Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở! – Tác giả: Vương Tâm

Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở! - Tác giả: Vương Tâm

Thành phố Hội An bên sông Hoài (nhánh sông Thu Bồn).

Sông Thu Bồn chủ yếu chảy qua đất Quảng Nam bồng bềnh lên xuống như dải lụa đang bay lượn. Thượng nguồn sông Thu Bồn từ trên dẫy núi Ngọc Linh (Kon Tum), kéo dài chừng 200km tới Cửa Đại rồi trôi ra biển Đông. Khi về gần tới Cửa Đại sông Thu Bồn còn chia thêm các nhánh tạo nên những con sông Trường Giang, Cổ Cỏ, Sông Hoài… Câu hò xứ Quảng xưa luôn cất lên lời ca: ‘Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đóa có sông Thu Bồn’.

Những kỳ tích bên sông

Dòng sông Thu Bồn luôn sống động ào ạt với diện tích rộng lớn. Hàng trăm con suối, lạch nước trên dẫy núi cao 2598 mét dồn tụ và uốn lượn cuồng nhiệt. Con sông như một biểu tượng cho tính cách người Quảng Nam nồng nàn và mê đắm. Tôi may mắn có dịp gặp nghệ nhân gốm ưu tú Lê Đức Hạ tại xưởng gốm bên sông Thu Bồn và càng hiểu thêm sắc thái Quảng Nam qua anh.

Nghệ nhân nhớ lại những thuở hoang sơ khi người Chăm sinh sống ở đây đã khám ra đất đỏ trên sông ra sao. Họ đã dựng lên một đế chế Chăm và ghi dấu ấn lại khu đế vương Mỹ Sơn (xây dựng từ thế kỷ IV đến XIII). Khu di tích lớn này nằm trong khu vực Chăm Amavati gồm các tỉnh Quảng NamĐà NẵngQuảng Ngãi. Nhưng dòng sông Thu Bồn chủ yếu chảy qua Quảng Nam nên Di sản Mỹ Sơn và phế tích kinh thành Trà Kiệu (thời kỳ Lâm Ấp) nằm bên sông thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Đó là thánh địa của vương quốc Chăm Amavati một thuở. Trong ca dao Quảng Nam vẫn còn ghi: “Đêm nằm nghe trống Mỹ Sơn/ Nghe chuông Trà Kiệu, nghe đờn Phú Bông”.

Kiến trúc đất đỏ Mỹ Sơn trở thành di sản thế giới và là một dấu ấn văn hóa độc đáo ở nước ta. Những điệu múa của vũ nữ Apsara dịu dàng bên dòng sông Thu Bồn. Hàng ngàn bản điêu khắc vũ nữ trên tháp Chăm sống động làm say đắm lòng người. Giai điệu Apsara Vũ nữ Chăm luôn vang lên bao đời nay. Hoang dại và đằm sâu: “Ngàn năm trong kiếp đá/ Apsara/ Bàn tay người vũ nữ nét thiên thần/ Trên môi cười diệu nghệ/ Hồn mở ra vóc dáng hình hài/ Phiêu lãng đường trần, mãi rong chơi…”.

Dòng sông cuộn sóng Thu Bồn còn tồn tại những dấu tích khác ở Quảng Nam như tháp hình bát giác Bằng An (Điện Bàn). Bên cạnh đó còn tháp Chiên Đàn (Tam Kỳ) và tháp Khương Mỹ (Núi Thành). Đặc biệt, làng gốm Thanh Hà (Hội An) ở ngay bên sông Thu Bồn, nơi bến cảng của người Chăm xưa giao lưu buôn bán với nước ngoài.

Thành phố Hội An được xây dựng theo kiến trúc cổ mang đậm yếu tố Chăm kết hợp với sắc thái Trung Hoa và Nhật Bản. Toàn bộ gạch ngói, tường sân và mái âm dương của các ngôi nhà hay đền đài đều được người Chăm làm từ đất sét đỏ bên sông Thu Bồn. Đó là những dẫy nhà phố cổ tồn tại hơn ba trăm năm được bảo tồn gìn giữ nguyên bản. Người dân thành Quảng luôn tự hào về thành phố cổ này: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai”, hoặc thơ rằng: “Hội An đất hẹp người đông/ Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”.

Đặc biệt, Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra mùa xuân hàng năm (12/2 âm lịch) trên sông đậm yếu tố văn hóa Chăm và tâm linh người Việt. Từ xa xưa người Chăm coi dòng sông Thu Bồn là nguồn sữa mẹ, hiện thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Silva (thánh tổ Chăm). Thậm chí họ còn coi sông Thu Bồn là dòng sông Hằng (Ấn Độ) thứ hai theo công giáo Hin đu.

Lễ hội Bà Thu Bồn (theo tên Việt, còn tên Chăm là Bô Bô Phu) được hình thành từ thế kỷ XV. Tên sông được gọi theo tên làng Thu Bồn nơi có đền thờ và đình làng tôn vinh bà Thu Bồn theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Lễ hội này đã được Nhà nước ta công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Dòng sông Thu Bồn luôn rộn tiếng ca và đằm thắm tình người. Những ai tới đây đều ghi nhớ trong tâm: “Tô mỳ Quảng đượm tình ai đó/ Vị ngọt bùi thêm nhớ Quảng Nam/ Nhớ đêm trăng sáng Tháp Chàm/ Nhớ người em gái múa Chăm dịu dàng” (Bài chòi).

Sông Thu Bồn duyên dáng của quê tôi

Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ hồn hậu nói với tôi về nhà thơ Thu Bồn cùng quê với anh ở Điện Bàn. Tên khai sinh của nhà thơ là Hà Đức Trọng (1935-2003) và đã lấy tên dòng sông quê hương làm bút danh Thu Bồn. Ông là phóng viên chiến trường Liên khu V ngay trên chính mảnh đất quê hương, sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Thu Bồn nổi tiếng với trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” (1962) cùng hàng chục tác phẩm khác. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2017).

Qua những trường ca và tập thơ của Thu Bồn người đọc luôn rung động bởi những áng thơ xúc động mà ông đã viết về quê hương. Không ai có thể quên hình ảnh: “Vẫn vẹn nguyên môt màu xanh xứ sở/ Như mắt ai xanh tự thuở ban đầu/ Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở/ Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu” (Hôn mảnh đất quê hương). Tâm hồn nhà thơ mỗi lúc một hào sảng về mảnh đất kiên cường nhưng có những giây phút lắng đọng yêu thương: “Anh về với em như con sông về biển/ Chắt chiu dòng nước ngọt nguồn xa/ Hãy nhận lấy dùm anh: con sông nhỏ/ Qua bãi bồi lắng đọng phù sa”.

Hoi dua ghe dien ra hang nam tai le hoi Ba Thu Bon min - Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở! - Tác giả: Vương TâmHội đua ghe diễn ra hàng năm tại lễ hội Bà Thu Bồn.

Đặc biệt với bài thơ “Qua sông Thu Bồn”, nhà thơ đã thể hiện những chùm hình ảnh mang tính tượng trưng chuyển động nhiều cung bậc cảm xúc. Nhịp thơ phát triển trong không gian rộng lớn. Ngay ở những khổ đầu bài thơ ông đã viết: “Dòng sông rộng quá nên lai láng/ Nhịp cầu thường tiễn ta đi xa/ Hỡi con ngựa chiến luôn về biển/ Bất kham dừng lại hóa phù sa”. Quả dòng sông Thu Bồn có diện tích lưu vực khá rộng lớn. Sóng nước luôn cuồn cuộn miên man. Bài thơ dẫn người đọc hết cảm xúc dữ dội tới những lắng đọng thiết tha: “Trọn đời em muốn làm con sóng/ Sông lặng mà em lắc mạn thuyền/ Đàn cá khiếp hồn tuôn nháo nhác/ Làm mắc vầng trăng giữa lưới vàng”.

Và hình ảnh vầng trăng ấy trong thi nhân đã vương lụy nhân tình rằng: “Ta cũng là trăng luôn mắc lưới/ Vớt lên ướt hết nửa cuộc đời/ Đêm đêm hong gió trên triền núi/ Gọi nắng mai lên vá lại trời”. Thật khó ai có thể bay bổng và da diết với quê hương như thế. Nhà thơ gắn bó với con sông từ thuở ấu thơ nhưng lại gửi gắm bao điều lớn lao: “Ta thích làm mây mang bão giông/ Rạch chéo đất trời tia kiếm chớp/ Thức reo làm thác ngủ làm sông”. Đó là những mạch thơ dồi dào, phóng khoáng và ngang tàng điển hình cho phong cách nghệ thuật thi ca của Thu Bồn.

Hương đất sông quê

Tôi vào xưởng gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ với sự tò mò khó cưỡng. Tràn ngập những bức tượng mầu đất đỏ như đang muốn cất lên tiếng nói thầm thì. Nghệ nhân cho biết đất bên sông Thu Bồn rất kỳ lạ. Phù sa được dồn tụ từ trên núi cao Ngọc Linh cùng những dòng sông nhỏ tụ về. Cảng Hội An một thời bị phù sa bồi lấp nên không còn tầu lớn vào ra. Nhưng sông Thu Bồn dồn tụ chắt lọc được những mỏ đất không bao giờ vơi cạn.

Nghệ nhân Lê Đức Hạ xù xì trần ai với đất và nước của dòng sông Thu Bồn. Anh là một trong những nghệ nhân hiếm hoi say mê với điêu khắc gốm. Đó là những chân dung đầy khắc khoải của đời người. Nước sông Thu Bồn và ngọn lửa Quảng Nam đã tạo nên màu hồng tươi sắc đỏ gốm cổ Thanh Hà bao đời nay. Anh yêu con sông và những giọt phù sa tạo nên mảnh đất màu mỡ Thu Bồn.

Nghệ nhân đã làm cho hồn đất tự cất lên bài ca của mình với những cảm xúc mênh mang trên dòng sông quê hương. Dạo trong công viên gốm của Lê Đức Hạ tôi đằm sâu trong không gian đất và lửa Thu Bồn cùng sự ngạc nhiên và kỳ thú. Và đây, ngỡ như mái tóc bồng bềnh và đôi kính của Trịnh Công Sơn như muốn nói với tôi một điều gì đó. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” chăng, hay nhạc sĩ muốn kéo tôi về sự vô thường “Cát bụi”.

Còn kia, gương mặt Văn Cao mủm mỉm trong chòm râu thưa rung rinh trước gió. Nghe như động “Thiên Thai” đang cất lên trong khu vườn. Rồi tôi lại giật mình với ánh mắt hóm hỉnh của Bùi Giáng đang ngâm nga thơ “Nguyên Xuân” thấm đẫm triết lý Phật pháp vô vi. Và nữa một mái tóc dài buông thả trên vai của một người đẹp đang ngước lên cao. Một vẻ đẹp nõn nà cổ cao ba ngấn mà người con gái Quảng Nam thường: “Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu” (ca dao).

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây