Đây là một tỉnh miền Tây được hình thành bởi 3 cù lao lớn và do phù sa các nhánh sông Cửu Long bồi đắp.

1. Tỉnh nào nước ta hình thành từ 3 cù lao lớn?

Bến Tre là một trong 13 tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này được hình thành bởi 3 cù lao và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ.

Địa hình Bến Tre bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn. Tỉnh này không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông. Hệ thống kênh rạch của Bến Tre chằng chịt, đan vào nhau.

Bến Tre nổi tiếng với những vườn dừa bạt ngàn tập trung ở các huyện phía tây của tỉnh như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm. Tổng diện tích trồng dừa toàn tỉnh đạt trên 72.000ha, sản lượng trên 612 triệu trái – dẫn đầu cả nước.

2. 3 cù lao hợp thành tỉnh này có tên là gì?

Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Cù lao An Hóa gồm các huyện Châu Thành và Bình Đại; Cù lao Bảo gồm một phần của huyện Châu Thành, Thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm và Ba Tri; Cù lao Minh gồm các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Đầu thế kỷ XX, đơn vị hành chính tỉnh Bến Tre thành lập dưới thời Pháp chỉ gồm cù lao Bảo và cù lao Minh, sau mới nhập thêm cù lao An Hóa.

3. Bến Tre có mấy huyện giáp biển?

Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và thành phố Bến Tre. Phía Đông của tỉnh có 3 huyện Ba Tri, Bình ĐạiThạnh Phú giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km.

Tỉnh có 4 con sông lớn chảy qua là sông Tiền Giang, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên đổ ra biển qua 4 (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên).

Hệ thống kênh rạch chằng chịt khoảng 6.000km đan xen tạo thành một lợi thế trong phát triển giao thông thủy, hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hóa với các tỉnh lân cận.

4. Cầu dây văng bắc qua sông Tiền nối liền Bến Tre với tỉnh nào?

Cầu Rạch Miễu dài 8,3km là cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Bờ Bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), bờ Nam là huyện Châu Thành (Bến Tre), cách thành phố Bến Tre 10 km.

Cây cầu có vai trò quan trọng giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông đường bộ. Người dân từ Trà Vinh, Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60, qua cầu Rạch Miễu đến TP.HCM cũng được rút ngắn quãng đường 60-70km.

5. Nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam sinh ra ở Bến Tre. Bà là ai?

Bà Nguyễn Thị Định (1920-1992, bí danh Ba Định) là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sinh ra ở tỉnh Bến Tre, tròn 16 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh.

Năm 1940, bà bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé. Đến năm 1943, bà thoát khỏi nhà tù Pháp, trở về hoạt động ở huyện Châu Thành và tham gia lãnh đạo quần chúng giành chính quyền tại Bến Tre vào tháng 8/1945.

Những năm sau ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), bà Ba Định là một trong những cán bộ chủ chốt ở Bến Tre, từng giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy. Năm 1965, bà giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Trước bà, chưa có người phụ nữ nào tham gia cách mạng được phong hàm tướng. Đến nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam có 7 nữ quân nhân được phong quân hàm cấp tướng.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây