Giới thiệu khái quát huyện Yên Thuỷ

Giới thiệu khái quát huyện Yên Thuỷ

Giới thiệu khái quát huyện Yên Thuỷ

– Tên huyện: huyện Yên Thuỷ tỉnh Hoà Bình. Gồm 13 đơn vi hành chính xã, thị trấn,và 158 xóm, khu phố.
– Diên tích: Yên Thủy có tổng diện tích tự nhiên là 28.210,1 ha, bằng 6% diện tích tỉnh.
– Dân số: Dân số tính đến tháng 1 năm 2012 là: 65,780 người, trong đó nam giới là 32.795 người, nữ giới là 32.805 người.
– Huyện có 6 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 67,57 %  dân tộc kinh chiếm 32,22% các dân tộc khác chiếm 0,21% .

1. Vị trí địa lý

Huyện Yên Thuỷ tỉnh Hoà Bình ở vùng Trung du phía Bắc Việt Nam, ở cực Đông nam của tỉnh Hoà Bình, cách thành phố Hoà Bình khoảng 85 km, thành phố Ninh Bình đường quốc lộ 1A khoảng 50km, cách thủ đô Hà Nội, sân bay quốc tế nội bài khoảng 100 km, cách thành phố Sơn la tỉnh Sơn La khoảng 250 km…phía Đông giáp huyện Lạc Thuỷ (Hoà Bình) phía tây giáp huyện Lạc Sơn (Hoà Bình), phía Nam giáp huyện Nho Quan (Ninh Bình), huyện Thạch Thành (Thanh Hoá), phía Bắc giáp huyện Kim Bôi (Hoà Bình).

Yên Thuỷ có sông Lạng bắt nguồn từ xã Bảo Hiệu, Hữu Lợi chảy về sông Nho Quan, có đường quốc lộ chạy cắt giữa huyện hướng tâm tại thị trấn huyện ly tạo thành hai trục giao thông liên kết giữahuyện với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh bạn. Huyện Yên thuỷ nằm ở vị trí cửa ngõ huyết mạch với quốc lộ 12B  đi qua địa bàn huyện dài 22,0km dọc 5 xã, thị trấn (Lạc Thịnh, Yên Lạc, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương, thị trấn Hàng Trạm) nối vùng Tây bắc với quốc lộ 1A là nơi tiếp giáp với 2 vùng kinh tế lớn, và đường Hồ Chí Minh con đường chiến lược Bắc – Nam đi qua 4 xã, thị trấn dài 22,5 km bao gồm (Lạc Thịnh, Yên Lạc, Bảo Hiệu, Lạc Hưng, Thị trấn Hàng Trạm) đã nâng vị trí của Yên Thuỷ lên tầm chiến lược quan trọng về  kinh tế cũng như quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và vận chuyển hàng hoá.

2. Địa hình

Yên Thuỷ là huyện duy nhất của tỉnh Hoà Bình tiếp giáp với vùng lãnh thổ: Tây Bắc – Đồng bằng sông Hồng và bắc Trung bộ. Tựa lưng và dãy Trường sơn hùng vĩ cho nên Yên Thuỷ có một địa hình thuận lợi: tiếp giáp với vùng kinh tế có dân số đông, lực lưọng lao động, khoa học kỹ thuật, tài chính khả năng đầu tư lớn là những tiềm năng thuận lợi có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Yên Thuỷ có vị trí quốc phòng rất quan trọng trong khu vực. Độ cao  trung bình 24so vơi mặt nước nước biển. Chiều dài trung bình là 26.0km, chiều rộng trung bình là 12,0 km, phân thành 3 vùng sản xuất chuyên canh:

Vùng 1: Gồm các xã Lạc Thịnh, Yên Lạc, Thị trấn là vùng trung tâm kinh tế, chính trị, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ của huyện.

Vùng 2: Gồm các xã Đa phúc, Hữu Lợi, Đoàn kết, Yên Trị, Phú Lai, Ngọc Lương đây là vùng có diện tích rừng và vùng đệm vườn quốc gia Cúc Phương, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng rừng, là vùng có sản lượng lạc, ngô, mía cao nhất huyện.

Vùng 3: Gồm các xã: Lạc Hưng, Bảo Hiệu, Lạc Lương, Lạc sỹ cách trung tâm huyện trên 10 km, địa hình cao, dốc, kinh tế chủ yếu là sản xuất  lâm nghiệp, trồng rừng và cây ăn quả. Hiện giờ đường Hồ Chí Minh đi qua hai xã Bảo Hiệu, và Lạc Hưng đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu hàng hoá.

Đất đai:

Yên Thuỷ có tổng diện tích tự nhiên là 28.861.42 ha, bằng 6% diện tích của tỉnh. Trong đó đất nông nghiệp là 7.294.79ha, đất lâm nghiệp có rừng là 14.079.46ha. đất chuyên dùng là 1.347.15ha, đất ở là 2.704.66ha còn lại là đất chưa sử dụng (đồi núi đấ và sông suối).

Khí hậu:

– Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông ngắn, lạnh, ít mưa, mùa hè dài, nóng, mưa nhiều.

– Nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,8 oC, nhiệt độ lúc cao nhất trong năm là 38,90 oC, thấp nhất là 2,7oC.

– Lượng mưa trung bình hàng năm là 1900 mm, năm cao nhất là 2460 mm, năm thấp nhất là 1300 mm, lượng mưa nhiều nhất thường xuất hiện vào tháng 7, 8 hàng năm.

3. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: 

Yên Thuỷ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt (Xuân, Hạ, Thu, Đông) nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp như: Đậu tương, mía, cam, chanh, lạc và các loại cây ăn quả, cây công gnhiệp khác nhau, các khu vực núi cao khí hậu mát mẻ vào mùa hè đều có khả năng thành lập khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Tuy nhiên những lợi thế này còn nằm ở dạng tiềm năng.

Với diện tích đất nông nghiệp 7.294.79ha, đất lâm nghiệp có rừng là 14.079.46ha Yên Thuỷ là một trong hai huyện duy nhất của tỉnh Hoà Bình có diện tích rừngnằm trong vườn quốc gia Cúc Phương, rừng có ý nghĩa kinh tế lại có ý nghĩa bảo vệ rừng, văn hoá, du lịch. Việc bảo vệ vườn Quốc gia Cúc phương và vùng đệm trên diện tích của huyện rất quan trọng, có thể dựa vào lợi thế này để lập dự án đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch.

Tài nguyên khoáng sản:

Huyện có một số tài nguyên khoáng sản như: Than đá chất lượng cao ở các xã (Lạc Sỹ, Lạc Lương, Bảo Hiệi, Đoàn Kết, Ngọc Lương, Hữu Lợi) và dạng sa khoáng, mỏ đất sét ở vùng 2, các mỏ đá vôi dùng trong sản xuất xi măng, đá xây dựng, nước khoáng Ngọc Lương…nhưng chưa được khai thác đầu tư nhiều so với tiềm năng sẵn có.

Yên Thuỷ nằm trong vùng gianh giới tiếp giáp giữa vùng Tây Bắc, đồng bằng Sông Hồng, Bắc trung bộ nên ảnh hưởng sự giao thoa của nhiều nền văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều phong tục tập quán, truyền thống lễ hội của các dân tộc của các vùng lãnh thổ khác…Nằm trong không gian của một vùng bán sơn địa nên Yên Thuỷ có nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, hấp dẫn. Dãy trường sơn hùng vĩ với những núi đá xen kẽ tạo ra nhiều thung lũng hang động kỳ thú như: núi thờ, núi cấp (Yên Lạc) với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, hang động được xếp hạng: Chùa Hang (Yên Trị), động thiên tôn gồm 2 hang: Hang cạn, hang nước (Ngọc Lương), hình thành làng du dịch sinh thái dân tộc Mường (Xóm Thấu – Lạc Sỹ), chùa Tác Đức (Lạc Thịnh), động thiên long (Lạc Lương). Mỗi danh lam thắng cảnh đều chứa đựng trong đó những giá trị vật chất và tâm linh đặc sắc, là điểm là thu hút khách trong và ngoài nước đến với Yên Thuỷ.

4. Kinh tế – Xã hội

Về phát triển kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,52%; trong đó Nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 6,12%; Công nghiệp xây dựng tăng 10,46%; dịch vụ tăng 20,78%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng Nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 43,83%; Công gnhiệp xây dựng chiếm 34,03%; nghành Dịch vụ chiếm 22,14%. Giá trị tăng thêm theo giá trị hiện hành đạt 1.002 tỷ đồng; Giá trị tăng thêm bình quân/ người đạt 15,34 triệu đồng; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng đạt 334 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 234 tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 20,1 tỷ đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25,08%, tỷ lệ hộ nghèo còn 22,52%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai tích cực, đến nay 12/12 xã đã lập song đồ án xây dựng NTM, trong đó đã phê duyệt 3 đồ án của 3 xã: Ngọc Lương, Đoàn Kết, Yên Lạc, đang thẩm định 9 đồ án. 12/12 xã đã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó đã phê duyệt đề án cho 2 xã (Ngọc Lương, Yên Lạc), 10 đề án còn lại đang thẩm định

Thu hút đầu tư nước ngoài:

Năm 2011 trên địa bàn huyện có một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư.Ngày 23/5/2010, UBND tỉnh Hoà Bình đã có văn bản số 589/UBND-ĐT đồng ý cho chủ trương cho tập đoàn BTG Slovensko, một nhà đầu tư Slovakia, làm chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lạc Thịnh, huyện Yên Thuỷ, có diện tích 200 ha. Tập đoàn BTG cũng được tỉnh đồng ý cho chủ trương thực hiện các dự án thứ phát như: nhà máy sản xuất lò nhiệt điện sử dụng trong nhà máy nhiệt điện có công suất 100-200 MW, nhà máy bia công suất 200 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cách nhiệt, chế biến sũa; sản xuất pin năng lượng mặt trời. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 378 triệu Euro (540triệu USD).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, “trong giai đoạn I, tập trung giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 50% tổng diện tích Khu công nghiệp, chưa thu hồi ngay đất lúa, đất ở dân cư”. Uỷ ban nhân dân huyện Yên Thuỷ đã tập chung chỉ đạo thực hiện song công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí 110,7 tỷ đồng.

Đây có thể nói là cơ hội để huyện Yên Thuỷ phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến trình kinh tế của huyện góp phần tạo động lực và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá cũng như giải quyết việc làm cho lao động trong vài năm tới.

Về phát triển doanh nghiệp:

Tính đến ngày 31/12/2011 có 50 doanh nghiệp và 8 chi nhánh, 1 văn phòng đại diện, công ty TNHH 2 thành viên trở lên 15 đơn vị, công ty cổ phần 11 đơn vị; 8 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện. Hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, đăng ký hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp, thăm dò khai thác khoáng sản và thương mại dịch vụ.

Giao thông:

100% các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn trong huyện đã được giải nhựa. Với phương trâm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm ” hơn 2 năm qua cùng với việc cải tạo sửa chữa các tuyến đường liên thôn, liên xóm, với sự hỗ trợ của Nhà Nước toàn huyện đã bê tông hóa được 34 km với tổng kinh phí là: 5.682,0 triệu đồng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn tỉnh và nguồn vốn của huyện, đã tổ chức nâng cấp được nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn như tuyến đường nam cửa lũy xã Đoàn Kết, tuyến đường khu 7, khu 10 thị trấn Hàng Trạm, đường công vụ Yên Hòa, Bảo Hiệu, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh với chiều dài 22,5km đi qua 5 xã thị trấn của huyện, đường du lịch sinh thái Lạc Sỹ dài 15,3 km đi qua các xã (Lạc Lương, Bảo Hiệu, Yên Lạc, Thị trấn Hàng Trạm) đường phía nam huyện đi theo chân núi Trường Sơn dài 20 km, đường liên xã (Lạc Thịnh – Đa Phúc – Lạc Lương), đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giao thông cho các xã ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa xã hội và giao lưu kinh tế giữa các vùng.

Thủy lợi:

Sông ngòi trên địa bàn  tạo nên mạng lưới thuỷ lợi tưới tiêu kịp thời và giao thông thuận lợi. Sông lạng bắt nguồn từ xã Lạc Lương chảy qua các xã Bảo Hiệu, Hữư Lợi, Đoàn Kết và sang xã Thạch Bình huyện Nho Quan (Ninh Bình) dài 30 km Tổng số có 60 hồ chứa nước trên địa bàn huyện cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt của nhân dân tiêu biểu như: hồ Mền I, mền II, hồ Rộc, hồ Ba sào… Ngoài ra , trong lòng đất Yên Thuỷ còn có hệ thống nước ngầm đáng kể, có mạch nước ngầm ở xã Ngọc Lương. Trong những năm qua công tác thủy lợi luôn được quan tâm trú trọng từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn bởi các chương trình dự án của tỉnh và Trung Ương, đã thực hiện tốt việc cải tạo, nâng cấp xây mới hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu. Đến nay có một số công trình thủy lợi đã được cải tạo nâng cấp hoàn thành đi vào phục vụ sản xuất như: Hồ Sậm Vợn (Lạc Lương), hồ Bèo (Đa Phúc), hồ Rộc Bót (Hữu Lợi) Hồ Cây Chu (Đoàn Kết) và một số công trình khác đã và đang hoàn thiện tất cả thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện đầu.

Giáo dục và đào tạo:

Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chất lượng dạy và học được nâng lên, số học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp đạt tỷ lệ khá, đội ngũ giáo viên trong huyện được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện nay ngành giáo dục có 1.280 giáo viên, có 15 trường mầm non (234 lớp); 14 trường tiểu học (228 lớp); 13 trường trung học cơ sở (134 lớp) 01 trung tâm giáo dục thường xuyên (12 lớp); 03 trường trung học phổ thông (54 lớp), 01 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện (8 lớp), 01 trung tâm dạy nghề huyện và 01 trung tâm bồi dưỡng chính trị và huyện

Công tác y tế:

Huyện có 01 bệnh viện đa khoa trung tâm, 02 bệnh viện đa khoa khu vực, 01 trung tâm y tế dự phòng, 13/13 trạm y tế xã, thị trấn. Công tác khám chữa bệnh cho người dân, chất lượng các dịch vụ y tế ở các tuyến ngày càng được nâng cao, công tác truyền thông, tuyên truyền, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc giáo dục trẻ em luôn được chú trọng đổi mới, hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm. Phòng y tế huyện đã tăng cường sự quản lý nhà nước về hoạt động y tế, hạn chế hoạt động buôn bán dược phẩm trái phép và quản lý tốt các cơ sở y tế hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn huyện.

Truyền thanh truyền hình:

Huyện có 01 đài truyền thanh truyền hình, 03 trạm chuyển tiếp đặt tại các xã Đa Phúc, Bảo Hiệu, Lạc Sỹ. Trong huyện số hộ được xem truyền hình đạt tỷ lệ là 96 %. Số hộ nghe đài tiếng nói việt nam là 16.214 hộ đạt 99,9%.

Bưu chính viễn thông:

Hiện nay ngành công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông không ngừng phát triển và vươn xa, dịch vụ mạng Internet đang phát triển rất mạnh ở huyện lỵ và các vùng lân cận, trên toàn huyện đã có 12/13 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, có 1525 máy thuê bao cố định, số thuê bao di động trả trước là 32.807, thuê bao trả sau là: 2,260 , Tổng số là: 36,592.

Điện lưới quốc gia:

Mạng lưới điện ngày càng được mở rộng và nâng cấp về chất lượng, hiện nay trong toàn huyện có 13/13 xã có điện lưới Quốc gia, 146 xóm (đạt 92,99%) có điện lưới Quốc gia, số hộ gia đình dùng điện lưới Quốc gia là 13.542 hộ đạt 94,53% phấn đấu đến năm 2010 số hộ dùng điện lưới Quốc gia đạt 97,5

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây