Giới thiệu ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc

Giới thiệu ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt NamHàn Quốc (22.12.1992 – 22.12.2022), sáng ngày 30.9.2022 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức giới thiệu cuốn Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc. Đây là ấn bản đặc biệt về văn học Hàn Quốc do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức giới thiệu. Một minh chứng về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn học.

Đến dự cuộc giao lưu, giới thiệu cuốn sách đặc biệt này có sự hiện diện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn; ông Suk Jin Young – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài ra còn có sự hiện diện của Giáo sư – dịch giả Ahn Kyong Hwan, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam đã từng đến thăm, giao lưu văn hóa và có nhiều tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Hàn Quốc và các cơ quan báo chí, truyền hình cùng rất nhiều bạn sinh viên đang theo học các chuyên ngành về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, xã hội Hàn Quốc.

Xuất phát từ ý tưởng muốn có một ấn phẩm đặc biệt, nội dung chuyên về văn học Hàn Quốc và những kỉ niệm đẹp của các nhà văn Việt Nam đã từng đặt chân đến đất nước giàu truyền thống văn hóa, lịch sử này, bằng ngôn ngữ tiếng Việt, lãnh đạo của NXB Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc đã phối hợp để kịp thời ra mắt cuốn sách vào đúng dịp tháng 9 mùa thu, cũng là mùa hoa kiều mạch nở trắng trên những cánh đồng Hàn Quốc.

Mở đầu buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao về sự phổ cập và phát triển văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Ông bày tỏ sự biết ơn về sự hợp tác chặt chẽ, chân thành hiệu quả của các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là các dịch giả.

Ông thấy ở Hàn Quốc có sự trọng thị thi ca, yêu thi ca đặt thi ca như một tôn giáo của ngôn ngữ, của trí tượng tượng, của tình yêu, của sự chìm sâu vào tầng lớp văn hóa. Ở Hàn Quốc ông nhìn thấy sự tương đồng cơ bản về văn hóa, về tôn giáo, về ẩm thực, đặt lòng tin rất nhiều về các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc.

An pham Viet va Doc chuyen de Van hoc Han Quoc min - Giới thiệu ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn QuốcẤn phẩm Viết và Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc.

Chưa bao giờ sự hợp tác giữa các nhà văn nhà thơ hai nước lại phát triển mạnh mẽ đến như vậy, hơn tất cả các nước khác. Ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc có sự hiện diện những cây bút hàng đầu của văn học Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua và cả những tác giả trẻ, đại diện cho tương lai của văn học Hàn Quốc. Bên cạnh đó là những hồi ức của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từng có dịp tới thăm Hàn Quốc, được bạn bè, người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu, khắc ghi trong tâm khảm những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về đất và người xứ sở Kim chi.

Với người đọc Việt Nam, đây là dịp để hiểu biết thêm về văn học Hàn Quốc, một nền văn học có truyền thống đẹp đẽ, sức sống lâu bền nhưng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Còn đối với những người Hàn Quốc biết và sử dụng tiếng Việt, ấn phẩm này là một cơ hội để đọc lại văn chương quê hương xứ sở qua con mắt của các dịch giả người Việt, những người đã chuyển soạn tài tình các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang ngôn ngữ quê hương thứ hai của mình.

Ông coi đây là dấu mốc tiến tới kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hy vọng có nhiều cuộc tọa đàm để trao đổi văn học về dịch thuật. Ông gửi lời cảm ơn các nhà văn nhà thơ đã xây dựng lên cây cầu đẹp đẽ bằng văn chương, bằng ngôn từ, bằng văn hóa của dân tộc mình.

Ong Suk Jin Young – Giam doc Trung tam Van hoa Han Quoc tai Viet Nam min - Giới thiệu ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn QuốcÔng Suk Jin Young – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam

Ông Suk Jin Young – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: Với người Hàn Quốc thì văn học là công cụ để xoa dịu tâm hồn, giúp  con người có nhiều ước mơ hoài bão hơn, và ông mong muốn thông qua văn học con người của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng nhau xoa dịu nỗi đau và tìm ra được ước mơ, hoài bão, tình yêu.

Để đạt được điều này ông mong muốn tác giả của hai nước sẽ cùng nhau hợp tác phát triển hơn nữa. Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam  sẽ luôn nỗ lực và đồng hành cùng.

GS – dich gia Ahn Kyong Hwan min 1 - Giới thiệu ấn phẩm Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn QuốcGS – dịch giả Ahn Kyong Hwan

GS – dịch giả Ahn Kyong Hwan là người từng dịch 7 tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hàn, trong đó có 6 tác phẩm đã xuất bản tại Hàn Quốc. Các tác giả có tác phẩm đã được ông dịch gồm: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thùy Trâm, Mai Văn Phấn, Đỗ Bích Thúy. Ông sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm các tác phẩm giá trị của văn học Việt Nam để dịch và xuất bản tại Hàn Quốc, tham gia tổ chức một số buổi hội thảo về tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam.

GS – dịch giả Ahn Kyong Hwan còn giảng dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Hồ Chí Minh trong các trường ở Hàn Quốc. Ông được đánh giá là người am hiểu sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được coi là một “nhà Hồ Chí Minh học”. Ông đã từng chủ trì tổ chức 4 hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2 hội thảo về Nguyễn Du tại Hàn Quốc.

Đến buổi giao lưu ông mong rằng sẽ có nhiều bước phát triển văn học hơn nữa ở tương lai, và sẽ lỗ lực với công việc dịch thuật này. Ông rất tâm đắc với câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, ông nói văn học phải xuất phát từ chữ Tâm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là người cũng đã từng đặt chân đến Hàn Quốc, ca ngợi thi ca của Hàn Quốc và đọc liền 5 bài thơ Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt. Ông mong có thêm nhiều chuyên đề về văn chương Hàn Quốc hiện tại, một đất nước Hàn Quốc gần gũi đầy thân quen và bí hiểm.

Trong một khoảng thời gian 30 năm qua, hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cuộc giao lưu, trao đổi văn hóa, văn học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Rất nhiều nhà văn Việt Nam khi từ Hàn Quốc trở về, đã coi đây là một đất nước mà mình sẽ còn nhiều lần trở lại với một miền đất mang nhiều duyên nợ. Nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Quang Đạo, dịch giả Lê Đăng Hoan chia sẻ về những trải nghiệm tuyệt vời ở xứ sở Kim chi.

Người Hàn Quốc có câu: Dù không ở gần nhau nhưng tôi vẫn dõi theo bạn! Ấn phẩm về văn học Hàn Quốc mở ra một cánh cửa để người đọc Việt Nam có thể dõi theo nền văn học Hàn Quốc, dõi theo tâm tư tình cảm của những người bạn nhiều duyên nợ và không ít những tương đồng lịch sử.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây