Miền cổ tích của một thời thương cảng

Miền cổ tích của một thời thương cảng
Phố cổ Bao Vinh ngày xưa. (ảnh tư liệu)

Bao Vinh từng được so sánh với Hội An của Quảng Nam, nhưng buồn một nỗi, phố ngày xưa bây giờ đã không còn giữ được nét cổ kính, mà những ngôi nhà cao tầng mọc lên trong nỗi niềm tiếc nhớ khôn nguôi.

Một thời thương cảng

Nhập nhoạng tối, mấy ông lão ngồi bên ấm nước trà nhìn mông lung ra phía bờ sông dưới mái hiên ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm, nơi thấp thoáng lẻ loi những con thuyền ngược dòng sông đào Đông Ba và sông Bạch Yến lững lờ trôi về phía phố. Trong tâm tưởng những ông lão xấp xỉ 80 này, một thời thương cảng Bao Vinh vẫn còn đó. Gần 80 năm sống ở xóm Ớt này, ông đã được nghe kể, được xem những hình ảnh, được nhìn thấy dù chỉ một phần thôi của Bao Vinh – khu phố cổ bên bờ sông Hương (thuộc TX Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), nơi từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất của xứ Huế thế kỷ XIX.

Từ ngoài sông Hương nhìn vào, Bao Vinh có dáng dấp từa tựa Hội An, với những ngôi nhà lợp ngói liệt, lưng quay ra sông. Đâu đây vương vấn cái không gian lãng đãng mê hoặc khi nắng chiều chầm chậm xuống vàng hoang hoải trên mặt sông và bóng tối dâng tràn lên khu phố xưa. Sự gắn bó chặt chẽ của thị trấn với xứ Huế, khiến cho Bao Vinh đã trở thành một phần của tâm hồn Huế. Dù chỉ còn lại ít ỏi những di tích, nhưng Bao Vinh vẫn còn lại bóng dáng thời xưa, vẫn còn cái không gian sinh tồn hấp dẫn, cảnh trên nước dưới thuyền, trẻ em nô đùa và hong nắng, cảnh buôn bán tấp nập, qua lại gánh đò đưa của người dân.

Theo tư liệu, từ đầu thế kỷ XIX, Bao Vinh từng được ghi lại như một trung tâm buôn bán và du lịch hấp dẫn. Đây là thương cảng trong đất liền ở Huế, thuyền của người Hoa và người Việt đậu trên khúc sông rộng 150m và sâu từ 4-8m. Hàng hóa hết sức đa dạng, ngoài lụa là gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà… Chính từ việc giao lưu buôn bán và trao đổi hàng hóa khiến Bao Vinh là nơi tiếp nhận giao thoa văn hóa các dân tộc vừa là nơi hội tụ đầy đủ các nét đặc sắc dân tộc khác để tạo ra màu sắc văn hóa riêng cho mảnh đất nơi đây.

Ông Trần Văn Quyến, người sinh ra và lớn lên gắn bó với mảnh đất này cũng gần 80 năm kể lại rằng: “Từ xưa phố cổ Bao Vinh được mọi người nhắc đến nhiều, người người cứ tấp nập bán buôn trao đổi hàng hóa, có cả người Chămpa hay người Trung Quốc nữa. Người đem đến kẻ mua về, thế nên Bao Vinh là nơi thừa hưởng được những giá trị vật chất và văn hóa tinh thần đậm đà từ các nơi để tạo nên một Bao Vinh của riêng Bao Vinh, người dân ở đây cũng có cuộc sống ổn định và sung túc hơn nên họ xây nhiều căn nhà khang trang bằng gỗ và ngói lợp nay là những ngôi nhà rường còn sót lại”. Ông nội của ông Quyến từng là một thuyền nhân trên thuyền buôn ở xứ này. Thời huy hoàng ấy, Bao Vinh từng được so sánh với thương cảng Hội An của Quảng Nam, mà có phần còn nhộn nhịp hơn khi nơi này gần với kinh thành Huế. Sau khi phố cảng Thanh Hà nằm gần đó dần lụi tàn thì đầu thế kỷ XIX, Bao Vinh nổi lên là nơi tập trung giao thương hết sức sôi động về đường thủy. Tàu lớn thuyền nhỏ từ khắp trong cả nước tấp nập cập bến Bao Vinh buôn bán, trao đổi hàng hóa sản vật. Bao Vinh từng chứng kiến có rất nhiều tàu buôn lớn đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… đến buôn bán ở đây.

Thời gian và sự khắc nghiệt, cùng những biến thiên của lịch sử đã làm giảm đi vai trò của Bao Vinh. Từ một thương cảng sầm uất, Bao Vinh dần trở nên thưa thớt và vắng lặng. Rồi người ta chẳng còn biết đến nơi cách trung tâm TP Huế chỉ gần 10km này từng là một thương cảng sầm uất nhất nhì của xứ Đàng Trong. Với nhiều người ở Bao Vinh, thì quá khứ phát triển giàu có đã để lại một di sản vật chất và phi vật chất quý giá cho nơi này. Đó là dãy phố cổ kéo dài chừng 200m từ cầu Bao Vinh và di sản văn hóa vẫn còn lưu dấu khá đậm nét. Nơi ấy, người Bao Vinh từng tự hào là người phố, sánh ngang với người trong thành nội của Huế xưa.

Bao Vinh có nhiều kiểu kiến trúc nhà xen lẫn nhau nằm san sát dọc hai bên đường – kiểu nhà thấp ba gian hai chái với mái ngói liệt âm dương từ thời các chúa Nguyễn, kiểu nhà tứ giác của thời Pháp thuộc và cả những ngôi nhà phố mới xây. Đây đó bên trong những con hẻm nhỏ thấp thoáng những giàn hoa giấy bên những mảng tường rêu phong và những ô cửa cũ kĩ nhuốm màu thời gian. Hồn của Bao Vinh xưa vẫn còn vương vấn trong cuộc sống bình dị của những người dân chân chất và nồng hậu, trong nét hoài cổ quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê góc phố. Đường phố Bao Vinh cũng giống như phố cổ Hội An với những nếp nhà thấp lè tè, nối nhau san sát. Có con đường nhỏ chia cắt hai dãy phố. Sau lưng những ngôi nhà cổ là dòng sông trong xanh và một bến đò ngang. Gắn bó với sông nước, đời sống vạn đò cũng trở thành điểm nhấn của khu phố cổ này. Có lẽ còn ít nơi giữa phố thị sầm uất lại có bến đò như ở Bao Vinh. Bên kia sông là làng Tiên Nộn, làng hoa Phú Mậu, làng hoa giấy Thanh Tiên và làng Sình với hội vật nổi tiếng và những người chuyên nghề vẽ tranh thờ cúng.

Trong tâm tưởng của ông Quyến, hay những người tóc đã bạc cùng thời, thì thuở ấy đi đâu người ta hỏi ở đâu tới, chỉ cần nói là Bao Vinh thì người ta đều biết, bởi đó là phố của người giàu, những người buôn bán. Những ngôi nhà cấp 4 có mái lợp ngói đỏ là nhà của các gánh buôn, gia cảnh khá giả lắm mới cất được cái nhà ngay giữa lòng phố này, nhà cao mọc kít nhau tạo thành một dãy phố mà thời đó trong khu vực Bình – Trị – Thiên, thì khu phố Bao Vinh là nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong.

Nhưng bây giờ, tất cả chỉ còn là quá vãng.

Nỗi buồn phố cổ

Các ngôi nhà cổ tại khu phố Bao Vinh là những nhân chứng đầu tiên được chú ý tới. Nhưng mãi cho đến đầu năm 2005, những ngôi nhà cổ ở Bao Vinh mới có những tia hy vọng về việc được phục hồi. Năm 1991, khu phố Bao Vinh còn 39 ngôi nhà cổ thì hôm nay chỉ còn chưa tới 10 ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi. Sự biến mất nhanh chóng của những ngôi nhà cổ làm nhiều người giật mình và suy nghĩ.

Khoảng 20 năm trở lại đây, cuộc sống của phố cổ đã dần đổi thay theo tiến trình nông thôn mới. Đó chắc sẽ là một điều mừng vui vì sự đi lên phát triển của quê hương; nhưng còn đâu những ngôi nhà cổ để tạo nên phố cổ Bao Vinh như cái tên gọi xưa nay vốn có.

Một vấn đề kiến người dân trăn trở trong suốt mười mấy năm trở lại đây, đó là tình trạng các ngôi nhà cổ đang xuống cấp trầm trọng, các mảng gỗ tường dần bị mục nát, cột nhà xiêu vẹo, sàn nhà bị lún xuống và các tấm ngói lợp bị rơi rớt gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân. Chưa kể những hộ dân có nhà sống cạnh bờ sông Hương còn gặp phải tình trạng sạt lở đất, sạt lở nền móng của nhiều ngôi nhà. Ông Nguyễn Tuấn, người dân ở đây chia sẻ: “Nhà cổ là cả tuổi thơ gắn bó cho đến bây giờ, nhưng nhiều nhà cổ xuống cấp nhiều rồi, muốn tôn tạo cũng cần mấy trăm triệu để làm lại, mà làm lại liệu có tìm ra được gỗ tốt, ngói chắc để xây không, vì thế nhiều hộ dân ở đây phải quyết định đập để xây nhà cao tầng mới, thật ra không ai muốn như vậy!”. Lãnh đạo xã Hương Vinh cho biết, hiện chính quyền xã cũng đã có những đề xuất và cả những giải pháp trình lên cấp trên nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu gì.

Cac ngoi nha cao tang dang moc len pha vo canh quan pho co min - Miền cổ tích của một thời thương cảng Cac ngoi nha cao tang dang moc len pha vo canh quan pho co 2 min - Miền cổ tích của một thời thương cảngCác ngôi nhà cao tầng đang mọc lên, phá vỡ cảnh quan phố cổ

Phố cổ Bao Vinh đã từng được so sánh với phố cổ Hội An ở Quảng Nam, nhưng nhìn ra xa, phố cổ Hội An bây giờ đã trở thành một địa điểm du lịch được du khách trong và cả ngoài nước biết đến và tham quan, nhìn lại phố cổ Bao Vinh là một thương cảng đã “chết” lại thêm xót xa. Cái chết của phố cổ một thời ấy ngay từ trong tâm thức người dân, đến những gì còn hiện hữu lại. Khi mà số nhà cổ bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Và những ngôi nhà theo kiểu dáng mới đã đầy dần lên, cao dần lên, như một cơn bão xây cất đô thị phủ xuống những mái ngói rêu phong vốn đã rệu rã trăm năm. Sức nặng ấy, không chỉ đến từ áp lực của cuộc sống người dân, mà còn từ sự thiếu nhiệt huyết của các đơn vị chức năng. Hơn hai mươi năm về trước, Bao Vinh từng được đánh giá là một trong những phố cổ có kiến trúc đẹp và còn khá nguyên vẹn không thua gì khi so sánh với phố cổ Hội An. Nhưng rồi, với sự “chậm chạp” của cơ chế, đã khiến phố cổ Bao Vinh gần như hoàn toàn “biến mất”.

Vạn vật đã đổi thay, hơn hai trăm năm trước, từ một thương cảng sầm uất, Bao Vinh giờ đây chỉ còn lại những nếp nhà xưa cũ rêu phong và những bến đò ngang âm trầm. Còn đâu khung cảnh trên bến dưới thuyền rộn ràng một thời cảng thị. Dấu tích còn lại của một thời vàng son ấy là vài ngôi nhà cổ đã gần 200 năm tuổi, một cái đình làng và một bến đò ngang lẩn khuất xen kẽ trong những ngôi nhà mới xây sau này. Vậy thôi cũng đủ để Bao Vinh mê hoặc lòng người. Trong ánh mắt tiếc nuối và nằng nặng sự xót xa, như ông Lê Quang Chất, chủ nhân của một ngôi nhà cổ “may mắn” vẫn còn giữ được, dù ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Ông Chất bảo, nhiều nhà hàng xóm đã vô cùng đau khổ khi phải phá bỏ một ngôi nhà của tổ tiên để lại. Nhưng biết làm răng được chừ hả chú, nhà thì nghèo quá, không đủ tiền sửa sang, khi nào cũng sợ bị sập nên gia đình phải đành lòng làm như rứa thôi. Cũng đúng, đó là những ngôi nhà đã trải qua nhiều thế hệ, gắn bó biết bao kỷ niệm, nơi chứng kiến không ít những biến cố thăng trầm của nhiều đời người. Phải dỡ bỏ đi để làm mới, ắt hẳn họ đau lòng lắm. Nhưng nếu không làm, để sập đổ gây tai nạn thì cũng là cùng cực. Nỗi niềm của ông Chất, hay của ông Nguyễn Tam, Trần Văn Quyến hay chính quyền xã Hương Vinh cũng chung một điều đau đáu như thế. Để cả một di sản lụi tàn, để cả một niềm huy hoàng tắt lụi.

Người Bao Vinh bây giờ nhìn Hội An, với một chút gì đó tủi phận. Nếu được gìn giữ, được đầu tư, được quan tâm hơn từ nhiều năm trước, có lẽ Bao Vinh bây giờ đâu có đìu hiu như thế. Chí ít, họ cũng sẽ được sống trong những ngôi nhà cổ, trên con phố cổ, và hãnh diện tự hào như một thuở huy hoàng xưa cũ. Nhưng có lẽ, đó chỉ là niềm ao ước quá xa xôi, khi những căn nhà cổ ngày càng ít, và cái danh xưng phố cổ chỉ còn là miền ký ức cũ xưa.

Tiêu Dao – Nhuận Mẫn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây