Cảm hứng thiền và cảm hứng thế sự trong thơ Haiku của Basho – Tác giả: Trầm Thanh Tuấn

Cảm hứng thiền và cảm hứng thế sự trong thơ Haiku của Basho - Tác giả: Trầm Thanh Tuấn

Matsuo Basho (1644-1694) xuất thân trong một gia đình võ sĩ đạo Samurai bình thường. Ông có cuộc đời lận đận, lên chín tuổi phải hầu hạ cho gia đình một lãnh chúa. Khoảng năm 28 tuổi ông chuyển đến Edo sinh sống và làm thơ haiku với bút hiệu Basho. Thơ haiku của Basho thấm đẫm tinh thần Thiền tông. Bằng nhãn quan của một Thiền nhân ông đã cố gắng cô đọng ý nghĩa của thế giới vào một kiểu thơ đơn giản của ông. Trân trọng và hòa mình vào thiên nhiên, ông đã phát hiện ra mối giao hòa giữa con người và vạn vật “vạn vật nhất thể”. Từ đó, những vần thơ Haiku đã được dệt nên bằng những hình ảnh thiên nhiên dung dị mà sức gợi thật lớn lao.

CẢM HỨNG THIỀN TRONG THƠ HAIKU CỦA BASHO

Thiên nhiên trong thơ Haiku của Basho bên cạnh một số ít hình ảnh thiên nhiên đẹp rực rỡ như: “Hoa đào như áng mây xa” hay Vịnh Kisadata – Như nàng Tây Thi ngủ – Trong mưa và trong hoa” thì phần nhiều trong thơ Basho, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên hết sức bình dị, nhỏ bé, tầm thường mà người đời thường hay bỏ quên. Nhưng đối với Basho thì chúng lại trở thành những đối tượng thẩm mỹ mà thi nhân muốn chiếm lĩnh bằng sự trực cảm, chứng nghiệm của tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của tạo vật. Chúng có thể là những đóa Lazana, loài hoa dại, sắc trắng, nhỏ nhoi mọc ven đường không ai để tâm đến. Chúng còn là con quạ, con ếch, con khỉ hay tiếng ve, tiếng đỗ quyên khắc khoải trong ngày hè, tiếng mưa rơi ngoài chậu nước đêm thu… Tất cả đã đi vào thơ Haiku của Basho thật tự nhiên mà toát lên những ý vị sâu xa của triết học Thiền Tông.

Trong thơ Haiku của Basho bên cạnh những bức tranh thiên nhiên hoành tráng, không gian vĩ mô, Basho còn đi sâu vào phát họa bức tranh thiên nhiên có không gian vi mô bằng những nét “công bút” [1] của tranh thủy mặc truyền thống, Basho đi tìm cái đẹp trong sự giản dị mộc mạc nhưng không hề tầm thường. Đó là chất wabi – cái đẹp cao nhất nằm trong cái đơn sơ và thanh tịnh mà người ta vẫn thường đề cập đến khi nói về cảm thức thẩm mĩ trong thơ Haiku. Có thể nói cảm thức này khởi phát từ trong thế giới quan của con người phương Đông khi nhận thức về vũ trụ. Vũ trụ chứa đựng vạn vật, vũ trụ là căn bản tồn tại của cá thể. Nhưng ngược lại trong cái nhỏ bé cũng chứa đựng được cái khôn cùng, chứa đựng được cả vũ trụ. Cả đất trời nhật nguyệt có thể thu vào hình ảnh “sương trên đầu ngọn cỏ” trong thơ của sư Vạn Hạnh:

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi – Thịnh hay suy cũng như sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi)

Về đặc điểm này, trong Những phạm trù văn hóa trung cổ, Gurêvich đã có nhận xét hết sức xác đáng: “Phần tử nhỏ đồng thời chứa cả chỉnh thể, thế giới vi mô cũng giống như bản sao của thế giới vĩ mô” [2]. Thiên nhiên trong thơ Haiku Basho, đặc biệt thể hiện thiên về phương diện thứ hai của thế giới quan này:

Ao cũ

con ếch nhảy vào

vang tiếng nước xao [3].

Con ech la con vat nho be trong doi song thuong nhat min - Cảm hứng thiền và cảm hứng thế sự trong thơ Haiku của Basho - Tác giả: Trầm Thanh Tuấn

Trong một bài thơ khác:

Từ bốn phương trời

hoa anh đào rụng xuống

gợn sóng hồ Ni hô.

(Đoàn Lê Giang dịch)

Thử đối sánh với một số câu thơ Đường khác: Nhất phiên hoa phi giảm khước xuân của Đỗ Phủ hay Ngô đồng nhất diệp lục, Thiên hạ cộng tri thu trong cổ thi, chúng ta sẽ nhận ra một điều đặc biệt:

Một cánh hoa rơi => mùa xuân

Một chiếc lá ngô đồng rơi => mùa thu.

Một cánh hoa đào rơi => mặt hồ gợn sóng.

Sự vận động của sự vật nhỏ bé => vũ trụ.

Cánh hoa đào tuy mỏng manh nhưng khi rơi xuống cũng làm mặt hồ gợn sóng. Bài thơ thể hiện đặc sắc cảm thức vũ trụ của triết học phương Đông, khi quan niệm các sự vật trên thế giới đều có sự tác động chuyển hóa lẫn nhau tạo nên sự vận động tồn tại vĩnh hằng của vũ trụ.

Ở bài thơ Con quạ, thể hiện đặc sắc yếu tố sabi (Tịch) trong thơ Haiku của Basho:

Trên cành khô

chim quạ đậu

chiều thu.

(Nhật Chiêu dịch)

“Cành khô” gợi cảm giác về sự khô héo, tàn tạ. Chim quạ – sinh thể duy nhất nhưng lại ở trong trạng thái bất động. Sự cộng hưởng của hình ảnh tạo nên sự trống trãi vắng lặng với nỗi buồn trống trải cô đơn trước cảnh chiều tà của mùa thu buồn bã tịch liêu. Tuy nhiên bài thơ không chỉ có thế, hay “lặn sâu vào lòng sự vật” chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Bức tranh thiên nhiên mà Basho khắc họa, chẳng phải đâu khác mà đó là bức tranh tâm hồn của Basho, nó là cái tiểu ngã trước đại ngã của vũ trụ, điều này chỉ có thể đạt được khi Tâm của con người hòa điệu vào Tâm của vũ trụ.

Bên cạnh đó, thơ Haiku của Basho còn thể hiện mối tương thông tương cảm kì diệu giữa thiên nhiên và con người. Basho cho rằng: “Thơ ca chỉ sinh ra từ sự hòa điệu khi ta và sự vật trở thành một, khi ta đã lặn sâu vào lòng sự vật để nhìn thấy điều gì đó tựa như tia sáng mờ ảo đang ẩn dấu ở đâu đấy”. Thật vậy, trong sáng tác của mình Basho đã minh chứng nguyên lí trên bằng nhiều bài thơ đặc sắc.

Áo bông tôi cởi

quẩy lên vai trần

mùa thay áo đổi.

(Nhật Chiêu dịch)

Mùa thu sang, chiếc áo bông lúc này, dĩ nhiên đã trở thành một vật dụng không cần thiết – Nhà thơ cởi áo vắt lên vai. Giản dị, đầy chất tự sự và không có gì là thơ cả nhưng đến câu cuối “mùa thay áo đổi” thì lại gợi ra sự luân chuyển, vận động của vũ trụ mà sự vận động ấy lại gắn với hoạt động của con người. Con người thay áo – cả đất trời cũng chuyển mùa. Bài thơ thấm đẫm tinh thần của triết học Lão Trang: con người và vạn vật nằm trong mối quan hệ chặt chẽ, đó là cái nhìn nhất thể hóa “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, như vạn vật dữ ngã vi nhất”, Thiên tề vật luận – Nam Hoa Kinh (Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một).

CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG THƠ HAIKU BASHO 

Bên cạnh chất Thiền, thơ Haiku của Basho còn là tiếng nói thế sự thấm đẫm tinh thần nhân đạo và thiên nhiên cũng là một trong những phương tiện để thi nhân chuyển tải những trăn trở, suy nghĩ trước những cảnh đời bất hạnh khổ đau.

Tiếng vượn hú não nề

hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc

gió mùa thu tái tê [4].

Basho con trai long minh voi con khi co ro trong con mua gia ret min - Cảm hứng thiền và cảm hứng thế sự trong thơ Haiku của Basho - Tác giả: Trầm Thanh Tuấn

Khi nghe tiếng vượn kêu thảm thiết tác giả liên tưởng đến tiếng trẻ con khóc hòa vào âm thanh bi ai của gió mùa thu. Sự liên tưởng này của Basho có cơ sở từ hiện thực xã hội Nhật Bản. Ở Nhật Bản, ngày xưa vào những năm đói kém, nhiều gia đình do cùng quẫn đã bỏ con giữa rừng vì không nuôi nổi, Basho cảm thương cho những đứa trẻ bất hạnh mà bật thành cảm xúc. Tiếng gió mùa thu ở đây hay tiếng lòng của thi nhân đang đồng cảm xót xa cho số phận của con người? Basho còn trải lòng mình với con khỉ co ro trong cơn mưa giá rét:

Mưa đông giăng đầy trời

chú khỉ con thầm ước

có một chiếc áo tơi.

(Đoàn Lê Giang dịch)

Hình ảnh con khỉ đơn độc trong cái giá rét tái tê của cơn mưa mùa đông gợi liên tưởng đến hình ảnh của những con người khốn cùng trong xã hội thời bấy giờ. Sự đồng cảm ấy còn thể hiện trong một bài thơ khác với ước mơ được cùng san sẻ “nỗi buồn sâu thẳm” của thi nhân Basho.

Chim Kankodori

nỗi buồn sâu thẳm

đọng vào tôi đi.

(Nhật Chiêu dịch)

Ở đây chúng ta nhận thấy có sự đồng điệu với Thi thánh Đỗ Phủ “Ước gì nhà rộng muôn ngàn gian – che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan” còn bản thân mình thì “Riêng lều ta nát, chịu rét cũng được” (Mao ốc vị thu phong sở phá ca). Bởi Basho lúc này cũng hết sức nghèo túng.

Sương giá nửa đêm

không ngủ được

tôi mượn áo bù nhìn.

(Nhật Chiêu dịch)

Thiên nhiên còn là hình ảnh gợi nỗi buồn, nỗi niềm hoài cổ trong lòng của lữ nhân Basho:

Chim đỗ quyên hót

ở kinh đô

mà nhớ kinh đô.

(Đoàn Lê Giang dịch)

Hình ảnh chim đỗ quyên trong thơ ca cổ điển của Trung Quốc thường gắn với điển tích: Thục Đế, nên đây là hình ảnh biểu trưng cho nỗi buồn mất nước, ở bài thơ này của Basho, hình ảnh chim đỗ quyên không được dùng với nghĩa nêu trên mà nó biểu trưng cho tâm tình hoài cổ sâu nặng. Chủ thể trữ tình đang đứng giữa kinh đô ngày hôm nay mà hoài vọng về một kinh đô của 20 năm về trước, một kinh đô với những kỉ niệm thuở thiếu thời giờ đã không còn nữa. Có thể nói giữa bài thơ trên của Basho và bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan có cùng một “phương tiện” để biểu đạt tâm tình hoài cổ của mình nhưng theo hai hướng khác nhau. Nếu như ở bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan thể hiện nỗi niềm hoài cổ về một thời “Hoàng Lê” nghĩa là có ít nhiều hướng ngoại thì ở bài thơ của Basho, tâm trạng của nhân vật trữ tình hoàn toàn hướng nội.

Basho co cai nhin binh dang truoc moi hang nguoi trong xa hoi min - Cảm hứng thiền và cảm hứng thế sự trong thơ Haiku của Basho - Tác giả: Trầm Thanh Tuấn

Basho có cái nhìn bình đẳng trước mọi hạng người trong xã hội. Những người kĩ nữ trong mắt của thế nhân thường là lớp người hạ tiện, là hiện thân của sự sa đoạ. Họ bị xã hội vùi dập tận dưới đáy bùn đen. Nhưng trong mắt của Thiền nhân Basho thì tất cả đều có Phật tính, đều thuần khiết. Đấy chẳng phải là tư tưởng phá chấp của Thiền tông?

Quán bên đường

các du nữ ngủ

trăng và đinh hương.

(Nhật Chiêu dịch)

Những hình ảnh đẹp đẽ thanh khiết, sáng trong của thiên nhiên: trăng, hoa đinh hương hòa quyện tỏa hương, tỏa ánh sáng tôn lên vẻ đẹp tâm hồn của các du nữ hay chính tâm hồn họ là trăng, là hoa đinh hương? Những con người lao động bình thường trong thơ ông đều được nhìn trong mối giao cảm đặc biệt với thiên nhiên, hình như ở họ đều toát lên chất nghệ sĩ:

Em bé nhọc nhằn

trong khi xay gạo

vẫn nhìn lên trăng.

Đọc thơ Haiku của Basho, chúng ta nhận thấy có những hình ảnh thiên nhiên biểu trưng cho chính bản thân thi nhân. Đó là những hình ảnh thiên nhiên mang đậm tính tự thuật. Tác giả tự ví mình là con chim nhạn ốm đau, lẻ loi trong chiều rét. Để rồi một ngày nào đó cánh chim ấy cũng mỏi mòn – Một sự dự cảm cho số mệnh của mình. Số mệnh của một lữ nhân suốt đời nguyện lãng du để đi tìm cái đẹp của Chân Tâm.

Con nhạn ốm đau

rơi trong chiều rét

ôi! lữ khách nào?

(Nhật Chiêu dịch)

Cuối cùng thì điều đó cũng đã xảy ra, Basho cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa nên ông viết bài thơ này:

Mùa thu năm nay

sao mình già nhanh thế

cánh chim khuất chân mây.

(Đoàn Lê Giang dịch)

Đây là bài thơ từ thế của ông. Cánh chim sắp sửa bay khuất vào mây trời bỏ lại sau lưng một đoạn đường phiêu lãng, đi qua những mê kiến, vọng kiến của thế nhân mà tìm về với bản nguyên, cội nguồn của vũ trụ. Bản nguyên ấy, cội nguồn ấy không ở đâu cả mà nó ở chính trong lòng Basho, chính trong lòng của mỗi con người chúng ta trên cõi thế này.

Có thể ví thơ Haiku của Basho như những đoá Lazana tuy bình dị nhưng hàm chứa trong đó những triết lí sâu xa về vũ trụ, nhân sinh hết sức đặc biệt. Những cảm thức ấy thấm đẫm mỹ cảm Thiền nhưng không thoát tục mà vẫn gắn bó chân thành với cuộc đời. Những bài thơ Haiku, những đoá Lazana sẽ mãi tỏa hương cho hậu thế, thứ hương thơm bất diệt của tâm hồn Thiền nhân – thi nhân Basho.

———————-

Chú thích:

[1] Thuật ngữ trong hội họa truyền thống Trung Quốc.
[2] Chuyển dẫn từ Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1996.
[3] Nhật Chiêu (1994), Basho và thơ Haiku, Nxb Văn học.
[4] Những ngữ liệu đề Đoàn Lê Giang dịch đều lấy từ Ngữ văn 10 – Nxb Giáo dục (2006).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây