Ôi mùa thu của ước mơ – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

Ôi mùa thu của ước mơ - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa - Văn Học - VSD

Capturecp min - Ôi mùa thu của ước mơ - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

 

ÔI MÙA THU CỦA ƯỚC MƠ

TS. HUỲNH VĂN HOA

Tô Như Châu, tên thật là Đặng Hữu Có, sinh năm 1934, mất năm 2002. Sống và làm thơ ở một xóm nhỏ, cạnh bến đò An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tô Như Châu là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, đã in tập thơ duy nhất: Có phải em mùa thu Hà Nội, bìa Hồ Đắc Ngọc, phụ bản Lê Huy Hạnh, nhạc Trần Quang Lộc, NXB Đà Nẵng, 1998. Tập thơ mỏng, chỉ 70 trang, 36 bài.

Bài thơ Có phải em mùa thu Hà Nội được Tô Như Châu viết vào tháng 8 năm 1970, lúc đất nước còn chia cắt, bời bời lửa đạn. Ngày ấy, với Tô Như Châu, Hà Nội trong trái tim mến yêu, trong hoài nhớ, đẹp như bóng hình của một cô gái gốc Bắc láng giềng, dịu dàng trong giọng nói, mơ màng như áo thu phai mỗi độ thu về, … Bài thơ trong trẻo như bầu trời vào thu, lãng đãng sương khói bên trời mơ mộng. Những câu thơ tuyệt hay viết về Hà Nội, như:

– May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng
– Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
-Có phải em mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau níu bóng quay về
– Có phải em mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…

Không khí thẩm mĩ đầy chất thơ của Hà Nội đã ám ảnh tâm trí và chi phối ngòi bút của người viết, từ đó, tạo cho bài thơ có một thi vị riêng, làm nên tính vĩnh cữu của tác phẩm.

Có thể nói, Có phải em mùa thu Hà Nội là một trong những bài thơ hay viết về Hà Nội, một Hà Nội đặc trưng, duyên dáng, một Hà Nội qua cái nhìn của một thi sĩ phương nam. Hình ảnh trọng tâm chi phối và dắt dẫn cảm xúc của người đọc là mùa thu. Trong bài thơ, có đến 10 lần tác giả tha thiết nói về mùa thu: “tháng tám mùa thu”, “chiều vào thu”, “mùa thu Hà Nội”, “một sáng vào thu”, “hôm nay mùa thu”, “ngày sang thu”, “nắng thu muôn màu”. Nói như thi sĩ Bích Khê: Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ. Mùa thu, ở nhiều thời khắc gắn với không gian Hà Nội, tạo nên hương sắc riêng của đất kinh kỳ. Ở bài thơ, sự hòa hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố lãng mạn, cổ kính, trầm tư, khiến cho người đọc / người nghe lắng hồn với Thăng Long, với Trưng Vương sông Hát, với núi Nùng sông Nhị:

Tháng tám mùa thu
Lá khởi vàng em nhỉ
Từ độ người đi
Thương nhớ âm thầm…
Có phải em mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…

Trong bài thơ, tác giả sử dụng đậm đặc phương thức điệp ngữ:

– May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng

– Phải nơi đây miền Thanh Nghệ Tĩnh
Phải nơi đây Hồng Lĩnh – Ba Vì
Phải nơi đây núi Nùng sông Nhị

– Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm

– Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát

– Bỗng xôn xao con tim lời lá
Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi

– Có phải em mùa thu Hà Nội (3 lần)

Về phương diện ngôn ngữ học, phương thức điệp ngữ có mục đích nhấn mạnh, mở rộng ý tứ, gây ấn tượng mạnh, tạo ra cảm xúc trong lòng người đọc. Nhờ điệp ngữ, mạch thơ kéo dài như từng đợt sóng, làm cho những yếu tố nội tại của bài thơ liên kết nhau vừa cân đối, nhịp nhàng vừa nhấn mạnh sắc thái tình cảm, sắc thái ý nghĩa. Khi bài thơ được phổ nhạc, phương thức này lại càng được phát huy, tạo nên giai điệu trữ tình, mềm mại của bài hát.

Người giúp cho đời mãi nhớ Tô Như Châu là nhạc sĩ tài hoa Trần Quang Lộc, người phổ nhạc bài thơ Có phải em mùa thu Hà Nội vào năm 1972.

Bài thơ có đến 322 từ, kéo dài ra 9 khổ. Đi vào nhạc, chỉ còn 159 từ, nhạc sĩ cắt đi hơn một nửa, giữ lại những câu thơ hay nhất, trữ tình nhất và cũng Hà Nội nhất. Đây là tài năng của Trần Quang Lộc trong việc chọn và xử lý các khúc thức ngôn ngữ của bài thơ. Nhờ vậy, cả yếu tố thơ và nhạc đều thăng hoa, bay bổng, tôn vinh nhau.

Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại Quảng Trị, có thời gian học tập và sinh hoạt văn nghệ tại Đà Nẵng, bạn của Vũ Hữu Định, Phạm Phú Hải. Trước 1975, người đầu tiên thể hiện ca khúc này là Thái Thanh. Sau đó, bài hát không được phổ biến.

Sau này, bắt đầu từ năm 1994, Có phải em mùa thu Hà Nội được nhiều người biết đến qua các giọng hát Hồng Nhung, Thu Phương, Quang Dũng, Lam Trường, Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Thanh Lam, Ý Lan, Trọng Tấn, …

Nhiều chương trình nghệ thuật lớn đã chọn ca khúc này để thể hiện, trong đó có chương trình Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bài hát này từng  đứng đầu các cuộc bình chọn của giới yêu âm nhạc.

Tuy nhiên, điều đáng buồn và đáng tiếc là, ước mơ được một lần ra thăm Hà Nội, được cảm nhận hương cốm mùa thu, nhìn sông Hồng, sông Hát, phiêu bồng qua đường Cổ Ngư, ngắm Hồ Tây lững thững một dáng kiều … đến cuối đời, cả Tô Như Châu và Trần Quang Lộc, mùa thu và Hà Nội vẫn còn nguyên trong câu thơ Ôi mùa thu của ước mơ.

Có phải em mùa thu Hà Nội nằm trong các tuyển tập thơ ca viết về Hà Nội. Ở đời kể cũng lạ, không ít người biết từng góc phố của Hà Nội, biết gió heo may thổi về lành lạnh trong những ngày trở rét, biết sương chiều chập chùng phủ xuống Hồ Tây, biết gương mặt Hồ Gươm gợn sóng ban mai, biết sông Hồng thắm đỏ phù sa, biết tiếng còi chia tay trên ga Hàng Cỏ, biết nhiều thứ thân yêu của Hà Nội, nhưng có điều, không làm nên một Có phải em mùa thu Hà Nội.

Một người thơ xứ Quảng, chưa đến Thăng Long – Hà Nội, đã để lại cho đời một bài thơ hay, khiến bao người nghìn năm sau níu bóng quay về, quay về để:

Ngày sang thu lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay …

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây