Cuốn sách của tác giả Trình Quang Phú ghi lại những kí ức của tác giả về 25 nhà văn – nghệ sĩ danh tiếng của Việt Nam.
Nhà văn và chữ tình gởi lại là cuốn sách mới ra mắt của GS.TS nhà văn Trình Quang Phú. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, quý 3 năm 2022. Cuốn sách này ghi lại những kí ức của tác giả về 25 nhà văn – nghệ sĩ danh tiếng của Việt Nam như: Xuân Thủy, Bảo Định Giang, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Văn Cao, Lưu Trọng Lư, Thanh Hải, Trần Hữu Thung, Thu Bồn, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, Quang Dũng, Nguyễn Tạo, Võ Hồng, Minh Huệ, Võ An Ninh, Xuân Hồng…
Có thể nói, đây là những tư liệu quý về các nghệ sĩ trên hành trình sống với nghệ thuật, sống với non sông đất nước và qua đó cũng hiện lên chân dung của người viết, nặng một chữ tình với văn nghệ sĩ và với cuộc đời.
Cuốn sách của Trình Quang Phú có giá trị nhiều mặt. Cuốn sách này khiến tôi phải suy nghĩ và tự đặt ra câu hỏi: Vì sao lại là kí ức văn học? Kí ức ấy đem đến cho chúng ta nhận thức gì khi nhìn lại quá khứ? Trong bài viết Nhớ Nguyễn Tuân – người anh lớn, Trình Quang Phú trích lại một đoạn trong bút kí Đất cũ Sơn La của Nguyễn Tuân, như một nỗi ám ảnh, âu lo: “Tôi cứ rụt rè, sợ rằng tuổi trẻ vốn xem thường dĩ vãng, sợ rằng những người bộ hành trẻ tuổi ấy không có thói quen ngoảnh đầu lại trên chặng đường đi tới” (tr.63).
Quả thực, quá khứ là một ân huệ trên hành trình sống của chúng ta. Kí ức giúp chúng ta sống nhiều hơn, kĩ lưỡng hơn với những gì đã qua nhưng luôn đồng hành cùng hiện tại. Với Trình Quang Phú, những cuộc gặp gỡ quý giá, những năm tháng đã sống cùng các văn nghệ sĩ, được học chữ nghĩa, văn chương từ những người đi trước cũng giống một môi trường rèn luyện để ông trưởng thành hơn trong việc viết lách, nhưng quan trọng hơn là hun đúc nên ở ông cái tình với non sống đất nước, với nghệ thuật và với con người.
Tác giả Trình Quang Phú với nhà văn Nguyễn Tuân.
Cho hay tất thảy đều trôi nổi / Còn với non sông một chữ tình (Đào Duy Anh), đó là câu thơ mà Võ Nguyên Giáp đọc cho Trình Quang Phú nghe khi ông có dịp gặp Đại tướng. Cái lõi của cuốn sách cũng là chữ tình. Cái tình của văn nghệ sĩ với đất nước, nhân dân, với nghệ thuật, với đồng chí đồng đội và bạn văn.
Nhìn lại, những con người ấy, những tháng năm ấy, họ đã sống nhiệt thành đầy yêu mến, thiết tha và cháy bóng líý tưởng, khát vọng: Đường đi, không đợi mùa trăng/ Ta đi làm ánh sao băng giữa đời (Dương Thị Xuân Quý). Trên mỗi chặng đường họ đi qua, đất nước, con người luôn lưu lại những dấu ấn thân yêu, tươi đẹp, kiên cường và nhân hậu. Không viết về mình, nhưng xuyên suốt gần 300 trang sách (cùng ảnh tư liệu) là cái tình của Trình Quang Phú in đậm trong từng dòng kí ức.
Lịch sử văn chương Việt Nam sẽ có thêm tư liệu về những tác giả văn học quan trọng từ cuốn sách Nhà văn và chữ tình gởi lại của Trình Quang Phú. Đó có thể là hình ảnh quyết liệt của Văn Cao trong tư cách một người chỉ huy biệt đội Việt Minh, trực tiếp cầm súng tiêu diệt ác ôn hại dân hại nước (bên cạnh một Văn Cao trữ tình hào hoa).
Đó có thể là một nét tính cách đời thường của Nguyễn Tuân khi ông ra thăm Cô Tô hay khi ngược nguồn sông Đà. Đó có thể là những nỗi băn khoăn riêng tư của Xuân Diệu khi đứng giữa việc lựa chọn thơ tình yêu hay thơ trữ tình công dân.
Đó có thể là tinh thần hiến dâng tuổi trẻ cho khát vọng giải phóng dân tộc của Dương Thị Xuân Quý. Đó cũng có thể là sự miệt mài bền bỉ suốt đời cho dáng hình đất nước trong từng bức ảnh của Võ An Ninh… Mỗi nghệ sĩ, với cuộc đời sinh động, phong phú của mình, đều trở nên hấp dẫn qua từng trang viết của Trình Quang Phú.
Nhà văn và chữ tình gởi lại như một sự nhắc nhở đối với thế hệ trẻ. Văn chương nghệ thuật là sự hiện ra của thế giới tinh thần người nghệ sĩ. Có những hiện thực được bồi đắp bằng những chuyến đi, bằng những cuộc gặp gỡ, bằng những trải nghiệm sống với đời, với người, với nhân dân và đất nước. Có những hiện thực thành hình từ trang sách. Có loại sách chắt ra từ sách, có loại sách chắt ra từ đời.
Kí ức văn học của Trình Quang Phú là sách chắt ra từ đời, bởi vậy mỗi chữ mỗi hình đều nồng nàn hơi thở sự sống, bao dung và nhân hậu, gần gũi và thương yêu, lấp lánh sợi chỉ đỏ của lòng ngưỡng mộ, khiêm cung, trìu mến.
Lấy cái tình làm điểm tựa quan trọng nhất, bằng một văn phong giản dị, tác giả mang đến cho người đọc những hình dung chân thực, chân thành về quá khứ của mình, nơi có những con người đã làm nên diện mạo văn chương, nghệ thuật Việt Nam một thời.