Quan tâm kiến nghị của văn nghệ sĩ

Quan tâm kiến nghị của văn nghệ sĩ
Bình minh phố biển. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư

Quan tâm kiến nghị của văn nghệ sĩ

Vừa qua, lần đầu tiên HĐND TP Đà Nẵng tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề để văn nghệ sĩ hiến kế cho thành phố về phát triển văn học nghệ thuật, xây dựng không gian văn hóa cộng đồng cho Đà Nẵng. Đây có thể nói là cuộc gỡ “nút thắt” có ý nghĩa.

Tâm huyết vì văn hóa Đà Nẵng 

Năm 2021, lần đầu tiên, văn nghệ sĩ thành phố được mời tham dự tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố” do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.

Và tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ngày 24.3, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng, đây là sự kết nối với cuộc tọa đàm năm ngoái nhằm tạo điều kiện để đại diện văn nghệ sĩ với tư cách cử tri “có nghề”, chuyên nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, có thể chất vấn về những bất cập được cho là đang xâm hại đến thẩm mỹ đô thị, đến cái Đẹp, đến thương hiệu văn hóa của thành phố tại các không gian công cộng. Và quan trọng hơn là có thể hiến kế cho HĐND một số giải pháp cụ thể để các không gian công cộng của Đà Nẵng đẹp hơn, có văn hóa hơn, góp phần gây dựng và nâng cao thương hiệu văn hóa của thành phố.

Nhấn mạnh tầm nhìn của mỹ thuật trong việc hình thành nên điểm nhấn, nét đặc trưng, đặc sắc cho Đà Nẵng, họa sĩ Lê Huy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng: Xây dựng đặc thù văn hóa, du lịch Đà Nẵng, tầm nhìn 2021 đến 2030, không thể, không nói đến không gian tượng đài, tranh hoành tráng mang tầm cỡ quốc gia. Đà Nẵng chưa có công trình tượng đài phục vụ không gian văn hóa-du lịch; chưa có không gian nghệ thuật điêu khắc đá tầm cỡ; chưa đầu tư không gian tượng nghệ thuật-tượng danh nhân. Cần quy hoạch và làm mới các tượng đá nghệ thuật hai bên bờ sông Hàn, phải xây dựng ít nhất một tượng đài lịch sử văn hóa du lịch, quy mô tầm quốc gia.

KTS Huỳnh Văn Phương, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng nêu rõ việc thiết kế không gian cộng đồng ở Đà Nẵng không những thiếu mà nhiều không gian thiết kế còn đơn điệu, không có ý kiến đóng góp từ cộng đồng và chuyên gia. Quanh đi quẩn lại chỉ có vườn hoa, phố đi bộ, thật sự chưa thấy bản sắc của khu vực hay những thiết kế thu hút người sử dụng.

Âm nhạc là lĩnh vực bề nổi với khá nhiều chương trình, tác phẩm nhưng nhạc sĩ Văn Thu Bích, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng thẳng thắn nhận xét về hiện tượng tại Đà Nẵng các ca khúc đạt giải thưởng cao tại nhiều cuộc thi sáng tác về Đà Nẵng chỉ trình làng tại buổi phát giải, rồi lặng lẽ sống trong ký ức giới mộ điệu. Hay các chương trình ca múa nhạc đương đại chuyên nghiệp đặc sắc khá hoành tráng của Nhà hát Trưng Vương và nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên của một số ngành được đầu tư dàn dựng công phu, đạt giải cao tại các hội diễn, liên hoan toàn quốc rồi sau đó rất ít được diễn phục vụ công chúng… Nguyên nhân đầu tiên và trọng tâm nhất là do thiếu kinh phí đầu tư khi tổ chức công diễn bên ngoài không gian khán phòng nhà hát và hội trường… Nhạc sĩ đặt câu hỏi: Phải chăng do thiếu nguồn đầu tư kinh phí dồi dào và cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nhằm thu hút các ca sĩ, nhạc công có trình độ chuyên môn cao để có tiết mục xuất sắc và ấn tượng?

Liệu đã đầu tư xứng tầm?

Năm 2015, TP Đà Nẵng ra quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật thành phố, với kinh phí tài trợ bước đầu là 500 triệu đồng. Hằng năm, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành đã căn cứ vào số lượng tác phẩm của các hội viên đăng ký xuất bản hằng năm và xét duyệt hỗ trợ kinh phí. Nhưng, hầu như việc đầu tư hay kêu gọi đầu tư cho bề chìm-các tác phẩm văn học, chưa thật sự hiệu quả. Vấn đề đặt ra, tại sao Đà Nẵng không chọn ra từng chuyên ngành để rót ngân sách đầu tư theo phân đoạn trong năm/hoặc một giai đoạn và có đánh giá cụ thể?

Đà Nẵng là mảnh đất giao thoa nằm ở vị trí trung tâm kết nối các di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và nhiều di sản vật thể, phi vật thể của Thừa Thiên Huế. Nhưng, Đà Nẵng đang nghèo văn hóa, hay văn hóa chưa được đầu tư xứng tầm với thế “kiềng ba chân” với các trụ kinh tế-văn hóa-xã hội phải song hành, nâng đỡ. Một chính sách phát triển đúng đắn là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo. Các hiến kế của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, mới chỉ chạm đến một phần nhỏ trong hàng loạt vấn đề văn hóa cần tách bóc, mổ xẻ, phân tích và xây dựng lộ trình bài bản. Đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật là việc đầu tư chậm, chắc và kết quả mang lại cho lâu dài, cho chiều sâu của sự phát triển toàn diện của thành phố. Nếu muốn có những không gian văn hóa công cộng mang bản sắc Đà Nẵng, điều đầu tiên phải bắt đầu từ các giá trị về văn học nghệ thuật với 9 hội chuyên ngành theo lộ trình từng giai đoạn cụ thể. Làm được điều đó, mới thổi được các giá trị từ tác phẩm/kịch bản/hình tượng… bước ra đời thường.

Đơn cử ở chuyên ngành văn học, người viết bài này, là một trong những thành viên Ban giám khảo của Giải thưởng văn học Đà Nẵng 5 năm (2015-2020). Cùng đọc và thẩm định giá trị số lượng tác phẩm tham gia xét giải gồm 15 tác phẩm ở các thể loại truyện ngắn, thơ, tản văn, ký chân dung… Đây là con số quá khiêm tốn so số lượng hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng. Một câu hỏi đặt ra,  khi mà đầu tư cụ thể cho các tác phẩm văn học ở các thể loại, vẫn còn rất “nhỏ giọt” với mức kinh phí 3-5 triệu đồng/tác phẩm, thì chưa thể mong sẽ có những tác phẩm đứng vững, xứng tầm như lãnh đạo thành phố đặt ra và kỳ vọng?

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây