Ngày xuân nói chuyện bánh chưng – Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Ngày xuân nói chuyện bánh chưng - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Bánh Chưng là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với cha ông. Bánh Chưng có hình vuông, màu xanh tượng trưng cho Đất, là món ăn, là nét đẹp truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nó không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon, mà còn là vị thuốc vô cùng quý giá, hãy cùng khám phá những điều lý thú quanh chiếc bánh Chưng.

Nguồn gốc bánh Chưng ngày Tết

Chúng ta thường nghe nói về sự tích “Bánh chưng, bánh dày” dựa theo Lĩnh Nam chích quái. Theo truyền thuyết, sau khi vua Hùng phá được giặc Ân, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi hai vị quan lang (các con của nhà vua) và công chúa lại mà phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”.

Các con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có công tử thứ 18 là Lang Liêu, tính tình hiền lành, chí hiếu, mẹ lại mất sớm, không người giúp đỡ không biết xoay sở ra sao. Một đêm kia nằm mộng được thần nhân chỉ cho cách làm bánh chưng, bánh dày: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Lang Liêu làm y theo lời thần dậy và được vua cha trao giải nhất.

Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ Tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ. Về sau Lang Liêu được vua cha truyền ngôi cho. Bánh chưng được dân chúng dùng cúng trong ngày Tết nên thiên hạ đổi tên Lang Liêu thành Tiết Liệu (Tiết viết hơi giống từ Lang, từ Liệu cùng vần với Liêu, Tiết Liệu là thức ăn trong ngày Tết).

H2 min 1 - Ngày xuân nói chuyện bánh chưng - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiThành phần làm bánh Chưng: Gạo nếp, nhân đậu xanh và lá dong.

Như vậy, thì bánh Chưng, bánh Dày tượng trưng cho Trời và Đất, cho triết lý Trời tròn Đất vuông. Bên cạnh đó, ghi chép trong truyện cũng đã cho thấy bánh Chưng được xem như một sản phẩm quý giá, được sử dụng để cung phụng cha mẹ, sử dụng trong các dịp lễ Tết: “Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ Tết cuối năm.“. Cũng từ ghi chép này, thì người Việt đã ăn Tết từ rất lâu đời, gắn liền với việc làm bánh Chưng, bánh Dày, không phải nhờ tới người Trung Quốc truyền sang, thì người Việt mới biết ăn Tết.

Trong bài viết trên Sina, thì người Trung Quốc cũng công nhận rằng dạng bánh Chưng có nguồn gốc từ Việt Nam. Cũng theo thông tin của bài viết này, thì dạng bánh Chưng tương tự như Việt Nam xuất hiện trên nhiều vùng đất tộc Việt cũ: Vân Nam, Quảng Tây, Tây Hồ Nam, họ gọi bánh này là bánh “四方粽”, hay “Tứ Phương Tông”, cũng là một dạng tên gọi giống như bánh Chưng hay bánh Vuông ở Việt Nam như nêu ở trên. Bánh này được gói cùng gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn giống hệt như bánh chưng, có khác một chút đó là họ thường dùng lá chuối hoặc là sen để gói, người Việt cũng có khi dùng lá chuối để gói bánh nhưng lá dong là nguyên liệu chủ yếu. Loại bánh này thường được gói và sử dụng vào dịp lễ Tết tương tự như người Việt.

Ý nghĩa bánh Chưng ngày Tết

H3 min 1 800x599 - Ngày xuân nói chuyện bánh chưng - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiLá gói bánh Chưng là lá dong.

Theo truyền thuyết, bánh Chưng hình vuông, có góc cạnh và hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho Đất. Bánh Dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho Trời.

Bánh Chưng âm dành cho Mẹ, bánh Dày dương dành cho Cha. Bánh Chưng, bánh Dày là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn và bao la như trời đất của cha mẹ.

Những chiếc bánh Chưng xanh hình vuông rất độc đáo, sáng tạo mang đậm bản sắc dân tộc còn nhờ vào nguyên liệu, cách gói và cách nấu. Nguyên liệu chính là lúa gạo, đây thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước nhiệt đới, với khí hậu nhiệt đới, quanh năm nóng ẩm, nên những chiếc bánh hình vuông có màu xanh được chế biến với nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn mang tính truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Phần nhân của bánh được làm từ thịt lợn mềm thơm được ướp gia vị đậm đà, nhân đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Và công đoạn gói bánh Chưng cũng rất cầu kỳ, lá gói bánh phải là lá dong và cách gói phải thật kín, thật đẹp sao cho nước không thể vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc, không gói lỏng tay, cũng không chắc quá, bánh cũng không ngon.

Điều độc đáo hơn nữa là khoảng thời gian nấu bánh, không giống như những loại bánh khác, thời gian nấu bánh kéo dài khoảng 10 tiếng đồng hồ. Đây là lúc mọi người sum hợp cùng nhau quây quần ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa hồng trong không khí lạnh của những đêm giáp Tết.

Thông thường các gia đình sẽ gói bánh Chưng vào ngày 27 – 28 tháng chạp, đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau một năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và các con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của năm mới, bánh Chưng chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Bánh Chưng là món Tết đặc trưng người dân các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Riêng với các tỉnh miền Trung và miền Nam thì món bánh phổ biến trong những ngày Tết là bánh Tét, một loại bánh hình trụ tròn, được gói bằng lá chuối, với nguyên liệu là gạo nếp, thịt lợn và nhân bánh làm từ đỗ xanh, đỗ đen hay chuối. Hương vị của bánh Tét cũng không khác nhiều so với bánh Chưng.

Bánh Chưng dưới góc nhìn khoa học

H4 min 1 - Ngày xuân nói chuyện bánh chưng - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBánh chưng không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon, mà còn là vị thuốc vô cùng quý giá.

Xét về mặt tư tưởng, triết lý, bánh Chưng thể hiện tư duy sâu sắc của người xưa, theo triết lý phương Đông: Ngũ hành, Âm dương, Tam tài.

Bánh chưng có năm màu tượng trưng: Kim (màu trắng của gạo nếp), thủy (màu đen của hạt tiêu), hỏa (màu đỏ của thịt lợn), mộc (màu xanh của lá dong), thổ (màu vàng của nhân đậu). Ngũ hành tương sinh- tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức. Trong chiếc bánh chưng, hạt đỗ vàng chính giữa ứng với hành thổ trong thế đất vuông nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người rất quan trọng. Bên cạnh hạt đỗ vàng là thịt lợn. Hạt đỗ- thịt lợn: Thực vật- động vật, tĩnh- động, hai cặp phạm trù âm dương hòa quyện lấy nhau (thực vật là nguồn sống của động vật và ngược lại). Cùng bao bọc hạt đỗ- thịt lợn (âm- dương) là màu trắng của nếp. Nếp- hạt đỗ- thịt lợn (âm- dương- âm, thực vật- động vật- thực vật) tạo thành một tam tài.

Tam tài với 3 cặp phạm trù âm dương (nếp- thịt lợn, âm- dương), (hạt đỗ- thịt lợn, âm- dương), (nếp- hạt đỗ, âm- dương, nếp trồng dưới nước, đỗ trồng trên cạn, nước- đất, ướt- khô) đã hòa quyện và bổ trợ cho nhau trong tổng thể phức hợp.

Và từ âm dương, tam tài đã phát triển lên ngũ hành. Vàng ngà hạt đỗ, đỏ tươi thịt lợn, trắng ngần màu nếp, xanh màu lá dong và đen tuyền sợi lạc buộc ngoài. Ngay cả quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý ngũ hành, tương sinh tương khắc. Người ta dùng nước (thủy) để luộc bánh, lửa (hỏa) được đốt từ củi (mộc), dùng nồi nấu (kim), đặt lên nền đất (thổ), cả 5 bổ trợ, hài hòa cho nhau.

Xét về mặt ẩm thực, bánh Chưng là một món ăn tinh túy của cha ông truyền lại. Ngày Tết, chỉ nhìn chiếc bánh Chưng màu tươi xanh của lá dong bị buộc vuông vức bởi những sợi lạt dọc ngang đan xen đều đặn đã kích thích người ta muốn lột bánh ra ăn. Mở cắt chiếc bánh, một tổng thể 5 sắc màu hiện lên: Màu dẻo trắng của nếp, xen lẫn vị bùi của hạt đỗ vàng ngà, sớ từng lát thịt lợn đỏ chín, tươi xanh lá dong và đen tuyền sợi lạt buộc bên ngoài. Màu sắc phối đã đẹp, nếu thử cắn vào lát bánh, hương thơm dẻo nếp, quyện vị bùi hạt đỗ, độ ngọt mềm miếng thịt, pha với sự đậm đà của gia vị, mùi thơm lá dong, thêm vị mặn dòn lát dưa món như muốn tan dần thấm vào đầu lưỡi.

Bánh Chưng, vị thuốc quý      `

H5 min 1 - Ngày xuân nói chuyện bánh chưng - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBánh Chưng có hình vuông, màu xanh tượng trưng cho Đất, là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, và là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về (ảnh Internet).

Xét về mặt y học, bánh Chưng là một “dược liệu” quý, rẻ tiền, đơn giản, dễ làm, lại rất tự nhiên. Nó là một vị thuốc bồi bổ cho cơ thể. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh tính điều hòa âm dương, lưu thông khí huyết, giải trừ và ngăn ngừa được nhiều chứng bệnh và có nhiều vị thuốc quý của bánh chưng.

Gạo nếp chín nhừ trong thủy, có vị ngọt, thơm dẻo, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, trợ tiêu hóa, bổ cả tỳ dương lẫn tỳ âm. Thịt lợn có tính bình, hàm lượng dinh dưỡng cao, mỡ lợn tính ôn nhuận làm trơn tru, hoạt tràng vị và tăng cường thế ôn, chống cự hàn tà. Hành củ (thông bạch) có tác dụng hành khí tiêu thực, hoạt huyết giảm thống, giải được tà khí phong hàn. Đậu xanh, có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, sáng mắt, thư cân hoạt lạc. Hạt tiêu làm ấm tỳ vị, trợ bệnh môn hỏa, thông tam tiêu, tiêu thực, sát trùng. Chất diệp lục của lá dong có tác dụng giải tửu độc. Lá dong có tính bình can, thông đại tràng, trị thấp tiêu viêm, mùi thơm làm thanh uế khí.

Bánh Chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng ăn nhiều lại khiến bạn tăng cân. Một chiếc bánh Chưng với trọng lượng gần 1kg có đủ 4 nhóm thực phẩm: Gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đậu xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm), hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất). Một chiếc bánh chưng trung bình khoảng 1kg gồm 2.600 kcal. Nếu ăn 1/8 chiếc bánh chưng, bạn sẽ nạp vào khoảng hơn 300 kcal. Như vậy 1/8 chiếc bánh chưng tương đương bữa sáng với 1 bát bún mọc (khoảng 350 kcal), 1 bát phở (khoảng 500 kcal).

Bánh Chưng chứa nhiều chất đạm từ đậu xanh, chất béo từ thịt mỡ và chất bột đường từ gạo nếp nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Do đó, để đảm bảo không sợ béo, bạn nên ăn kèm với rau xanh hoặc các loại dưa muối, dưa hành. Điều này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán hơn. Ngoài ra, sau khi ăn xong, bạn nên ăn nhiều trái cây để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.

Chỉ gói gọn trong chiếc bánh Chưng xinh xắn kia có nhiều điều lý thú, là cả tư duy độc đáo, là một món ăn đặc sản của dân tộc và là một vị thuốc bồi bổ cho sức khỏe.

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây