Nhà văn Cao Duy Thảo: Một cốt cách Bình Định – Tác giả: Nguyễn Thanh Mừng

Nhìn vào danh sách các tác phẩm Cao Duy Thảo, ta thấy một nhịp độ đều đặn, và quán xuyến toàn bộ là một tinh thần, một bản lĩnh của tác giả, một giá trị trong giá trị phổ quát của gia tài văn hóa Bình Định, từ cuộc sống đến trang viết.

Trui rèn qua chiến tranh

Mỗi lần nhà văn Cao Duy Thảo về thăm quê, huyện Phù Cát, tôi vẫn thường nói vui với ông, Phù Cát là trung tâm của Bình Định, bởi mảnh đất này nằm ở giữa tỉnh, giáp cả thảy 7 huyện thị thành phố, còn một mặt hướng ra biển Đông. Mặt tiền biển Bình Định từng là bến đỗ cho những con thuyền thiên di từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, trong đó có cả ông tổ của Cao Duy Thảo, bén duyên với vùng phên dậu này, khai canh và truyền đời, đến thế kỷ XX là một gia đình trí thức nông thôn, vừa hun đúc vừa góp phần làm lấp lánh giá trị tôn văn thượng võ của giang san xứ sở này.

Nhìn vào danh sách các tác phẩm Cao Duy Thảo, từ thời trẻ đến già, ta thấy một nhịp độ đều đặn: “Im lặng của đá”, “Thành phố lúc bình minh”, “Ngọn đèn”, “Cảm ơn mùa Xuân”, “Thời gian”, “Xứ bình yên”, “Bút ký văn học”, “Chim bay về núi”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, “Đi nhiều thành đường”, “Ven cánh rừng ký ức”… ta sẽ thấy quán xuyến toàn bộ là một tinh thần, một bản lĩnh của tác giả, một giá trị trong giá trị phổ quát của gia tài văn hóa Bình Định, từ cuộc sống đến trang viết.

Tất nhiên, phạm vi hiện thực trong tác phẩm của ông không chỉ nơi cắt rốn chôn nhau mà phản ánh nhiều vùng đất, chẳng những ở khu V quen thuộc mà rộng ra cả nước, chẳng những ở ta mà cả ở nước ngoài, những trải nghiệm nơi ông từng đi qua.

Hiện thực phong phú ấy được ông thể hiện hàm súc trên nhiều thể loại, từ bút ký đến thơ, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thể loại nào cũng có những thành tựu để lại dấu ấn trong giới chuyên môn và bạn đọc. Thành tựu ấy minh chứng cho nội lực văn chương và vốn sống dồi dào từ một thế hệ nhà văn có các đặc điểm là được đào tạo căn bản, trui rèn qua khốc liệt cánh rừng kháng chiến, khi thống nhất cũng đầy tính nhập cuộc trong tư duy của người cầm bút – cầm súng bước ra từ cuộc chiến: “Rõ ràng vẫn còn một thế giới khác không hoàn toàn giống với những gì ta từng trải. Nó rộng lớn, bền chắc hơn một cuộc chiến tranh”.

Với những phẩm chất và sự từng trải của một thế hệ bên cạnh máu lửa chưa nguôi trong ký ức là những giằng xé của ngổn ngang của tâm trạng, trước các chặng đường xã hội, đất nước. Giờ mở lại, “Đời chúng ta và đời trang sách/ Sức sống nào cũng bền lâu”, câu thơ hay này thêm lung linh bởi sức mạnh tiên cảm vận vào chính sự nghiệp văn học của Cao Duy Thảo và những đồng đội cầm bút – cầm súng thân thiết của ông thời bấy giờ. Và việc đọc ông, với tôi, còn là lắng nghe nhịp thở của một trái tim Bình Định, một cốt cách Bình Định.

Truyền thống văn chương Bình Định có nhiều đặc điểm. Có thể lấy nhiều ví dụ ở thế hệ trước Cao Duy Thảo, như nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) bên cạnh sự nghiệp thơ, ông còn để lại những tác phẩm địa chí mà đến giờ giới nghiên cứu còn tham khảo khi viết về lịch sử văn hóa Bình Định, Khánh Hòa. Nhà thơ Yến Lan (1916-1998) cũng cống hiến cho văn đàn những truyện ngắn đầy ý vị của thời thanh niên. Nhà thơ Chế Lan Viên còn là nhà văn xuôi sắc sảo từ tuổi trẻ, với “Vàng Sao” (1942). Nhà văn Lê Vĩnh Hòa (1932-1967) cũng đồng thời là một nhà thơ đầy nội lực. Chính những đặc điểm ấy đã làm đa dạng chân dung từng tác giả và chân dung văn học một vùng đất, mỗi thời kỳ. Sự nghiệp chính của Cao Duy Thảo là văn xuôi, nhưng những bài thơ hàm súc và cô đọng của ông để lại nhiều dư âm những ngả đường lan tỏa.

Nhiều nhà văn nhận xét, về mặt nghệ thuật, ngòi bút Cao Duy Thảo của truyện và bút ký, hai thể loại hư cấu và phi hư cấu này bổ sung cho nhau. Đặc biệt, bên cạnh những hiện thực đất nước và con người mà ông mô tả, chúng ta bắt gặp những hơi thở tư duy đậm đà và nhân ái, một bản lĩnh sống của nhà văn giữa hoàn cảnh “Không có việc nào nhẹ hơn việc nào, việc nào cũng được đặt ra giữa cái sống và cái chết”.

Đọc kỹ tập thơ “Cảm ơn mùa Xuân”, mới nhận thêm ra những bài thơ của Cao Duy Thảo một cái tôi trữ tình lặng lẽ góp những minh chứng cho sự chân thành và cương trực tạo thành một nhân cách sống Cao Duy Thảo, từ thời chiến qua thời bình.“Những triền núi ta qua/ giấu tình yêu không nói/ rừng âm vang tiếng gọi/ đồng bằng/ trưa nay/ tôi đến với sông/ tự nhiên và hồn hậu/ chẳng biết nói sao khi nước ùa vào lòng”.

Nha van Cao Duy Thao ben phai va tac gia min - Nhà văn Cao Duy Thảo: Một cốt cách Bình Định - Tác giả: Nguyễn Thanh MừngNhà văn Cao Duy Thảo (bên phải) và tác giả viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn.

Văn chương hàm chứa sức mạnh biểu trưng

Trong hành trình công vụ, những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, tôi thường đi với nhà văn Cao Duy Thảo trong các sự kiện do Quân Khu hoặc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, qua các vùng di tích kháng chiến Khu V, nơi ông hoạt động và sáng tác trong những năm chiến tranh, đặc biệt là di tích những đồng đội ông từng ngã xuống: nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nghệ sĩ múa Phương Thảo, họa sĩ Hà Xuân Phong…

Đặc biệt, tôi cùng ông đến dự đám giỗ nhà văn – anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong do Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Huỳnh Thị Phương Liên tổ chức ở Hà Nội. Mối tình tuyệt đẹp này được Cao Duy Thảo viết trong bút ký “Chuyện tình trên đỉnh non cao”.

Nhà văn Cao Duy Thảo sinh ngày 1/1/1943 ở xã Cát Khánh, ngôi làng tựa lưng dãy núi Bà quay mặt ra biển Đông. Từ ngôi làng ấy, ông đi tập kết năm 12 tuổi, ra học trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, rồi tốt nghiệp trường Điện ảnh khóa I, lớp biên kịch cùng Hoàng Tích Chỉ (đạo diễn phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”). Khóa này có diễn viên Trà Giang, Lâm Tới… đạo diễn có Bạch Diệp, Huy Vân, Huy Thành…

Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, hoạt động ở Khu V, thường xuyên đi về Bình Định với vai trò phóng viên chiến trường. Ở Núi Bà, tổ chức bố trí ông về thăm mẹ ông trong chừng nửa giờ đồng hồ, đêm tối năm 1972, trong căn nhà một cơ sở. Tại đây, sau 18 năm xa cách, mẹ con giàn giụa nước mắt hội ngộ, ông được mẹ ông cho biết người cha đã mất và anh trai hy sinh. Mùa xuân qua, tôi có đưa ông lên viếng mộ anh trai ông ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn, thời điểm này đang kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, nhân dịp đó tôi có hỏi ông chuyện mùa Xuân 1973. Ông mở điện thoại cho tôi xem một kỷ vật chiến tranh: Bức ảnh ông chụp với viên phi công Mỹ vào tháng 4/1973 tại cầu Bến Muồng…

Đọc Cao Duy Thảo, văn ông từ những hình ảnh cụ thể đã hàm chứa sức mạnh của những biểu trưng. Dọc trang viết, những tín hiệu lấp lánh đầy tin yêu và cũng không kém phần khốc liệt: ngọn đèn bên doi cát biển đứa con thơ thắp lên đợi chờ cha đi tập kết, chiếc đồng hồ thời gian trong tâm thức người mẹ có con mất tích, những người giao liên hy sinh khi tìm cách đưa ông và đồng đội vượt thoát họng súng đối phương… chúng ta bắt gặp trong câu chuyện của thời bình luôn khúc xạ giá trị của những nhân cách sống ven cánh rừng ký ức.

Khi Cao Duy Thảo nói về người đồng đội anh hùng – nhà văn Chu Cẩm Phong: “Anh là hiện thân một kiểu anh hùng sẵn sàng hiến thân cho lý tưởng, quyết liệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn của các trang hào kiệt vì nước quên thân trên quê hương anh những năm đầu thế kỷ XX”, tôi có cảm giác ông rưng rưng nói về một thế hệ, đầy vô tư, không tiếc máu xương, trong đó có ông.

Sự nghiệp chính của Cao Duy Thảo là văn xuôi, nhưng những bài thơ hàm súc và cô đọng của ông để lại nhiều dư âm những ngả đường lan tỏa. Nhiều nhà văn nhận xét, về mặt nghệ thuật, ngòi bút Cao Duy Thảo của truyện và bút ký, hai thể loại hư cấu và phi hư cấu này bổ sung cho nhau. Đặc biệt, bên cạnh những hiện thực đất nước và con người mà ông mô tả, chúng ta bắt gặp những hơi thở tư duy đậm đà và nhân ái, một bản lĩnh sống của nhà văn giữa hoàn cảnh “Không có việc nào nhẹ hơn việc nào, việc nào cũng được đặt ra giữa cái sống và cái chết”.
N.T.M

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây