Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh là Di sản thế giới

Di tích Văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh có nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học và đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định 1649/QĐ-Ttg tháng 12/2022.

Dao Ly Son - Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh là Di sản thế giớiĐảo Lý Sơn. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Tỉnh Quảng Ngãi chủ động nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản thế giới đối với Di tích văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Di tích Văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh theo xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt gồm 6 địa điểm: Thạnh Đức, Long Thạnh, Phú Khương, Quần thể di tích Chăm pa, Đầm An Khê, đập An Khê sông Cửa Lỗ, với diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II là hơn 500 ha.

Sau khi nghiên cứu xây dựng hồ sơ, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh dự kiến tiếp tục mở rộng thực hiện tại các điểm di tích khảo cổ được khai quật nghiên cứu khoanh vùng bảo vệ gồm: Địa điểm xóm Ốc, suối Chình (đảo Lý Sơn); khu vực miền núi có các thôn Trà, Trà Veo, Di Lăng (huyện Sơn Hà); địa điểm cư trú và mộ táng Bình Châu (huyện Bình Sơn).

Như vậy, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh ghi vào danh mục trình UNESCO tiếp tục mở rộng ở 4 khu vực: Sa Huỳnh (cửa biển) – Lý Sơn (hải đảo) – Bình Sơn (nghĩa địa tàu cổ) – Sơn Hà (thung lũng núi) có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hay nhân học, tạo nên diện mạo đa sắc về phức hệ sinh thái của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh đảm bảo tính toàn vẹn. Các di chỉ khảo cổ được nghiên cứu, bảo tồn với chất lượng rất tốt trong lòng đất. Tình trạng Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh với không gian bao quanh nó còn gần như nguyên vẹn thể hiện sự đa dạng về môi trường cư trú của cư dân, sự giao lưu trao đổi với các văn hóa khảo cổ đồng đại trong khu vực. Tính xác thực của Di tích văn hóa Sa Huỳnh được đảm bảo, ở các địa điểm khảo cổ còn giữ nguyên vẹn đặc điểm cấu tạo tầng văn hóa di chỉ cư trú, hình dáng các khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh. Các di tích, di vật phát hiện khai quật được bảo tồn theo phương pháp mới đã bảo quản nguyên khối cấu trúc mộ chum, hiện nay, đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Tính xác thực của Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh còn được đảm bảo bằng nhiều nguồn thông tin phong phú như, thông tin khai quật, hội thảo khoa học về văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh do tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì có sự tham dự của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tổng kết nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh trong suốt một thập kỷ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới là cơ hội và thách thức đối với tỉnh, đòi hỏi công tác tập trung nghiên cứu, tham vấn ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản. Do đó, để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện công tác lập hồ sơ di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hướng dẫn địa phương về quy trình, thủ tục, nội dung lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa thế giới theo quy định.

Phạm Cường

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây