Lần theo dấu vết những kho báu của triều Nguyễn

Kho báu không chỉ là câu chuyện của nén vàng, nén bạc mà còn gián tiếp gợi ra chân dung của những người liên quan hay nắm quyền định đoạt nó.

Sách Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô của François Thierry, do TS Lê Đức Quang dịch.

Những tư liệu của Pháp

Cuốn sách gồm 12 chương, cung cấp một góc nhìn mới lạ về sự kiện tưởng niệm trận vong 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885) tại cố đô Huế, với những sự kiện lịch sử liên quan đến việc kế ngôi vua Thiệu Trị, chống đối của giới sĩ phu và sự xâm nhập của phương Tây, Tử Cấm Thành trong giông bão, kho báu và nạn cướp phá…

Qua tác phẩm, François Thierry đã lần theo dấu vết những kho báu dưới triều Nguyễn: Phần được lực lượng nổi dậy chuyển đi cất giấu, phần bị người Pháp chuyển về nước, phần do vua chúa tích lũy hay tiêu pha. Những kho báu tuần tự vào tay những con người nhất thời nắm giữ, được cân đong tỉ mỉ, dựa theo những tư liệu của Pháp.

Theo lời bạt của dịch giả Lê Đức Quang, khi tiếp cận tác phẩm của François Thierry với tiêu đề gốc (sát theo câu từ) là “Kho báu của Huế – Một góc khuất của công cuộc thuộc địa hóa [của Pháp] tại Đông Dương” (Le trésor de Huê – Une face cacheé de la colonisation de I’Indochine), người đọc ngày nay phải đi một chặng đường lịch sử khá dài, từ 1847 khi vua Tự Đức lên ngôi tại Kinh thành Huế đến 1997 khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời tại Paris.

Câu chuyện “kho báu triều Nguyễn” có thể hiểu là kho báu tại kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô, trong đó kho báu có rất nhiều loại kho lẫm, tài sản, của cải chìm và nổi mà ranh giới thể chế, quy định công tư không được rõ ràng.

Câu chuyện kho báu tưởng chừng bắt đầu với việc chuẩn bị nổi dậy của quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết. Thực tế, nếu mở rộng biên độ lịch sử, nó còn bắt nguồn từ những lo toan “tích cốc phòng cơ” của vua Minh Mạng.

Cuối cùng, tất cả có thể (tạm thời) kết thúc với con cháu vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, qua các vụ đấu giá báu vật triều Nguyễn ở nước ngoài, đặc biệt tại Paris.

Kho báu cũng không chỉ là câu chuyện của nén vàng, nén bạc mà còn gián tiếp gợi ra chân dung của những người liên quan hay nắm quyền định đoạt nó. Từ những kho báu khác nhau đến cung cách tiêu pha, từ mỗi hoàn cảnh nắm quyền bính đến tiếp biến văn hóa, đặc biệt là những ảnh hưởng phương Tây, có thể cảm nhận được một số câu chuyện cá nhân, cá tính của mỗi vị vua thời đó.

Vang mieng tu kho bac Hue min - Lần theo dấu vết những kho báu của triều NguyễnVàng miếng từ kho bạc Huế. Ảnh: sciencesetavenir/11conti-monnaie de Paris.

Triều Nguyễn không chỉ có một kho báu

Tại buổi ra mắt bản tiếng Việt, dịch giả, TS Lê Đức Quang cho biết Kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô đi từ vũ trụ của lịch sử đến vũ trụ của di sản.

Biến cố lịch sử trọng đại diễn ra vào 23/5 Âm lịch năm Ất Dậu và theo lịch Tây (tác giả là người Pháp nên lịch sử Pháp đã quy chiếu ra ngày dương lịch) là rạng sáng 5/7/1885. Hiện nay, nhiều di tích để tham chiếu về sự kiện đó đã không còn nữa như tòa Khâm Sứ (nơi hiện nay là Đại học Sư phạm Huế).

Trước đây, nơi này có tên gọi là Bến đò Tòa Khâm. Ngày nay, địa danh còn lại mà chúng ta có thể tham chiếu về biến cố năm đó chính là đồn Mang Cá. Đây cũng là một trong những điểm mạch bị tấn công.

François Thierry là một nhà quý tộc, chuyên gia nghiên cứu về đồng tiền cổ của châu Á. Ông có rất nhiều công trình viết về các đồng tiền cổ, trong đó có cả Việt Nam. Trong cuốn sách, tác giả đã dựa vào rất nhiều công trình sử học của những học giả đi trước.

Bên cạnh đó, ông cũng dựa vào các tài liệu của Bộ Ngoại giao Pháp (mà bây giờ mới được giải mật) để viết nên công trình này. 5 thành tố tạo nên độ tin cậy cho tác phẩm là: Tư liệu, văn hóa, số liệu, cơ sở, đánh giá.

“Khi đọc cuốn sách này bằng phiên bản tiếng Pháp, tôi đã nghĩ tác phẩm này phải dành cho người Việt Nam, nên tôi mong muốn được dịch nó, vì nó chứa nhiều thông tin mới mà chính người Việt đôi khi còn chưa được tiếp cận”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho biết tiêu đề sách chỉ nhắc tới một kho báu, nhưng khi đọc tác phẩm, ta sẽ thấy tác giả đi sâu phân tích nhiều kho báu khác nhau của kinh thành Huế: Kho báu do người Pháp đoạt và mang về nước, kho báu thứ hai là người Pháp thu được khi vua Hàm Nghi chạy qua Tân Sở, kho báu thứ ba là phần trả lại cho vua Đồng Khánh, kho báu thứ tư nằm ở các hố chôn dưới đất trong Đại Nội, kho báu thứ năm là những vật phẩm được đem ra đấu giá vào thập niên 1980.

Bà Phạm Thủy, Giám đốc Đối ngoại Truyền thông Thái Hà Books, chia sẻ về quá trình làm sách: “Có những cuốn sách chúng tôi chỉ làm trong vòng 1-2 tháng, nhưng cũng có những cuốn mất nhiều năm mới có thể ra mắt bạn đọc và trong đó có cuốn sách này. Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng được một tủ sách về Huế, để đưa văn hóa kinh thành Huế đến nhiều hơn với độc giả”, bà Thủy nói.

Câu chuyện lịch sử, không dừng lại ở dòng sự kiện khi điểm lại chân dung của hơn một trăm nhân vật hàng đầu với một số chi tiết khác thường, là cơ hội để nhìn lại một bước ngoặt của Đại Nam, trong cục diện đối đầu giữa các nền văn minh Á – Âu vào các thế kỷ 19-20.

Minh Châu – Thu Huệ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây