Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ: Hiện trạng và triển vọng

Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ: Hiện trạng và triển vọng

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Ấn Độ luôn duy trì được là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, kinh tế Ấn Độ vượt qua PhápAnh vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 3 Châu Á sau Trung QuốcNhật Bản, sức mạnh quân sự và hạt nhân hùng mạnh đứng thứ 5 trên thế giới… Đặc biệt, dưới thời Thủ tướng Modi, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, giữa giá trị hiện đại và tinh thần truyền thống của Ấn Độ đã tạo nên một hình ảnh đất nước Ấn Độ phát triển về kinh tế, hiện đại trong tiềm lực quốc phòng, tiên tiến trong khoa học công nghệ và giàu bản sắc trong các giá trị văn hóa riêng. Sức mạnh tổng hợp quốc gia do đó đã không ngừng được nâng cao, khiến cho quốc gia có 1,4 tỷ dân có sức vươn mình mạnh mẽ, khẳng định được vị thế của một cường quốc đang trỗi dậy, với vị trí mới, là quốc gia trung tâm của khu vực.

Để hiểu hơn nữa về quốc gia này, quý IV/2021, nhà Xuất bản Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát hành chuyên khảo với tựa đề “Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ: Hiện trạng và triển vọng”, ấn phẩm do TS. Trần Hoàng Long, Viện Nguyên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (chủ biên). Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương như sau:

Chương 1. Khái quát về sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Cung cấp các vấn đề liên quan đến định nghĩa, công thức xác định sức mạnh tổng hợp quốc gia; Cách tiếp cận, đánh giá sức mạnh tổng hợp quốc gia; Tư duy của Ấn Độ về vai trò của sức mạnh tổng hợp đối với sự phát triển của quốc gia. Qua đó, nhóm tác giả nhận định: Về lý thuyết sức mạnh tổng hợp quốc gia, cơ sở lý luận chỉ rõ, đó là sự tích hợp, cấu thành của nhiều yếu tố. Trong đó phải kể tới là yếu tố địa lý, tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ (sức mạnh cứng) là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa trong việc tạo dựng sức mạnh, quyền lực của một quốc gia thì phải nhấn mạnh tới yếu tố chính phủ và chính sách, cụ thể là năng lực định hướng, tư duy chiến lược của nhà cầm quyền trong việc đưa ra và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia, năng lực thuyết phục người khác làm theo mình chứ không áp đặt, cưỡng chế bằng sức mạnh. Sức mạnh tổng hợp quốc gia vì thế được coi là phương tiện, là mục đích để một quốc gia duy trì và giành được lợi thế của mình trong quan hệ quốc tế.

Về cách tiếp cận của Ấn Độ đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhóm tác giả cho rằng trong chiến tranh Lạnh, chủ trương xây dựng đất nước của Ấn Độ là độc lập, tự chủ, tự cường, không liên kết, giữ thái độ ôn hòa trong quan hệ quốc tế. Chính chủ nghĩa lý tưởng này đã làm cho Ấn Độ trở thành một trong những nước có uy tín cao trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc và phong trào không liên kết. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã tiến hành cải cách, coi trọng chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc “tự chủ chiến lược, đề cao sức mạnh kinh tế, quân sự, văn hóa cũng như đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, luôn chủ động và tích cực khi tham gia vào các thể chế hợp tác đa  phương trong khu vực và toàn cầu… Nhờ đó nền kinh tế của Ấn Độ đã được cải cách và đa dạng hóa từ thời kỳ này và đã đi vào trạng thái ổn định, phát triển, sức mạnh tổng hợp quốc gia cũng vì thế ngày càng được củng cố và gia tăng.

Chương 2. Hiện trạng sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ

Cung cấp các thông tin liên quan đến sức mạnh cứng (trong lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ); sức mạnh mềm (trong lĩnh vực nhân tố lãnh tụ, chính trị, văn hóa, giáo dục, chính sách ngoại giao công chúng và sự tham gia của Ấn Độ vào các thể chế quốc tế, cộng đồng Ấn kiều). Các tác giả cho rằng:

Về sức mạnh cứng: Sự tăng trưởng của nền kinh tế chính là nguồn cung và là động lực quan trọng cho quá trình hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ; số lượng nhà khoa học và kĩ sư của Ấn Độ nhiều thứ 2 trên thế giới đã trở thành động lực cho ngành CNTT và phần mềm (IT) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng GDP của Ấn Độ.

Về sức mạnh mềm: Ấn Độ được đánh giá là quốc gia có tinh thần khoan dung, yêu chuộng hòa bình, tinh thần này đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong trào chung trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới tinh thần dân chủ, tự do và yêu chuộng hòa bình của nhân loại. Bên cạnh đó Thủ tướng Modi là đại diện cho thế hệ lãnh đạo đương đại ưu tú của Ấn Độ với chính sách ngoại giao khôn khéo và năng động, cải cách kinh tế đã giúp nền kinh tế Ấn Độ có bước phát triển thần kỳ, nâng tầm Ấn Độ trên trường quốc tế. Không những vậy, khi nói tới Ấn Độ không thể không nói tới Yoga và điện ảnh Bollywood: nhờ những tác động thần kỳ tới sức khỏe thể chất và tinh thần con người mà Yoga đã thẩm thấu một cách tự nhiên và phổ biến nhất trên toàn thế giới, giúp cho đặc sắc của Ấn Độ được lan tỏa, trở thành chiến lược trung tâm trong ngoại giao mềm của quốc gia này. Mặt khác, chính sách ngoại giao chuyển hướng theo ngoại giao đa liên kết cụ thể là “chính sách hành động phía Đông” tăng cường mở rộng quan hệ các nước phía Đông nhằm tận dụng nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng tầm ảnh hưởng ra các nước châu Á – Thái Bình Dương… Do đó, tổng hòa của những yếu tố nói trên đã giúp tạo nên một hình ảnh đất nước Ấn Độ luôn thân thiện, hòa bình và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, sự tương xứng giữa hai nguồn sức mạnh này vẫn chưa đồng đều đã khiến cho Ấn Độ chưa thể trở thành cường quốc trên phạm vi thế giới. Bên cạnh đó, do tác động mặt trái của di sản lịch sử để lại, cũng như tồn tại sự phân biệt hà khắc về đẳng cấp và tôn giáo, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, nhất là chưa thể phát huy tốt được các nguồn lực bên ngoài của cộng đồng người Ấn, sự thiếu đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư tư nhân và sự cố kết dân tộc chưa cao là những rào cản ảnh hưởng đến công cuộc phát triển chung của Ấn Độ, cùng với đó là sự phân hóa giàu nghèo, sự đề cao quá mức của chính quyền địa phương và tham nhũng đã góp phần làm cho sự cấu kết nội lực chưa đủ mạnh, làm suy yếu và ảnh hướng đến sự phát triển sức mạnh tổng hợp nói chung ở quốc gia này.

Chương 3. Triển vọng sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ và cơ hội hợp tác với Việt Nam

Cung cấp các thông tin liên quan tới: Đánh giá chung về sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ (qua các tiếp cận về đặc điểm sức mạnh tổng hợp, tác động của sức sức mạnh tổng hợp); Triển vọng sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ (qua các tiếp cận: về nhân tố tác động; triển vọng phát triển sức mạnh tổng hợp); Cơ hội hợp tác của Ấn Độ và Việt Nam (cơ hội và hàm ý chính sách), nhóm tác giả cho rằng: Đến năm 2030 triển vọng sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ có thể diễn ra theo chiều hướng như sau: Ấn Độ vẫn tiếp tục được phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, sức mạnh tổng hợp bị tác động bởi nhiều thách thức trong đó phải kể tới là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Về chính trị, trong tương lại gần, ở Ấn Độ có chiều hướng phát triển chính phủ liên minh do Đảng Quốc đại và Đảng Nhân dân Ấn Độ liên minh lãnh đạo. Về kinh tế, mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình nhưng hiệu quả đạt được thấp, đối diện với thách thức về an ninh năng lượng, cơ sở hạ tầng. Do đó, Ấn Độ vẫn thuộc quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Về sức mạnh quân sự, do những hạn chế về tiềm lực kinh tế dẫn đến mức chi tiêu quốc phòng giảm. Về sức mạnh mềm và đối ngoại, Ấn Độ giữ mức ảnh hưởng tầm trung, chưa thể trở thành một quốc gia hàng đầu và chỉ đạt được là một “thế lực bá quyền” ở Nam Á, so với các siêu cường khác, Ấn Độ vẫn còn một khoảng cách khá xa để trở thành một đối trọng ngang bằng.

Dựa trên những điểm mạnh và hạn chế của sức mạnh tổng hợp quốc gia Ấn Độ, nhóm tác giả đề xuất được một số hàm ý chính sách với Việt Nam như sau: Thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ; Tận dụng sức mạnh kinh tế, công nghệ đang lên của Ấn Độ để mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực về CNTT và an ninh mạng; Tranh thủ tối đa uy tín của nền ngoại giao hòa bình Ấn Độ để mở rộng hợp tác đa phương; thúc đẩy ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân và gắn kết về các giá trị văn hóa chung. Mở rộng thêm các hợp tác song phương, trú trọng đi vào thực chất và có hiệu quả xứng đáng với quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện Việt – Ấn), góp phần xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà


Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ: Hiện trạng và triển vọng

Tác giả :

  • TS. Trần Hoàng Long (chủ biên)
  • ThS. Nguyễn Thị Oanh
  • ThS. Nguyễn Lê Thy Thương
  • TS. Trần Thị Hải Yến
  • TS. Huỳnh Trọng Hiền
  • TS. Trần Xuân Hiệp
  • TS. Võ Minh Hùng
  • ThS. Nguyễn Thị Doan
  • TS. Lê Tùng Lâm
  • ThS. Nguyễn Trung Đức
  • ThS. Nguyễn Đắc Tùng

Địa chỉ liên hệ: 176 Thái Hà

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 370

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây