Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 1

Miền tháp cổ - Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 1

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

 

Lời ngỏ

Trên dải đất miền Trung, trải qua bao cuộc hưng phế, nhiều đền tháp đã biến mất hoặc chỉ còn trong ký ức, những đền tháp còn lại vẫn sừng sững thách thức với thời gian. Có đền tháp trở thành chốn thiêng liêng để người dân mọi miền hành hương, chiêm bái.

Các đền tháp không chỉ là di sản vô giá của người Chàm mà còn là của chung cả nước, được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1999(1).

Có những nơi, trên nền cũ của các phế tích đền tháp lại chuyển hóa thành đình chùa miếu mạo; những tượng thần Chàm được bồi đắp, sơn son và khoác y trang mũ mão thành các vị thánh thần thiêng liêng. Và, trong văn tế lễ trọng khấn vái thần linh của nhiều nơi còn có các vị thần Chàm.

Những di duệ từ tổ tiên Chàm xưa đã hòa nhập vào cộng đồng Việt và cống hiến cho quê hương xứ sở.

Tất cả như mạch ngầm giếng vuông Chàm kỳ diệu vẫn âm thầm lặng lẽ chảy trong đời sống đương đại sôi động và biến đổi không ngừng.

Như gom nhặt vài mảnh vỡ của phế tích đền tháp trên hành trình qua miền tháp cổ mênh mông còn nhiều khuất lấp, những trang viết này đan xen giữa suy ngẫm và cảm xúc, quá khứ và hiện tại, nghi hoặc và dự cảm về những gì đã lắng đọng và hiện hữu góp phần làm nên chiều sâu lịch sử – văn hóa và sắc thái một miền đất thân yêu./.

Vũ Hùng


(1) Ngày 01.12.1999, khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

 

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 1Tác giả Vũ Hùng

 

Vùng đất 160 năm
‘‘sổ sách chỉ chép tên suông’’

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Năm 1306, hai châu Ô, Rí là sính lễ của vua Chiêm Thành Chế Mân trong cuộc hôn nhân lịch sử với công chúa Huyền Trân, năm sau, nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận và châu Rí (Lý) thành châu Hóa. Châu Thuận tương đương tỉnh Quảng Trị, châu Hóa tương đương tỉnh Thừa Thiên – Huế và vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn ngày nay. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn, vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến đèo Cù Mông thành lập đơn vị hành chính mới là thừa tuyên Quảng Nam. Từ năm 1306 đến 1471, Đại Việt hay Chiêm Thành cai quản trên thực tế vùng đất từ sông Thu Bồn đến núi Hải Vân, sau này là đất Điện Bàn?

Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: “Giữa đời Trần, tuy có mở thêm đến hai châu Ô Lý, nhưng cũng chỉ là vùng đất cho có mà thôi”(1).


(1) Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, NXB. Thuận Hóa

Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí cũng cho rằng: “Đời Lý, Trần tuy lấy được Hóa Châu, nhưng từ Hải Vân trở vào nam còn là đất cũ của người Chiêm”(1). Cũng theo Lịch triều hiến chương loại chí, vào đầu triều Lê, “theo đồ bản và sổ sách’’, Điện Bàn nguyên thuộc về châu Hóa(2). Nhưng năm 1466, nhà Lê thành lập 13 đạo thừa tuyên thì thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ Tân Bình và Triệu Phong: phủ Tân Bình có 2 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Minh Linh, Bố Chính; phủ Triệu Phong có 5 huyện Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi(3), không có huyện Điện Bàn.

Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh,  vào  cuối nhà Trần và thời nhà Hồ, châu Hóa có 7 huyện là Lợi Bồng, Thế Vang, Sa Lệnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng(4), không có huyện Điện Bàn. Ông cũng cho rằng : “Phủ Triệu Phong thời Lê sơ gồm cả huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam ngày nay”, nhưng khi liệt kê các châu, huyện của phủ Triệu Phong cũng không có huyện Điện Bàn(5).


– Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2003 (Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu), trang 11.
(1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí, NXB. Trẻ, 2014, trang 284.
(2) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, trang 287.
(3) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, trang 273.
(4) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB. Hồng Đức và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2016, trang 154.
(5) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, sđd, trang 154, 192, 193, 194.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1466, vua Lê Thánh Tông thành lập 13 đạo thừa tuyên, trong đó có thừa tuyên Thuận Hóa nhưng không ghi tên các phủ, huyện và châu trực thuộc(1); năm 1469, thành lập 12 thừa tuyên, trong đó thừa tuyên Thuận Hóa gồm 2  phủ Tân Bình và Triệu Phong với 7 huyện và 4 châu(2), nhưng cũng không ghi cụ thể tên những huyện, châu trực thuộc. Vì vậy, không thể biết đơn vị hành chính huyện Điện Bàn đã hình thành hay chưa vào hai thời điểm trên.

Tuy nhiên, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1469, nhà Lê thành lập 12 thừa tuyên, trong đó thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ Tân Bình và Triệu Phong, trong đó huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong : phủ Tân Bình gồm 2 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Minh Linh, Bố Chính; Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện: Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương, Điện Bàn và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi(3).

Như vậy, có thể vào năm 1469, vùng đất từ núi Hải Vân đến sông Thu Bồn, tức huyện Điện Bàn, tuy thuộc về Đại Việt nhưng cũng chỉ trên “đồ bản và sổ sách”.

Tìm hiểu những diễn biến trong quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1306 đến năm 1471, sẽ góp phần làm rõ thêm chủ nhân thực sự của vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn trong thời gian này.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Hà Nội, tái bản 2017, NXB. Văn học và Công ty Văn hóa Đông A, trang 450.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 464.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB. Giáo dục – Hà Nội, 1998, Viện Sử học dịch, trang 511, 512.

Sau cuộc hôn nhân của vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa vào năm 1306 lẽ ra mối bang giao giữa hai nước sẽ nồng ấm, hòa hiếu, nhưng có một số dấu hiệu bất bình trong dân cũng như trong triều đình Chiêm Thành đối với cuộc hôn nhân này. Người Chàm ở các thôn Tác Hồng, La Thủy, Đà Bồng của Thuận Hóa phản đối, nên vị Hành khiển Đoàn Nhữ Hài phải đến phủ dụ, cho họ làm quan, cấp ruộng đất và miễn tô thuế ba năm để vỗ về(1). Từ năm 1312 đến năm 1326, nhà Trần liên tục đánh Chiêm Thành: năm 1312, bắt vua Chế Chí “phản trắc”(2); năm 1318, vua Chế Năng “giáo giở”(3) (tráo trở) phải bỏ chạy sang Java cầu viện; năm 1326, chính sử chỉ ghi không thành công mà không cho biết chi tiết. Phản trắc và tráo trở có thể do hai vị vua này phản đối cuộc hôn nhân trên, trái với thỏa thuận giữa Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Chế Mân.

Trong 20 năm tiếp theo Chiêm Thành vẫn triều cống nhưng lễ vật rất đơn bạc, sau đó thì không triều cống nữa, chính sách với Đại Việt bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, liên tục tấn công ra Bắc, đánh chiếm kinh thành Thăng Long.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 263.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 266.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, trang 265.

Các năm 1352 và 1353, nội bộ Chiêm Thành mâu thuẫn sau khi vua Chế A Nan chết, con trai Chế A Nan là Chế Mỗ chạy sang Đại Việt cầu cứu. Sau đó, nhà Trần đưa Chế Mỗ về lại Chiêm Thành nhưng đến Cổ Lũy phải trở lui. Chiêm Thành liền phản công tiến quân ra đánh Hóa châu. Các năm 1361 và 1366, bắt đầu tiến xa hơn, đánh ra phủ Lâm Bình, tức châu Địa Lý cũ, nay thuộc tỉnh Quảng Bình. Năm 1367, Đại Việt đánh Chiêm Thành, nhưng bại trận tại ngay Chiêm Động (Quảng Nam). Sau thắng lợi này, tháng hai năm sau (1368), Chiêm Thành tiến tới sai sứ sang chính thức đòi lại đất Hóa châu. Chính sử không ghi rõ thái độ của nhà Trần, nhưng có thể Đại Việt không chấp nhận, nên chỉ một tháng sau, Chiêm Thành đánh chiếm Thăng Long lần đầu tiên, vua Trần phải rời kinh đô chạy sang Đông Ngàn(1).


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 239 (Đông Ngàn nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Tám năm sau (1376), vua Trần Duệ Tông thân chinh đem 12 vạn quân sang chinh phạt, nhưng tử   trận tại Đồ Bàn, 3 vị tướng cũng tử vong, còn Ngự Câu vương Trần Húc thì đầu hàng. Năm sau, vua Chế Bồng Nga sử dụng vị hàng tướng này ra Nghệ An để chiêu dụ dân chúng khi tiến đánh Thăng Long lần thứ hai.

Năm 1380, Chế Bồng Nga đánh ra Nghệ An và Thanh Hóa; năm 1382, lại đánh ra Thanh Hóa và tiến chiếm kinh đô Thăng Long lần thứ ba. Năm 1389, Chế Bồng Nga tiến quân ra tận Hoàng Giang, tỉnh Thái Bình và Hưng Yên ngày nay, một vị tôn thất là Nguyên Diệu đem quân đầu hàng Chế Bồng Nga. Nhưng cũng tại khu vực này, đầu năm 1390, khi Chế Bồng Nga cùng với hàng tướng Nguyên Diệu đang “dẫn hơn một trăm chiến thuyền đến xem xét tình thế của quan quân. Các thuyền giặc chưa tập hợp lại, thì có tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. Khát Chân liền ra lệnh các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên ván thuyền, Bồng Nga chết”(1).

Những diễn biến trên cho biết từ năm 1361 đến 1390 Chiêm Thành làm chủ đất Ô, Rí cũ. Lúc đó, “Người Nghệ An vốn ở hai lòng, còn Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành, cho nên người địa phương phân tán đánh lén khắp nơi, không ai ngăn được. Triều đình tuy đã lấy Lộ Khả Chu làm An Phủ sứ hai lộ ấy, nhưng chỉ ở kinh sư mà trấn trị từ xa, chứ chưa bao giờ tới quận”(2). Tân Bình và Thuận Hóa, tức từ Quảng Bình đến sông Thu Bồn, Đại Việt mất kiểm soát, trên thực tế do Chiêm Thành cai quản.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 316.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 316.

Trong giai đoạn này, cũng cần đề cập đến các chiến tích của vua Chế Bồng Nga qua một số ghi chép ngắn trong chính sử. Năm 1368, khi đoàn quân của Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đến Chiêm Động, “Người Chiêm phục quân đánh trộm, quân tan vỡ. Thế Hưng bị bắt”(1). Năm 1377, vua Trần Dụ Tông đem 12 vạn quân tấn công Chiêm Thành, “Bồng Nga dựng trại bên ngoài thành Chà Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn lại thành không, nên tiến quân gấp, đừng để lỡ cơ hội”(2). Nhà vua nghe lời, ra lệnh quân lính tiến lên, không theo lời can ngăn của tướng Đỗ Lê. Quân Chiêm Thành thình lình đổ ra tập kích, “quan quân tan vỡ nặng nề. Vua bị vây hãm trong trận mà chết. Bọn đại tướng Đỗ Lê và Nguyên Nạp Hòa, Hành Khiển Phạm Huyên Linh đều chết cả. Giặc bắt sống được Ngự Câu vương, đem con gái gả cho”(3). Năm 1389, tại trận đánh ở Cổ Vô, Thanh Hóa, “Giặc đắp ngăn thượng lưu sông, quan quân đóng cọc dày đặc để chống cự. Ngày 20, giặc phục sẵn quân và voi, rồi giả vờ bỏ doanh trại rút về. Quý Ly lựa lấy quân tinh nhuệ, dũng cảm làm quân cảm tử, truy kích giặc. Thủy quân mở hàng cọc xông ra đánh. Giặc liền phá đập chắn nước, tung voi trận xông ra. Lúc ấy quân tinh nhuệ dũng cảm đã đi xa rồi, thủy quân khó tiến ngược dòng, tiến lên rất khó khăn, vì thế bị thua. Tướng chỉ huy quân Hữu Thánh Dực là Nguyễn Chí (có sách chép là Trần Đình Quý) bị giặc bắt sống, 70 tướng còn lại đều bị chết trận”(4).


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 296.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd trang 305.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd trang 305.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 315.

Chế Bồng Nga không chỉ tài trí về dùng binh mà còn mưu lược về chính trị, đã làm cho tinh thần người Chiêm Thành thay đổi nhiều so với trước. “Chiêm Thành từ đời nhà Lê, nhà Lý tới đây, quân lính hèn nhát, hễ quân ta đến là đem cả nhà chạy hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Đến Bồng Nga, La Ngai mới tập hợp, bảo ban dạy dỗ, thay đổi dần dần, trở nên can đảm, hăng hái, chịu được gian khổ, nên thường hay sang cướp, trở thành tai họa của nước ta”(1). Chế Bồng Nga còn sử dụng các hàng tướng Ngự Câu vương Húc và vị tôn thất Nguyên Diệu để thu phục lòng người song song với đoàn quân trên đường tiến ra Bắc.

Gần 50 năm sau khi Chế Bồng Nga chết, những người Kinh đầu tiên đến vùng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày nay, tức châu Ô cũ của Chiêm Thành, vẫn gọi người Chàm ở đây là “Bồng Nga trú sở”(2) – nơi ở của Bồng Nga, hay nói cách khác là hàm ý chỉ “người Bồng Nga”, đã cho biết phần nào tầm ảnh hưởng của Chế Bồng Nga.

Hiện nay, tại Thừa Thiên – Huế có 5 làng có người Kinh gốc Chàm họ Chế: Vân Thê, An Mỹ, An Đô, La Vân, Mỹ Hòa. Tại Nghệ An, có làng họ Chế ở Cửa Lò(3). Người Chàm không có họ. Phải chăng người Chàm các làng trên cùng dòng dõi của Chế Bồng Nga, hoặc trong tiến trình chuyển hóa đã lấy danh xưng của vị vua lẫy lừng của mình làm họ?


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 310.
(2) Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng, “Cư dân vùng Thuận – Hóa đầu thế kỷ XV qua văn bản Thủy Thiên”, tạp chí Dân tộc học, số 5.2009.
(3) Nguyên Hồ, “Nhà thờ họ Chế – một di sản Hán Nôm độc đáo”, báo Quân đội nhân dân cuối tuần, 10.3.2017.

Năm 1391, một năm sau khi Chế Bồng Nga chết, quân Đại Việt cũng không thể vượt qua biên giới Chiêm Thành: “Quý Ly sai viên tướng coi quân Tả Thánh Dực là Hoàng Phụng Thế đem quân đi tuần đất Chiêm Thành. Người Chiêm Thành đặt quân mai phục. Quân Phụng Thế tan vỡ. Phụng Thế bị giặc bắt.”(1). Sử liệu trên chỉ ghi đi tuần đất Chiêm Thành, nhưng không ghi rõ ở đâu.

10 năm sau khi Chế Bồng Nga chết, năm 1400, Hồ Quý Ly đem 15 vạn quân đi đánh Chiêm Thành đã phải rút quân về với lý do hai đạo quân thủy và quân bộ không liên lạc được với nhau, binh sĩ thiếu lương thực(2). Chính sử cũng không ghi rõ đạo quân hùng hậu ấy đi đến đâu thì rút về.

Năm 1402, Hồ Hán Thương chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy, dùng người Chàm là Ma Nô Đà Nan trấn giữ đất biên giới Cổ Lũy, nên từ Hải Vân đến sông Thu Bồn do nhà Hồ cai quản. Năm sau, nhà Hồ cho dân di cư vào vùng đất mới này, nhưng đến năm 1407, khi cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, Phạm Thế Căng được cử trấn giữ Thăng Hoa cũng phải rút về Tân Bình, thuộc Quảng Bình ngày nay, thì Chiêm Thành lại chiếm Thăng Hoa, tấn công châu Hóa, nên lớp người di dân ấy cũng phải trở về Bắc: “Đến khi Chiêm Thành cất quân định thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả”(3). Dân di cư đến vùng đất mới chủ yếu là nam giới, biên chế thành quân ngũ, “người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu”(4). Vì vậy, khi Chiêm Thành chiếm lại đất cũ, với khác biệt làm dấu như đã nêu trên nên lớp di dân này rất khó lưu lại đất Chiêm Thành. Theo Phan Huy Chú, “khi nhà Hồ mất, đất ấy lại mất vào nước Chiêm”, “buổi đầu nhà Lê cũng chưa thu phục lại được”(5).

Năm 1413, tướng nhà Minh là Trương Phụ tiến vào Hóa Châu, Nguyễn Súy và Đặng Dung chặn đánh ở Ái Tử, Quảng Trị, nhưng không thành. Năm sau Trương Phụ lấy được Tân Bình và Thuận Hóa. “Phủ Thăng Hoa tuy có đặt quan, nhưng Chiêm Thành vẫn có trưởng lộ chiếm giữ cai quản, nên nhà Minh chỉ ghi tên không mà thôi”(6).

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép cụ thể hơn: “Trương Phụ lại viết thư đưa dụ người Chiêm Thành, rồi lại đặt chức tri châu, đồng tri châu, phân phối quan lại đến đóng giữ. Nhưng chỗ đất ấy Chiêm Thành vẫn có người trưởng quản, nhà Minh chỉ chép tên suông vào sổ sách mà thôi, việc thuế khóa, sai dịch và việc đóng góp khác chưa thi hành ở đây được”(7); “nhuận Hồ lấy cả đất Đại Chiêm và Cổ Lũy của Chiêm Thành đặt làm bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; thuộc Minh hợp lại

làm phủ Thăng Hoa; hồi đầu triều Lê, là đất cơ mi(8) gọi tên là Nam giới, nhưng sổ sách chỉ chép tên suông, chứ thật ra thì đất đai chỗ ấy vẫn do người Chiêm Thành chiếm cứ”(9).

Sau thắng lợi của cuộc kháng Minh vào năm 1427, bên cạnh đối nội sau chiến tranh, triều đình nhà Lê tập trung cho đối ngoại với Trung Hoa. Từ năm 1427 đến năm 1470, Chiêm Thành vừa cử sứ sang triều cống vừa nhiều lần sang đánh châu Hóa. Ngoại trừ một lần đánh vào Cửa Việt, còn lại không rõ đánh phá châu Hóa là ở đâu. Năm 1444, chính sử chỉ ghi nhà Lê đánh Chiêm Thành nhưng không rõ thắng hay bại, đến năm 1446, đánh chiếm thành Đồ Bàn, lập Ma Ha Quý Lai làm vua, rồi rút về.

Năm 1467, vua Lê Thánh Tông lệnh cho các quan 12 thừa truyên khảo sát sông núi và vẽ bản đồ trình lên để làm bản đồ cả nước, vị quan châu Hóa là Đặng Thiếp dâng lên 5 điều: “1. Dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung.

  1. Lấp cửa Eo. 3. Đào kinh Sen. 4. Bãi bỏ chức thuế sử ở đầu nguồn. 5. Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính”(10)

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 317.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 328.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 339.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 330.
(5) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, trang 285.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 348.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, trang 348.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, trang 59: Theo nghĩa đen, cơ là cái dây ràng đầu con ngựa; mi là cái ràng hai má trâu bò. Cơ mi là ràng buộc lỏng lẻo, có đặt ra châu nhưng không bắt theo đúng kỷ luật chế độ.
Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, sđd, trang 103: Đất ky my vẫn do tù trưởng địa phương cai quản, chỉ ràng buộc lỏng lẻo với nhà cai trị.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd, trang 526.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 457.

Cửa Tư Dung là cửa Tư Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay, phía bắc Hải Vân, nhưng hiểm ải chiến lược bậc nhất là Hải Vân và cửa biển Đà Nẵng lại hoàn toàn không được đề cập đến. Như vậy, vùng đất phía nam Hải Vân vẫn thuộc Chiêm Thành cai quản.

Nhận định này càng rõ hơn khi đoàn quân hùng hậu của vua Lê Thánh Tông đến Hải Vân vào đầu năm 1471: “mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 2, vua cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Do đó, xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến. Vua nghĩ núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, liền sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ hình thế hiểm dị của nước Chiêm để dâng lên. Ngày mồng 6, viên Chỉ huy Cang Viễn bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm đem nộp”(1).

Như vậy, “đất giặc”, “cửa quan Cụ Đê nước Chiêm” chính là bờ nam núi Hải Vân, nơi có dòng sông mang tên Cu Đê(2), vẫn thuộc Chiêm Thành cai quản.

Năm 1471, chính vua Lê Thánh Tông đã làm bài thơ về Hải Vân:

Hỗn nhất xa thư cộng bức viên, Hải Vân hoành giới việt Nam thiên.
Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt, Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc tuyền.
Di lạc phụng tham kỳ khoản tái,
Khổn thần ái quốc xảo trù biên. Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh,
Cm vng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền(3).

“Di lạc phụng tham kỳ khoản tái”, “Khổn thần ái quốc xảo trù biên” đã cho biết phía nam Hải Vân vẫn còn là đất Chiêm Thành, có vị quan “Người Di” (người Chàm) trông giữ quan ải này.

Như vậy, 165 năm, từ năm 1306 đến năm 1471, trừ 5 năm (từ năm 1402 đến năm 1407) Đại Việt tương đối quản lý thực sự vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, 160 năm còn lại chỉ thuộc Đại Việt trên danh nghĩa./.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 469.
(2) Xem bài “Trầm tích Cu Đê”, trang 14 của sách này.
() Châu Yến Loan, “Vua Lê Thánh Tông nghỉ lại tại cửa biển Hải Vân”, tạp chí Non Nước, số 165, tháng 4.2011. Bài thơ được Ngô Linh Ngọc dịch nghĩa như sau:

Gộp một mối thư xa về một bức dư đồ,
Hải Vân vạch ngang ranh giới vượt xuống trời Nam.
Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc ,
Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh.
Người Di vâng mệnh hẹn kỳ hạn nộp đất biên tái,
Vị khổn thần yêu nước khéo trù liệu việc biên cương.
Tấm thân này đâu phải lấy việc sống sót là may,
(Nếu vậy) đâu dám tới Tửu Tuyền nhìn mặt Ban Siêu nữa.

Bản dịch thơ của Hải Trung:

Cả mối cơ đồ một cõi chung,
Về Nam địa giới Hải Vân giăng.
Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng,
Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung.
Đất ải man di này liệu nộp,
Biên quan trấn giữ đã lo xong.
Thân kia bảo mạng nào may mắn,
Vọng tưởng Ban Siêu ở Tây vùng.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây