‘Hoan Châu ký’ – tiểu thuyết chương hồi được viết bởi gia tộc Nguyễn Cảnh – Tác giả: Đoan Túc

‘Hoan Châu ký’ là một tác phẩm tập trung vào dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An. Nhưng những sự kiện lịch sử đưa ra trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết không chỉ đề cập tới vùng đất Hoan Châu xưa, mà đó còn là dặm dài lịch sử thời Lê trung hưng trên toàn cõi Việt Nam. Tác phẩm góp phần bổ sung cho dòng chính sử thêm những góc nhìn đa dạng.

Về cuốn tiểu thuyết chương hồi đầu tiên ở nước ta

Hoan Châu ký là một bộ tiểu thuyết chương hồi có thể xếp vào loại cổ nhất nước ta. Nội dung của tác phẩm kể về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh – dòng họ lớn cư trú gần 600 năm ở vùng đất Nghệ An song hành cùng nhiều sự kiện lớn của đất nước.

Trong tác phẩm, nhiều danh nhân trong lịch sử Việt Nam được nhắc tới như: Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà,… Cuốn sách bao gồm 4 hồi, 16 tiết, mỗi hồi 4 tiết, được trình bày dưới dạng văn xuôi, xen thêm một số loại văn biền ngẫu (thư, chế, sắc, câu đối) hoặc văn vần (thơ, tán) trong nhiều hồi nhiều tiết.

Thời điểm chính xác chấp bút cho tác phẩm này đến nay chưa rõ viết vào thời điểm nào, kéo dài trong bao lâu. Chỉ biết, đây là cuốn gia phổ được người trong dòng họ Nguyễn Cảnh viết vào khoảng thế kỷ XVII.

Theo lời bạt, dòng lịch sử trong Hoan Châu ký khởi đầu từ năm 1406 đến năm 1678 dưới triều Hậu Lê. Trong tiết thứ nhất thuộc hồi một có đề cập đến chuyện cụ tổ của dòng họ tên Lữ chạy loạn từ phường Thiên Lý, huyện Đông Triều (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) Gia Viễn, trấn Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), sau khi quân Minh sang xâm lược (1407). Nếu điểm kết thúc là năm 1678, tức dưới thời Lê Hy Tông, thì nhất định cuốn sách này không thể hoàn thành xong trước mốc thời gian đó. Tuy nhiên, thời gian cụ thể vẫn còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.

Vấn đề được quan tâm bên cạnh thời gian sáng tác chính là tác giả. Để có thể hoàn thiện được pho sử với hơn 200 năm như vậy, không thể chỉ được viết bởi một người viết, mà cần tới sự chấp bút và trao truyền qua nhiều thế hệ cầm bút. Hoan Châu ký là cuốn gia phổ của dòng họ Nguyễn Cảnh, chi họ Nguyễn Cảnh Quế (1559-1658).

Chưa rõ cụ thể từng tác giả là ai, nhưng có thể nhận định những người viết nên bộ sử này có mối liên hệ trực tiếp tới chi họ Nguyễn Cảnh Quế. Rất có thể do mục đích ban đầu, pho sử này viết ra với mục đích chính là để lưu truyền cho con cháu trong họ, nên các tác giả không màng đến việc lưu lại tên. Nhưng rồi, qua thời gian, tác phẩm này đã trở thành một nguồn sử liệu quý giá cho đất nước, thay vì chỉ riêng các thành viên nội tộc.

Pho sử hòa quyện với những tác phẩm trước đó

Để trở thành một tác phẩm có giá trị lớn, song hành và bổ trợ cho dòng chính sử, nhất định điểm nhìn của Hoan Châu Ký không chỉ tập trung vào những diễn biến trong lòng của một dòng họ. Theo đó, tác phẩm đã khai thác được các sự kiện của một dòng họ gắn liền với vận mệnh quốc gia, dân tộc như thế nào. Người đọc thấy được dòng họ ấy đã có những đóng góp to lớn gì cho tiến trình lịch sử đất nước, đặc biệt dưới thời Lê trung hưng với nhiều cuộc chính biến, loạn lạc.

Nhờ vậy, Hoan Châu ký đã cung cấp thêm nhiều thông tin cụ thể, phong phú, có giá trị bổ sung cho nội dung các bộ sử chính thức viết về thời kỳ Lê trung hưng, và xứng đáng được xem như một cột mốc trên con đường phát triển của thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Den tho Nguyen Canh Hoan min - 'Hoan Châu ký' – tiểu thuyết chương hồi được viết bởi gia tộc Nguyễn Cảnh - Tác giả: Đoan TúcĐền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Cảnh tộc.

Nhờ việc tiếp thu từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, Hoan Châu ký của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có sự hài hòa với dòng chính sử. Có thể kể tới các tư liệu như Đại Việt sử ký toàn thưTrung hưng thực lụcSử ký dã biên,… Đặc biệt phải kể tới 3 cuốn Thường Quốc nam chinh kýPhan Thị trường biênHoan Châu Nguyễn Cảnh ký là ba chân kiềng vững chắc dựng xây nên Hoan Châu ký hôm nay ta được tiếp cận.

Tuy nhiên, tác giả của Hoan Châu ký có sự “xem nhẹ” nhất định đối với 3 cuốn sách đó. Tác giả đã gọi Thường Quốc nam chinh ký là sách của “kẻ phản thần nối giáo cho giặc”, gọi Phan Thị trường biên là sách của hạng “bất tài đời sau, chỉ biết bo bo giữ mình”, nhận xét Hoan Châu Nguyễn Cảnh ký có “lời văn vụng về, chữ nghĩa sai lạc, tam sao thất bản”. Vì là trang sử được viết bởi một dòng họ, nên khó tránh được những góc nhìn riêng của cá nhân người viết. Dù sao đi nữa, trên phương diện tư liệu, tất thảy những tác phẩm trên đã giúp Hoan Châu ký hoàn thiện thành tác phẩm có tính chất tổng kết.

Thiên Nam liệt truyện và Nguyễn Cảnh thị nằm đâu trong Hoan Châu ký

Một chi tiết gây băn khoăn cho người đọc chính là tên của tác phẩm. Trên trang bìa, in phía dưới chữ Hoan Châu ký là Thiên Nam liệt truyện và Nguyễn Cảnh thị. Trong tiết thứ nhất thuộc hồi bốn có ghi: “Châu Thiên Nam từ xưa có chùa Phật nổi tiếng ở Bụt Đà”. Do vậy, Thiên Nam trước tiên có thể hiểu là vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, căn cứ địa của nhà Lê trung hưng.

Song, mở rộng ra, Thiên Nam cũng có thể chỉ toàn lãnh thổ nước Việt Nam. Bởi trong tiết thứ ba thuộc hồi ba, Phan Ngạn có nói với Nguyễn Hoàng rằng: “Vậy mà nay khi đất Thiên Nam dần dần ổn định, Chứa thượng lại đem dạ nghi ngờ, trừng trị ráo riết bọn bề tôi”. Từ đây, có thể thấy, Thiên Nam liệt truyện không còn giới hạn là tập truyện ghi lại các nhân vật nổi tiếng vùng xứ Thanh, xứ Nghệ, mà còn là trên toàn cõi Việt Nam dưới triều Hậu Lê.

Với Nguyễn Cảnh thị, có lẽ không cần bàn cãi gì thêm, tiêu đề giống như một lời nhận dịnh đây là tác phẩm được viết bởi các thế hệ thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh như đã nói ở trên. Chi tiết hơn, đây là tập truyện ký này đặt chi họ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan ở Nghệ An làm chủ thể. Từ đó, những sự kiện lịch sử dưới thời Lê được đề cập tới đều có mối liên hệ mật thiết với gia tộc này. Vì thế, dòng họ Nguyễn Cảnh được GS. Trần Nghĩa (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cúa Hán Nôm) nhận định “vừa là trung tâm câu chuyện, vừa là tác giả bộ sách”.

Hoan Châu ký, cũng cho thấy đặc trưng hỗn dung thể loại điển hình của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỷ XV – XVIII, vừa mang giá trị văn học với tư cách là một tác phẩm, vừa mang giá trị lịch sử với tư cách là một tư liệu.

Cuối năm 2023, Lễ hội Thập niên sự lệ tại Đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với hệ thống các di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, lễ hội truyền thống, cuốn Hoan Châu ký cũng là di sản văn hóa quý báu không chỉ của dòng họ, của quê hương, mà cả của đất nước cần được gìn giữ và lan tỏa cho nhiều thế hệ nối tiếp. Chính vì vậy, nhân Lễ hội Thập niên sự lệ năm 2024 (diễn ra vào Rằm tháng 3 âm lịch) – đánh dấu bề dày lịch sử 360 năm tổ chức lễ hội, Hội đồng Gia tộc Nguyễn Cảnh cùng với Công ty Omega Plus và NXB Thế giới đã tái bản ấn phẩm Hoan Châu ký, để giới thiệu tới đông đảo độc giả hơn nữa, và cũng là tỏ lòng tri ân tới các vị tiền nhân, anh hùng dân tộc.

Đ.T

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây