Công viên Thống Nhất: Không gian xanh, sáng tạo của Thủ đô

Công viên Thống Nhất không đơn thuần là một công viên cây xanh mà còn mang trong mình một bề dày truyền thống lịch sử có ý nghĩa tinh thần rất lớn với người Hà Nội. Tới đây, công viên sẽ được cải tạo với những thay đổi lớn, vừa giữ gìn không gian xanh, vừa tạo lập một không gian sáng tạo cho Thủ đô.

Công viên Thống Nhất được coi là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50ha. Công viên nằm giữa 4 phố: Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.

Công viên Thống Nhất không chỉ là “lá phổi xanh”, điểm đến thú vị dạo chơi hóng mát lý tưởng cho người dân Thủ đô và du khách mà nó còn ẩn chứa ý nghĩa tượng trưng về một giai đoạn lịch sử dân tộc. Đây cũng là công viên gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Thủ đô.

Tới đây, với kế hoạch cải tạo nhiều đổi mới, công viên Thống Nhất sẽ chuyển mình trong một giai đoạn mới. Theo Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1. Đặc biệt, UBND Hà Nội định hướng nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế..

Một công viên “mở” không chỉ là hạ thấp hàng rào xung quanh, công viên sẽ được nâng cấp hệ thống chiếu sáng, phát triển thêm các hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách đến công viên vào buổi tối. Dần tạo không gian phát triển kinh tế đêm khi phố đi bộ khu vực hồ Thuyền Quang được đưa vào hoạt động.

Một góc khu vực công viên (đoạn đường Đại Cồ Việt) được cải tạo thành không gian mở mà ở đó người dân có thể vui chơi, cắm trại, thư giãn… Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, đơn vị cũng đang đề xuất thành phố cho phép mở quảng trường Thống Nhất – vị trí ở trục đường hoa từ cổng chính phố Trần Nhân Tông. Với không gian thoáng đãng, quảng trường Thống Nhất sẽ là một không gian công cộng hấp dẫn, gắn kết, mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Không gian đổi mới, sáng tạo

Được biết, năm 2021, Thành đoàn – Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế công viên sáng tạo InnoPark” lấy bối cảnh công viên Thống nhất. Đơn vị giành giải nhất cuộc thi đã đưa ý tưởng kiến tạo công viên trở thành công viên sáng tạo dựa trên 4 giá trị chính: Tinh thần, xã hội, nhân sinh và đương đại. Biến công viên thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, giao lưu văn hóa thương mại, thể dục thể thao. Toàn bộ được tạo dựng bằng kết cấu mềm tránh tác động xấu lên hệ sinh thái thiên nhiên của công viên.

Khu vực nội đô Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất, trong khi dân số hơn 8,5 triệu người. Như vậy có nghĩa là hơn 130.000 người mới có một công viên/vườn hoa. Nhu cầu vui chơi, giải trí tại các công viên, vườn hoa ở Thủ đô là rất lớn, đó cũng là yêu cầu buộc các công viên lâu đời phải tự chuyển mình để trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân.

Đây là ý tưởng được nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đánh giá cao.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: Công viên Thống Nhất cũng như nhiều công viên ở Hà Nội cần phải “mở”, bởi đó là không gian dành cho cộng đồng. “Công viên phải trở thành không gian sáng tạo cho những người trẻ, tổ chức được các hội sách, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian… tạo nên một không gian văn hóa mang bản sắc Việt. Điều này cũng là giúp cho công viên tham gia vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã chỉ ra”, ông Tùng chia sẻ.

Hiểu minh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây