Từ Xéc Pùa Mường mừng xuân đến hát Sắc Bùa chúc Tết – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Thân em như cột…

Cầy dá lá da lá dà…

Thân tằng em/như tằng cột/cao tằng cao

Linh tằng đinh/giữa tằng biển/lao tằng đao/vời giữa vời…

(…)

Trên nền nhịp của bộ gõ (trống cơm, sanh tiền, sanh cái) cùng dòng nhạc réo rắc của đàn cò, những bài lý trong tập hợp “Lý đi đường” của đội sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri, Bến Tre) vang lên rập ràng, như đuổi như bắt, như dập dềnh trôi làm xáo động cái im ắng, lặng thinh của đêm trừ tịch… Và như đã thành lệ, vẳng nghe những âm thanh rập ràng ấy, dân làng liền bắt đầu sửa soạn đón đội hát sắc bùa vào nhà…

1. Ở vùng đất mới phương Nam, hát sắc bùa, tập tục diễn xướng vào dịp Tết, diễn ra sôi nổi ở Đồng Nai, được Trịnh Hoài Đức khảo tả có phần tỉ mĩ trong sách Gia Định thành thông chí, biên soạn hồi đầu thế kỷ XIX. Song, tập tục này bị tàn lụi đến nay không còn dấu vết và hát sắc bùa Phú Lễ/Bến Tre tuồng như không thừa kế từ hát sắc bùa Đồng Nai mà có nguồn gốc từ hát sắc bùa Trung bộ. Gia phả họ Hồ (ấp 1, xã Phú Lễ) ghi: “Hồ Đức Quang [Quốc triều hương khoa lục: Hồ Văn Quang] đậu cử nhân khoa Ất Mùi (1835), làm Án sát, rồi Đốc học Bình Định. Ông có người con rễ là Trần Văn Hậu, đỗ Thái sinh đồ, thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát”. Cũng cần lưu ý rằng, theo kết quả nghiên cứu trong mấy thập niên qua, chúng ta thấy, ở Bình Định không có hát sắc bùa và hàng năm, các đội hát sắc bùa Quảng Ngãi, đặc biệt nổi tiếng là đội hát sắc bùa ở An Thạnh, xã Phổ An (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thường đi du diễn các vùng ven biển Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên [1]. Tập tục du diễn này tồn tại đến 1945. Như vậy, hát sắc bùa Phú Lễ có gốc từ hát sắc bùa Quảng Ngãi. Điều này cũng giải thích sự tương đồng của hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa Quảng Ngãi, Quảng Nam từ biên chế nghệ nhân, nhạc cụ đến cơ cấu bài bản và thủ tục trình diễn, nghi thức “sắc bùa”…

2. Đại thể một đội hát sắc bùa có tối thiểu là 6 người: ông bầu cầm cái (chơi trống cơm), 2 người chơi sanh tiền, 2 người chơi sanh cái và một người chơi đàn cò. Nếu tăng lên 12 người thì ông bầu có thêm một ông phó bầu chơi trống cơm luân phiên nhau và lượng nhạc cụ tăng gấp đôi.

Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng chúc Tết và thực hành nghi lễ trừ tà, song càng về sau, kể từ khi lan truyền đến Nam Trung Bộ và Nam Bộ lại càng lúc càng gia tăng các tiết mục hát giúp vui có chức năng thuần nghệ thuật. Một cuộc hát sắc bùa như vậy gồm phần thủ tục mở đầu (Mở ngõ, vào sân Chúc Tết, khai môn: xin vào nhà, hát chúc Tết… Phần thực hành nghi lễ bao gồm các bài hát cúng Tiên sư (tổ nghề), bài Trừ tàDán bùa… Phần hát giúp vui là các bài chúc tụng nghề nghiệp làm ăn của gia chủ: Chúc nghề làm ruộng, Chúc nghề trồng bông, Chúc nghề nuôi tằm, và chúc các nghề khác: đươn đát, dệt vải, thợ mộc, thợ hồ, buôn bán…; kế đó là hàng loạt các bài hát vui (Uống rượu, Chơi trăng), các bài lý (LýĐầu cầu, LýLơ thơ, LýTháng giêng…) và các bài vè kể vật (Vè cá biển, Vè cá đồng, Vè tôm, Vè chim…). Kết thúc, là các bài hát có tính thủ tục: Cầu an trong nhà, Giã từĐi ra.

Nói chung, cơ cấu tiết mục của hát sắc bùa Phú Lễ là một tập họp đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, bao gồm các bài hát thủ tục có tính chúc tụng và cầu mong người yên vật thịnh, các bài hát thực hành nghi lễ trấn bùa, trừ khử điều xấu nhằm bảo đảm sự an lành cho gia đình và đặc biệt chiếm một phần quan trọng về cả số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật là các bài hát giúp vui, các bài lý, kể vè. Ở đây, tập họp các bài hát giúp vui cho phép mở rộng không cùng các làn điệu, ca từ từ di sản ca dao – dân ca địa phương để làm phong phú cho từng  cuộc diễn, tùy thuận theo bối cảnh chung của cuộc vui xuân ở từng gia đình, từng nơi diễn và đặc biệt là việc ứng tác khế hợp với những biến đổi chính trị-xã hội của lịch sử, nhất là các sự kiện thời sự của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

3. Rõ ràng, với việc mở rộng phần hát giúp vui ngày Tết của hát sắc bùa Phú Lễ là bước phát triển mới so với hát sắc bùa Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hát sắc bùa xứ Quảng, tuy có gia tăng một số bài hát mới (đề tái kháng chiến và cổ động chính trị) nhưng số lượng quá khiêm tốn và đặc biệt chưa bước ra khỏi cơ cấu các bài hát mang tính chất thủ tục và chúc tụng truyền thống. Tuy nhiên, dẫu có sự khác biệt như vậy, song hát sắc bùa Phú Lễ và hát sắc Quảng Nam, Quảng Ngãi cơ bản là hình thức diễn xướng kết hợp khá cân bằng giữa tập hợp những tiết mục chúc tụng-giải trí với tiết mục thực hành nghi lễ sắc bùa/trấn trạch, nếu không muốn nói phần thực hành nghi lễ sắc bùa trấn trạch chiếm tỉ lệ khá nhỏ, mang tính trình thức đơn giản hơn là một nghi thức bài bản được thực hành một cách nghiêm túc [2] . Đó là đặc điểm khác hẳn với tục hát sắc bùa Phò Trạch (Phong Bình, Thừa Thiên Huế).

Hát sắc bùa Phò Trạch thực sự là trình thức diễn xướng nghi lễ. Ở đây mỗi đội sắc bùa có từ 14 đến 16 người gồm:

– Một ông cái sắc, trang phục áo mã tiên có vẽ rồng phượng, lưng có thắt dây vải đỏ, tay cầm một thanh dùi gỗ, dưới thanh dùi có đeo một chuỗi lục lạc.

– Một ông tróc quỉ, ăn mặc giống ông cái sắc, tay cầm thanh kiếm gỗ trừ tà ma.

– Một đứa trẻ khoảng 12, 13 tuổi đóng vai quỉ, trang phục biểu tượng con quỷ.

– Một ông đánh trống lễ phục quần trắng, áo dài đen, bịt khăn đóng.

– Mười ông đọc chú, lễ phục quần trắng, áo dài đen. Những người này thường đứng trước sân đồng thanh đọc chú, còn ông cái sắc thì đọc các điều sắc của thánh ban.

Tiến hành nghi lễ trong hát sắc bùa tại Phò Trạch đã tạo nên một không khí vừa sinh động, rộn ràng, vừa có tính chất thần bí trong những ngày đầu xuân. Sau khi đã sắc tại các đình chùa, miếu mạo trong làng với các hình thức đơn giản, đội sắc bùa bắt đầu đi sắc từng nhà vào ngày mồng một Tết. Khi đến các nhà được sắc, đội sắc bùa khua trống, gõ mõ để báo hiệu, đồng thời cũng báo cho nhà được sắc đóng chặt cửa lại. Tuy nhiên, trước đó con quỉ đã tìm đủ mọi cách để lọt vào nhà núp dưới gầm giường hoặc ngách cửa. Ông cái sắc và người tróc quỉ ra sau để kể lể tội trạng và cảnh cáo bọn quỉ. Quỉ biết trốn tránh không thoát, đành phải chịu tội. Cuối cùng, ông tróc quỉ tha tội chết, nhưng buộc quỉ phải tìm chốn núi rừng mà ẩn náu. Thế là đội sắc bùa đã trừ được quỉ. Cả đội vào nhà hát chúc mừng gia đình, đến phòng làm việc làm lễ an tằm, đến bếp làm lễ an táo. Chúc tụng xong các đội lại kéo sang nhà khác sau khi một người trong đội dán hai lá bùa vào cột nhà trước bàn thờ hoặc vào 2 cánh cửa lớn của nhà [3].

Không chỉ trình thức diễn xướng đậm tính chất trừ tà tróc quỉ, nội dung các bài hát cũng đảm nhận chức năng sắc bùa trấn trạch hơn là chúc Tết vui xuân.

Đệ tử phụng mang an phù

Thỉnh Thiên bồng Thiên du

Thỉnh thiên linh Huyền Đàn thượng tướng

Tật tốc ứng ngô khẩu

Tật tốc ứng ngô thanh

Thỉnh thiên linh Huyền Đàn

Tốc nhập tộ sơn đáo hải

Sát vạn quỉ trừ tà

Trị quốc gia an trấn

Lôi kim hắc diện thần linh tá trợ

Ngô kim phụng hành

Thỉnh Thái Thượng Lão Quân

Thần phù cấp sắc.

[Bài Cái sắc khi đội đến sân gia chủ]

4. Căn cứ trên những dữ liệu nghiên cứu về hát sắc bùa ở các địa phương đã công bố chúng ta thấy ở tục hát sắc bùa, đúng như tên gọi của nó, đều thực hành nghi thức sắc bùa/dán bùa trấn trạch, nhằm đảm bảo sự an lành của gia đình chủ nhân vào dịp năm mới và đặc biệt có mỗi tục hát sắc bùa Phò Trạch chủ vào việc thực hành nghi lễ tróc quỉ gần như một trò diễn mô phỏng phép trừ tà của pháp sư Đạo giáo. Ở đây, tục hát sắc bùa được xác định đúng như ngữ nghĩa của từ “sắc bùa”: Phép ếm quỉ trừ ma (thường làm trong mấy ngày tết) (Đại Nam quấc âm tự vị, 1896, TII, 278). Rõ ràng, ở đây chức năng và phương thức thể hiện của nó đã được tích hợp từ tín niệm và hình thức diễn xướng thực hành nghi lễ Đạo giáo như vậy đã biến đổi khá xa so với nguyên dạng của nó là tập tục hát xéc pùa của người Mường.

Xéc pùa có nhiều cách gọi khác nhau: sắc pùa, séc côồng, hội pùa, phường bùa hoặc đánh pùa, phường chúc[4]. Xéc pùa ở người Mường có nghĩa đen là xách cồng và cách thức diễn xướng là: “Cứ hát xong một bài lại đánh một bài nhạc cồng theo những giai điệu phong phú[5] .

Theo Vũ Hoa, tác giả bài viết về Hội sắc bùa của người Mường Vang, thì hình thức diễn xướng này là “Hoạt động cần có trong dịp chúc mừng năm mới từng gia đình và trong cả làng; ngoài ra, còn tham gia một số nghi lễ khác như đám cưới, hội mùa (Xớc pông kơm c’lải lỏ: rước bông cơm trái lúa). Khi các gia đình giàu có việc vui mừng họ cũng mời đoàn cồng đánh cho thêm phần vui vẻ[6] .

Nói chung, hát xéc pùa Mường như vậy chủ vào chức năng chúc tụng và giúp vui trong các dịp lễ lạc đặc biệt là chúc mừng năm mới, chức năng nghi lễ của nó, xét ở bề mặt việc thể hiện, tuồng như chỉ thấy ở sự gắn kết với các dịp lễ lạc. Song điều đáng lưu ý ở đây là Tết là tiết thứ quan trọng trong các tiết thứ thuộc chu kỳ luân chuyển của “tứ thời bát tiết”. Tết là khởi điểm của chu kỳ cũ-mới hàng năm và việc đánh cồng tập trung tạo nên một chuỗi âm thanh vang động tự nó là một hình thức thực hành nghi lễ, biểu thị cho sự khai mở một chu kỳ vũ trụ: chấm dứt cái cũ và khởi đầu cái mới.

Ở đây cũng cần lưu ý đến tính năng nhạc cụ gõ: cồng ở người Mường, trống tầm vông/trống cơm, sanh tiền, sanh cái của hát sắc bùa người Kinh. Các loại nhạc cụ này hoặc thuộc họ màng rung (membranophone) hoặc thuộc họ nhạc cụ tự vang (idiophone). Cả hai loại nhạc cụ nguyên thủy này là loại nhạc cụ thiêng, được gán cho sức mạnh trừ ma tống quỉ và cũng được xem là ngôn ngữ của con người dùng để giao tiếp với các lực lượng siêu nhiên. Nói cách khác, ở chừng mực nào đó, cũng như việc đốt pháo, dùng ống lệnh, bắn súng lệnh, gõ mõ, đập vào các vật tạo nên tiếng ồn, việc đánh cồng tập trung biểu hiện một nỗ lực tạo ra “tiếng động lớn” có chức năng trấn áp thế lực xấu, xua đuổi sự tĩnh lặng của đêm trừ tịch, tạo nên cái sống động của nguyên đán. Đó là “tín lý” của việc đánh cồng tập trung của xéc pùa Mường và cũng là công năng của bộ gõ – nhạc cụ chủ đạo của hát sắc bùa, hay tiếng khua của những đồng tiền đựng trong ống tre của tục hát Súc sắc súc sẻ chúc Tết phổ biến ở Bắc Bộ.

Súc sắc! Súc sẻ!

Nhà nào, nhà này,

Còn đèn, còn lửa!

Mở cửa cho anh em chúng tôi vào.

Bước lên giường cao thấy đôi rồng ấp,

Bước xuống giường thấp thấy đôi rồng chầu

(…)  [7]

Tục xéc pùa/đánh cồng chúc Tết, lễ hội đón năm mới – một lễ hội chuyển mùa tự nó đã hàm chứa chức năng thực hành nghi lễ để về sau hát sắc bùa Việt, trong tiến trình lan tỏa tại mỗi tọa độ địa lý-lịch sử, nó đã tích hợp những yếu tố mới, làm chức năng thực hành nghi lễ trở thành một thành tố trong cơ cấu tiết mục diễn xướng. Sự biến đổi như vậy là xu hướng chung của diễn trình lịch sử-văn hóa.

Hiển nhiên là, trong xã hội nông nghiệp xưa, cuộc sống chu chuyển theo mùa, theo đó qui luật cuộc sống của con người tuồng như sự mô phỏng ý đồ của vũ trụ. Dần dần sự hòa hợp đó lỏng lẻo dần và càng lúc qui luật xã hội lấn át qui luật tự nhiên; ở đó mối quan hệ giữa con người và vũ trụ không chỉ là sự tùy thuận mà là một tổng thể đan xen giữa những tùy thuận và những đối kháng. Các hình thức ma thuật-phù chú ra đời hỗ trợ cho nỗ lực đối kháng lại các biểu hiện vô thức của tự nhiên – được gán cho là điều xấu do ma quỉ, hung thần gây ra. Các dòng phái phú chú giáo, Đạo giáo đã đưa ra các tín niệm và đề xuất nhiều phương thuật giải trừ, trấn yểm. Đó là căn cứ để xéc pùa trở thành sắc bùa – hình thức diễn xướng chúc Tết cộng thêm chức năng trấn trạch, cầu cho người yên vật thịnh. Với cái nhìn đương đại, các yếu tố thực hành nghi lễ, được cho là mê tín; song điều đó, trong lịch sử hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng và phản ánh ước mơ và khát vọng, hướng đến một tương lai tốt đẹp tại thời điểm chuyển đổi quan trọng nhất của trời đất giao thừa: cũ giao lại, mới tiếp lấy. Đó là thời điểm mà con người hình dung ra mối quan hệ vô hình mà họ duy trì với tự nhiên và những qui luật của nó – đặc biệt là sự tái sinh tại nơi chấm dứt một chu kỳ cũ và khởi đầu một chu kỳ mới mà chính mình sẽ trôi lăn trong vòng quay của tạo hóa.

—————-

[1]Xem: – Trần Hồng: Hát sắc bùa mừng xuân. Tạp chí Văn hóa-Nghệ thuật, 1998, số 1.

– Thế Truyền: Nghệ nhân sắc bùa Nguyễn Cử. Tạp chí Cẩm Thành/Sở VH-TT Quảng Ngãi, 1999, số 18, tr. 110-111.

[2]Phạm Hữu Đăng Đạt: Sắc bùa xứ Quảng. Nxb Đà Nẵng, 2010.

[3]Tôn Thất Bình: Huế, lễ hội dân gian. Hội Văn Nghệ Thừa Thiên-Huế, 1997.

[4]Mai Đức Vượng: Chiêng Mường Bi trong Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi. Sở VH-TT Hà Sơn Bình xb, 1988, tr. 206.

[5]Quách Giao: Dân ca Mường. Nxb Văn học, 1965, tr. 24.

[6]Vũ Hoa: Hội sắc bùa Mường Vang-Lạc Sơn-Hà Sơn Bình. Tạp chí Văn hóa dân gian, 1987, số 1, tr. 55.

[7]Dẫn theo Dương Quảng Hàm: Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ QGGD xb, In lần thứ 6, Sài Gòn, 1960, tr. 3.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây