Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam - Bài 5 - vansudia.net

Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam

Một dân tộc thông minh, cần cù thì không cam chịu yếu kém và nghèo nàn. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức… Việt Nam sẽ cần bao nhiêu năm để có được những kỳ tích như “Thần kì Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kì” mang tên Singapore?

Nhìn lại để bước tới tương lai

Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, khát vọng, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam đã được khẳng định bằng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong khang dinh - Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam - Bài 5

Thực hiện di nguyện và mong muốn của Người: “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt, dân tộc Việt Nam đã và đang gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong khang dinh 2 - Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam - Bài 5

Đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế – xã hội, nhưng chúng ta “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Không được ngủ quên trên chiến thắng”; “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi”.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong khang dinh 3 min - Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam - Bài 5

Kinh tế thị trường góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong đời sống thể hiện ở thu nhập của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao; xã hội có những phát triển đáng mừng về mọi mặt đời sống – kinh tế, văn hóa… Tuy nhiên, thành quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của đất nước cũng như kỳ vọng của nhiều người. Sự gia tăng phân hóa giàu – nghèo, chênh lệnh giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế tạo ra nhiều tác động tiêu cực trong xã hội, mà hệ quả trực tiếp là gia tăng bất bình đẳng cơ hội, ảnh hưởng tới khả năng dịch chuyển xã hội của người dân lên các thang bậc kinh tế cao hơn, cũng như gây tác động không tốt tới sự phát triển chung của toàn xã hội. Và nếu so với các quốc gia có những câu chuyện thần kỳ về sự phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, Việt Nam vẫn còn những khoảng cách khá xa để theo kịp và hướng tới sự thịnh vượng ngang bằng với những quốc gia được cho là hình mẫu này.

Chúng ta đang ở đâu?

Cho tới hiện tại, Nhật Bản xếp thứ 11 thế giới về dân số với 126 triệu dân, quy mô nền kinh tế đứng 3 thế giới và thu nhập bình quân đầu người là 41.000 USD, đứng 24 thế giới. Hàn Quốc xếp thứ 28 thế giới về dân số với 51 triệu dân, quy mô nền kinh tế ước đạt 1.627 tỷ USD, đứng thứ 12 thế giới và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32.000 USD, xếp thứ 28 thế giới. Singapore xếp thứ 114 thế giới về dân số với 5,8 triệu dân, quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, đứng thứ 39 thế giới và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58.000 USD, xếp thứ 7 thế giới. Trong khi đó, dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, xếp thứ 15 thế giới nhưng quy mô nền kinh tế mới đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn ở mức thấp (ước đạt khoảng 3.521 USD năm 2020), đứng thứ 120 trên thế giới.

“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, tuy nhiên, nếu không so sánh thì chúng ta khó nhận biết được những thành tựu mà đất nước đã đạt được; so sánh với chính mình và so sánh với người để xem ta đã tiến bộ đến đâu và liệu ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm nào từ quốc tế?… Nhưng, đúng là không có hình mẫu nào là hoàn hảo, cũng không có giải pháp nào là dễ dàng và lý tưởng để sao chép hay bắt chước nguyên mẫu 100%. Có điều, nếu cứ loay hoay mãi mà chưa tìm ra hướng đi hay mô hình phù hợp, thậm chí là bế tắc thì rất có thể những “khát vọng hùng cường” mãi cũng chỉ dừng lại là… “giấc mơ”.

Thay đổi để tiến bộ hơn

Thay đổi để tiến bộ hơn, kế thừa những nền tảng sẵn có, học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận có chọn lọc những thành tựu từ các quốc gia đi trước, dám chấp nhận loại bỏ những thứ không còn phù hợp là cách tốt nhất để chúng ta có thể đi nhanh hơn, xa hơn và bền vững hơn. So sánh với người và so sánh với chính mình là cách tốt nhất để đánh giá về những thành quả đã đạt được. Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đã bước qua những ngưỡng thử thách và đạt được nhiều thành tựu lớn lao, đúc rút được những kinh nghiệm bổ ích nào. Nhìn lại để bước tới tương lai, so sánh với các quốc gia khác để thấy rõ hơn vị trí mà mình đang đứng, để thấy được những thách thức phải vượt qua ở chặng đường phía trước…

Việt Nam sẽ cần bao nhiêu năm để có được những kỳ tích như “Thần kì Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kì” mang tên Singapore? Câu trả lời là không dễ, nhưng không có lý do gì cản trở Việt Nam lập được những kì tích tương tự. Tuy nhiên, thể chế vẫn là một trong những nút thắt và lực cản đối với nền kinh tế nước ta, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua vẫn khẳng định “cải cách thể chế là một trong những đột phá quan trọng”…  Đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Không để thể chế cản trở sự phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, để phát huy vai trò của Nhà nước đối với mục tiêu khát vọng hùng cường, cần đẩy nhanh hoàn thiện, cải cách và nâng cao chất lượng thể chế cũng như thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đổi mới thể chế, trong đó, đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi đầu… tức là phải đổi mới tư duy lãnh đạo và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Và mọi đổi mới, cải cách cũng phải được bắt đầu từ người lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, quan trọng hơn là dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ và lạc hậu, xóa bỏ tư tưởng giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong cả tư duy và hành động.

Phải quyết liệt đổi mới mô hình giáo dục một cách hiệu quả hướng tới khoa học thực tiễn cho đời sống; thông qua giáo dục – đào tạo để tác động, thay đổi chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, nâng cao năng suất lao động… Giáo dục phải gắn thiết thân với lợi ích, đời sống của nhân dân. Và để cải cách giáo dục thực sự có hiệu quả lâu dài, ngành Giáo dục nên tham khảo mô hình giáo dục, kế thừa những nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới từ các quốc gia thành công đi trước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Giáo dục là nền tảng quan trọng để vươn tới khát vọng hùng cường. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức. Một dân tộc thông minh, cần cù thì không thể cam chịu yếu kém và nghèo nàn.

Bên cạnh giáo dục về tri thức, giáo dục để làm người thì cần phải giáo dục để hình thành, nuôi dưỡng khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hùng cường của dân tộc. Lực lượng thanh niên chính là rường cột, là tương lai của nước nhà… Thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cũng như hun đúc thêm niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước; góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh và phồn vinh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong khang dinh 4 min - Khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam - Bài 5

Cần thay đổi tư duy và tầm nhìn về các mục tiêu phát triển, đề cao hội nhập và hợp tác quốc tế cũng như phải xác định được lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh quốc gia (lợi thế tương đối và lợi thế tuyệt đối), hay nói cách khác là xác định điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu chiến lược dài hạn là gì… Nếu không, chúng ta sẽ rất dễ mắc phải “chiến lược quả mít” với tư duy, tầm nhìn ngắn hạn, cái gì cũng muốn, cái gì cũng làm, cái gì cũng là mũi nhọn, là lợi thế…; chạy theo trào lưu sẽ làm cho nguồn lực bị phân tán, dàn trải, mất tập trung và khó theo đuổi mục tiêu khát vọng hùng cường.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; tập trung các nguồn lực cho các thứ tự ưu tiên, rà soát để có các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị… Tiếp tục thực hiện và vận dụng có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cần xóa bỏ tâm lý tư duy nhiệm kỳ. Là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải dám nhận trách nhiệm chứ không phải thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho các yếu tố bất lợi khách quan như: Vị trí địa lý, thiên tai, vấn đề về cơ chế, thể chế… khi không hoàn thành nhiệm vụ và những yêu cầu đặt ra. Trên thực tế, thế giới không thiếu những quốc gia có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vị trí địa lý không mấy thuận lợi như: Israel, Nhật Bản, Singapore… nhưng họ đều đã trở thành những quốc gia hình mẫu về sự phát triển.

Tự tin vào khát vọng hùng cường

Chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, kinh nghiệm hàng trăm năm của các quốc gia đã được viết thành sách và không giữ làm bí mật. Họ sẵn sàng chia sẻ bí quyết thành công với thế giới. Mọi giải pháp đôi khi chỉ gói gọn trong một cuốn sách nhưng để áp dụng, học hỏi và làm theo cũng là câu chuyện dài gây nhiều tranh luận. Thực tế ở nước ta, nhiều khi có chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách tốt nhưng để đi vào cuộc sống lại gặp không ít trở ngại bởi khâu thực hiện, mà khâu thực hiện chính lại là con người…

Cổ nhân có câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Đúc rút này giúp chúng ta có thể tự tin rằng, khát vọng hùng cường hoàn toàn trở thành hiện thực khi có sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân – khi mà “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, muôn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, sự thịnh vượng của Nhân dân. Khi các nhà lãnh đạo nêu gương với tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực, biết tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung thì tất yếu sẽ huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển đi lên. Và mục tiêu hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” năm 2045 sẽ trở thành hiện thực!

Khắc Trường


Bài 1: Đừng để khát vọng hùng cường chỉ là “giấc mơ”

Bài 2: Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo

Bài 3: Khát vọng hùng cường & bài học về sự trỗi dậy

Bài 4: Khát vọng hùng cường & bản lĩnh Việt Nam 

Bài 5: Khát vọng hùng cường & hiện thực hóa ở Việt Nam

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây