Nhà thơ Trần Đăng Khoa: ‘Đi học thời nào cũng có áp lực’

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: ‘Đi học thời nào cũng có áp lực’

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, đi học thời nào cũng có áp lực, thời “mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực”.

Có mặt tại diễn đàn “Điều em muốn nói” sáng nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, “Điều em muốn nói” là diễn đàn rất hay và ý nghĩa; đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp, đồng hành.

Mở đầu phần chia sẻ của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi cho các em học sinh: Học giỏi có áp lực, học giỏi có khó? và nhận được câu trả lời áp lực đến từ việc học tập, phải học giỏi và thi cử.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thời nào cũng có áp lực, thời “mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực”.

Ở lứa tuổi học sinh, điều quan trọng nhất là học tập. Học và học giỏi là điều không khó. Bí quyết của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời đi học là bỏ ra hai ngày cuối tuần để đọc hết sách giáo khoa của cả năm học, rồi trước mỗi buổi học đều tìm hiểu, chuẩn bị bài trước ở nhà nên có thể nhớ bài giảng của giáo viên ngay tại lớp.

“Có hai môn quan trọng Toán và Văn. Toán thì phải tìm được đáp số như vào ngôi nhà thì phải mở được cánh cửa. Muốn mở cửa phải có chìa khóa. Vậy chìa khóa của Toán là các định lý… Còn Văn, các em chỉ cần đọc sách. Bác Khoa chỉ có một bí kíp là đọc, đọc thuộc làu sách giáo khoa”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Pho Chu tich Hoi Nha van Viet Nam min - Nhà thơ Trần Đăng Khoa: ‘Đi học thời nào cũng có áp lực’Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị “sốc”.

“Nếu thi đại học không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép lại nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.

Nhớ lại thời đội mũ rơm đến trường, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Thời đó, sách giáo khoa còn chưa đủ, ba người chung một cuốn. Sách giáo khoa hiện nay của các em đẹp hơn, đủ đầy hơn. Ngày xưa không có internet, các em hiện nay có thể tìm kiếm được nhiều thông tin bằng công nghệ.

Thời xưa chúng tôi đi học đơn giản lắm. Đi học chỉ có một cuốn sách nhét vào trong túi, đọc bài ngay tại lớp và có thời gian làm thơ, viết báo. Những gì không hiểu thì có thể hỏi các thầy cô và nhất là hỏi bạn học”.

Thoi xua chung toi di hoc don gian lam min - Nhà thơ Trần Đăng Khoa: ‘Đi học thời nào cũng có áp lực’Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ mong muốn, thời gian tới, báo Tiền Phong phối hợp với Bộ GD&ĐT mở thêm những kênh tương tác để các em học sinh chia sẻ, tâm sự giúp các em hiểu mình hơn, bố mẹ hiểu con hơn. “Tôi cũng mong chương trình này sẽ trở thành diễn đàn mở để các em học sinh bày tỏ những khó khăn của mình, để các nhà quản lý, phụ huynh, giáo viên cảm thông và giúp các em vượt qua khó khăn”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây