Quốc vụ khanh Na Uy trả lời phỏng vấn độc quyền TG&VN về chuyến thăm Việt Nam

Quốc vụ khanh Na Uy trả lời phỏng vấn độc quyền TG&VN về chuyến thăm Việt Nam
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao về Phát triển quốc tế Na Uy Bjørg Sandkjær. (Nguồn: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Nhân chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 12-13/5, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao về Phát triển quốc tế Na Uy Bjørg Sandkjær đã trả lời phỏng vấn độc quyền TG&VN về tiềm năng hợp tác giữa Na UyViệt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu.

Sắp tới, Na Uy và Việt Nam sẽ đồng chủ trì Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại sao lại là Việt Nam mà không phải là quốc gia nào khác, thưa bà?

Tôi đến Việt Nam lần này để tham dự Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại Hà Nội. Na Uy sẽ cùng Việt Nam đồng chủ trì hội nghị này với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Ngoài ra, tôi cũng sẽ có các cuộc gặp với một số đối tác Việt Nam để bàn về các vấn đề đa phương, gặp gỡ đại diện Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác tại Việt Nam.

Na Uy và Việt Nam đều coi trọng mục tiêu chống biến đổi khí hậu và coi việc gìn giữ các đại dương lành mạnh và hiệu quả là một ưu tiên toàn cầu.

Trong khi chúng tôi đang thấy những hậu quả rõ rệt trên thực tế của biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, thì các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam cũng đang phải chịu những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan với tần suất ngày càng nhiều.

Na Uy và Việt Nam đều là các quốc gia đại dương, đặc biệt quan tâm tới nền kinh tế biển. Chúng ta đều nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải đảm bảo các đại dương thật sạch và thật khỏe để trong tương lai chúng ta vẫn có thể khai thác bền vững các nguồn lợi biển. Đây là bối cảnh để hai nước chúng ta đồng chủ trì Hội nghị.

Những sự kiện như thế này có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động nhận thức và hành động chung để đối phó với những thách thức toàn cầu quan trọng nhất trong thời đại chúng ta.

Tôi tin rằng chúng ta – với tư cách là cộng đồng quốc tế – có thể cùng nhau thúc đẩy chương trình nghị sự về đại dương, khí hậu và môi trường trong năm 2022.

Na Uy và Việt Nam có chung quan điểm về sự cần thiết phải duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng ta sẵn sàng tiếp tục hợp tác và đối thoại trong những vấn đề cả hai cùng quan tâm, ủng hộ các giá trị toàn cầu và hợp tác vì sự phát triển bền vững, xanh hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau!

Năm 2021, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà đánh giá thế nào về quan hệ giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng?

Ngày 25/11/1971, Na Uy là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Suốt 50 năm qua, hai nước đã duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp và đoàn kết.

Quan hệ truyền thống dựa trên hỗ trợ phát triển nay đã trở thành quan hệ đối tác song phương và đa phương bình đẳng tập trung vào thương mại, kinh doanh, cũng như làm sao để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và rác thải nhựa trên biển.

Đều là các quốc gia có đường bờ biển dài, Na Uy và Việt Nam nằm trong số những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Chúng ta tự hào về quan hệ hợp tác lâu năm trong lĩnh vực thủy sản, từ quản lý nhà nước, đến nghiên cứu học thuật, đào tạo nghề, và hợp tác kinh doanh.

Na Uy có chuyên môn và kinh nghiệm vững vàng trong các ngành kinh tế biển bền vững, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Các công ty Na Uy rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, quản lý rác thải (nhựa) và nuôi biển.

Na Uy và Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò nòng cốt, và một trật tự quốc tế vận hành tốt.

Na Uy và Việt Nam đều đặt tham vọng cao cho quá trình chuyển đổi xanh. Chúng ta cần hành động khẩn trương để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.

Tôi rất vui mừng nhận thấy hai nước đang duy trì cơ chế đối thoại và hợp tác chặt chẽ hơn trong một số vấn đề đa phương. Na Uy và Việt Nam có nhiều nội dung ưu tiên giống nhau khi cả hai là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2021, như phụ nữ, hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường, biến đổi khí hậu và an ninh.

ASEAN là cơ chế quan trọng để hai nước hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm, vì Na Uy là đối tác đối thoại theo lĩnh vực trong cơ chế khu vực này.

Các chủ đề xuyên suốt khác như nâng cao vai trò phụ nữ, bình đẳng giới, đảm bảo sự tham gia của người dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương khác cũng luôn được ưu tiên trong chương trình nghị sự chung của hai nước.

Bên cạnh đó, Na Uy và Việt Nam có chung mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ các đại dương lành mạnh và màu mỡ. Chúng ta đều đã gia tăng cam kết về khí hậu. Giờ là lúc chúng ta tập trung thực hiện các cam kết này, duy trì mối quan hệ đối tác vì mục tiêu đó. Biến đổi khí hậu là ưu tiên lớn của Na Uy trong hợp tác phát triển.

Đối với Na Uy, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) là một đối tác quan trọng và tôi cảm thấy khích lệ khi Việt Nam cũng được GCF hỗ trợ.

Khoản hỗ trợ này sẽ giúp trao quyền cho các hộ nông dân nhỏ, dễ bị tổn thương ở khu vực cao nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, giúp họ quản lý tốt hơn các rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng trong nông nghiệp bằng cách đảm bảo việc cấp nước, hỗ trợ nông dân áp dụng các thông lệ canh tác thích ứng với khí hậu, và tăng cường tiếp cận thông tin nông nghiệp khí hậu, tín dụng và thị trường.

Việt Nam dễ bị tác động bất lợi bởi biến đổi khí hậu. Một trong những vấn đề đặc biệt đáng quan ngại là nước biển dâng đã được Việt Nam đưa vào chương trình nghị sự quốc tế.

Tôi hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong vấn đề này.

Na Uy va Viet Nam deu dat tham vong cho quan trinh chuyen doi xanh min - Quốc vụ khanh Na Uy trả lời phỏng vấn độc quyền TG&VN về chuyến thăm Việt NamNa Uy và Việt Nam đều đặt tham vọng cho quán trình chuyển đổi xanh

Bà đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước? Na Uy có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết các hệ lụy của biến đổi khí hậu?

Na Uy và Việt Nam đều đặt tham vọng cao cho quá trình chuyển đổi xanh. Chúng ta cần hành động khẩn trương để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Và nếu không có sự hợp tác toàn cầu, chúng ta không thể giải quyết được các vấn đề chung.

Giờ đây, tất cả các quốc gia phải phối hợp hành động ngay lập tức để thực hiện các cam kết của mình. Điều này có nghĩa là cắt giảm dần điện than, tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo, ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy nhanh việc chuyển sang sử dụng xe điện và giảm phát thải khí methan.

Vấn đề then chốt để đạt được các mục tiêu về khí hậu là phải chuyển đổi cách thức sản xuất và sử dụng năng lượng. Dù các quốc gia đều có chung mục tiêu chuyển đổi xanh nhưng xuất phát điểm của mỗi nước khác nhau. Cơ chế kết hợp năng lượng, tiềm năng, trình độ và nguồn lực cũng khác nhau đáng kể. Không có mô hình chung nào phù hợp cho tất cả.

Về phía Na Uy, chúng tôi sẽ giảm 50-55% lượng khí thải vào năm 2030, giảm tiếp 90-95% vào năm 2050. Là một quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, chúng tôi cũng đang đầu tư nguồn lực vào công nghệ xanh, như điện hóa các phương tiện đi lại, thu giữ và lưu trữ carbon, vận tải biển xanh, hydrogen, gió ngoài khơi và pin.

Na Uy sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu lên 14 tỷ Krone Na Uy (khoảng 1,5 tỷ USD) vào năm 2026. Trong đó, tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tăng ít nhất ba lần.

Chúng tôi sẽ cùng với Việt Nam và các quốc gia khác hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo là vấn đề quan trọng để dần loại bỏ than.

Vì thế, Na Uy đã thành lập Quỹ Đầu tư khí hậu để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và các nước khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo tồn các khu rừng nhiệt đới.

Con đường thực hiện mục tiêu trung hòa carbon mở ra những cơ hội tuyệt vời để đổi mới, tăng trưởng và việc làm bền vững cho mọi quốc gia.

Các công ty Na Uy hiểu rất rõ điều này. Họ đặt cược vào những cơ hội mà công nghệ sạch đem lại ngay từ đầu.

Tnh thần tiên phong đó đang được đền đáp. Tôi vui mừng khi nhận thấy ngày càng nhiều công ty Na Uy quan tâm đến việc xây dựng quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững – không chỉ vì một môi trường trong sạch mà còn vì sự thịnh vượng chung.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Việt Nam và Na Uy đều coi trọng mục tiêu chống biến đổi khí hậu và coi việc gìn giữ các đại dương lành mạnh và hiệu quả là một ưu tiên toàn cầu.

(thực hiện)

Phương Hằng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây