Giới thiệu khái quát thị xã Tịnh Biên

Giới thiệu khái quát thị xã Tịnh Biên - Tỉnh An Giang - vansudia.net

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã này và 2 thị trấn ở An Giang: Đa Phước, Hội An.

Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị Quyết số 721/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Theo đó, quyết nghị thành lập thị xã Tịnh Biên trên cơ sở toàn bộ 354,59 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 143.098 người của huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.

Thị xã Tịnh Biên giáp thành phố Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang và Vương quốc Campuchia.

Sau khi thành lập thị xã Tịnh Biên và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: An Phú, Chi Lăng, Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn, Tịnh Biên và 7 xã: An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung.

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý và địa giới hành chính

Thị xã Tịnh Biên là một trong hai huyện thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh An Giang với tổng diện tích tự nhiên 35.489,09 ha, chiếm 10,03% so với tổng diện tích toàn tỉnh. Dân số toàn huyện 121.145 người, mật độ dân số bình quân đạt 341 người/km2.Vị trí địa lý của huyện nằm về phía Tây Tây Bắc của tỉnh và có tọa độ địa lý:

– Từ 10026’15” đến 10040’30” vĩ độ Bắc;

– Từ 104054’ đến 10507’ độ kinh Đông.

Địa giới hành chính của huyện được xác định như sau:

– Phía Bắc và Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia;

– Phía Nam và Tây Nam giáp huyện Tri Tôn;

– Phía Đông giáp thị xã Châu Đốc và huyện Châu Phú.

Toàn huyện được chia thành 03 thị trấn và 11 xã bao gồm: thị trấn Tịnh Biên – Nhà Bàng – Chi Lăng, các xã An Hảo – An Cư – An Nông – Tân Lợi – Núi Voi – Tân Lập – Vĩnh Trung – Văn Giáo – An Phú – Thới Sơn – Nhơn Hưng.

Huyện Tịnh Biên có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài gần 20 km, nên có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch thông qua cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên và tuyến quốc lộ 91, quốc lộ N1 chạy ngang địa bàn. Đây là cầu nối giao thương quan trọng nối huyện Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời đây cũng là bàn đạp vững chắc để huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực trong tương lai.

1.2. Đặc điểm địa hình

Với đặc điểm địa hình bán sơn địa, khá phức tạp, vừa có đồi núi vừa có đồng bằng, mang sắc thái đặc biệt. Phân theo hình thái, địa hình của huyện Tịnh Biên có 03 dạng sau:

– Địa hình đồng bằng phù sa: Vùng này có tổng diện tích khoảng 20.260 ha chiếm tỷ lệ 57% diện tích, phân bố khu vực phía Đông tỉnh lộ 948 và phía Bắc kênh Vĩnh Tế. Địa hình mang nét đặt trưng chung của vùng đồng bằng Tây Nam Bộ với cao trình từ 4 m trở xuống (trung bình từ 2 – 3 m), nền thổ nhưỡng phù sa sông được bồi đắp từ sông Hậu. Vùng này thuận lợi trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và rừng ngập nước (trồng tràm).

– Địa hình đồi núi thấp: Vùng này có tổng diện tích khoảng 6.330 ha, chiếm 17,81% diện tích tự nhiên của toàn huyện ,phân bố ở các xã, thị trấn: An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn, thị trấn Nhà Bàng, An Cư, An Hảo, Tân Lợi, Núi Voi. Độ cao địa hình >+30 m so với mực nước biển, trong đó, ngọn núi cao nhất là núi Cấm với đỉnh cao khoảng 710 m. Các ngọn núi khác phân bố rãi rác giống như dạng đồi độc lập với độ cao trung bình khoảng 100 m. Thành phần của các ngọn núi này chủ yếu là đá có lẫn cát. Vùng này có tiềm năng khoáng sản, vật liệu xây dựng, phù hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều đồi núi, danh thắng đẹp.

– Địa hình đồng bằng nghiêng ven chân núi: Tổng diện tích vùng này khoảng 8.953 ha, chiếm khoảng 25,19% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, thị trấn: Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư, thị trấn Chi Lăng. Được hình thành từ quá trình rửa trôi đất cát trên núi, có cao trình từ 5 – 30 m so với mực nước biển và nghiêng dần ra xung quanh (từ vài trăm mét đến vài cây số). Trừ một số nơi ven chân núi có dạng đồi lượn sóng, độ dốc bình quân từ 30 – 80, còn phần lớn đã được san bằng để canh tác lúa nương. Vùng này có khả năng trồng cây ăn trái, trồng lúa đặc sản và phát triển trang trại chăn nuôi đàn gia súc.

1.3. Khí hậu

Huyện Tịnh Biên nằm trong vùng có đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô, có nền nhiệt cao và ổn định, lượng mưa nhiều và phân bổ theo mùa.

1.3.1. Chế độ nhiệt

Nhiệt độ trung bình hàng năm khá cao và ổn định khoảng 27,50C. Biên độ nhiệt giữa các tháng nóng nhất và lạnh nhất từ 2 – 30C. Nhìn chung không có sự khác biệt lớn so với những nơi khác trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một điều kiện khá thuận lợi để huyện phát triển nông nghiệp.

– Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm (khoảng tháng 4) là 28,30C.

– Nhiệt độ trung bình thấp nhất trong năm (khoảng tháng 1) là 25,50C.

1.3.2. Chế độ mưa

Tổng số ngày mưa nhiều trung bình trong năm khoảng 128 ngày với lượng mưa bình quân 1.478 mm nhưng phân bố không đều, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.

– Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa chiếm khoảng 90% so với tổng lượng mưa của năm. Các tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 7 – 8 – 9 (lượng mưa chiếm hơn 1/3 tổng lượng mưa cả năm). Mùa mưa thường trùng với mùa nước nổi hàng năm nên khu vực đồng bằng của huyện thường bị ngập lụt.

– Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài đến tháng 4 năm sau với lượng mưa chiếm khoảng 10% so với tổng lượng mưa của năm. Các tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 1 – 2 – 3 với lượng mưa chiếm khoảng 1% (hầu như không có mưa). Đây là đặc điểm điển hình cho tính khô hạn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1.3.3. Lượng bốc hơi và độ ẩm không khí

Huyện nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nên lượng bốc hơi bình quân tương đối lớn khoảng 1.017 mm. Lượng bốc hơi lớn diễn ra trong mùa khô, tập trung nhiều vào tháng 3, tháng 4. Trong mùa mưa lượng bốc hơi không cao, lượng bốc hơi ít nhất diễn ra trong tháng 9, bình quân khoảng 63 mm. Mặc dù lượng bốc hơi bình quân nhỏ hơn tổng lượng mưa trong năm nhưng lại tập trung vào những tháng mùa khô nên thường gây ra tình trạng hạn hán.

Độ ẩm không khí bình quân hàng năm khá cao, khoảng 83% và thay đổi theo chế độ mùa. Tuy nhiên không có sự chênh lệch lớn giữa các tháng mùa khô và mùa mưa nên khá thuận lợi cho sản xuất.

1.3.4. Chế độ nắng

Tổng số giờ nắng bình quân hàng năm tương đối cao với 2.420 giờ. Số giờ nắng thấp nhất của tháng là 153 giờ (thường vào tháng 9), số giờ nắng cao nhất của tháng là 283 giờ (thường vào tháng 3). Mùa khô có số giờ nắng trung bình 8 giờ/ngày, mùa mưa có số giờ nắng trung bình 6 giờ/ngày.

1.3.5. Chế độ gió

Chế độ gió cũng mang tính khu vực và khá thuần nhất. Hàng năm có hai hướng gió chính, từ tháng 5 đến tháng 10 thịnh hành gió mùa Tây Nam, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thịnh hành gió mùa Đông Bắc. Tốc độ gió thay đổi theo mùa, tốc độ gió bình quân trong năm 10,64 m/s, tốc độ gió bình quân lớn nhất trong năm khoảng 15,20 m/s (theo tài liệu tại trạm Châu Đốc).

1.3.6. Tình hình ngập lụt và hạn hán

Do đặc điểm địa hình phần lớn là đồi núi và đồng bằng nghiêng chân núi khá cao so với mực nước biển nên tình trạng hạn hán thường diễn ra hàng năm trong các tháng mùa khô, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trái lại, trong những tháng mùa mưa, kết hợp với lượng nước từ thượng nguồn sông MêKông đổ về rất nhanh gây ngập tràn đồng ruộng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

1.4. Đặc điểm thủy văn

Chế độ thủy văn của huyện Tịnh Biên chịu ảnh hưởng chủ yếu từ chế độ bán nhật triều của sông Hậu. Nguồn nước mặt được đưa từ sông Hậu vào địa bàn huyện thông qua các tuyến kênh Cấp I chạy ngang địa bàn như kênh Vĩnh Tế, kênh Trà Sư, … và phân phối lại cho các tuyến kênh cấp II, cấp III, kênh mương nội đồng, phục nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở các xã thuộc khu vực đồng bằng.

Hàng năm vào mùa mưa, lượng nước từ trên núi chảy xuống, kết hợp với lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về gây ngập tràn phần lớn diện tích đồng bằng của huyện từ tháng 8 đến tháng 10, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, mùa nước nổi cũng có mặt tích cực, mùa nước đã mang lại nguồn phù sa và vệ sinh đồng ruộng, cải thiện chất lượng đất, mang lại nguồn lợi thủy sản và tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nông dân trong mùa nước nổi.

2. Các nguồn tài nguyên

 2.1. Tài nguyên đất

        Theo tài liệu thổ nhưỡng Chỉnh lý, bổ sung bản đồ đất tỉnh An Giang do trường Đại học An Giang xây dựng năm 2005, trên địa bàn huyện Tịnh Biên có các loại đất như sau:

Bảng Tài nguyên đất huyện Tịnh Biên
 
(Nguồn: Tài liệu Chỉnh lý, bổ sung bản đồ đất tỉnh An Giang, 2005)

2.1.1. Nhóm đất than bùn

Đất than bùn chứa phèn tiềm tàng (Tên khoa học: Proto-Endo Thionic Histosols, ký hiệu trên bản đồ HSt(pen)): Đây là loại đất có chứa phèn tiềm tàng, có tầng Histic (tầng H) hay tầng O dầy tối thiểu 40 cm. Đất có lớp than bùn dầy phổ biến từ 50 cm trở lên, ở địa hình thấp, trũng, bán phân hủy hay chưa phân hủy. Thành phần cơ giới của đất chủ yếu là sét và lưu huỳnh (nguyên tố chính trong đất phèn).

Loại đất này có diện tích không nhiều với 438 ha, chiếm 1,23% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện và phân bố ở phía Bắc xã Tân Lập và một phần ở xã Tân Lợi dọc hai bên bờ kênh Trà Sư. Hiện trạng sử dụng đất hiện tại trên nền thổ nhưỡng này là lúa hai vụ.

2.1.2. Nhóm đất cát núi

2.1.2.1. Đất cát xói mòn mạnh trơ sỏi đá, nghèo dinh dưỡng (Tên khoa học: Dystric Leptosols, ký hiệu trên bản đồ LPd)

        Đây là loại đất có phẫu diện rất mỏng (thường không dầy hơn 30 cm). Sa cấu của loại đất này phần lớn là cát và các thành phần không phải là đất (cấp hạt có đường kính > 2 mm), cùng với xác bã hữu cơ. Do đặc điểm là bị rửa trôi liên tục nên các tầng chẩn đoán không hình thành rõ ràng, hàm lượng dinh dưỡng của loại đất này rất kém.

        Loại đất này có diện tích 8.816 ha, chiếm 24,84% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện. Loại đất này phân bố ở hai khu vực chủ yếu ở ven chân núi Dài nhỏ, núi Ông Két, núi Trà Sư và tập trung xung quanh ven chân núi Cấm.

        2.1.2.2. Đất cát xói mòn mạnh trơ sỏi đá, dinh dưỡng khá (Tên khoa học: Eutric Leptosols, ký hiệu trên bản đồ LPe)

        Đây là loại đất có phẫu diện rất mỏng, thường không dầy hơn 30 cm. Sa cấu của loại đất này phần lớn là cát và các thành phần không phải là đất (cấp hạt có đường kính > 2 mm), cùng với xác bã hữu cơ. Do đặc điểm là bị rửa trôi liên tục nên các tầng chẩn đoán không hình thành rõ ràng, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng của loại đất này khá hơn loại đất trên.

        Loại đất này có diện tích 2.290 ha, chiếm 6,45% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện và phân bố rãi rác ở khu vực đồi núi huyện Tịnh Biên như núi Dài, núi Trà Sư, núi Phú Cường và núi Cấm.

        2.1.2.3. Đất cát rửa trôi có tầng mặt mỏng (Tên khoa học: Orthi Haplic Arenosols, ký hiệu trên bản đồ ARha)

        Loại đất này có phẫu diện chủ yếu là sa cấu cát và vật liệu rửa trôi từ trên núi xuống. Độ sâu của phẫu diện khoảng 1,2 m với độ chặt khá, rễ thực vật phát triển trung bình và giảm dần theo độ sâu. Thành phần cơ giới của đất chủ yếu là cát, tỷ lệ sét ít, thường <10% và hàm lượng dinh dưỡng không cao do thường xuyên bị rửa trôi. Tuy nhiên loại đất này có thể bố trí cây trồng được nhưng cần có biện pháp quản trị đất tốt.

        Loại đất này phân bố ở khu vực có địa hình thấp hơn hai loại đất trên, và có diện tích rất lớn với 6.053 ha, chiếm 17,06% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện Tịnh Biên. Phân bố chủ yếu ở các xã An Phú, thị trấn Nhà Bàng, Thới Sơn, An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, thị trấn Chi Lăng và Núi Voi.

       2.1.3. Nhóm đất phù sa cổ (hay đất xám)

        2.1.3.1. Nhóm đất phù sa cổ đỏ nâu, có tầng rửa trôi (Tên khoa học: Albic Plinthosols, ký hiệu trên bản đồ PTa)

        Đây là loại đất có hàm lượng chất hữu cơ rất kém trong suốt chiều sâu của phẫu diện. Chất hữu cơ chỉ hiện diện ở tầng mặt, biến thiên từ 10 – 20 cm nhưng hàm lượng thấp. Thành phần cơ giới của loại đất này chủ yếu là sét và sét pha thịt, cộng thêm hàm lượng hữu cơ nghèo đưa đến kết quả là độ chặt của các tầng rất cao, rễ thực vật khó phát triển xuống sâu.

        Đây là loại đất có diện tích khá ít, chỉ 595 ha, chiếm 1,68% so với diện tích tự nhiên của huyện và phân bố ở phía Bắc kinh Vĩnh Tế ở thị trấn Tịnh Biên và xã An Nông.

       2.1.3.2. Nhóm đất phù sa cổ đỏ nâu, có tầng rửa trôi, tầng mặt dầy (Umbri Albic Plinthosols, ký hiệu trên bản đồ PTau)

        Đây là loại đất có đặc tính tương tự như loại đất PTa. Tuy nhiên do phân bố ở địa hình thấp hơn nên có tầng mặt dầy hơn, thường > 25 cm và có chứa hàm lượng chất hữu cơ nhiều hơn. Đặc trưng của loại đất này là tuy hàm lượng chất hữu cơ nhiều nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng cho cây trồng lại không nhiều. Loại đất này có thể bố trí sản xuất nông nghiệp nhưng cần thường xuyên bón phân.

        Loại đất này có diện tích 865 ha, chiếm 2,44% so với diện tích tự nhiên toàn huyện và phân bố ở xã Thới Sơn và phía Đông Nam của xã Nhơn Hưng. Ngoài hai khu vực này ra, loại đất này còn phân bố ở xã An Nông gần khu vực biên giới và giáp với huyện Tri Tôn, tuy nhiên diện tích ở khu vực này rất ít.

       2.1.3.3. Đất xám bạc màu, nghèo dinh dưỡng, có tầng mặt mỏng (Ochri Dystric Podzoluvisols, ký hiệu trên bản đồ PDdo)

        Đây là loại đất có nguồn gốc phát sinh từ vật liệu phù sa cổ. Tuy nhiên, loại đất này khác với hai loại đất PTa và PTau là không có đốm đỏ Plinthite. Tầng mặt mỏng có sa cấu phổ biến là cát pha thịt màu xám sậm, các tầng bên dưới chủ yếu là cát. Đốm rỉ nâu đến đỏ sậm xuất hiện nhiều ở các tầng bên dưới. Hàm lượng dinh dưỡng của loại đất này khá thấp, khi bố trí sản xuất cần bón nhiều phân.

        Loại đất này có diện tích 3.076 ha, chiếm 8,67% so với tổng diện tích tự nhiên và thường phân bố ở đồng bằng ven chân núi. Tuy nhiên, độ cao địa hình phân bố của loại đất này thường thấp hơn độ cao địa hình phân bố của loại đất PTau. 

      2.1.4. Nhóm đất phù sa

       2.1.4.1. Đất phù sa đang phát triển, glây, dinh dưỡng kém (Gleyi Dystric Fluvisols, ký hiệu trên bản đồ FLdg)

        Đây là loại đất có hàm lượng carbon hữu cơ giảm bất thường theo chiều sâu, có vật liệu phù sa bồi hàng năm. Bề mặt có độ pH > 5, càng xuống sâu pH càng giảm. Do phân bố ở địa hình khá cao nên sa cấu từ thịt đến cát pha. Loại đất này tuy được phù sa bồi đắp hàng năm nhưng hàm lượng dinh dưỡng hình thành trong đất khá thấp, khi bố trí cây trồng cần bổ sung nhiều phân bón.

        Loại đất này có diện tích khá rộng với 5.819 ha, chiếm 16,40% diện tích tự nhiên của toàn huyện và phân bố trải dài dọc theo hai bên kênh Vĩnh Tế từ xã Nhơn Hưng, An Phú, thị trấn Tịnh Biên, An Nông và dọc theo bờ Tây của kênh Trà Sư từ xã Nhơn Hưng đến Vĩnh Trung. Bên cạnh đó, loại đất này còn tập trung một phần ở xã An Hảo, Tân Lập và Tân Lợi. Kiểu sử dụng đất chủ yếu trên nền thổ nhưỡng này là hai vụ lúa. 

        2.1.4.2. Đất phù sa glây, đọng mùn, dinh dưỡng kém (Humi Umbric Gleysols, ký hiệu trên bản đồ GLuh)

        Đây là loại đất có đặc tính glây xuất hiện trong vòng 50 cm lớp đất mặt. Do đó loại đất này thường xuất hiện ở những vùng đất có địa hình thấp trũng. Tầng mặt tương đối dầy, thường là 25 cm hay sâu hơn, có màu sậm do tích tụ nhiều chất hữu cơ. Tuy nhiên đất có độ phì nhiêu thấp.

        Đây là loại đất có địa hình trũng thấp nằm về phía Đông Nam của huyện Tịnh Biên, nơi giáp với xã Đào Hữu Cảnh của huyện Châu phú. Tổng diện tích của loại đất này là 1.085 ha, chiếm 3,06% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện.

      2.1.5. Nhóm đất phèn

       2.1.5.1. Đất phèn hoạt động nặng, tầng mặt dầy, dinh dưỡng kém, không có jarosite (Tên khoa học: Umbri-Orthi-Epi Thionic Fluvisols, ký hiệu trên bản đồ FLt(oep)u)

        Đây là loại đất phèn nặng, không có khoáng jarosite trong vòng 50 cm tầng mặt hay xuất hiện rất ít ở một vài nơi. Trị số pH rất thấp, thường < 3,5. Đặc trưng trị số pH thấp là yếu tố hạn chế lớn nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là cây lúa trong mùa khô. Trong sản xuất nông nghiệp cần chú trọng đến biện pháp quản trị đất trong sản xuất.

        Loại đất này có tổng diện tích 2.203 ha, chiếm 6,21% so với tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện và phân bố ở khu vực phía Đông của huyện trải dài từ xã Nhơn Hưng đến xã Núi Voi. Kiểu sử dụng hiện tại trên nền thổ nhưỡng này là lúa 2 vụ.

       2.1.5.2. Đất phèn hoạt động trung bình, tầng mặt mỏng, dinh dưỡng kém, không có jarosite, glây (Tên khoa học: Dystric-Orthi-Endo-Endo Thionic gleysols, ký hiệu trên bản đồ GLt(oen)d)

        Đây là loại đất phèn trung bình. Trong phẫu diện đất có tầng loang lỗ đỏ vàng glây nằm trong vòng 50 cm lớp đất mặt. Tầng mặt thường mỏng và độ bảo hòa base thấp là những yếu tố kết hợp không thuận lợi cho cây trồng. Do đặc tính phèn “lấn át” các đặc tính dinh dưỡng, phì nhiêu đất đai khác nên trong bố trí sản xuất cần lựa chọn những cây trồng thích hợp và chú ý đến biện pháp quản trị đất trong sản xuất.

        Loại đất này có diện tích 1.900 ha, chiếm 5,35% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện và phân bố ở phía đông của huyện, nơi giáp với huyện Châu Phú từ xã Vĩnh Trung đến xã Tân Lập. Kiểu sử dụng chủ yếu trên nền thổ nhưỡng này là lúa 2 vụ.

       2.1.5.3. Đất phèn hoạt động trung bình, tầng mặt dầy, dinh dưỡng kém, không có đốm Jarosite, có phù sa bồi (Umbri-Orthi-Endo Thionic Fluvisols, ký hiệu trên bản đồ FLt(oen)u)

        Đây là loại đất phèn hoạt động trung bình, có tầng mặt dầy hơn 25 cm với độ bảo hòa base thấp nên nguồn dinh dưỡng cho cây trồng không cao. Trong phẫu diện không có hoặc rất ít đốm jarosite, có phù sa bồi nhưng không đáng kể.

        Loại đất này có diện tích rất thấp với 283 ha, chiếm 0,80% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện và phân bố ở phía Nam của xã Tân Lập.
        Ngoài ra trên địa bàn còn có các loại đất xáo trộn, không phân loại bao gồm đá núi, đất thổ cư, đất giao thông, thủy lợi,… với diện tích 2.120 ha, chiếm 5,96% diện tích tự nhiên toàn huyện.

        Tóm lại, với đặc điểm địa hình bán sơn địa đã ảnh hướng rất lớn đến sự phân bố các loại đất và cây trồng trên địa bàn huyện. Vùng đồi núi thấp và đồng bằng ven chân núi với nền thổ nhưỡng chủ yếu là nhóm đất cát, thích hợp với kiểu sử dụng dụng lúa nương, cây lâu năm và phát triển rừng phòng hộ. Vùng đồng bằng có địa hình thấp, bằng phẳng với nền thổ nhưỡng là các nhóm đất than bùn, đất phèn, đất phù sa, đất phù sa cổ thích hợp với kiểu sử dụng 2 lúa.

         Huyện Tịnh Biên có diện tích đất phèn và đất cát khá lớn. Diện tích đất phèn chiếm gần 13% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, chủ yếu phân bố khu vực đồng bằng thấp phía Đông tỉnh lộ 948 đến giáp ranh với huyện Châu Phú và thị xã Châu Đốc. Về cơ bản, đây là một trong những yếu tố giới hạn cho trồng lúa. Tuy nhiên, qua quá trình canh tác lâu dài, nồng độ phèn đã giảm dần. Đến nay mức độ ảnh hưởng của phèn không còn nhiều như trước đây, năng suất lúa dần được nâng lên đáng kể. Diện tích đất cát chiếm khoảng 48% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện và tập trung toàn bộ ở khu vực đồng bằng chân núi và một phần khu vực đồi núi. Đây là một hạn chế lớn cho phát triển nông nghiệp của huyện, hiện nay trên nền thổ nhưỡng này chỉ canh tác lúa một vụ (lúa nương), hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong tương lai, để phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực đồng bằng ven chân núi, huyện cần phải đầu tư nguồn kinh phí khá lớn vào hạ tầng thủy lợi vùng này.

      2.2. Tài nguyên nước

         Tài nguyên nước của huyện bao gồm nguồn nước mưa, nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm:

       2.2.1. Nguồn nước mưa

        Mùa mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm với lượng mưa rất cao, chiếm trên 90% tổng lượng mưa của năm. Đối với một huyện miền núi như Tịnh Biên, nguồn nước mưa có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn nước cung cấp chủ yếu cho sinh hoạt hàng ngày của người dân sinh sống ở vùng cao. Đồng thời mùa mưa cũng là thời điểm canh tác của đất ruộng trên và nương rẫy thuộc vùng đồi núi, các vùng không có nguồn nước tưới và là nguồn cung cấp cho các hồ chứa trên địa bàn toàn huyện. Tuy nhiên nguồn tài nguyên này rất khó kiểm soát, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hàng năm.

       2.2.2. Nguồn nước mặt

        Tài nguyên nước mặt của huyện được cung cấp từ các kênh cấp I trên địa bàn và các hồ chứa nước trên núi. Chất lượng nguồn nước mặt chưa cao, tuy nhiên có thể phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt (qua xử lý). Vào mùa khô lượng nước ở các tuyến kênh cấp II, cấp III và kênh mương nội đồng xuống thấp (khoảng tháng 3 hàng năm) gây tình trạng thiếu nước, cần quan tâm nạo vét thường xuyên nhằm đảm bảo đủ nước cho sản xuất của người dân khu vực này.

        Nguồn nước mặt cung cấp cho nhân dân sống ở khu vực đồi núi chủ yếu từ các hồ chứa nước trên núi. Toàn huyện có 03 hồ chứa nước lớn là hồ Thanh Long, hồ Thủy Liêm, hồ Ô Tức Sa với dung tích ước khoảng 650.000 m3. Ngoài ý nghĩa cung cấp nước sử dụng cho nhân dân vùng núi, nguồn tài nguyên này còn có tiềm năng phát triển du lịch khá lớn.

       2.2.3. Nguồn nước ngầm

        Nguồn nước ngầm có ý nghĩa rất quan trọng đối với cư dân sinh sống vùng núi. Qua kết quả khảo sát chất lượng nước ngầm tại huyện Tịnh Biên theo Báo cáo quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh An Giang năm 2010 cho thấy: Đã xuất hiện một vài vị trí có Coliforms vượt đến 31 lần so với giới hạn cho phép. Nồng độ NH4+ cũng vượt giới hạn đến 14 lần. Tuy nhiên, ở các thông số còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép theo qui chuẩn và có xu hướng giảm so với các năm trước. Về cơ bản, nguồn nước ngầm có chất lượng khá tốt, có thể phục vụ cho đời sống sinh hoạt.

      2.3. Tài nguyên rừng

        Tịnh Biên là huyện có diện tích rừng cao thứ hai của tỉnh An Giang với 5.638,94 ha, chiếm 15,88% diện tích tự nhiên của huyện và 38,32% diện tích tự nhiên của tỉnh. Phần lớn diện tích rừng là rừng trồng với các loại cây mọc nhanh như: bạch đàn, keo lá tràm, tai tượng kết hợp với các loại cây gỗ quý như: sao, dầu, giáng hương, cây gió bầu (để tạo trầm) và các loại cây ăn quả lâu năm. Rừng tự nhiên có diện tích không nhiều nhưng vẫn còn giữ được các loại cây gỗ quý như giáng hương, thao lao, dầu, căm xe. Rừng đất ngập nước chủ yếu là cây tràm (rừng tràm Trà Sư).

        Hiện tại, phần lớn diện tích đồi núi của huyện đã được phủ xanh, tuy nhiên vẫn còn một số khu vực đất đồi núi chưa sử dụng (còn rất ít) và núi đá không có rừng cây khó cải tạo. Chủ yếu ở các xã Núi Voi, An Phú, An Nông và An Hảo. 

        Rừng  tự nhiên ở Tịnh Biên thuộc rừng nhiệt đới đa dạng sinh học các loài gen và rừng ngập nước với nhiều loại cây quí hiếm, có giá trị rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái cải tạo khí hậu, điều tiết nguồn nước, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi của nhân dân trong vùng. Rừng không chỉ có giá trị lâm sản mà còn có giá trị du lịch.

        Tài nguyên rừng của huyện đóng vai trò quan trọng về mặt sinh thái và an ninh quốc phòng của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Hơn nữa, việc khai thác nguồn tài nguyên rừng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong tương lai, chủ trương của huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích rừng trên các đồi núi chưa sử dụng và khôi phục diện tích rừng hiện có nhằm bảo vệ tính đa dạng của hệ sinh thái rừng. Đồng thời mang lại ý nghĩa quan trọng về kinh tế cho nhân nhân dân vùng núi, vùng dân tộc và công tác bảo vệ an ninh quốc phòng.

      2.4. Tài nguyên khoáng sản

        So với các huyện khác trong tỉnh, Tịnh Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với các loại đá xây dựng, đá ốp lát, đá áplit, cát núi, than bùn, kaolin, sét gạch ngói. Hoạt động khoáng sản ở Tịnh Biên trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, cung cấp nguồn nguyên liệu xây dựng cho các công trình xây dựng trong tỉnh, ngoài ra đá xây dựng còn cung ứng một phần cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

        – Quặng molipden: có 5 điểm khoáng hóa tại khu vực Trà Sư, núi Két, Tây bắc núi Cấm, núi Cậu, núi Giài nhỏ.

          Kết quả điều tra của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (1987) tại khu vực Bảy Núi cho thấy hàm lượng molybden trung bình 0,001%, thấp hơn hàm lượng công nghiệp (0,25%), các mạch thạch anh – molybden có bề dày nhỏ, nên hiện tại khai thác sẽ không có hiệu quả. Ngoài ra, phần lớn các điểm khoáng sản molybden hiện đang nằm trong khu vực cấm khai thác.

         – Vàng gốc: có 1 điểm vàng tại khu vực Núi Đất.

         b) Khoáng sản phi kim loại

         – Felspat (aplit): có 3 điểm khoáng sản felspat tại núi Bà Đội, núi Giài nhỏ và núi Bà Đắt. 

         Nhìn chung kaolin tại đây có thể dùng làm đồ gốm dân dụng; tuy nhiên việc khai thác kaolin nếu kết hợp với khai thác cát xây dựng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

         – Than bùn: Các mỏ than bùn được phân bố chủ yếu ở khu vực Bảy Núi. Hầu hết các mỏ đều có chất lượng than bùn tốt, đáp ứng được yêu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh và acid humic. 

         – Cát xây dựng: Cát núi nằm theo triền hoặc trong các trũng giữa núi Cấm và núi Giài thuộc các xã An Cư, Thới Sơn, là sản phẩm trầm tích do dòng nước mang cát từ trên triền cao của các thềm cổ tích tụ mà thành. Thường có màu trắng tương đối thô hạt và độ chọn lựa yếu.

          – Sét gạch ngói: có 3 điểm tại An Cư, An Nông và An Hảo.

          – Đá xây dựng: Có nhiều chủng loại, bao gồm các loại đá trầm tích và magma, phân bố tại các khu vực núi Phú Cường, Trà Sư… Phạm vi sử dụng cũng đa dạng như: đá trải đường, đá xây, đổ bêtông. 

            + Loại đá phun trào: Ở khu vực phía Nam của núi Giài, núi Phú Cường, núi Sà Lôn và phía Nam núi Cấm. Đá có màu xanh đen, cường độ chịu lực không cao (700 – 1000 kg/cm2) nhưng lại khó vỡ và sử dụng tốt cho các công trình dân dụng.

            + Đá ốp lát: chủ yếu là các nhóm đá granite, granodiorite, rhyolite có nhiều màu sắc rất được ưa chuộng trong trang trí cao cấp. Cụ thể có các loại đá ốp lát như: granite hồng xen đốm đen, hoa văn nhỏ, granodiorite con tằm có màu xám xanh, hoa văn dạng đốm lớn hình da báo, granite hồng ở khu mỏ Ô Mai… Ngoài ra, còn có đá phiến đen ở núi Phú Cường. Những mỏ đá có thể khai thác làm đá ốp lát: Mỏ đá núi Cấm, chủ yếu nằm trên sườn Đông Nam núi Cấm, xen giữa dãy núi Cấm và núi Nam Qui và mỏ đá Gập Ghềnh: ở phía Bắc núi Giài nhỏ và là 1 phần rất nhỏ khối granite thuộc pha 2 phức hệ Đèo Cả tuổi kareta thuộc xã An Phú (Tịnh Biên).

      2.5. Tài nguyên nhân văn

        Trên địa bàn huyện Tịnh Biên có 01 khu di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa Hòa Thạnh; cụm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được công nhận cấp tỉnh bao gồm: Căn hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy, Chốt thép Nhơn Hưng, chùa Phước Điền, chùa Thới Sơn, đình Thới Sơn, tượng Đài chiến thắng Dốc Bà Đắc và Miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp. Ngoài ra, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng phật Di Lạc là những nơi thờ tự lâu đời và Cửu Trùng đài cũng là một công trình kiến trúc độc đáo. Hiện tại các công trình này đã được huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ nhu cầu du lịch. Hàng năm đến những ngày lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

        – Về tín ngưỡng: Người dân trên địa bàn huyện Tịnh Biên chủ yếu theo các tín ngưỡng như: Phật giáo, Phật giáo Hoà Hảo, Thiên Chúa giáo và Cao Đài.

        Bên cạnh đó, huyện thường tổ chức khá nhiều lễ hội của các dân tộc như: Tết Chôl Chhnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer vào trung tuần tháng 4 dương lịch; Lễ Dôlta, hội Đùa bò của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức vào trung tuần tháng 09 dương lịch hàng năm, Lễ giỗ Phật thầy Tây An – Đoàn Minh Huyên tổ chức vào ngày 12/08 âm lịch đã thu hút khá nhiều du khách đến tham quan. Đồng thời, trong các ngày Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thành phố Châu Đốc ngày 23, 24, 25 tháng 4 âm lịch, lượng du khách tập trung về huyện Tịnh Biên khá cao, theo ước tính có khoảng 40% du khách đến Núi Sam vào Tịnh Biên. Tất cả các yếu tố trên đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho huyện và tạo ra một tiềm năng rất lớn về du lịch hành hương, du lịch sinh thái của huyện trong tương lai.”

     3. Cảnh quan môi trường

       3.1. Thực trạng môi trường

        Địa hình của huyện Tịnh Biên vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng đã tạo nên một cảnh quan môi trường có những nét đặc trưng khá riêng biệt so với các huyện, thị, thành khác trong tỉnh. Ở khu vực đồi núi, phần lớn diện tích đã được phủ xanh bởi rừng phòng hộ và cây lâu năm tập trung tạo cảnh quan môi trường thoáng đảng kết hợp với những khu vực có cảnh quan đẹp như Lâm viên núi Cấm, khu vực núi Két,… tạo ra một tiềm năng phát triển du lịch to lớn cho huyện Tịnh Biên. Ở khu vực đồng bằng, ngoài những nét đặc trưng chung của vùng đồng bằng Tây Nam bộ, huyện còn có một số khu rừng tràm. Đây là nét độc đáo của huyện Tịnh Biên, ngoài ý nghĩa về môi trường, những khu vực này còn là cơ sở rất lớn để huyện phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.

        Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Tịnh Biên tuy chưa đến mức nghiêm trọng nhưng cần phải quan tâm. Ở những khu vực dân cư tập trung đông như chợ trung tâm xã, thị tứ, khu dân cư tập trung, thị trấn huyện lỵ,… có lượng chất thải cao nhưng việc thu gom và xử lý nước thải, chất thải chưa thực sự đồng bộ đã làm ô nhiễm môi trường, trong tương lai có thể phát triển nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trong cộng đồng. Ở một số khu vực khai thác khoáng sản hiện nay cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường do lượng khói bụi từ hoạt động này tạo ra. Đồng thời trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng các chế phẩm hóa học diệt trừ sâu bệnh và phân hóa học cũng đang tác động đến môi trường nông thôn.

         Trong tương lai, nền kinh tế – xã hội của huyện không ngừng phát triển. Việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch Lâm viên núi Cấm, khu du lịch rừng Trà Sư, khu đô thị Nhà Bàng, khu sản xuất công nghiệp tập trung,… không thể tránh khỏi những tác động gây ô nhiễm môi trường của huyện Tịnh Biên.

         Từ những vấn đề trên, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp kịp thời ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ và phát triển bền vững các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái trong khu vực.

     3.2. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất

        Biến đổi khí hậu ngày một gia tăng là hiểm họa vô cùng lớn cho các sinh vật tồn tại trên trái đất do trái đất đang nóng dần lên. Sự biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, trong các khu vực, bao gồm cả các thay đổi trong thành phần hoá học của khí quyển, biến đổi nhiệt độ bề mặt, nước biển dâng cao, các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai tăng lên đáng kể về cả số lượng và cường độ. 

        Nghiên cứu của cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP (tháng 3/2007) xác định rằng ở những vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu hiện tượng phèn hoá khi bị nước biển tràn vào, làm cho đất không còn độ phì nhiêu. Diện tích bị phèn hoá sẽ lên đến 1,8 triệu ha và sự dâng cao của nước biển đến năm 2030 sẽ làm cho 45% diện tích đất bị phèn hoá mạnh trong khi mùa màng bị tàn phá vì lũ lụt.

        Nếu nước biển dâng 1m, thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài từ 4-5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980-1999. 

        Có thể thấy các năm gần đây ở An Giang cũng như huyện Tịnh Biên các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, triều cường, áp thấp nhiệt đới, giông lốc có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn. Trong đó, lũ lụt là ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của biến đổi khí hậu đến các vùng trong tỉnh. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, đặc biệt là ngành sản xuất nông nghiệp. Bởi vì, diện tích đất nông nghiệp chiếm 84,49% diện tích tự nhiên của huyện Tịnh Biên và 71,69% dân số sinh sống ở vùng nông thôn và sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nếu nhiệt độ tăng thêm 1oC, năng suất lúa giảm 10%.

        Tại Quyết định số 2075/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2010 về phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang thì với kịch bản nước biển dâng 100 cm huyện Tịnh Biên sẽ bị ngập 51,40 km2/354,89 km2, tỷ lệ ngập chiếm 14,48%.

        Đất đai vốn đã bị thoái hoá do quá lạm dụng phân vô cơ, hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa tăng dẫn tới tình trạng thoái hoá đất trầm trọng hơn ở một số địa phương. Tài nguyên nước cũng biến động mạnh gây ảnh hưởng đến việc trữ nước và cấp nước. Nhiều năm qua, sâu hại và dịch bệnh xảy ra liên tục và lan rộng đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản của cây trồng. 

          Bên cạnh đó, lượng mưa hàng năm biến động thất thường, tập trung nhiều vào mùa mưa. Trong mùa khô, lượng mưa tăng – giảm không rõ rệt, có xu hướng giảm nhiều hơn. Cường độ mưa, với những đợt mưa lớn nhiều hơn, dẫn đến ngập lụt tăng, nhất là khu vực đô thị. Các đợt không mưa kết hợp nắng nóng, hạn trong mùa khô, thậm chí ngay cả trong mùa mưa cũng xảy ra nhiều hơn.

          Những tác động do biến đổi khí hậu nêu trên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nơi cư trú và sức khỏe con người, đến phát triển kinh tế xã hội, uy hiếp sự phát triển bền vững của Tịnh Biên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung.

         Trước tình hình đó, thời gian qua, huyện Tịnh Biên đã có những hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như: gia tăng nhóm cây ăn trái chất lượng cao; Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung và hộ gia đình; Đẩy mạnh cơ chế phát triển sạch, bảo vệ gen cây trồng; Chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường triệt để; Quy hoạch hệ thống thủy lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

   4. Nhận xét về điều kiện tự nhiên

      4.1. Thuận lợi, lợi thế

        – Huyện Tịnh Biên có vị trí tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, là đầu mối giao thương quan trọng nối các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các nước ASEAN.

        – Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao và đều quanh năm, phù hợp với nhiều loại cây trồng, thuận lợi phát triển nông nghiệp.
        – Trên địa bàn huyện có trữ lượng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào với các loại đá xây dựng thông thường, đá ốp lát Granit, cát xây dựng. Có thể khai thác phục vụ phát triển công nghiệp và xây dựng.

        – Nét đặc trưng chung của huyện là địa hình bán sơn địa, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, cảnh quan môi trường thoáng đảng, đẹp. Có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn với các khu vực chủ yếu như: Lâm viên núi Cấm, khu vực núi Két, rừng Trà Sư,…

     4.2. Khó khăn, hạn chế

      – Địa hình thuộc khu vực đồi núi thấp của tỉnh An Giang nên vào mùa khô thường bị thiếu nước cho đời sống sinh hoạt và sản xuất.

      – Nền thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Tịnh Biên phần lớn là các loại đất nghèo dinh dưỡng nên trong sản xuất nông nghiệp cần chi phí đầu tư cao.

      – Ảnh hưởng của mùa nước nổi hàng năm, khu vực đồng bằng của huyện bị ngập lụt gây thiệt hại đáng kể về sản xuất của nhân dân cũng như việc bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng./.

Lịch sử hình thành

Tịnh Biên là vùng đất có bề dầy lịch sử khai phá; nhân dân giàu lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng đã không ngừng đứng lên chống ngoại xâm trong suốt quá trình hàng trăm năm mở đất và giữ đất. Kể từ khi tên gọi Tịnh Biên với tư cách là một đơn vị hành chính được hình thành cho đến nay về địa giới có nhiều thay đổi.

Năm 1832 vua Minh Mạng bỏ trấn thành lập đơn vị tỉnh, lúc bấy giờ Tịnh Biên là một phủ của Hà Tiên. Năm 1839 hai huyện Hà Âm và Hà Dương của tỉnh hà Tiên nhập vào phủ Tịnh Biên. Phủ lụy đặt ở Hà Dương (Tri Tôn). Năm thiệu trị thứ II (1842) phủ Tịnh Biên và Hà Dương được nhập vào tỉnh An Giang.

Năm 1867 Tịnh Biên là một hạt (quận) của tỉnh Châu Đốc. Cuối năm 1956 ngụy quyền Sài Gòn nhập Long Xuyên, Châu Đốc thành tỉnh An Giang, Tịnh Biên  là quận của tỉnh An Giang và từ tháng 10-1964 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 Tịnh Biên là quận của tỉnh Châu Đốc gồm 8 xã, quận lụy đặt tại xã An Phú.

Ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung Ương Đảng ra Nghị quyết  số 19 thành lập tỉnh An Giang, Tịnh Biên là một huyện biên giới của tỉnh. Huyện lụy đặt tại thị trấn Tịnh Biên.

Ngày 11-3-1977 theo Quyết định số 56/CP của Hội đồng Chính phủ, Tịnh Biên – Tri Tôn hợp nhất thành huyện Bảy Núi. Huyện lụy đặt tại thị trấn Tri Tôn. Theo  Quyết định 181-CP ngày 25/4/1979 của Hội đồng Chính phủ, tách các ấp Voi 1, Voi 2 của xã Tú Tề  lập thành một thị trấn lấy tên là thị trấn Chi Lăng; tách các ấp Hòa An, Bình An của xã Tà Đảnh, một phần đất của xã Tú Tề lập thành một xã mới lấy tên là xã Tân Lập; xã Tú Tề đổi tên thành xã Tân Lợi.

Ngày 23-8-1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 300/CP chia huyện bảy Núi thành 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, sau khi điều chỉnh địa giới Bảy Núi. Huyện Tịnh Biên có 11 xã, 01 thị trấn với 39 ấp. Huyện lụy đặt tại thị trấn Chi Lăng.

Nay đơn vị hành chính huyện Tịnh Biên là một trong bốn huyện biên giới của tỉnh An Giang. Phía Đông giáp thành phố Châu Đốc, huyện an Phú, phía Nam giáp huyện Tri Tôn và Bắc giáp Camphuchia với đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài 21,5 km.  Huyện có 14 xã, thị trấn với 61 khóm, ấp; diện tích tự nhiên 354,9 Km2, diện tích đất nông nghiệp 29.973 Ha, diện tích canh tác 22.168 Ha, diện tích gieo trồng 45.286 Ha. Tổng số hộ 29.978, tổng số người 121.399, trong đó dân tộc Kinh 85.328 người, dân tộc Khmer 35.696 người và dân tộc Hoa 375 người (theo niên giám thống kê 2013) ./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây