Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và việc bảo vệ quyền lợi Việt Nam trên Biển Đông (Kỳ 2)

Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đã thúc đẩy việc phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển của Việt Nam.

Luật các vùng biển Việt Nam 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Trên cơ sở UNCLOS và Luật các vùng biển Việt Nam 2012, Việt Nam công bố và điều chỉnh hàng loạt các luật chuyên ngành như Bộ Luật hàng hải 1980 sửa đổi 2005, 2015; Luật dầu khí 1993 sửa đổi 2000, 2008, 2014, 2022; Luật bảo vệ môi trường 1993, sửa đổi 2014, 2020; Bộ luật hình sự năm 2015, Luật tài nguyên môi trường và hải đảo 2015, Luật thủy sản 2003 sửa đổi 2017, Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018, Luật dân quân tự vệ 2009, sửa đổi 2019…và một loạt các văn bản liên quan.

Việt Nam đã tham gia 11 Công ước của Tổ chức hàng hải quốc tế nhất là các công ước IMO IMO-SOLAS (Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển, Luân Đôn 1 tháng 11 năm 1974), Công ước về mớm nước, Công ước MARPOL ngày 2 tháng 11 năm 1973 về phòng chống ô nhiễm biển, Công ước về giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu CLC 1992, Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông đường biển (FAL 65), Công ước về tìm kiếm, cứu nạn (SAR 79).

Công ước UNCLOS tạo cơ sở cho Việt Nam xây dựng và thực thi chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW) và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) với mục tiêu tổng quát tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Trên cơ sở chiến lược này, Quy hoạch không gian biển để bảo vệ và xây dựng tổ quốc trong tình hình mới đã được thông qua năm 2023.

Công ước UNCLOS đưa ra các yêu cầu thay đổi tổ chức bộ máy quản lý và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng lực lượng cảnh sát biển từ năm 1998. Trải qua các pháp lệnh 1998, 2008 và luật cảnh sát biển 2018, lực lượng này lớn mạnh đủ sức vươn ra thực thi pháp luật trên các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và thực hiện hợp tác quốc tế. Bên cạnh cảnh sát biển, Việt Nam đã tái phục hồi lực lượng kiểm ngư và dân quân tự vệ biển, hỗ trợ cho Hải quân và cảnh sát biển trong nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển.

UNCLOS đã mở rộng quyền và lợi ích biển của Việt Nam vượt ra khỏi giới hạn Biển Đông. Là thành viên của Thỏa thuận 1994, Việt Nam có quyền đăng ký lô khai thác trên vùng đáy biển di sản. Tham gia UNSFA-1995 và BBNJ cho phép Việt Nam được chia xẻ lợi ích nguồn gen biển, các khu vực bảo tồn biển hay quản lý các nguồn cá di cư xa trên khắp các đại dương. Việt Nam không chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm đối với việc quản lý rác thải nhựa đại dương, đấu tranh chống các vi phạm đánh bắt cá trái phép, không theo quy định và không báo cáo (IUU) phòng chống nước biển dâng hay thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công ước UNCLOS đã cung cấp một khung pháp lý toàn diện cho việc sử dụng hòa bình, hợp tác và bền vững các vùng biển, đại dương và tài nguyên biển. Công ước khẳng định các vấn đề của biển và đại dương có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được giải quyết một cách tổng thể. thực thi hiệu quả và toàn diện các quy định của Công ước sẽ đưa nhân loại vượt qua các thách thức, xây dựng một hành tinh xanh, hòa bình và thịnh vượng. Công ước là công cụ pháp lý không thể thiếu cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì một trật tự pháp lý biển công bằng và phát triển bền vững.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây