Giới thiệu khái quát quận Ba Đình

Giới thiệu khái quát quận Ba Đình

Giới thiệu khái quát quận Ba Đình

1. Tên gọi Ba Đình, vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên Tên gọi Ba Đình xuất phát từ cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra từ năm 1886 – 1887 hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX do các chí sĩ yêu nước như Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Bạt, Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao tiến hành. Ba Đình là vùng đất của ba thôn Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh ở giữa vùng đầm lầy hiểm trở thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Khu vực này được gọi là Ba Đình bởi ba thôn trên có chung một ngôi đình ở thôn Mỹ Khê.

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại nhưng đã để lại tiếng vang lớn, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước giai đoạn cuối thế kỷ XIX nên địa danh Ba Đình được chọn để đặt tên cho vườn hoa tại ngã sáu phía sau vườn Bách Thảo. Tại đây, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở đầu kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc.

Từ sau ngày Hà Nội được giải phóng tháng 10 năm 1954 đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong tám khu phố nội thành. Ngày 31-5-1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sát nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và ba xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây. Thời kỳ này Ba Đình được chia thành 50 khối, đến tháng 5-1968 sát nhập thành 35 tiểu khu. Năm 1981 khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình gồm 15 phường. Ngày 5-1-2005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới các phường Ngọc Hà, Cống Vị, Ngọc Khánh và thành lập thêm hai phường mới là Liễu Giai và Vĩnh Phúc.

Dưới triều Nguyễn, Ba Đình ngày nay vốn là vùng đất bao gồm hầu hết các thôn xã của huyện Vĩnh Thuậnvà một phần của huyện Thọ Xương. Vĩnh Thuận dưới triều Lê là huyện Quảng Đức, thuộc phủ Phụng Thiên. Từ đời Lê sơ đến thời Tây Sơn đều giữ 18 phường cho đến Năm Gia Long thứ tư (1805) đổi tên thành Vĩnh Thuận, gồm 5 tổng, 57 xã, phường, trại; đời Tự Đức đến đời Đồng Khánh gồm 5 tổng, 40 phường, trại. Thời nhà Nguyễn hai huyện Thọ Xương Và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, tương ứng với nội thành Hà Nội ngày nay.

Địa giới hành chính của Ba Đình trước đây (Vĩnh Thuận) gồm có 12 thôn của tổng Yên Thành (Yên Thành, Yên Trạch, Yên Định, Yên Thuận, Yên Ninh, Lạc Chính, Thanh Bảo, Trúc Yên, Khán Xuân, Châu Yên, Yên Viên, Yên Quang), 3 trong 7 phường của tổng Thượng (Giai Cảnh, Thạch Khối, Yên Phụ), 9 trại của tổng nội (Liễu Giai, Đại Yên, Ngọc Hà, Thủ Lệ, Cống Vị, Vạn Bảo, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Giảng Võ), 5 trong 6 phường của tổng Trung (Thuỵ Chương, Hồ Khẩu, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài), 1 trong 7 phường của tổng Hạ (Nhược Công). Một phần còn lại của Ba Đình thuộc huyện Thọ Xương, ở phía tây nam của thành Thăng Long xưa kia.

Hơn 1000 năm trước, Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn), ông vua khai sáng triều đại Lý đã nhìn thấy thành Đại La nằm trên đại can long sông Hồng – nơi có long mạch lý tưởng: “Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…” (Chiếu dời đô – Lý Công Uẩn). Sông Hồng sau bao ngoằn nghèo, uốn khúc để xả bớt hung khí bỗng hiền hoà,mềm mại khi đến đất này.

Trong khung cảnh lịch sử của kinh thành Thăng Long, Ba Đình là vùng non nước – sông hồ. Phía bắc có hồ Trúc Bạch, từng là nơi cư ngụ của những người sống bằng nghề chài lưới và tơ lụa. Phía đông là dòng sông Nhị Hà uốn lượn, kết hợp với sông Tô Lịch ở giữa chảy từ đông sang tây rồi từ bắc xuống nam làm ranh giới tự nhiên với quận Cầu Giấy ngày nay. Sông Kim Ngưu mở cửa vào Hồ Tây (còn có tên là hồ Kim Ngưu), chảy theo chiều bắc – nam tạo thành vùng đất Ngọc Hà, dọc theo đường Ông Ích Khiêm – Lê Trực, luồn qua đường Cát Linh chảy xuống Hào Nam.

Một địa danh khác nổi tiếng thuộc địa phận Ba Đình là núi Nùng, hay còn gọi là Long Đỗ Sơn (rốn rồng). Tương truyền giữa núi Nùng có một lỗ thông xuống lòng đất, kết với sông Tô tạo thế địa lý minh đường, âm lai dương thụ. Nói cách khác thì đó đạt được một bối cảnh “giao toả, chu mật, triều tiến, đại hội, quảng tụ” của thế đất núi Nùng sông Tô. Do vậy, đời Thái Tổ nhà Lý (1009-1028) dựng lên chính điện, đến đời Lê cũng xây điện Kính Thiên ở nơi này.

2. Lịch sử hình thành và phát triển của Thập Tam Trại

Thập Tam Trại là tên gọi dân gian để chỉ vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Những phát hiện khảo cổ ngẫu nhiên hoặc trong quá trình quy hoạch đô thị ở khu vực vường Bách Thảo, Đại Yên, Quần Ngựa,…đã cho thấy nhiều bộ sưu tập di vật đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, kim loại có giá trị. Ở vùng Vạn Phúc, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên,…có nhiều đồ nung hình rồng, phượng, gốm sứ Lý – Trần. Bằng chứng từ khảo cổ học có thể đưa ra khẳng định Thập Tam Trại là khu vực đã có dân cư sinh sống liên tục từ thời đại đồng thau đến nay.

Các nguồn thư tịch cổ chép về khu vực Thạp Tam Trại bắt đầu từ khi nhà Lý định đô (1010). Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Sĩ Liên cho biết năm 1010, sau khi xây dựng một số cung điện chính, Lý Thái Tổ cho đắp thành (Thăng Long thành – vòng thành thứ hai). Thành mở 4 cửa, trong đó cửa Quảng Phúc ở phía Tây, là cửa mở ra khu vực chùa Diên Hựu (Một Cột) và chợ Tây Nhai (Ngọc Hà).

Theo sử liệu thì vùng phía Tây của kinh thành Thăng Long thời đó khá hoang sơ, vắng vẻ. Năm 1044 vua sai đặt cũi lớn ở bên Hồ Tây, nhốt con voi nhà trong đó làm mồi nhử voi rừng. Cuối thế kỷ XI còn có trăn hoa ở mạn đền Voi Phục, hay đến năm 1354 đời Trần có cả hổ đen xuất hiện. Như vậy, có thể thấy phía Tây của thành còn lắm phần hoang dại.

Dưới thời Lý – Trần, Thập Tam Trại thuộc sự quản lý của ty Bình Bạc, sau đổi thành Kinh sư An phủ sứ, Kinh sư đại doãn, Trung đô doãn…Năm Quang Thuận triều Lê (1460-1469), đặt phủ Trung Đô (sau đổi thành Phụng Thiên), gồm hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức. Thập Tam Trại thuộc huyện Quảng Đức, chính là khu vực thuộc quận Ba Đình ngày nay.

Sang thời Lê, kinh thành được xây dựng lại với quy mô rộng lớn hơn. Theo Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thì “căn cứ vào bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (đời Lê Thánh Tông) thì thành này hình như thước thợ mộc (chữ L). Ba mặt Đông, Nam, Bắc vuông vắn, mặt Tây và nam dài một nửa…Đấy là dấu cũ thành Thăng Long. Về bên Đông phía trước là Thái Miếu, phía sau là Đông Cung, bên Tây núi Khán Sơn là điện Giảng Võ. Lại về phía Tây là đền thờ Linh Lang. Trường thi Hội đều ở đấy.” Như thế, khu vực Thập Tam Trại dưới thời Lê nằm trọn trong Hoàng thành.Đại Việt sử ký toàn thư chép: “tháng 11 năm 1490 đắp rộng thêm Phượng thành, dựng điện Thanh Bảo, lập lại vườn Thượng lâm…” Vòng thành thứ ba mở rộng ra phía ngoài đã bao lấy khu vực Khán Sơn – Ngọc Hà, một phần của Thập Tam Trại đã thuộc vào khu vực cấm của triều đình, thức là nằm trong Phượng thành.

Theo một số sử gia thì vùng Thập Tam Trại ra đời ở giai đoạn khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn. Tuy vậy, từ huyền tích và tư liệu dân gian, vùng đất Thập Tam Trại lại có từ thời Lý.

Kết quả khảo sát thực tế gần đây cho thấy người dân vùng Thập Tam Trại hầu hết tự nhận mình là con cháu của dòng dõi Hoàng Lệ Mật (Gia Lâm) sang đây khai hoang lập ấp từ thời Lý. Tương truyền rằng thời vua Lý Thái Tông, ở làng Lệ Mật có một cặp vợ chồng sinh được người con trai vào năm Bính Dần (1026) đặt tên là Quý Công. Quý Công tài giỏi, thông minh hơn người và làm giám quan trong triều. Ông đã lập được công lớn khi lặn xuống đáy sông, giao đấu với các loại thuỷ tộc và tìm được xác một công chúa bị chết đuối khi đi chơi bị đắm thuyền trên sông Thiên Đức. Vua ban thưởng tước lộc song Quý Công không nhận, làm tờ biểu tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được phân bổ về phía Tây thành Thăng Long, phía sau chùa Bảo Tự lập thành 13 trại. Việc hoàn thành tốt đẹp và Quý Công mất vào năm Kỷ Hợi (1119), ngày 12 tháng 10, thọ 93 tuổi.

Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng 3 năm âm lịch, dân Thập Tam Trại lại kéo nhau từ “kinh quán” về “cựu quán” để tổ chức mừng ngày đức “Thánh Tổ” họ Hoàng đưa dân sang khai hoang lập ấp phía Tây kinh thành:

                                      Nhớ ngày hai ba tháng ba,

                             Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê.

                                       Kinh quán cựu quán đề huề,

                             Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Tuy vậy, không phải trại nào cũng tự nhận mình được thành lập bởi công lao của Hoàng Phúc Trung. Các cụ cao niên ở làng Thủ Lệ truyền rằng trại này ra đời trước khi Thập Tam Trại của Hoàng Phúc Trung được thành lập. Sau khi Quý Công đưa dân sang khai hoang, lập ấp thì trại Thủ Lệ tự động “nhập vào” và việc sang Lệ Mật là truyền thống giao hảo nhớ về một người có công phá ấp lập điện mà thôi. Cũng có nhiều người nhận quê gốc của mình không phải ở Lệ Mật.

Một huyền tích khác kể rằng nhân cuộc du ngoạn về làng Lệ Mật, vua Lý Thái Tông gặp một cô gái nhan sắc nghiêng nước, nghiêng thành là Hoàng Thị Tâm, con cụ đồ Hiền. Vua yêu mến, có chiếu vời cô về cung lập làm Tây cung Hoàng Hậu rồi sinh một hoàng tử đặt tên là Lý Lang Công. Lý Lang Công sau này lập nhiều công lớn như đánh thắng giặc Tống (1077) và đem quân đánh dẹp Chiêm Thành và Chân Lạp ở phía Nam, được vua phong “Quốc quân sư Trung Dũng Vương”. Trung Dũng Vương tâu lên đức vua: “hiện nay phía Tây thành Thăng Long có một dải đất hoang, khi trước hạ thần đã đặt 13 ấp quân cơ để bảo vệ thành. Nay hạ thần mộ một số dân nghèo ở quê mẫu hậu sang khai khẩn đất hoang, mở rộng thành đô, giúp dân nghèo có chỗ an cư, lạc nghiệp.” Vua ưng thuận và sau ba năm dải đất hoang đó trở thành 13 trại đông vui, phồn thịnh. Điều này cũng giải thích thêm tên gọi Thập Tam Trại bắt nguồn từ 13 trại quân lính ban đầu của Lý Lang Công lập nên.

Trung Dũng Vương chết trên bãi Hoa Thơm trong một trận cuồng phong sau khi vớt xác công chúa bị nạn trên hồ Lãng Bạc. Vua cho rước Người về chùa Vĩnh Khánh làm lễ ma chay. Từ đó, hàng năm có tục 22 tháng 3 đánh cá ở giếng trước đình làm cá gỏi cúng thành và 23 tháng 3 các trại đem lễ vật về đình Lệ Mật mở hội tế lễ linh đình.

Nói chung, dù theo huyền tích nào thì các tư liệu dân gian đều khẳng định Thập Tam Trại ra đời từ thời Lý Thái Tông và gắn với câu chuyện xoay quanh trục sự kiện – địa danh: Lệ Mật – vớt xác công chúa –mảnh đất phía Tây kinh thành – Thập Tam Trại – 23 tháng 3 âm lịch.

Đến đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều biến đổi, thập tam trại (chủ yếu thuộc tổng Nội) bao gồm: Cống Vị, Đại Yên, Giảng Võ, Hữu Tiệp, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Vĩnh Phúc, Vạn Phúc, Xuân Biểu. Vạn Bảo đổi thành Vạn Phúc vì kiêng huý Thành Thái. Riêng trại thứ 13 là Hào Nam tuy không tổng Nội song tự nguyện gia nhập cộng đồng Thập Tam Trại.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây