Giới thiệu khái quát phường Bình Hiên

Giới thiệu khái quát phường Bình Hiên

Là một trong những phường thuộc quận Hải Châu, trung tâm thành phố Đà Nẵng, Bình Hiên trở thành một địa danh được nhiều sử sách nhắc đến khi nói đến quá trình hình thành và phát triển của thành phố này.

Phường Bình Hiên hiện nay được giới hạn trên bản đồ Đà Nẵng là: phía Đông giáp Sông Hàn, phía Tây giáp phường Vĩnh Trung, phía Bắc giáp Nam DươngPhước Ninh và phía Nam giáp phường Bình Thuận. Diện tích toàn phường khoảng hơn nữa cây số vuông. Trước năm 1975, dân cư phường Bình Hiên còn thưa thớt song hơn 25 năm qua, do tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học khá nhanh, nên hiện nay dân số của phường là” 12.926 người.

Do sự biến động của lịch sử thành phố Đà Nẵng nên vị trí, địa lý, tên gọi, giới hạn của Bình Hiên qua các thời kỳ cũng thay đổi ít nhiều. Trước năm 1975, căn cứ vào Nghị định ban hành 5.1.1973, ngụy quyền Sài Gòn lấy Nại Hiên Tây (A và B), Tân Thành (A và B), Vĩnh Ninh, Bình Thuận, Bình Hải, Bình An để lập ra Chi cục Bình Hiên. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng tách Tân Thành A, Bình Thuận, Bình Hải, Bình An ra khỏi Bình Hiên.

Năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng chỉnh trang lại ranh giới giữa các phường trong thành phố nên phường Bình Hiên còn có thêm khối V tức là khối An Lạc. Vì thế phường Bình Hiên hiện nay bao gồm các khối như sau: Khối Vĩnh Ninh 1 (thuộc xã Thạc Gián cũ) khối III và IV (là xã Nại Hiên Tây) và khối V (thuộc xã Phước Ninh cũ).

Về khí hậu thủy văn, giống như thành phố Đà Nẵng, Bình Hiên cũng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới giáo mùa ven biển Miền Trung. Mùa nắng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch, khí hậu thường khô, nóng và ít mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 1 dương lịch năm sau, do mưa nhiều nên không khí thường ẩm ước. Điều kiện khí hậu thủy văn đó ảnh hường rất nhiều đến hoạt động kinh tế của nhân dân.

Cùng với bước đường Nam tiến của cha ông ta, các lớp cư dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã lần lược vào khai khẩn lập nghiệp ở các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Nam bộ. Con cháu của 12 phái tộc của 7 họ: Bùi, Nguyễn, Trần, Phạm, Võ, Lê và Ngô là người ở huyện Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa đã vào ở dọc hai bên bờ Sông Hàn lập ra xã (làng) Nại Hiên, ít lâu sau hình thành 3 làng Nại Hiên Đông, Nại Hiên Tây, Nại Hiên Nam. Nại Hiên Tây vùng đất dọc bờ Tây sông Hàn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến Tuyên Sơn. Nại Hiên Nam là phường Hòa Cường ngày nay.

Căn cứ văn bia của ông tổ Bùi Công thời Lê con cháu của 12 chi phái tộc ở Nại Hiên đã 14, 15 đời người thì cha ông ta đã vào ở đây từ giữa thế kỷ XV. Còn tổ tiên của 42 chi phái tộc của 17 hộ: Nguyễn, Lê, Trần, Đỗ, Đặng, Trương, Dương, Phan, Đào, Hồ, Châu, Đình, Mai, Lý, Thái, Lưu, Đồng thì quê cũ ở tỉnh Thanh Hóa, huyện Tỉnh Gia vào lập nên xã Hải Châu (trong đó có Tân Thành) vào thời Lê Thánh Tông lập nên Thừa Tuyên Quảng Nam năm 1471. Đành rằng trong quá trình lập nên xã Nại Hiên trước và phường Bình Hiên sau này, số cư dân đến trước luôn luôn tiếp nhận số cư dân ở mọi miền đất nước, chính xác là từ các huyện, tỉnh  Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…Vì nhiều lý do khác nhau, nên dù đến sớm hay muộn, bà con sống trên địa bàn Bình Hiên vẫn cố kết nhau theo tính cộng đồng xã, cảm thông, yêu thường gắn bó, trọng tình làng nghĩa xóm, khảng khái trong việc chống giặc ngoại xâm. Vì thế nên bất kỳ thời nào Bình Hiên cũng có những người con xả thân vì quê hương đất nước.

UBND phuong Binh Hien min - Giới thiệu khái quát phường Bình HiênUBND phường Bình Hiên

Về kinh tế- văn hóa: cư dân Nại Hiên trước đây vừa làm rộng, vừa làm nghề chài lưới trên sông, biển. Dụng cụ đánh bắt hải sản chủ yếu của họ là rớ đáy, giã cào và lưới. Cùng với chiếc thuyền ghỗ, thuyền nan nhỏ bé, mỗi sớm mai hay chiều tối, ngư dân xưa buôn lưới, thả câu trên Sông Hàn và Vũng Thùng, cuộc sống của họ khá vất vả, gian nan. Một số gia đình khá hơn thì sắm ghe bầu, lập nên những đội thuyền chuyên chở hàng hóa cho con buôn từ Đà Nẵng đến khắp các cửa sông ven biển miền Trung.

Nại Hiên cùng các khối phố thuộc Hải Châu, Thạc Gián, Phước Ninh…ngoài các ngành nghề trên còn có các nghề thủ công truyền thống như: làm muối, nung vôi và đóng thuyền…Nỗi tiếng nhất là nghề làm muối ở Nại Hiên. Ca dao xưa có câu:

“Nại Hiên là làng ý e

Nấu muối bằng nước lấy tre làm nồi”

Ca dao trên không những cho ta biết nguồn gốc Thanh Hóa của những người dân “mang gươm đi giữ nước” ở Nại Hiên xưa mà còn chỉ ra kỷ thuật dùng tre đan thành nồi, trái đất và đổ nước biển vào nấu cho đến khi muối được kết tinh của người dân xứ Thanh thở trước. Trước cách mạng tháng tám, Nại Hiên vẫn còn sản xuất muối song do quá trình đô thị hóa và nhất là độ mặm của nước biển vùng cửa sông ngày càng giảm nên nghề làm muối nổi tiếng một thời bị mai một.

Vào thế kỷ XVIII nhiều tàu buôn các nước như: Trung quốc, Singapore, Thái Lan…cập cửa Hàn để trao đổi mua bán. Đà Nẵng lúc bấy giờ không chỉ là một thương cảng mà còn là một quân cảng, nơi đây được các vua chúa nhà Nguyễn dùng để tiếp các phái đoàn ngoại giao phương Tây.

Cảnh mua bán trên bến dưới thuyền ở Đà Nẵng ngày thêm tấp nập đã tạo ra một bộ phận nhân dân chuyên làm nghề buôn bán, chuyên chở, khuân vác. Các phu khuân vác hàng hóa họp nhau thành những tổ nhỏ gọi là “phổ”. Sau này, khi thực dân Pháp bắt dầu khai thác thuộc địa thì số lượng công nhân, công chức, thầu khoán, cai, ký…ngày càng nhiều. Tuy nhiên thân phận dân nghèo thành thị buôn thúng bán bưng, giúp việc nhà, kéo xe tây, làm culi…của nhân dân cũng không thay đổi được mấy. Do vậy, giai cấp công nhân tuy đã tăng lên về số lượng và tay nghề song lại bị bóc lột, đàn áp nặng nề hơn.

Về cơ sở hạ tầng: Sau khi Đà Nẵng trở thành “nhượng địa”, Pháp xây dựng Tòa dốc lý, ga xe lữa, nhà thờ Con Gà…; tại Bình Hiên chúng xây dựng Bảo Tàng Chăm, nhà máy chè…Pháp cũng bắt đầu mở những con đường mới từ cửa Hàn đi Quảng Nam (đi qua địa phận Bình Hiên) tức là đường Trưng Nữ Vương hiện nay, đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Hoàng Diệu) và đường Phan Châu Trinh…tất cả các con đường trên đều dựa trên những con đường đất cũ của Nại Hiên, Hải Châu, Thạc Gán mà thành. Các con đường như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An hiện nay đều được chính quyền Sài Gòn nâng cấp, xây dựng trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược nước ta.

Bình Hiên còn có những di tích lịch sử văn hóa như: Giếng Bộng, đình, chùa, miếu…phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân cần được giữ gìn tôn tạo.

Giếng Bộng là cái Bộng nước ngọt có mạch ngầm trong cồn cát thành tên của một xóm nhỏ trong Nại Hiên Tây, gọi là Xứ (xóm) Giếng Bộng. Tương truyền rằng, khi vua Lê Thánh Tông đêm quân đi chinh phục Chiêm Thành, lúc dừng chân tại đây quân lính của ngài đã dùng nước giếng này để uống. từ những năm đầu thế kỷ XX, xóm giếng Bộng là dãy đất từ bảo Tàng Chăm đến quá chợ Nại Hiên, mới có 4 nóc nhà, mà chỉ có nhà ông Phán Thạnh (tức Huỳnh Thạnh) là nhà ngói, đây là điểm hội họp, làm việc của các đồng chí cách mạng ở tỉnh Quảng Nam (và Đà Nẵng) là một di tích lịch sử cách mạng trong 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ của Bình Hiên.

Nói đến Bình Hiên, không thể không nói đến đình Nại Hiên và nói đến chùa Long Thủ (nay là chùa An Long).

Đình Nại Hiên, không ai biết chắc được đình xây từ bao giờ song chắc chắn rằng sau khi đã an cư lập nghiệp. Lúc đầu đình chỉ làm bằng tranh tre, nứa lá, sau đó được xây kiên cố hơn bằng gạch, ngói. Hằng năm, có xuân thu nhị kỳ con cháu 12 phái tộc của làng Nại Hiên (kể cả Nại Hiên Nam thuộc Hòa Cường hiện nay) cũng quy tụ về đây tế lễ. Chùa Long thủ được nhân dân Nại Hiên xây dựng vào năm 1657, trong chùa có một tượng đồng và một đại hồng chung đường kính 0,8m. Năm Minh mạng thứ 6 (1825) khi nhà vua xa giá vào cửa Hàn, thấy chùa bị đổ nát, bèn cho đêm tượng đồng về về thờ trên núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn); riêng tấm bia đá vì quá nặng không thể di chuyển dược nên còn lại cho đến ngày nay. Văn bia có đoạn “Làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn. Xưa, nơi đây đức Phật từng cảm ứng gia hộ cho những người bất hạnh. Do vậy các tín chủ thường cầu nguyện tại chốn này…Vì thế ông Trần Hữu Lễ, cai hợp Ty Tướng Thần Lại, dân sở tại, phát tâm tín ngưỡng và hoài vọng muôn ơn, cất lên tịnh xá cho các thầy chùa trú ngụ, hết thảy dân làng đồng ý dựng lên ngôi chùa mới. Để chùa Long thủ bề thế hơn, năm 1957 ông Nguyễn Thanh Giá đại diện con cháu 12 tộc phái ở Nại Hiên đã giao gian chính đình Nại Hiên cho sư trụ trì chủa Long Thủ, xây thêm lầu trống và gác chuông, đồng thời tôn tạo “nhà ngang” để thờ cúng tổ tiên như ta thấy ngày nay. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Nại Hiên, chùa Long Thủ là nơi cán bộ và cơ sở cách mạng xã Nại Hiên Tây hội họp, bàn định kế hoạch hoạt động trong lòng thành phố Đà Nẵng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây