Văn hóa truyền thống người Tày nhìn từ những nông cụ

Di sản văn hóa vật thể của người Tày ở Quảng Ninh rất đa dạng và phong phú. Chỉ riêng những vật dụng sinh hoạt và nông cụ truyền thống cũng đã chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Tày.

Theo ông Tô Đình Hiệu, người dân tộc Tày, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu, các nghề thủ công truyền thống của người Tày được hình thành từ lâu đời. Đồng bào dân tộc Tày đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của cộng đồng như: Dệt tơ tằm, đan lát, mộc, rèn, chế tác đàn tính, làm hương, làm ngói máng .v.v. Đi cùng với đó là nhiều vật dụng như: Bộ quay tơ, thoi, dao chẻ, chuốt nan, dậu gánh, che mồm trâu bò, các loại giỏ đựng hạt giống khi tra hạt.

Dụng cụ vận chuyển có gùi qua vai, dậu, sọt… Dụng cụ tìm kiếm thức ăn gồm: Lồng bẫy chim, lồng nhử thú rừng, giỏ đan nhỏ để đi nương rẫy hoặc đi nhặt các loại rau rừng… Ngư cụ đánh bắt cá có nơm úp, giỏ. Xa xưa, đồng bào Tày sử dụng những công cụ săn bắt thô sơ như nỏ (coóng pân), súng kíp (sổng kép) và các loại cạm bẫy (kẹp, pằm, lẹo…). Nông cụ sơ chế lương thực, đựng có rá, rổ, nong, nia, gùi, sọt…

Nghe nhan Uu tu Luong Thiem Phu o thi tran Binh Lieu la nguoi che tac rat nhieu dan tinh min - Văn hóa truyền thống người Tày nhìn từ những nông cụNghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú ở thị trấn Bình Liêu là người chế tác rất nhiều đàn tính.

Nghề mộc của người Tày rất phát triển. Những sản phẩm từ gỗ được những người thợ gửi gắm vào đó cả phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng. Người Tày chế tác ra giường, tủ, bàn ghế, thùng đựng nước, cày, bừa, chõ gỗ (bằng gỗ của cây sa mộc) nấu rượu và chõ gỗ nấu xôi. Nhìn chung, mỗi sản phẩm trong quá trình sử dụng, đồng bào thường treo lên gác bếp để khói giúp cho sản phẩm không bị mối mọt, bền, đẹp.

Tinh xảo hơn nữa là cấu kiện gỗ và các hoa văn trang trí trong nhà. Nhà gạch đất là loại nhà phổ biến nhất của người Tày, lợp cỏ tranh, phên vách bằng nứa đan. Những nhà có điều kiện hơn thì làm nhà gỗ kê đá, cột, xà, nội thất bằng gỗ bào nhẵn, lắp ghép mộng rất cầu kỳ, có nhà còn trạm trổ hình đầu rồng, các loại hoa văn hình chim, dây lá khá đẹp mắt, mái lợp ngói âm dương. Một số nhà còn trải thêm sàn gỗ để làm gian thờ ở giữa và gian bảo quản nông sản hoặc để ngủ ở hai bên.

Kiến trúc nhà đặc trưng bởi được kết cấu hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên là gỗ, đất và đá rất hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Toàn bộ xà, cột (thậm chí cả những chiếc đinh như trước kia) đều được lấy từ gỗ, tre, nứa ở trong rừng, hoặc nhà trồng được. Nhà đất được lợp bằng ngói âm dương được làm từ đất sét đỏ, nung ngói trong 3 ngày đêm tạo ra màu nâu. Ở đầu cầu thang lên nhà, chủ nhân đặt những vại nước to để khách và các thành viên rửa chân. Không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi nuôi dưỡng, giáo dục và thờ tự, ngôi nhà của người Tày còn là không gian gắn kết các thế hệ với nhau, gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa của dân tộc.

Tinh tế nhất của nghề mộc là chế tác ra cây đàn tính, một vật dụng không thể thiếu của người Tày. Đàn tính có bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ nhẹ thường là loài cây sa mộc hoặc dâu. Dây đàn thì làm bằng tơ xe sáp ong và nhựa cây, sau này tiện ích hơn dây đàn được thay bằng cước.

Khi thực hành các nghi lễ, ngoài đàn tính, người làm then không thể thiếu được chùm xóc nhạc, quạt (tượng trưng cho cờ), thẻ âm dương (thẻn), kiếm, chuông, ấn và còi. Đó những vật thiêng của người hành nghề then, mỗi vật lại đều mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa nhất định.

Cay dan tinh voi nhung lan dieu hat then da lam nen net van hoa dac sac cua nguoi Tay min - Văn hóa truyền thống người Tày nhìn từ những nông cụCây đàn tính với những làn điệu hát then đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của người Tày.

Người Tày còn có nhiều vật dụng để thực hành các trò chơi dân gian như con quay hoặc quả còn. Con quay (gụ) được làm từ thân cây gỗ tốt, ngâm nước rồi phơi khô. Con quay có đường kính từ 10 đến 20 cm, tùy thuộc dùng cho nam hoặc nữ, hoặc dùng cho trẻ con.

Quả còn là những mảnh vải màu được ghép lại thành hình vuông hoặc hình cầu, bên trong chứa những hạt giống (thường là thóc, ngô, đậu…) trộn cùng với tro hoặc trấu. Ném còn của người Tày mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép lại ngày hội, thầy mo sẽ rạch quả còn, lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm bàn tay của những nam thanh, nữ tú.

Huỳnh Đăng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây