Với chủ đề ‘Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống’, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022 được phát động nhằm nâng cao tầm quan trọng việc cùng hành động xây dựng tương lai chung, hướng tới mục tiêu đến năm 2050 là ‘Sống hài hòa với thiên nhiên’.
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học.
Với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm nay được Liên hợp quốc (UN) phát động nhằm hướng đến việc tạo động lực và hỗ trợ cho khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ được thông qua tại phần hội Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) vào cuối năm nay. Đồng thời, nâng cao tầm quan trọng việc cùng hành động xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.
Để hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các Ban Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các địa phương thực hiện các hoạt động hưởng ứng cũng như tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học trên cả nước.
Trong đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.
Bên cạnh đó, thực hiện việc lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những vấn đề quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học là tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư tại Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Về lâu dài, Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị xây dựng chương trình hành động có định hướng và phù hợp trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc, trong đó phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thông, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học.
Việt Nam nỗ lực hành động bảo tồn đa dạng sinh học
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, và cũng là quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Chỉ còn lại khoảng 0,5 triệu ha rừng nguyên sinh nằm rải rác ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ và hầu hết các rừng ngập mặn nguyên sinh đã biến mất.
Việt Nam có 128 khu rừng đặc dụng tạo ra hệ thống khu bảo tồn của cả nước, chủ yếu là những khu rừng nhỏ và nằm phân tán, một số còn bao gồm các vùng canh tác nông nghiệp và khu dân cư. Phần lớn các loài chim đẹp và động vật có vú lớn đã biến mất. Nhiều khu rừng bị suy giảm không chỉ về phạm vi mà còn cả chất lượng môi trường sống.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan trong các khu vực có rừng càng gia tăng nguy cơ đe dọa sự tồn tại lâu dài của chúng. Trong tổng số 310 loài động vật có vú chính được nhận dạng thì có đến 78 loài đang bị đe dọa (căn cứ theo mức độ bị đe dọa cấp quốc gia), trong đó 46 loài được quốc tế công nhận. Rất nhiều loài trong số đó đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng do quần thể ngoài tự nhiên còn quá nhỏ và bị chia cắt, ví dụ Voọc Cát Bà (Trachypithecus policephalus) còn khoảng 60 cá thể ngoài tự nhiên, Voi châu Á (Elephas maximus) khoảng trên 100 cá thể,…
Trong những năm qua, để bảo vệ đa dạng sinh học, Việt Nam đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được chính phủ phê duyệt như: Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam (2013-2020); Chương trình quốc gia bảo vệ hổ (2014 – 2022); Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Nam, Thanh Hóa…
Theo đánh giá của Bộ TN&MT cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, cần có tầm nhìn và bước đi chiến lược phù hợp. Việt Nam phải tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích từ đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái làm thế nào để được chia sẻ công bằng và hợp lý có sự tham gia của cộng đồng; Cơ chế nào để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, để công tác quản lý bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng; làm thế nào để công tác giữ gìn, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học được triển khai như một hành động thích nghi với biến đổi khí hậu…
Trên quy mô toàn cầu, bảo tồn đa dạng sinh học đang được đặt ra là một vấn đề cần có sự hành động cấp thiết các quốc gia do tình hình suy giảm đa dạng sinh học đang ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, sự tồn tại và phát triển bền vững của nhân loại.
Chính vì vậy, giai đoạn 2021-2030 được Liên hợp quốc xác định là thập niên “Phục hồi các hệ sinh thái”. Mục tiêu và yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học đã trở thành nội dung của nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), Khung toàn cầu về đa dạng sinh học sau 2020 (GBF), Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…
Lan Anh