyện Châu Thành,
– Phía Tây giáp huyện Cầu Kè,
– Phía Nam giáp huyện Trà Cú và sông Hậu,
– Phía Bắc giáp huyện Càng Long.

    Toàn huyện có 09 xã, 02 thị trấn, gồm: Phú Cần, Long Thới, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hoà, Hùng Hoà, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tân Hùng, thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan. Tổng diện tích tự nhiên là 22.723ha, dân số 112.008 người. Trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn huyện. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy (Quốc lộ 54, 60; đường tỉnh 912, 915; sông Hậu, sông Cần Chông).
Nhìn chung, huyện Tiểu Cần có vị trí khá thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

+ Đặc điểm địa hình:
Huyện Tiểu Cần có địa hình tương đối bằng phẳng, ngoài những giồng cát có địa hình cao đặc trưng trên 1,6m và khu vực ven sông Hậu, Cần Chông cao 1,0m, còn lại phần lớn diện tích đất trong huyện có cao trình bình quân phổ biến từ 0,4 – 1,0m. Địa hình có hướng thấp dần về phía Đông.
– Cao trình từ 0,8 – 1,0m, tập trung ở một số ấp – khóm của xã Tân Hòa, Long Thới, thị trấn Cầu Quan, Phú Cần, thị trấn Tiểu Cần và Hiếu Tử.
– Cao trình từ 0,6 – 0,8m, tập trung ở một số ấp của xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần, Long Thới và rải rác ở một số ấp của các xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng và Hùng Hòa.
– Cao trình từ 0,4 – 0,6m, tập trung ở xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Hiếu trung và Phú Cần.
Ngoài ra, có một số khu vực trũng cục bộ do cao trình thấp hơn 0,2m rải rác ở ấp Te Te, Ông Rùm I và II (Hùng Hòa), Cây Ổi, Xóm Chòi (Tập Ngãi), Cây Gòn (Hiếu Trung)… nhưng diện tích không đáng kể.
Nhìn chung, địa hình thích hợp cho canh tác lúa, hoa màu và cây lâu năm. Tuy nhiên, ở khu vực gò thường thiếu nước canh tác trong mùa khô, có thể bố trí luân canh lúa màu và một số khu vực trũng thấp có điều kiện trao đổi nước rất thích hợp canh tác lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

+ Khí hậu:
Huyện Tiểu Cần nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa ven biển, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt trong năm. Nhiệt độ trung bình 25 – 28oC. Cao nhất tháng 04 và thấp nhất tháng 12. Tổng lượng mưa hàng năm đạt 1.500mm, thời gian bắt đầu mưa từ trung tuần tháng 05 và kết thúc đầu tháng 11.  

+ Tài nguyên đất:
– Đất giồng cát: 387,7ha, chiếm 1,83% diện tích tự  nhiên, chạy dài theo Quốc lộ 60, phần lớn đất này là thổ cư, vườn tạp, trồng hoa màu và cây lâu năm.
– Đất phù sa: 17.799,3ha chiếm 83,85% diện tích tự nhiên, gồm:
+ Đất phù sa phát triển trên chân giồng cát (đất cát giồng): 212,66ha phân bố dọc theo những giồng cát ở các xã: Hiếu Trung (Tân Trung giồng và Phú Thọ II), Hiếu Tử (Tân Đại), thích hợp trồng màu.
+ Đất phù sa chưa phát triển: 286,5ha, dọc theo sông Hậu. Phân bổ ở Khóm IV (thị trấn Cầu Quan); ấp Trẹm, Tân Thành Tây (Tân Hòa), thích hợp trồng cây ăn trái.
+ Đất phù sa đã và đang phát triển: 17.300ha, chiếm 95%, phân bố rộng khắp các xã, thị trấn.
– Đất phèn: diện tích 3.040ha, gồm:
+ Đất phèn tiềm tàng: 1.879ha, ở Tân Hòa (Tân Thành Tây), Long Thới (Định Bình) và rải rác ở các xã Phú Cần, Hiếu Trung, Ngãi Hùng, Tập Ngãi, Hiếu Tử và Hùng Hòa.
+ Đất phèn hoạt động: 1.160ha, xuất hiện ở Ngãi Hùng (Ngã Tư) và rải rác ở các xã Tập Ngãi, Hiếu Tử.
Nhìn chung, đất đai huyện Tiểu Cần chủ yếu là đất phù sa cùng một phần đất phèn, thích hợp trồng lúa, nhiều nơi còn thích hợp trồng màu, cây ăn trái, những nơi trũng ven sông lớn có điều kiện trao đổi nước rất thích hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần phải chú ý đến việc đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh, áp dụng các biện pháp canh tác, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, bố trí cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng thích hợp theo điều kiện từng vùng.

+ Tài nguyên nước:
Nguồn nước trực tiếp cung cấp cho Tiểu Cần là sông Hậu, sông Hậu đoạn qua huyện rộng và rất sâu, do nằm vào đoạn sông không bị ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, sông rộng lớn thoát nước nhanh, trữ nước nhiều, khả năng cung cấp nước cho đồng ruộng rất dồi dào. Tuy nhiên, vào tháng 4 – 5 nguồn nước lại bị nhiễm mặn dao động từ 1,5 – 4% có năm cao nhất lên đến 14% tại Cầu Quan.
– Sông Cần Chông – Rạch Lợp – Kênh Thống Nhất là sông chính chạy ngang qua giữa huyện, bắt nguồn trực tiếp từ sông Hậu qua kênh Thống Nhất với chiều dài 32km, đây là sông cung cấp và tiêu nước chính của huyện, đồng thời là trục giao thông quan trọng của huyện.
– Rạch Tiểu Cần: nối thông sông Cần Chông với kênh Trà Ngoa dài hơn 12km, chịu ảnh hưởng kênh Mỹ Văn ở đoạn trên và sông Cần Chông ở đoạn dưới.
– Kênh Mỹ Văn – 19/5: là kênh liên huyện Cầu Kè -Tiểu Cần – Càng Long, đoạn qua huyện ở xã Hiếu Tử và Hiếu Tử thông qua rạch Trà Ếch ra Ba Si.
– Rạch Trà Mềm bắt nguồn từ Rạch Lợp là rạch tự nhiên nối với rạch Trà Kép xuống Trà Cú, uốn khúc rộng và sâu ở cửa, hẹp và cạn rất nhanh khi gần đến ranh giới Trà Cú.
– Rạch Dung bắt nguồn từ Cần Chông, nối với rạch Trà Mân – Mù U huyện Trà Cú.
– Rạch Cao Một bắt nguồn từ Cần Chông dài 3km phân làm 2 nhánh nhỏ trong nội đồng.
– Rạch Đại Sư bắt nguồn từ Cần Chông phân làm 2 nhánh là rạch Bà Bèo và Ông Xây.
Ngoài các trục chính trên, còn các kênh rạch như: rạch Trẹm, kênh Bắc Trang, kênh Te Te, kênh Trinh Phụ, Kênh Cầu Tre và Kênh Ô Đùng.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN TIỂU CẦN

Tiểu Cần là một vùng đất cùng con người ở đây đã dựng nên một lịch sử hào hùng cho con cháu đời sau. Đến nay, người dân Tiểu Cần luôn tự hào với truyền thống oanh liệt của quê hương. Vậy hai tiếng Tiểu Cần đã có tự bao giờ?. Những chuyện kể dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền mãi, nói về nguồn gốc ra đời tên gọi Tiểu Cần. Trong những chuyện dân gian ấy có chuyện kể rằng: đã lâu lắm rồi – vào cái thời mà vùng đất này còn rất hoang vu, có một con rạch chảy qua, con rạch này có tên gọi “Kal Chon” tiếng Khmer, tiếng Việt biến âm thành “Cần Chông” và về sau vùng đất có con rạch chảy qua này được gọi là “Xẻo Cần Chông”. Rồi “Tiểu Cần Chông” và rút gọn lại còn “Tiểu Cần”… Thế rồi con rạch này được gọi là “Xẻo Cần Chông” và miền đất có con rạch chảy qua được gọi là “Miệt xẻo Cần Chông”. Thời gian trôi đi, miệt xẻo Cần Chông được gọi là “Miệt Tiểu Cần”…

Như vậy, địa danh “Tiểu Cần” xuất hiện trong thời kỳ đầu khai phá miền đất này. Thời đó, “Miệt xẻo Cần Chông” là cách gọi dân gian, chỉ một vùng đất có một xẻo băng qua mà trên xẻo đó, cư dân thường bắt cá, tôm bằng một loại ngư cụ được người Việt gọi là “Vó” và người Khmer gọi là “Cần Chông”… Theo cách gọi dân gian Nam bộ, thì “xẻo” có nghĩa là rạch nước tự nhiên, chảy ra một dòng sông lớn (MêKông), phân biệt với “Ô” để chỉ bào nước hoặc đường nước nhỏ hơn, chỉ chảy ở nội đồng, không trực tiếp đổ ra sông lớn, do vậy mà có tên “xẻo Cần Chông”, rồi “xẻo Cần Chông” được biến âm thành “Tiểu Cần Chông”, sau đó rút gọn chỉ còn “Tiểu Cần”. Như vậy, địa danh “Tiểu Cần” không chỉ là kết quả của quá trình biến âm và rút gọn âm tiết theo quy luật của ngôn ngữ, là kết quả của một quá trình tiếp xúc giao lưu văn hóa trong thời kỳ đầu chung sống của các tộc người Việt, Khmer, Hoa định cư trên vùng đất này.

Cũng theo cách gọi dân gian, trước thế kỷ XIX, vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận Vang Tứ của xứ Trà Vang. Đến đầu thế kỷ XIX, theo sự sắp xếp tổ chức hành chính của triều đình nhà Nguyễn thì vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận huyện Tuân Ngãi thuộc phủ Lạc Hóa, trực thuộc Gia Định thành. Từ giữa thế kỷ XIX, vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận tổng Ngãi Long và tổng Thạnh Trị thuộc huyện Tuân Ngãi, phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long. Tuy vậy tổng Ngãi Long hay tổng Thạnh Trị chỉ là tên gọi hành chính theo sự phân định của chính quyền phong kiến đương thời, còn “Tiểu Cần” vẫn cứ là tên gọi dân gian, sống mãi trong lòng dân. Từ năm 1867, thực dân Pháp đặt ách thống trị ở đây, vùng đất Tiểu Cần vẫn nằm trên một phần đất thuộc hai tổng Ngãi Long và Thạnh Trị nhưng thuộc về Sở tham biện Bắc Trang (Inspection Bactrang). Từ giữa năm 1871 Sở tham biện Bắc Trang được sát nhập vào Sở tham biện Trà Vinh, vùng đất này lại thuộc vào Sở tham biện Trà Vinh. Từ đầu thế kỷ XX tỉnh Trà Vinh được thành lập (Province de Trà Vinh), vùng đất Tiểu Cần nằm trên phần đất thuộc về địa lý hành chính Bắc Trang (delégation administrative de Bắc Trang) và địa lý hành chính Càng Long (delégation administrative de Càng Long) của tỉnh Trà Vinh. Từ năm 1917, thực dân Pháp chính thức chuyển đổi cấp địa lý hành chính thành cấp quận, vùng đất Tiểu Cần nằm trên một phần đất thuộc quận Bắc Trang (District de Bắc Trang) và quận Càng Long (District de Càng Long). Đến năm 1928, thực dân Pháp tiếp tục sắp xếp và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp quận ở tỉnh Trà Vinh, quận Tiểu Cần được thành lập (District de Tiểu Cần). Từ đây, quận Tiểu Cần chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp quận, là một trong 05 quận của tỉnh Trà Vinh.

Quận Tiểu Cần lúc mới thành lập có 08 xã: Đại Mong, Đại Cần, Quảng Dã, Tập Ngãi, Tiểu Cần, Trinh Phụ, Hiếu Tử, Long Định. Quận lỵ nằm trên địa bàn xã Tiểu Cần.

Với thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Trà Vinh là một trong 69 đơn vị hành chính cấp tỉnh của cả nước; quận Tiểu Cần là một trong 07 đơn vị hành chính cấp quận của tỉnh Trà Vinh. Theo Sắc lệnh số 148-SL ngày 25 tháng 3 năm 1948 của Chủ tịch chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quận Tiểu Cần được gọi là huyện Tiểu Cần. Theo Nghị định số 199/NĐ-51 ngày 17 tháng 8 năm 1951 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, huyện Tiểu Cần và thêm một số xã của các huyện khác như: Xã Thanh Mỹ (huyện Châu Thành), xã Phước Hưng, Tập Sơn, An Quảng Hữu (huyện Trà Cú) sát nhập vào huyện Càng Long thuộc tỉnh Vĩnh Trà (tức Vĩnh Long và Trà Vinh sát nhập lại theo Nghị định số 174/NĐ-51 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ ngày 27 tháng 6 năm 1951). Sau năm 1954, tỉnh Vĩnh Trà lại tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ, huyện Tiểu Cần cũng được tách ra khỏi huyện Càng Long, trở thành 01 trong 07 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Trà Vinh. Đến năm 1977, theo Quyết định số 59-CP ngày 11 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tiểu Cần một lần nữa được giải thể để sát nhập vào một số huyện thuộc tỉnh Cửu Long (xã Long Thới và xã Tiểu Cần sát nhập vào huyện Cầu Kè; xã Hiếu Tử sát nhập vào huyện Càng Long; xã Tập Ngãi, xã Hùng Hòa và xã Tân Hòa sát nhập vào huyện Trà Cú). Đến năm 1981, theo Quyết định số 98-HĐBT ngày 29 tháng 9 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tiểu Cần được tái lập.

Hiện nay, huyện Tiểu Cần là 01 trong 09 đơn vị hành chính huyện, thị, thành phố của tỉnh Trà Vinh. Toàn huyện được chia thành 11 đơn vị hành chính gồm 02 thị trấn (Tiểu Cần, Cầu Quan) và 09 xã (Phú Cần, Long Thới, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tân Hòa, Tập Ngãi, Tân Hùng, Hùng Hòa, Ngãi Hùng) với tổng số 89 ấp – khóm (gồm 12 khóm của 02 thị trấn và 77 ấp của 09 xã).

BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY TIỂU CẦN

(Trích từ quyển “Huyện Tiểu Cần những chặng đường lịch sử vẻ vang” ấn hành năm 2002)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây