Giới thiệu khái quát huyện Hoà Vang

Giới thiệu khái quát huyện Hoà Vang - Thành phố Đà Nẵng - vansudia.net

Giới thiệu khái quát huyện Hoà Vang

1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội

Huyện Hoà Vang nằm bao bọc quanh phía Tây khu vực nội thành của thành phố Đà Nẵng, có tọa độ từ 15055′ đến 16013′ độ vĩ Bắc và 107049′ đến 108013′ độ kinh Đông.

Phía Bắc giáp: các huyện Nam Đông, A Lưới và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế

Phía Nam giáp: Thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam;

Phía Đông giáp: Quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu của thành phố Đà Nẵng

Phía Tây giáp: Huyện Đông Giang của tỉnh Quảng Nam;

Huyện Hòa Vang là huyện nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng, diện tích đất tự nhiên là 73.488 ha (chiếm 74,8% diện tích của thành phố Đà Nẵng), Trong đó Đất nông nghiệp 65.316 ha, đất phi nông nghiệp 7.271 ha và đất chưa sử dụng 901,7 ha. Toàn huyện có 11 xã với 119 thôn, trong đó có 3 xã đồng bằng, 4 xã trung du, 4 xã miền núi [Số liệu năm 2014]. Dân số 124.844 người, mật độ dân số 172 người/km2, trên địa bàn huyện có 03 thôn với gần 1.000 đồng bào dân tộc Cơtu (thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và 01 thôn người Hoa sinh sống (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh).

Kinh tế – xã hội của huyện Hòa Vang trong những năm qua phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ (tỷ lệ 51,4%) – Công nghiệp (tỷ lệ 30,5%) – Nông nghiệp (tỷ lệ 18,1%). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ và công nghiệp, Cơ cấu lao động: Nông nghiệp 25,84%, Công nghiệp 33,61%, Dịch vụ 40,55%. Giá trị công nghiệp xây dựng tăng bình quân 9,4%/năm. Dịch vụ phát triển khá về quy mô, đa dang về loại hình, tốc độ tăng trưởng 12,8%/năm, các điểm du lịch lớn trên địa bàn huyện đưa vào khai thác hiệu quả Nổi tiếng như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Khu du lịch nước nóng Phước Nhơn, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Du lịch Ngầm Đôi, Suối Hoa. Hạ tầng Thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 16,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27,24 triệu đồng/người/năm (năm 2015).

Chỉ tiêu Đơn vị
tính
Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 DK năm
2015
Tổng giá trị sản xuất
( Giá gốc 2010)
Tỷ đồng 4.141,2 4.580,5 4.968,8 5.480,8 6.064,9
 – Nông- lâm- thuỷ sản 746,4 785,6 824,0 873,5 926,7
 – Công nghiệp- Xây dựng 1.901,8 2.105,5 2.236,4 2.459,7 2.724,4
Trong đó: Công nghiệp-TTCN 1.202,2 1.346,9 1.395,8 1.532,5 1.690,3
 – Dịch vụ 1.493,1 1.689,4 1.908,4 2.147,1 2.413,8
Tổng giá trị sản xuất
( Giá thực tế)
4.913,5 5.677,6 6.548,7 7.421,0 8.343,1
 – Nông- lâm- thuỷ sản 907,6 1.018,9 1.116,2 1.196,7 1.278,8
 – Công nghiệp- Xây dựng 2.204,1 2.475,4 2.839,7 3.246,8 3.678,0
 – Dịch vụ

1.801,9 2.183,3 2.592,8 2.977,5 3.386,3
Tổng giá trị gia tăng
(GRDP- Giá thực tế)
2.143,9 2.497,8 2.902,9 3.284,7 3.688,2
 – Nông- lâm- thuỷ sản 472,7 532,2 583,9 625,9 668,9
 – Công nghiệp- Xây dựng 654,6 738,7 868,2 992,7 1.124,5
 – Dịch vụ 1.016,6 1.226,9 1.450,8 1.666,1 1.894,8
Cơ cấu kinh tế (Giá thực tế) % 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0
 – Nông- lâm- thuỷ sản % 21,70 21,3 20,1 19,1 18,1
 – Công nghiệp- Xây dựng % 30,70 29,6 29,9 30,2 30,5
 – Dịch vụ % 47,60 49,1 50,0 50,7 51,4

Bảng: Giá trị sản xuất và cơ cấu kinh tế qua các năm

   Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,6%/năm, năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt khá, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị, ứng dụng công nghệ cao, toàn huyện có hơn 50 mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân Như: mô hình trồng hoa Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Liên; mô hình trồng nấm Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh; mô hình trồng thanh long ruột đỏ Hoà Phú, Hoà Sơn; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn; mô hình sản xuất lúa giống Hòa Tiến, mô hình cánh đồng mẫu lớn Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong; mô hình nuôi trồng thuỷ sản Hoà Phong, Hoà Khương, Hoà Phú, Hoà Liên, mô hình trồng cỏ nuôi bò Hoà Phú, Hoà Bắc, mô hình thanh long ruột đỏ Hòa Phú, Hòa Sơn…, chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn. Kinh tế rừng trở thành nguồn thu nhập chính đối với các xã miền núi, hằng năm trồng mới 1.400ha, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%.

Cùng với quá trình đô thị hóa theo xu hướng phát triển chung của thành phố, Huyện đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù, tái định cư gần 200 dự án trên địa bàn, với hơn 15.000 ha đất thu hồi, gần 8.000 hộ giải tỏa và bố trí tái định cư, nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng tạo điểm nhấn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Như: đường Nam Hải Vân – Túy Loan, QL14B, ĐT602, ĐT605, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường Vành đai phía Nam, Khu đô thị Quan Nam – Thủy Tú, Khu công nghiệp công nghệ cao 1.010ha, khu công nghệ thông tin 300ha, đường ADB5 Hòa Tiến-Hòa Phong; Bắc Thủy Tú – Phò Nam, Trung tâm hành chính huyện, Chợ Túy Loan, chợ Miếu Bông, Bệnh viện đa khoa Hòa Vang, Trung tâm văn hóa thể thao huyện, Công viên nghĩa trang liệt sỹ Hòa Phong, trường THCS Nguyễn Văn Linh,…,

Văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục tăng lên cả về số lượng và chất lượng, mạng lưới trường lớp được mở rộng, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục, toàn huyện có 29/53 trường đạt chuẩn quốc gia, có 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng. Thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chăm lo người có công cách mạng, đời sống hầu hết các gia đình chính sách được nâng lên rõ rệt, đã đầu tư hơn 114 tỷ đồng để thực hiện giảm 8.133 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 6,3% xuống còn 0,52% (theo chuẩn Trung ương), xây mới và sửa chữa 1.405 nhà chính sách, hỗ trợ xây dựng 100% công trình vệ sinh tự hoại (2.415/2.415 công trình), giải quyết việc làm hằng năm trên 2.000 lao động.

Công tác quốc phòng, an ninh đảm bảo, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay đạt nhiều kết quả, hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn, MTTQVN, các Hội, đoàn thể nhiều năm liền được công nhận là đơn vị vững mạnh, vững mạnh xuất sắc, Đảng bộ huyện không có Chi bộ, Đảng bộ cơ sở yếu kém, nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh”.

2. Thuận lợi, khó khăn

a) Thuận lợi

– Với vị trí nằm bao bọc về phía Tây của Thành phố, Huyện có ưu thế ở cả ba loại địa hình là miền núi, trung du, đồng bằng, Quỹ đất tự nhiên rất lớn 73.488 ha, chiếm 74,8% diện tích thành phố, trong đó đất Nông, Lâm nghiệp 65.316 ha, đất phi nông nghiệp 7.271 ha và đất chưa sử dụng 901,7 ha – Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn để huyện phát triển trong bối cảnh gắn với quy hoạch phát triển chung của thành phố Đà Nẵng

– Nguồn tài nguyên rừng phong phú, diện tích đất lâm nghiệp hiện có là 58.900 ha, trong đó đất rừng sản xuất gần 16.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 64%, ngoài vai trò phòng hộ, hệ sinh quyển và là “lá phổi xanh” cho Huyện và Thành phố Đà Nẵng – Đây cũng là lợi thế trong việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ du lịch

– Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 4.690 ha, mỗi năm có khả năng cung cấp ra thị trường gần 20.000 tấn rau, 1.200 tấn thủy sản, gần 1 triệu con gia cầm các loại …cũng là lợi thế của huyện trong việc cung cấp nguồn thực phẩm cho vùng nội thị thành phố Đà Nẵng

– Huyện có các điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở khu vực Bà Nà – Núi Chúa, Đồng Nghệ, Ngầm Đôi, du lịch trên sông nước ở Trường Định (Hòa Liên), du lịch đồng quê, vườn đồi. Nhiều hồ, đầm tự nhiên ở An Ngãi Tây (Hòa Sơn), hồ Hóc Khế có thể cải tạo thành các công viên du lịch mặt nước. Ngoài ra, với nguồn Tài nguyên khoáng sản hiện có trên địa bàn huyện thuận lợi cho đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng…

– Hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông thuận lợi, bao gồm 3 tuyến Quốc lộ 1A, 14B, 14G; các tuyến đường Tỉnh lộ 601, 602, 605 và hệ thống đường liên huyện, đường liên xã đã và đang được đầu tư đồng bộ…, nhiều dự án, công trình quan trọng sẽ triển khai và đưa vào hoạt động như đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Vành đai phía Nam thành phố, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, đường Hòa Nhơn đi Hòa Sơn, các dự án lớn như nhà máy nước Hòa Liên, các khu đô thị mới, khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện… vừa tạo không gian kết nối, vừa tạo động lực để huyện phát triển

– Dân số của huyện hiện nay khoảng 130.000 người, tốc độ tăng dân số bình quân 2%/năm, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 65%, tỷ lao động qua đào tạo chiếm 55% và tăng nhanh qua các năm – Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Huyện thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội.

b) Khó khăn, thách thức

– Kinh tế của huyện tăng trưởng khá, nhưng quy mô còn nhỏ. Sản xuất kinh doanh đứng trước nhiều thách thức mới. Nguồn thu ngân sách còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mặt trái của cơ chế thị trường và đô thị hóa làm phát sinh các vấn đề xã hội bức xúc, tình trạng thiếu việc làm, các tệ nạn xã hội. Hòa Vang với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm do đô thị hóa. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh bất thường…đó là những khó khăn, thách thức lớn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây