Bãi cát trắng dần trở lại với biển Cửa Đại, Hội An

Bãi cát trắng dần trở lại với biển Cửa Đại, Hội An
Bãi biển Cửa Đại xinh đẹp một thời đang được khôi phục.

Bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An, 10 năm trở lại đây trở thành nơi hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sau nhiều nỗ lực cứu bờ biển xinh đẹp này, đến nay, đã có nhiều tín hiệu tích cực khi tình trạng sạt lở giảm dần, quá trình tái tạo bãi biển khả quan.

Gần hai phần ba đời người gắn bó với biển Cửa Đại, ông Phạm Xin, ở khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam chứng kiến đầy đủ những biến đổi thăng trầm của bãi biển này. Nhớ lại hơn 10 năm trước, ông Phạm Xin ví von biển Cửa Đại như người con gái tuổi đôi mươi, có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Đó cũng là giai đoạn mà người dân địa phương có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhiều ngư dân như ông Phạm Xin đã bỏ nghề biển để làm du lịch.

Nhìn xa xăm về phía bờ biển Cửa Đại thoai thoải cát trắng, đôi mắt người đàn ông đã ở tuổi ngoài 70 ánh lên niềm vui khi cát đã trở về với Cửa Đại, du khách khắp nơi cũng quay lại bãi biển xinh đẹp này.

Ông Phạm Xin hồ hởi: “Kể từ năm 2014, bờ biển Cửa Đại sạt lở, sau đó sạt đi sạt lại nhiều lần. Giờ xây dựng kè ngầm giảm sóng và phun cát tạo thành bãi thì du khách bắt đầu trở lại bờ biển này. Dân địa phương chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi có dấu hiệu hồi sinh bãi tắm Cửa Đại nguyên sơ ngày trước, nổi tiếng khắp nơi. Chúng tôi rất mừng khi từ đây người dân có điều kiện khôi phục kinh tế”.

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Nguyễn Hải Ly, từ Hà Nội mới có dịp quay trở lại biển Cửa Đại, TP. Hội An. Chị Hải Ly bất ngờ khi nhìn thấy hàng trăm mét bờ biển đã bồi thành bãi cát trắng, dù chỉ một phần so với trước, nhưng không còn cảnh tượng sạt lở tan hoang, sóng biển lấn vào bờ đe dọa các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ven biển.

Theo chị Hải Ly, đến với biển Cửa Đại thời điểm này, ai cũng muốn đắm mình dưới nước biển: “Lần trước đến đây, tôi thấy nhiều nhà hàng gần đây đã bị sóng đánh sập, con đường này bị sóng ăn sâu. Lần này quay lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một bãi biển đẹp tuyệt vời, trẻ em có thể chạy nhảy, vui chơi thỏa mái vào buổi chiều, rất tuyệt vời cho người dân Cửa Đại”.

Hang tram met bo bien Cua Dai da boi thanh bai cat trang min - Bãi cát trắng dần trở lại với biển Cửa Đại, Hội AnHàng trăm mét bờ biển Cửa Đại đã bồi thành bãi cát trắng.

Du khach bon phuong dang tro lai bien Cua Dai min - Bãi cát trắng dần trở lại với biển Cửa Đại, Hội AnDu khách bốn phương đang trở lại biển Cửa Đại.

Trong 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển đã bị xóa xổ. Những hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra khiến bờ biển khu vực này sạt lở, bồi lấp bất thường, thay đổi dòng chảy và lượng bùn cát trong khu vực. Tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã triển khai nhiều giải pháp công trình khẩn cấp như kè cứng, kè mềm, nguồn kinh phí rất lớn đã đổ xuống đây nhưng chỉ sau một mùa mưa bão nhiều công trình bị sóng biển đánh sập, trung bình mỗi năm bờ biển này bị xâm thực hàng chục mét.

Năm 2016, được sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), tỉnh Quảng Nam đã thực hiện dự án Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Từ đây, quá trình cứu bờ biển Hội An được triển khai một cách khoa học, phù hợp với thực tế.

Năm 2020, tại khu vực bãi tắm Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng kè ngầm giảm sóng dài hơn 220m, âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song song, cách bờ biển 250m, với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2020, góp phần hạn chế xâm thực. Tiếp đó, tháng 7 năm ngoái, Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại được triển khai với chiều dài hơn 1,5km, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực từ đê ngầm chắn sóng vào đến bờ, thời gian qua được bơm cát vào để nuôi bãi, gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển Hội An.

Ông Đào Tô Văn, Chỉ huy thi công kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại cho biết, đơn vị đang huy động 14 tàu bơm hút cát, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay: “Dự kiến đến ngày 15/9, sẽ hoàn thành dự án trọng điểm này của tỉnh. Công trình đê ngầm chắn sóng hơn 200m giai đoạn 1 cũng đã trải qua hai mùa mưa bão rồi. Nó cũng có bị tác động một chút nhưng chỉ ở phần phụ, về cơ bản là ổn định”.

Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ với hy vọng giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở bờ biển Hội An. Còn quá sớm để khẳng định bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An đã thực sự an toàn. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, phải chờ qua vài mùa mưa bão nữa mới có thể đánh giá tổng thể và khoa học về hiệu quả của những dự án chống sạt lở khẩn cấp. Tuy nhiên đã có những tín hiệu tích cực cho thấy quá trình khôi phục bờ biển Hội An đang đi đúng hướng.

“Nhìn lại bãi cát như thế này tôi thấy rất là đẹp. Tôi hy vọng thời gian tới giải pháp công trình này sẽ phát huy được hiệu quả để sau này nguy cơ sạt lở bờ biển sẽ giảm thiểu một cách tốt nhất, sớm trả lại tài nguyên biển rất quý của Hội An”, ông Hùng nói.

Don vi thi cong day nhanh tien do thi cong min - Bãi cát trắng dần trở lại với biển Cửa Đại, Hội AnĐơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tháng 6 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt khoản kinh phí 210 tỷ đồng, xây thêm 550m đê ngầm chắn sóng tại biển Cửa Đại. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ nối dài tuyến đê ngầm chắn sóng lên hơn 2,3km, đồng thời sẽ bơm cát nuôi bãi tại khu vực bị xâm thực nghiêm trọng nhất ở biển Cửa Đại. Bờ biển này có 6,8km bị sạt lở, hiện 2,3km đã có giải pháp công trình. Tỉnh Quảng Nam đã lập xong dự án và đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vay hơn 1 ngàn tỷ đồng để xây dựng đê ngầm 4,5km, tiến hành bơm khoảng 2 triệu m 3 cát để tạo bãi.

Trong chuyến khảo sát tại bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An mới đây, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai đánh giá: “Đây là công trình có tác động đến khu vực bờ biển rất lớn, chúng ta phải theo dõi quan trắc, diễn biến của nó để có được giải pháp đồng bộ khi mà công trình đưa vào sử dụng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất. Qua đó đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai ở những khu vực có điều kiện tương tự, hiện nay đang bị xói mòn nghiêm trọng do tác động của biển”./.

Long Phi

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây