Heo không đơn giản chỉ là con lợn – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Heo không đơn giản chỉ là con lợn - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng
Ta về nhớ bánh chưng xanh ,
Nhớ tràng pháo chuột nhớ tranh lợn, gà .
(Bàng Bá Lân)

Đến Tết , theo truyền thống , dân ta hay mua tranh Tết về dán ở nhà , đặc biệt phổ biến là tranh lợn , tranh gà . Gà là con vật cao quí , thậm chí gà trống còn là biểu thị cho nhân , nghĩa , lễ , trí , tín và khả năng trừ tà ma quỉ mị (tranh Gà trống / Kim Hoàng : thần kê trừ tà) . Còn heo/lợn nói chung biểu thị cho cái xấu xa , bẩn thỉu , tham ăn , tục uống . Tuy khác biệt như vậy , song tranh lợn và tranh gà được chuộng là do chỗ giống nhau của hai con vật : khả năng sinh sản của chúng. Ở khía cạnh này cụ thể mà nói , là gà mái (tranh Gà đàn và tranh Gà thư hùng : gà trống , gà mái và gà con) và lợn nái . Hình tướng béo tốt của lợn, đối với người Việt và các dân tộc khác, biểu tượng cho sự sung mãn và sinh sản dồi dào. Lợn nái với bầy con lủ khủ biểu thị việc đông con – hiểu một cách chính thống là “ Phúc/Phước” . Cả tranh Lợn ráy (lợn nái ăn cây ráy) và tranh Lợn đàn đều cách điệu xoáy lông thành đồ hình Thái cực để biểu đạt ý nghĩa “ vũ trụ” của lợn nái ; song trong đời sống tâm linh , chúng ta không có tập tục thờ tự con vật này mà chỉ thấy tập tục thờ cúng “ Ông Chuồng – Bà Chuồng” – được coi là thần bảo hộ việc chăn nuôi – vào ngày “ Mồng 3 Tết Chuồng” [1] . Mặt khác , cũng phổ biến quan niệm cho rằng Ông Táo là vị thần chủ quản gia súc .

1. Nói chung , một cách khá phổ biến , heo nái biểu trưng cho bản nguyên nữ , được qui về chức năng sinh đẻ . Đặc trưng này đồng nhất với nguyên lí Mẹ Đất , do vậy , heo nái là con vật hiến tế ưa chuộng nhất để dâng lên cho nữ thần Démeter (Hi Lạp/ La Mã : Dèmètra / Cerès : Nữ thần Đất , nữ thần Nông Nghiệp . Hình tướng : buộc quanh đầu một vòng bông lúa , tay cầm bó lúa mì , tay cầm liềm)[2] .

Ở xứ ta , không thấy mối quan hệ trực tiếp giữa heo nái và thần Đất như trên , nhưng heo là vật hiến tế phổ biến cho cả thần linh và cả tổ tiên . Và trong một số tập tục , heo / lợn tế có được sự tôn vinh nhất định : 1/ gọi lợn tế là Ông (Niệm Thượng – Võ Giàng – Bắc Ninh) , Ông Ỉ (La Phù – Hoài Đức – Hà Tây), Ông Voi ( Trà Cổ – Hải Ninh – Quảng Ninh) , Ông Đô (Thổ Tang – Vĩnh Tường  – Vĩnh Yên / Vĩnh Phúc) … 2/ Lợn tế được chăm sóc đặc biệt : tách riêng ra khỏi bầy, tắm rửa sạch sẽ , chuồng trại tươm tất , nuôi bằng thức ăn cho người : cháo gạo, bún, đậu phụ …  . 3/ Được rước đi ra đến nơi tế lễ bằng những nghi thức trang trọng … Mối quan hệ giữa lợn / heo với thần Đất thấy phổ biến ở các tộc người miền núi Trường Sơn – Tây Nguyên . Máu con lợn tế được trộn vào lúa giống trong các lễ trỉa lúa , bôi vào các công cụ hoặc nhỏ máu lợn xuống đất , ngay tại rẫy , nơi thiết lập “ đàn” cúng rẫy : vừa đi quanh rẫy , vừa đập vào mình heo cho chúng kêu thật to để mời thần linh tới dự lễ “ Cúng sống” (Buôi hất) , rồi cắt tai heo để vẩy máu lên đám rẫy , để thực hành việc hiến sinh , để tạ ơn được mùa và cầu xin được nhiều lúa trong vụ tới [3] . Tục “ Cúng sống” là của người Kàtu . Còn ở những bản / plêi , người Bnoong , mỗi lệ cúng rừng , mỗi người lấy một ít đất rừng hoặc đất rẫy để nặn thành con heo đất đặt giữa sân làng (bên cạnh con heo sống để hiến tế). Cuộc lễ bắt đầu , chủ làng dùng ống lồ ô vạt nhọn đâm vào tim heo tế để lấy máu, rồi tưới máu đó vào miệng con heo đất và đọc lời khấn cầu thần Đất, thần Rừng, thần Sông Suối của bản làng “ đồng lai cộng hưởng” . Người Bnoong xác tín rằng sau việc thực hiện lễ thức này việc khai thác rừngđược nhiều thuận lợi , hoa màu trên rẫy phát triển tốt và bản làng yên ổn phồn thịnh [4] .

Nói chung , heo / lợn là biểu trưng cho tín lí phồn thực ( sung mãn và sinh sản dồi dào ) nên được dùng trong các lễ nghi nông nghiệp , cầu mùa . Người Ve ở miền núi Trung Bộ cứ đến 30 Tết thì làm thịt lợn . Họ chọc tiết cho con heo kêu to , coi đó là tiếng sấm và tiết con heo phun ra như … mưa . Một cách tổng quát , heo và gà được dùng làm vật hiến tế trong các nghi lễ cầu phúc ; ngược lại chó và vịt lại là lễ vật cúng trong các nghi lễ giải hạn , trừ tà . Người Việt dùng vịt để cúng cô hồn và máu chó được coi là có tính năng trừ tà ma quỉ mị !

2. Theo điển lệ chính thống bộ ba con vật hiến tế trong các lễ trọng Thái Lao , là bộ “ Tam sinh” : heo , bò / trâu , dê . Trong dân gian biến tướng của bộ ba lễ vật này gọi là “ Tam sênh” , gồm một miếng thịt , quả trứng và con tôm … cũng được coi là đủ lễ . Còn theo điển lệ , bộ tam sinh , gốc xưa gọi là “ hy sinh/sanh” là loài thú tuyền ( toàn ) sắc , không lai tạp dùng để cúng tế thần . Ngày nay từ “ hy sinh” có nghĩa khác . Trong văn tế chữ Hán tên các con vật dùng để hiến tế được gọi bằng đặc ngữ : trâu gọi “ Nhất nguyên đại võ” , bò : “ Hoàng mao” , heo : “ Cang lạp” , heo con : “ Đột phì” … Về nguyên tắc , các nơi thờ tự các bậc đế vương hay công thần phải tế “ Tam sanh” . Ở đình làng , lễ tế chính ( hàng năm hoặc ba năm đáo lệ ) cũng tế theo điển lệ chính thống , nhưng ít nơi dâng cúng đủ bộ “ Tam sanh” mà thường là dùng heo ( Cang lạp ) làm lễ phẩm , trừ một số nơi có lệ là phải dùng trâu/bò .

Lệ chung phổ biến : con heo hiến tế không qui định về giới tính. Cá biệt, có một số kiêng kỵ : hoặc chỉ tế con đực, hoặc chỉ tế con cái . Tục truyền, các đình thờ Đại Càn Thánh Nương Vương (Bốn vị nữ thần , gốc thờ ở Đền Cờn, cửa biển Cần Hải , Quỳnh Lưu , Nghệ An) thì không dám cúng con heo đực . Ngược lại , dâng lễ cúng thần Thành Hoàng bổn cảnh (hiểu chính thức là nam thần) thì không dâng cúng con thú giống cái[5]. Nói chung , dù hiến tế con vật thuộc giống gì thì tập tục truyền thống luôn yêu cầu là phải toàn sinh, nghĩa là con thú sau khi giết chỉ cạo sạch lông và làm sạch lòng . Con heo phải giữ vẹn toàn và bộ lòng phải được bảo toàn đầy đủ , chỉ luộc sơ.

Tục dùng heo quay để tế thần, vốn gốc từ tập tục của người Hoa. Tuy vậy, người Hoa ở Chợ Lớn cúng Ông Bổn ( Thổ Địa Phước Đức Chính Thần) cũng dùng heo sống. Tục cúng heo quay coi ra giản tiện, thuận lợi cho những người lo việc ẩm thực của lễ hội, nhưng bị coi là trái với cổ lệ. Đặc biệt , những nơi thờ Hậu quân Võ Tánh thì tuyệt đối không được hiến tế thú quay , bởi điều này nhắc lại việc ông bị chết vì lửa !

Những nơi thờ Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục (Quan vận lương thời Lê bị xử tội oan : chém đầu) thì chỉ “ cõng heo tế chạy theo đàn tế , làm cho heo kêu la lên như có ý kêu van cho được sinh toàn vậy, vì thần chết dưới lưỡi dao”[6] .

Yêu cầu gọi “ toàn sinh” là vậy , nhưng trong thực tế , khi điều kiện kinh tế khó khăn , thì cúng “ thủ vĩ” (đầu và đuôi heo) cùng một đĩa lòng , một đĩa thịt cũng có thể coi là đủ lễ … là “ toàn sinh” . Thậm chí , việc cúng “ đầu heo” cũng tượng trưng cho lòng thành như cúng “ một con heo” . Quan niệm “ toàn sinh” này cũng thấy phổ biến ở ở các dân tộc ít ngườinước ta , với cách thể hiện ít nhiều khác biệt : 1/ Một nửa con thú ( xẻ dọc ) cũng được coi là đầy đủ các bộ phận dùng để cúng , nửa kia đem nấu nướng đãi khách . 2/ Con thú được lấy thịt phân thành nhiều mâm cúng ( tại một nơi hay nhiều nơi ) với yêu cầu “mâm” nào cũng phải có đủ các bộ phận của con thú- mỗi thứ một miếng , một lát nhỏ .

3. Con heo tế phải là con heo con sống , khỏe mạnh . Chính vì yêu cầu này nên trong nghi lễ tế thần có nghi tiết “ Tỉnh sinh” , “ Ế mao huyết” (đem chôn lông và huyết) . Nghi tiết “ Tỉnh sinh” là nghi thức trình con thú tế cho thần (có nhạc lễ tấu và chủ lễ cúng lạy dâng ba tuần rượu , một tuần trà[7]. Rồi trước khi đồ tể chọc tiết con lợn tế , viên chủ tế lấy dao gọt một nhúm lông bỏ vào đĩa và hứng một tí huyết tươi đem đặt lên bàn thờ thần . Theo cổ lệ , lông và huyết để riêng : đĩa lông trình trước Võ ca (phía ngoài sáng thuộc dương) và đĩa huyết trình trước bàn thần (phía trong tối thuộc âm) . Kết thúc lễ “ Tỉnh sinh” , lông và huyết này đêm chôn ngoài sân đình .

Hai nghi thức trên ngày nay được hiểu là nhằm mục đích trình báo với thần linh rằng con thú hiến tế là con vật còn sống chứ không phải là con thú đã chết (ươn thối , mất phẩm chất) và là con vật tuyền sắc (không lai tạp) . Nghi thức trình con vật hiến tế này gần giống với tục cúng sống Buôi hất của người Kàtu nói trên , tuy nhiên , căn cứ vào các dữ liệu dân tộc học , chúng ta thấy có tập tục của phường săn : 1/ Khi hạ được một con thú , các thợ săn phải lấy huyết , lông và cắt một số bộ phận , mỗi thứ một tí , đào lỗ chôn ngay nơi con thú bị hạ để tạ ơn thần Rừng , thần Đất ; 2/ Tập tục thứ hai cũng làm tương tự như vậy , song lại nhằm để hồn con thú bị hạ ở lại trên núi rừng – không theo về buôn làng mà tác hại người ; 3/ Tập tục khác , phổ biến ở các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên là khi làm thịt con vật hiến tế , người ta thường vất lông , huyết và một ít thịt xuống dưới sàn hay chôn ở ngoài sân để cúng các ma xấu (hiểu là ma quỉ hại người) cốt cho chúng không vào nhà , nơi làm lễ cúng Dàng (hiểu là thần linh) mà đòi ăn , gây rối việc cúng tế . Các dữ liệu này cho chúng ta cách hiểu khác về tập tục cử hành lễ “ Tỉnh sanh” và “ Ế mao huyết” hiện còn tồn tại khá phổ biến trong lễ hiến tế ở đình làng và mặt khác , cũng chỉ ra những điểm tương đồng chung nhất của tập tục phong hóa mà sự tiến hóa của lịch sử đã làm cho chúng ta tưởng chừng như là sự khác biệt .

———————

[1]Trong văn tế ở Trung bộ : Ông Chuồng – Bà Chuồng có danh hiệu là “ Trư Lang Quách Cảnh chi thần” . Xem Huỳnh Ngọc Trảng – Vu Gia : Địa chí Đại Nghĩa , 2006 .

[2]Tự điển biểu trưng văn hóa thế giới . Nxb Đà Nẵng , 1997 , tr.528-529 .

[3]Nguyễn Hữu Thông chủ biên : Văn hóa làng miền núi Trung bộ Việt Nam , Nxb Thuận Hóa , 2005 , tr.277-283 ; 289 .

[4]Nguyễn Hữu Thông chủ biên : Văn hóa làng miền núi Trung bộ Việt Nam , Nxb Thuận Hóa , 2005 , tr.277-283 ; 289 .

[5]Về việc này tài liệu dân tộc học cho thấy , trong một số lễ thức có qui định về giống các con vật hiến tế . Chẳng hạn người Êđê , trong lễ cúng sức khỏe cho con : 1/ Un boong kpiê tlâu ( trẻ từ 3 – 10 tuổi ) , lễ vật có một con heo đực (cho bé trai) hoặc một con heo cái (cho bé gái) ; 2/  Lễ Un boong kpiê ema (trẻ từ 10 – 15 tuổi) có lễ vật là một con heo đực ; 3/ Cúng cho trẻ từ 15 đến trung niên : lễ vật có một con heo đực hoặc một con heo thiến … Đối với người M’nông , lễ vật cúng Mừng đá thần (Mlum mlar) thì lễ vật là con heo đực thiến và lông trắng tuyền .

[6]Gia Định thành thông chí . Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo , S. , 1972 , Tập hạ , tr 87 -88 .

[7]Xem Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường : Đình Nam bộ xưa và nay , Nxb Đồng Nai , 1999 , tr 167 – 184 .

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây