Giới thiệu khái quát huyện Chợ Lách

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Lách - Tỉnh Bến Tre - vansudia.net

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Lách

Địa lý
Huyện có diện tích tự nhiên 18.879 ha. Phía Đông giáp huyện Mỏ Cày Bắc, Phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp sông Cổ Chiên, phía  Bắc giáp sông Tiền và sông Hàm Luông. Với 31.687 hộ, số dân 110.005 người, dân tộc kinh chiếm  đa số. Mật độ dân số 697 người/km2. Nhiệt độ trung bình là 27,3C, cao nhất là 34,4C, thấp nhất là 20,2C​. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.250mm đến 1.500mm. Khí hậu ở đây là nhiệt đới gió mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Được thiên nhiên ưu đãi. Đất đai được bồi tụ bởi phù sa của hai con sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông. Đất đai màu mở, nước ngọt quanh năm, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi rất cơ bản giúp cho con người ở đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất Nam Bộ.
Lịch sử
 
Cũng như đồng bào các huyện khác trong tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Chợ Lách đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập suốt một thế kỷ qua. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Lách đã vượt qua những khó khăn, thử thách đóng góp nhiều sức người, sức của, kể cả xương máu để giải phóng quê hương. Tháng 3 năm 2005, Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Lách vinh dự đón nhận danh hiệu Huyện Anh hùng.
Từ sau ngày giải phóng ( 30 -4 -1975 ) Đảng bộ và chính quyền huyện Chợ Lách đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được những thành tích đáng kể. Trên cơ sở thế mạnh của huyện là đặc điểm kinh tế vườn ( trồng cây ăn trái ) và sản xuất cây giống, hoa kiểng, huyện đã chủ trương bố trí lại cơ cấu đất đai, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, chuyển giao thành tựu khoa học kỹ thuật cho người sản xuất đưa nền kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ.
Số lượng làng nghề được công nhận là 28. Cái Mơn được mệnh danh là nơi có nhiều làng nghề độc đáo như nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo và nhân giống cây ăn quả cùng nghề trồng cây và hoa kiểng, theo tính toán sơ bộ, xã Vĩnh Thành và một số xã lân cận mỗi năm đã cung cấp cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh bạn kể cả một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hàng chục triệu cây giống các loại, cũng như các loại cây kiểng, để làm giàu và làm đẹp thêm cuộc sống. Nhìn những cây tắc ( quất ) kiểng trĩu quả đặt trong những giỏ đan bằng tre, hay những con long, lân, hươu, nai được tạo dáng bằng cành lá với vẻ đẹp thanh thoát, ta càng cảm phục tài năng và bàn tay khéo léo của con người ở đây.
Với tài nghệ và kinh nghiệm cha truyền con nối, người dân làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng ở đây đã có nguồn thu nhập khá cao. Đem lại cho người dân nơi đây một đời sống sung túc, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, đường sá trong lành sạch và rộng.
Quá trình hình thành và phát triển
Chợ Lách có nguồn gốc từ tên một cái chợ hình thành ở vùng có nhiều cây lao cây lách mọc, trở thành một địa danh của một đơn vị hành chính cấp huyện. Huyện Chợ Lách có chiều dài 22,5Km và chiều ngang được bao bọc bởi hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông, nơi hẹp nhất chỉ có 2Km. Là một trong bốn huyện nằm ở khu vực Cù lao Minh của tỉnh Bến Tre. Thế mạnh của huyện là cây ăn trái và cây giống hoa kiểng

​Hành Chính

Chợ Lách có 11 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn gồm:

  1. Xã Phú Phụng
  2. Xã Vĩnh Bình
  3. Xã Sơn Định
  4. Thị trấn Chợ Lách
  5. Xã Hòa Nghĩa
  6. Xã Long Thới
  7. Xã Tân Thiềng
  8. Xã Vĩnh Thành
  9. Xã Hưng Khánh Trung B
  10. Xã Vĩnh Hòa
  11. Xã Phú Sơn
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây