Khi quyền tác giả là một phần của văn hóa!

Khi quyền tác giả là một phần của văn hóa!

Luật Bản quyền không chỉ bảo vệ văn hóa, nó còn là một phần của văn hóa. Tôn trọng Luật Bản quyền, vì thế cũng là khuyến khích phát triển văn hóa và kiến thức.

Những năm gần đây, cứ đến ngày 23-4, lễ hội kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) lại được tổ chức ở rất nhiều nước trên thế giới, từ Paris đến Hà Nội, từ New Delhi đến Bắc Kinh. Nếu như sách, và bản quyền đã có lịch sử vô cùng lâu đời, thì “Ngày sách và bản quyền thế giới” lại khá non trẻ, ngày kỷ niệm này được UNESCO đưa ra từ năm 1995, nhằm tôn vinh sách và các tác giả.

Có thể nói, “Ngày sách và bản quyền thế giới” đánh dấu tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống, cũng như vai trò không thể tách rời của Luật Bản quyền với sáng tạo văn học nghệ thuật.

Nếu như không ai có thể phủ nhận được giá trị của sách, của văn hóa đọc, thì Luật Bản quyền vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người Việt Nam. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, Luật Bản quyền được coi là một phần của văn hóa. Vì thế, đây cũng là dịp để nhìn lại quyền tác giả ở nước ta cũng như trên toàn thế giới, để hiểu rõ hơn lý do ra đời của quyền tài sản “trí tuệ” vốn mang tính “phi vật chất” này, cũng như sự thay đổi của nó trong lịch sử, và những thách thức to lớn mà quyền tác giả đang phải đối mặt hiện nay với sự ra đời của các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo hay blockchain.

Luật Bản quyền có nguồn gốc từ phương Tây

Khái niệm quyền tác giả đã ra đời cách đây từ vài trăm năm ở phương Tây, và bộ luật đầu tiên về quyền tác giả được thông qua vào năm 1710, tại Anh (Luật Nữ hoàng Anne – Act of Queen Anne). Sau đó, khái niệm quyền tác giả được phát triển ở nhiều quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là ở Pháp (Luật 1777), nơi nó được coi là một quyền “thiêng liêng”.

Các nhà tư tưởng phương Tây cũng dùng từ “nhà sáng tạo” (creator) – từ vốn trước đó dành cho Chúa – để chỉ các nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo. Victor Hugo, nhà văn nổi tiếng của Pháp, chính là một trong những người khởi xướng phong trào ủng hộ quyền tác giả trong giới văn nghệ sĩ thế giới dẫn đến việc tám quốc gia châu Âu ký kết Công ước quốc tế Bern về quyền tác giả năm 1886, một năm sau ngày mất của ông. Theo Công ước Bern, tác giả được hưởng hai nhóm quyền nhân thân và quyền khai thác tác phẩm mà không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký nào.

Phương Đông và phương Tây có cái nhìn trái ngược về quyền sở hữu tri thức

Bernard Edelman, nhà triết học, luật gia người Pháp có câu nói phản ánh rất chính xác tư tưởng của phương Tây với Luật Bản quyền: “Bản quyền là cách một xã hội nhìn nhận nền văn hóa của nó, dưới góc độ pháp lý”(1). Nói cách khác, theo ông, một xã hội tôn trọng văn hóa và kiến thức cũng là một xã hội tôn trọng bản quyền, và ngược lại.

Đây cũng là tư tưởng chủ chốt ở phương Tây, nơi đặc biệt coi trọng vai trò của tác giả, nghệ sĩ trong xã hội. Tuy nhiên, phương Đông vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” đặt giáo dục lên hàng đầu, nhưng lại duy trì trong suốt chiều dài lịch sử một quan điểm hoàn toàn khác biệt. Ở các nước này, tồn tại quan điểm cho rằng kiến thức cần phải được tự do tiếp cận, không thể có bất cứ hình thức sở hữu cá nhân nào cả.

Chính vì thế, ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo, bản quyền như một quyền sở hữu tài sản tri thức là một khái niệm không tồn tại. Chỉ cho đến khi tư tưởng phương Tây gia nhập vào các quốc gia phương Đông, đồng thời dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, thì các nước phương Đông mới nhìn nhận hiệu quả thực tế của Luật Bản quyền, và đưa khái niệm này vào hệ thống luật quốc gia.

Đó chính là trường hợp của các nước như Nhật Bản, Trung QuốcViệt Nam. Hiện nay, cho dù theo truyền thống luật nào, các luật quốc gia đều cố duy trì một sự cân bằng giữa việc thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật với việc khuyến khích truyền tải và trao đổi kiến thức trong công chúng.

Không chỉ có một Luật Bản quyền trên thế giới

Hiện nay đang tồn tại hai hệ thống luật khác nhau trong lĩnh vực quyền tác giả. Ở các nước theo hệ thống luật anglo saxon như Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Ghana, Kenya…, Luật Bản quyền (dưới cái tên copyright) là một luật đặt trọng tâm vào việc khai thác kinh tế các tác phẩm, cũng như rất ưu ái các “nhà sản xuất”, và vì thế tác giả có thể nằm ở vị trí yếu thế hơn trong tương quan lực lượng với nhà sản xuất.

Trong luật copyright, quyền lợi của công chúng (public) trong việc tiếp cận tác phẩm cũng được công nhận rộng rãi hơn, được hưởng nhiều ngoại lệ đối với quyền tác giả. Ngược lại, Luật Bản quyền droit d’auteur kiểu Pháp, Đức và các nước khác trong hệ thống Luật Dân sự (Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, các nước trong cộng đồng Pháp ngữ…) thì lại đặt trọng tâm vào việc bảo vệ quyền của tác giả, đặc biệt là công nhận sự bất khả xâm phạm của quyền nhân thân (moral rights) bên cạnh các quyền về kinh tế.

Trong hệ thống này, tác giả có vị trí tuyệt đối áp đảo trong thương lượng với các nhà sản xuất. Tất nhiên, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, việc “vay mượn” thường xuyên giữa hai hệ thống luật copyright và droit d’auteur dẫn đến kết quả là một số nước theo truyền thống copyright lại công nhận quyền nhân thân đặc trưng của droit d’auteur (như theo luật copyright của Anh, Mỹ, tác giả được hưởng một số quyền nhân thân hạn chế), hay các nước theo hệ thống droit d’auteur lại sử dụng một số khái niệm của copyright, như cơ chế liên quan tác phẩm đặt hàng (work made for hire) chẳng hạn.

Luật Bản quyền hiện hành của Việt Nam, thông qua vào năm 2005, chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống luật droit d’auteur, nhưng cũng mang không ít dấu ấn của copyright.

Nếu như luật các nước đều khá giống nhau ở những điểm cơ bản, thì cũng tồn tại rất nhiều khác biệt, như ở Mỹ, Ấn Độ hay Việt Nam vẫn có thủ tục đăng ký bản quyền, cho dù không bắt buộc, trong khi đó ở một số quốc gia khác, cơ chế đăng ký bản quyền hoàn toàn không tồn tại (Pháp và các nước châu Âu). Một ví dụ khác là ở Pháp, phần mềm máy tính thì do Luật Bản quyền bảo vệ, còn ở Mỹ, thì hoặc là luật về bản quyền hoặc là luật về bằng sáng chế sẽ được áp dụng tùy trường hợp cụ thể.

Ở một số nước, thời hạn bảo vệ Luật Bản quyền có thể là 50 năm sau khi tác giả qua đời, ở một số nước khác thì lại là 70-75 năm. Theo luật của một số quốc gia, quyền nhân thân tồn tại vĩnh viễn (như trong luật của Pháp, Việt Nam…) thì theo luật một số quốc gia khác, quyền nhân thân lại có thời hạn (như theo luật Đức).

Hiện nay, có khoảng 181 quốc gia đã ký kết Công ước Bern, và Công ước này được đưa vào hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dẫn đến kết quả là bất cứ quốc gia nào muốn trở thành thành viên của WTO đều phải vượt qua “cửa ải” Luật Bản quyền. Việt Nam và Trung Quốc là hai ví dụ tiêu biểu của nỗ lực thông qua Luật Bản quyền để trở thành thành viên của WTO.

Việt Nam ở đâu trong bảo vệ Luật Bản quyền?

Về cơ bản, có thể nói Việt Nam mặc dù đáp ứng được những tiêu chí căn bản của Công ước Bern nhưng cũng đang duy trì một mức độ bảo vệ khá thấp Luật Bản quyền, điều này thể hiện qua khung hình phạt tội xâm phạm quyền tác giả đang được áp dụng hiện nay, cũng như qua hiệu quả áp dụng luật trong thực tế.

Tuy nhiên, có thể hiểu rằng mức bảo vệ này khá tương ứng với trình độ phát triển kinh tế và nhận thức trong công chúng ở Việt Nam. Trên thực tế, phần lớn các quốc gia đều trải qua giai đoạn bảo vệ Luật Bản quyền từ mức độ bảo vệ thấp đến cao phù hợp với bối cảnh kinh tế quốc gia. Trung Quốc vốn rất có tiếng xấu trong lĩnh vực bản quyền hiện đang đi lên một mức bảo vệ cao hơn, vì nền kinh tế của quốc gia này đang đạt mức phát triển cao hơn, đòi hỏi một mức độ bảo vệ phù hợp hơn.

Thách thức nào trong tương lai với Luật Bản quyền

Luật Bản quyền ra đời kể từ khi kỹ thuật in ra đời – kỹ thuật cho phép sao chép với số lượng lớn các tác phẩm, thay vì chép tay. Kể từ khi ra đời, Luật Bản quyền luôn phải đối diện với các thách thức đến từ công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Ở thế kỷ 20, Luật Bản quyền các quốc gia đã được sửa đổi đáng kể để đối mặt với những công nghệ như sao chép bất hợp pháp, P2P, streaming… và công nghệ cũng được sử dụng để bảo vệ tác phẩm (như các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hiệu quả Luật Bản quyền cũng được bảo vệ… bởi chính Luật Bản quyền).

Thế kỷ 21 cũng đánh dấu sự ra đời của blockchain, trí tuệ nhân tạo, NFT… những thành tựu công nghệ đang làm đảo lộn các nguyên tắc truyền thống của Luật Bản quyền. Làn sóng sửa đổi Luật Bản quyền cũng đang dần hiện rõ hơn trên thế giới.

Luật Bản quyền không chỉ bảo vệ văn hóa, nó còn là một phần của văn hóa. Tôn trọng Luật Bản quyền, vì thế cũng là khuyến khích phát triển văn hóa và kiến thức.

(1) Bernard EDELMAN, “Nature du droit d’auteur “, Lexisnexis.

Lê Thiên Hương

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây