Minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người

Việc Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 không chỉ thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn là minh chứng rõ nét, sống động nhất bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc thiếu căn cứ

Ngày 11.10.2022 vừa qua, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77 (New York, Hoa Kỳ). Việt Nam nhận được 145/189 phiếu tán thành, chiếm gần 80% và thuộc nhóm nhận được sự ủng hộ cao nhất.

Doan Viet Nam tham du phien hop bo phieu va cong bo ket qua thanh vien Hoi dong Nhan quyen Lien Hop Quoc nhiem ky 2023 2025 min - Minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con ngườiĐoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: TTXVN

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.

Việc Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp quốc về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Kết quả này cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Sau khi Việt Nam chính thức ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam ở trong và ngoài nước đã liên tục đăng tải các thông tin, luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Luận điệu mà họ đưa ra đó là: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện”; “tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam đang gia tăng”; “Việt Nam không xứng đáng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”…

Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam nhằm hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế không bỏ phiếu cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.

Ghi nhận khách quan của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam về bảo đảm nhân quyền

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp quốc được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hợp quốc, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định, điều này tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam là ứng cử viên được 10 quốc gia ASEAN ủng hộ và là ứng cử viên duy nhất của khu vực. Mặt khác, Việt Nam nhận được sự tín nhiệm quốc tế vì những đóng góp trách nhiệm trong các cơ chế của Liên Hợp quốc suốt nhiều năm qua.

Ngay sau khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2015, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Trong khi đó, bày tỏ quan điểm trước việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc lần thứ hai, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã nói đến 3 khía cạnh, gồm y tế, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng để nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quyền con người. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, ông nhận thấy thay đổi ở Việt Nam trong 3 lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng “rõ ràng như ngày và đêm”, tạo nên những thay đổi tích cực đối với cuộc sống và sinh kế của người dân.

Bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam  nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên Việt Nam được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín cử là đại diện cho Khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Còn báo Washington Times khẳng định, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh số lượng quốc gia ứng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc lần này rất đông, riêng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tới 7 nước tham gia ứng cử thì mỗi lá phiếu của các quốc gia Liên Hợp quốc bầu cho Việt Nam là sự công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời, nói lên một điều rằng, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các Công ước quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn; Việt Nam đã hoàn thành tốt “Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3”.

Đặc biệt, mỗi lá phiếu của các quốc gia bầu chọn Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động thời gian qua.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây