Ưu tiên huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển cảng biển Bến Tre

Tại Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng hạ tầng cảng biển được ưu tiên chú trọng.

Theo quy hoạch, Bến Tre định hướng xây dựng hệ thống bến cảng theo quy hoạch kết cấu hạ tầng theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Các cảng biển được đầu tư, phát triển gồm khu bến Giao Long, Hàm Luông, Thạnh Phú, Bình Đại cùng các bến vệ tinh khác, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão kết hợp cảng cá.

Bến Tre cũng sẽ phát triển hạ tầng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, quy hoạch ngành quốc gia và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng như đầu tư xây dựng cảng cá Bình Đại (loại I), cảng cá Ba Tri (loại II), cảng cá Thạnh Phú (loại II).

Đồng thời, đầu tư nâng cấp mở rộng các khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Cửa Đại (huyện Bình Đại), Cổ Chiên (huyện Thạnh Phú), Ba Tri (huyện Ba Tri).

cang bien Ben Tre 2 min - Ưu tiên huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển cảng biển Bến TreBản đồ quy hoạch không gian cảng biển Bến Tre.

Theo quy hoạch tỉnh Bến Tre, cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do đó trong phương án phát triển, sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa, góp phần giảm chi phí logistics.

Đồng thời, địa phương đề xuất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển, cũng như tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển Bến Tre (cảng biển loại III).

Theo đó, khu bến Giao Long bao gồm vùng đất và vùng nước bên trái luồng sông Tiền, thuộc địa phận xã Giao Long, huyện Châu Thành. Khu bến có bến tổng hợp, container, hàng rời, được quy hoạch cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn.

Khu bến Hàm Luông có phạm vi gồm vùng đất và vùng nước hai bờ sông Hàm Luông (khu công nghiệp An Hiệp và xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Khu bến được quy hoạch có bến tổng hợp, container, hàng rời, dành cho cỡ tàu trọng tải đến 5.000 tấn.

Với khu bến Thạnh Phú được quy hoạch phạm vi vùng nước ngoài khơi cửa sông Cổ Chiên, huyện Thạnh Phú, gồm khu bến lỏng/khí phục vụ trung tâm điện khí Bến Tre, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực.

Khu bến Bình Đại gồm vùng đất và vùng nước ngoài khơi cửa Đại, thuộc huyện Bình Đại, được quy hoạch nhằm phục vụ trực tiếp khu kinh tế ven biển Bến Tre, được phát triển phù hợp với quy hoạch khu kinh tế.

Khu bến có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí và bến khách, dành cho cỡ tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, phù hợp với quy hoạch phát triển của khu kinh tế ven biển.

Tỉnh Bến Tre dự kiến khu kinh tế ven biển có chức năng là khu công nghiệp, đô thị, nghỉ dưỡng kết hợp cảng biển và các dịch vụ logistics. Trong đó, ưu tiên đầu tư cảng Bình Đại để phát triển kinh tế ven biển, kết hợp với trục đường ven biển để đạt mục tiêu phát triển về hướng Đông của tỉnh.

Hồ An

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây