Mang quê ra đảo của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai – Kỳ cuối

Mang quê ra đảo của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Kỳ cuối

MANG QUÊ RA ĐẢO 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Em trai

Em sống hiền lành, nhân hậu
Chân chất cuộc đời làm ăn
Như bao nhiêu người lao động
Trong xóm dân nghèo khó khăn.

Như bao nhiêu người chồng tốt
Thương vợ chăm con hết mình
Như bao nhiêu người anh tốt
Nhịn nhường, chia sẻ, hi sinh
Như bao nhiêu hàng xóm tốt
Thương nhau, tắt lửa tối đèn…
Em bình thường như chiếc lá
Xanh giữa cây vườn thân quen

Bỗng đâu trời buông đứt mệnh
Thét gào không thấu cao xanh
Một ngày lá rơi về đất
Đớn đau thấm khắp gốc cành

Khi tang lễ đọc điếu văn
Phố phường ngỡ ngàng mới biết
Em đã từng là người lính
Diệt phỉ Tây nguyên xa xôi
Đã giữ cõi bờ phía Bắc
Khi lửa biên cương ngút trời…

Đồng đội gọi nhau có mặt
Khiêng em lặng lẽ, thành hàng
Mặt lính lại nhàu trận mạc
Buồn như khóc bạn hy sinh.

Lặng thầm đời cựu chiến binh
Ẩn dấu một thời oanh liệt
Chiều nay bao người đưa tiễn
Khóc thêm người lính trong em

Qua mất mát này càng hiểu
Đồng đội là nơi vững bền
Chất lính không bao giờ mất
Chỉ ẩn đi trong bình yên.

Ngày tiễn đưa em Bích
14/12/2015

 

Trước nghĩa trang Trường Sơn

Các anh nằm như mũ úp cửa Trường Sơn
Trắng những khoảng đồi… hàng hàng bia mộ
Rừng đang trưa, ào ào lá đổ
Phăng phắc trên đầu, mấy trắng trời xanh

Từ quê nhà em vào viếng các anh
Thắp nén hương dâng, biết mình đến muộn
Hơn hai mươi năm im rồi tiếng súng
Vạn chân hương đi trước đã ken dày

Lạy hương hồn các anh, chị nằm đây
Xin cho em được cúi đầu trước mộ
Bó nhang quê em thắp nơi đầu gió
Hương khói nhẩn nha đưa em đến từng người

Có nhắn gì không nói được bằng lời
Nói bằng gió em gói về cho mẹ
Mẹ chỉ ước có một lần vào đây
Gọi tên anh của thời trai trẻ

Mắt mẹ mờ, tóc bạc, tay run
Ngồi bậc cửa những chiều sương lạnh
Ngóng về phía Trường Sơn
Chỉ tin các anh trở về từ phía ấy…

Nhưng chỉ lặng yên. Trắng những khoảng đồi
Hồn tử sĩ u trầm trong cõi vắng
Lặng lẽ mà không yên lặng
Em nghe đoàn quân đi trong lòng đất trùng trùng

Nghe một thời bom đạn chuyển rung
Đồi nham nhở, khói na pan khét lẹt
Rừng vang lên tiếng cười và tiếng hát
Đường ra chiến trường rầm rập tuổi 20

Bao người đi giờ đã về rồi
Các anh nằm lại với trời xanh Quảng Trị
Đầu gối dải Trường Sơn
Mắt nhìn ra bể
Cát trắng, gió Lào ru vỗ ngàn năm.

Mai em về miền Bắc xa xăm
Gió và cát theo em về với mẹ
Thắp thêm nén hương, gọi anh khe khẽ
Thương mãi cánh rừng trắng tuổi hai mươi.
Quảng Trị, tháng 6/ 1997.

 

TÌM CĂN NHÀ CŨ
(Tặng một người lính trở về căn nhà số 44 –Ngọc Lâm xưa)

Bây giờ thị trấn đổi tên
Nhà xưa đổi số, huyện lên quận rồi
Con đường giờ cũng có đôi
Người sao đã quá xa xôi còn về ?

Như là xuống chuyến đò quê
Bàn chân vướng sợi tóc thề bến trăng
Lơ ngơ đi đứng dùng dằng
Toà cao chóng mặt phố giăng mịt mù

Căn nhà số kép bốn tư
Con tem quân đội chuyển thư một thời
Đã em mở cửa đón mời
Đã người quân phục đến chơi thăm nhà

Thế mà quãng phố thành xa
Bậc thềm khác lạ, em ra hững hờ

Hỏi tình, tình đã thành thơ
Vết giày cao gót bây giờ là ai ?

Mồng 8 Tết Bính Tuất
2/2006

 

Nghĩ trong phút tàu cập bến

Còn vẹn nguyên cánh buồm trong thơ tôi
Vẹn nguyên mây trời, vẹn nguyên màu sóng
Vẹn nguyên niềm tin yêu từ trái tim nóng bỏng
Khi tôi từ đảo trở về

Bởi trong tôi vẫn văng vẳng lời thề
Của người lính giơ tay thề trước cột mốc chủ quyền giữa đảo:
“Nếu bị địch bắt dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào
Cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội nhân dân.

Ôi lời thề!
Có cây phong ba, cây bàng vuông làm chứng nhân
Vươn lá cành giơ tay cùng người lính

 

TÂM TÌNH VỚI CHIẾC BA LÔ

Thay rồi túi xách, túi đeo
Thủy chung còn lại sớm chiều với anh
Chiếc ba lô nhạt màu xanh
Giữa bao mốt túi hiện hành hôm nay

Một đời xuôi ngược đó đây
Đội mưa cõng nắng tháng ngày xông pha
Suốt thời xanh – mới đi xa
Khi bạc cũ trở về nhà. Lặng không…

Tháng năm lận đận đèo bòng
Mà đa mang hết nỗi lòng thẳm sâu
Cùng anh lội suối qua cầu
Lấm len bụi đất dãi dầu đã quen

Thường tình có lúc em ghen
Anh gần nó hơn gần em trong đời
Những khi đạn nổ, bom rơi
Được bên anh làm khoảng trời chở che

Nếu em ngày ấy nguyện thề
Đợi anh. Chỉ ba lô nghe chuyện mình
Nếu em lưu dáng hình anh
Thì ba lô nữa mới thành của em

Khi nhàn anh ngắm mà xem
Ba lô giống mẹ con em quây quần
Đêm rằm gọt bưởi giữa sân
Nhìn trăng đoán bố đang gần hay xa

Chiến tranh giờ đã đi qua
Ba lô ơi! hãy về nhà với em
Giữa đời túi, bị bon chen
Có sao sờn cũ…. Bên em được rồi!

 

MAI EM RA VỚI BIỂN

Mai em ra khơi với biển
Thế là xa anh từ mai
Biết rằng đi rồi trở lại
Mà sao vẫn nhớ nhung hoài

Thương anh ngày mai ở nhà
Căn phòng vào ra trống trải
Chưa quen một mình con dại
Một mình bếp núc chưa quen

Cái giường đôi sẽ rộng thêm
Vắng tiếng ru khi con khóc
Lại nhớ cuối trời chân sóng
Em đi mang tiếng ru đi.

Phía biển ngày mai em đi
Mênh mông, bạt ngàn sóng gió
Là nơi rập rình bão tố
Có bao người lính xa nhà

Họ cần nghe những lời ca
Cần nhìn thấy em, thấy mẹ
Cần chuyện quê hương tâm tình
Để yên lòng khi chớp bể

Rồi em sẽ tin yêu hơn
Sau lần gặp người lính đảo
Và em sẽ vững vàng hơn
Mỗi khi cuộc đời dông bão.

 

Nhật ký đi miền Trung

Em đi cát trắng gió Lào
Phía Trường Sơn, sóng dạt dào miền Trung
Ngoái thương biển ở sau lưng
Lòng đau trước mặt cánh rừng trắng bia.

 

Hậu cần Quân đội
(Kính tặng Chủ nhiệm Dương Văn Rã, Chính ủy Lê Văn Hoàng và các chiến sĩ Hậu cần – QĐND Việt Nam)

Việc không tên, việc có tên
Việc chìm, việc nổi… chẳng quên việc nào
Huân chương rực rỡ treo cao
Phía đằng sau ấy là bao nhọc nhằn

Chỉ đâu cái mặc cái ăn
Còn súng, còn đạn, còn xăng, còn dầu
Còn viên thuốc cứu thương đau…
Vừa phía trước vừa phía sau chiến trường

Như tiền tuyến như hậu phương
Như bàn tay ấm người thương ân tình.
Cho người lính giảm hi sinh
Cần bao ứng dụng thông minh tìm tòi

Một thời đạn nổ bom rơi
Đường xăng – đường máu – đường nuôi – sống còn
Trường Sơn kỳ tích đường mòn
Đường huyền thoại biển… mãi còn vinh danh.

Vạn ngàn các chị các anh
Âm thầm lặng lẽ mà thành chiến công
Như mạch nguồn góp cho sông
Cũng bao xương trắng máu hồng hi sinh.

Lo trọn vẹn, sống nghĩa tình
Hậu cần là đức hết mình người ơi
Việc quân, việc nước, việc đời
Thời bình vẫn chẳng thảnh thơi, an nhàn.

Hậu cần nơi kén người ngoan
Là nơi vất vả gian nan tháng ngày
Lòng hiền mở cửa giang tay
Miệng cười như bát nước đầy trao ta

Như sông lặng chở phù sa
Cứ âm thầm phía sau hoa, sau lời…
Biết ơn bao việc trên đời
Làm nên thắng lợi tư nơi Hậu Cần

 

Gửi bố ở đảo xa
(Tặng những chiến sĩ Hải quân đã là bố)

Bố ra đảo lâu rồi
Nhớ bố quá bố ơi
Viết lá thư thăm bố
Cái nhớ vẫn không vơi

Nếu có ông tiên xưa
Như lời bà kể chuyện
Cho con ba hột đào
Để tùy con ước nguyện

Một, con ước bố trẻ
Mãi như ảnh bố cười
Hai, con ước bố khỏe
Để cả nhà mừng vui

Điều thứ ba, con ước
Được làm chiếc ba lô
Để ngồi trên lưng bố
Cưỡi sóng biển nhấp nhô

 

Chất lính không giấu được

Đang học cùng một lớp
Bỗng nhiên phải xa nhau
Bạn lên đường nhập ngũ
Ngơ ngác chỗ bàn đầu

Rồi bạn ra mặt trận
Thưa dần những cánh thư
Rồi mình đi dạy học
Biệt tăm nhau đến giờ…

Năm mươi năm gặp lại
Bạn mừng …giang tay ôm
Giọng có rừng, có biển
Mắt có sông, có buồm

Thế là ào ạt kể
Chuyện chết hụt chiến trường
Chuyện ngày về lận đận
Chuyện làm ăn, yêu đương…

Đang nói về quê hương
Lại kể thời buôn đất
Vàng dễ như đi nhặt
Tiền như đạn vãi ra

Chiến trường bê xê ka (B – C – K)
Thành cũ mèm thời cuộc
Bạn ngẩn ngơ cái được
Ngấm đau dần cái thua

Ồn ào và lộn xộn
Chuyện đời mình buồn vui
Chất lính không giấu được
Nỗi đau trong tiếng cười

Bỗng nhớ về lớp cũ
Bạn hỏi: Phai thế nào?
Những bạn bè thuở ấy
Bây giờ sống ra sao?

Mình kể tên một loạt
cùng Phai… đã hy sinh
Còn những người bạn khác
Vẫn gian nan gia đình

Đang ồn ào tung sóng
Biển lặng ngắt. Thẫn thờ…
Bạn ngồi như bia mộ
Hồn trôi về trường xưa

Vũng Tàu, ngày gặp bạn cũ
19/10/2016

 

BỜ DẬU

Bờ dậu là dòng sông rộng
Sang nhau không thể bằng thuyền
Cửa nhà bắc cây cầu lớn
Mở ngày và đóng đêm đêm

Bờ dậu là đường không tên
Người đi cỏ mòn thành lối
Chuột bọ, rắn rết lại qua
Những khi mưa rừng đêm tối

Bờ dậu có khi mỏng mảnh
Một hàng duối thấp ngang lưng
Những khi tối đèn tắt lửa
Gọi nhau xin muối xin gừng

Mẹ bảo: rào thưa, dậu tạm
Để người ngay biết nhà ta
Kẻ gian quyết mà ăn trộm
Thì tường cao cũng trèo qua.

Nên rồi phải ngẫm lời cha:
Yêu nhau phải rào kín dậu
Lời dạy trông xa, nhìn thấu
Cho bền muối mặn, gừng cay.

Bờ dậu có khi chẳng thấy
Có khi rào nứa, xây tường…
Nhưng ngàn năm vì bờ dậu
Mà máu xương tràn biên cương.

 

VẠT LÀI

Vạt Lài em xuống đò đi
Vài gang sóng nước Bình Di sông hiền
Sang ngang chỉ mấy phút thuyền
Là chân chạm bến tới miền Bê Ba
Một miền kháng chiến can qua
Máu bao du kích đổ ra giữ làng
Chống quân Pôn Pốt tràn sang
Giết dân tàn bạo, nghênh ngang đốt nhà

Chứng nhân còn gốc me già
Còn lời sông nước kể qua tháng ngày…

Vạt Lài em đến hôm nay
Bốn mươi năm đã đổi thay khác rồi
Ghe thuyền tấp nập ngược xuôi
Đời vui no ấm, tình người thương nhau
Hai quê chung một cây cầu
Chung sông tắm mát chung màu xanh trong
Buồn xưa khép lại bên lòng
Mở ra trang mới, nối vòng tay ta

Vạt Lài ơi, mai em xa
Sẽ mang theo những bài ca anh hùng
Nhớ ghi lịch sử một vùng
Chống quân Pôn Pốt lẫy lừng chiến công
Một vùng biên giới bên sông
Máu bao chiến sĩ thấm hồng đất đai.

An Giang 23/4/ 2015

 

Cựu chiến binh lên lão

Áo the khăn xếp làm gì
Gốc đa còn tỏa xanh rì cành đa
Còn mùi khói lửa xông pha
Ngấm trong áo lính cởi ra thời bình

Giờ lên cụ cựu chiến binh
Trái tim vẫn nhịp tang tình người ơi
Nỗi đời còn lắm đầy vơi
Bóng cao đâu đã thảnh thơi chim về.

Xong ngày quê thói đất lề
Áo the khăn xếp lại về trăm năm
Nhả tơ lại việc đời tằm
Ẩn trăng lại để đến rằm sáng lên.

Tình bằng nhớ nhớ quên quên
Tuổi làng lẫn với tuổi tên người làng
Nhọc nhằn quên hết vẻ vang
Giở trời mới nhớ đạn mang trong đầu.

Mai rồi bãi bể nương dâu
Bi đông, mũ cối… tìm đâu thấy người
Thì vui cho thỏa tiếng cười
Những đồng ngũ thuở đi mười về ba

Thì lên phây búc í a
Trẻ trai như tuổi mình ra chiến trường.

Nguyễn Thị Mai


[1] Địa danh kháng chiến huyện Tri Tôn – tỉnh An Giang.
[2] B3 căn cứ kháng chiến của tỉnh An Giang

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây